TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/04/2024

Nỗi lo về “đầu vào” của một số trường đại học

15:40 01/10/2020
Logo header Những năm gần đây, nhiều trường đại học có cách thức xét tuyển nhập học rất “mới” nhưng không đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đầu vào, khiến dư luận không khỏi băn khoăn...

Ảnh minh họa

Cách cửa đại học “rộng mở’ đúng nghĩa 

Năm 2020, bên cạnh phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học lại có thêm các phương án tuyển sinh mới. Qua đó, thí sinh thậm chí có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển vào cùng một trường đại học để tăng cơ hội trúng tuyển. Đó là các phương thức tuyển sinh bằng điểm học bạ THPT và tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tùy theo nguyện vọng do thí sinh đăng ký xét tuyển. Đồng thời một thí sinh có thể đồng thời đăng ký cả hai phương thức như trên... Thậm chí, một số trường đại học còn có “sáng kiến” mở rộng phương thức xét tuyển thẳng đối với những thí sinh đạt các giải môn học như tin học, vật lý, tiếng Anh... các thí sinh này có thể chọn học trong các trường đại học theo nguyện vọng của mình... 

Với thực trạng xét tuyển đại học như đã đề cập ở trên, có thể nói chưa bao giờ cánh cửa các trường đại học lại “mở rộng” một cách quá dễ dãi đối với thí sinh như hiện nay...

Nhiều thí sinh bất ngờ “trúng tuyển” đại học

Cẩn thận “đi trước một bước”, có nhiều trường đại học đã nhanh nhảu tuyển sinh ngay cả khi thời điểm khai giảng năm học mới còn cách rất xa. Các trường cũng tuyển sinh theo những cách thức rất riêng, khiến nhiều phụ huynh và thí sinh, thay vì vui mừng, lại không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được tin trúng tuyển và cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học và giấy mời nhập học của một số trường đại học...

Nhiều thí sinh còn chia sẻ với bạn bè rằng mình không chỉ nhận được một, mà cùng lúc đã nhận được hơn một giấy báo trúng tuyển đại học bằng thư qua đường bưu điện và cả thư điện tử của nhiều trường đại học khác nhau. Thời điểm nhận được giấy báo trúng tuyển đại học lại đúng vào lúc nhiều thí sinh đang tập trung ôn thi tốt nghiệp PTTH, chưa dự kiến mình sẽ dự thi vào một trường đại học nào. Trong số các thí sinh nhận được giấy trúng tuyển đại học quá sớm như trên, có nhiều em cho biết chưa đăng ký cũng như chưa nộp hồ sơ vào các trường đại học, nhưng không biết vì lý do gì mà trường có địa chỉ của nhà mình, cũng như địa chỉ hộp thư điện tử để gửi thông báo nhập học. Trong đã số các thông báo nhập học này, bên cạnh việc chúc mừng thí sinh đã trúng tuyển, còn có phần nêu rõ các khoản chi phí, đóng góp cho cả quá trình học tại trường..

Theo nhiều nhà chuyên môn, hiện nay tình trạng cạnh tranh tuyển sinh ở các trường đại học diễn ra khá gay gắt. Nhiều trường với mong muốn tuyển cho đủ  sinh viên nên đã “đi tắt đón đầu” tuyển sinh trước. Đây là việc làm sai quy định, bởi trong quy chế tuyển sinh, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo đã cập nhật điểm thi của thí sinh trên hệ thống thông tin của Bộ này thì các trường đại học mới được căn cứ vào đây để tuyển sinh. Tuy nhiên các trường đã tự động tuyển sinh trước mà không cần đợi có thông báo của Bộ Giáo dục Đào tạo. Cạnh đó, kể cả nếu trường đại học nào không tuyển sinh qua điểm thi THPT mà sử dụng phương án tuyển sinh khác (như xét học bạ) thì cũng phải đợi thí sinh thi tốt nghiệp, công nhận đã tốt nghiệp mới được thông báo trúng tuyển...

Nguyên nhân do đâu mà ra...

Hiện nay theo nhiều học sinh THPT cho biết, có một số trường đại học thường xuyên cử người đến các trường THPT để “nghiên cứu” và thu thập dữ liệu của học sinh, rồi trên cơ sở đó về trường soạn danh sách để làm giấy báo trúng tuyển và nhập học cho sinh viên. Thậm chí có trường đại học các cán bộ, giáo viên của trường cũng chẳng cần phải về các trường THPT để nghiên cứu, mà chỉ cần tại trường tra cứu dữ liệu của học sinh rồi từ đó lựa chọn, gửi giấy báo trúng tuyển đại học và nhập học... Tình trạng này đã đưa đến hệ quả tất yếu: có rất nhiều học sinh học lực yếu kém, kiến thức bị bỏ trống nhiều, không đáp ứng được chất lượng đầu vào nhưng vẫn được tuyển thẳng vào các trường đại học, miễn là đáp ứng được yêu cầu về học phí, kinh phí, lệ phí... và các loại phí khác. Cạnh đó với việc hàng năm có rất nhiều sinh viên ra trường sẽ dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa” cử nhân, đồng nghĩa với thiếu việc làm cho các em...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Nhưng một trong những nguyên nhân chính, nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây, có vô số trường đại học đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Trong đó có cả trường đại học công và đại học tư. Cạnh đó có nhiều trường đại học mở thêm các ngành học mới. Hệ quả tất yếu là khi có thêm nhiều trường đại học với nhiều các ngành nghề, thì việc thiếu sinh viên nhập học là điều khó tránh khỏi. Khi đó, các trường buộc phải nghĩ ra các “chiêu” thu hút sinh viên. Bởi với cơ chế tự chủ như hiện nay, thiếu sinh viên đồng nghĩa với việc trường thiếu kinh phí hoạt động, giảng dạy; cán bộ, giảng viên và gia đình họ sẽ gặp khó khăn trong đời sống, sinh hoạt; dẫn đến nguy cơ trường bị đóng cửa...

Và thực trạng đào tạo đại học với đầu vào không kiểm soát như đã đề cập, cũng tất yếu sẽ dẫn đến các sinh viên ra trường yếu kém về năng lực chuyên môn, không thể làm tốt chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao. Đội ngũ cán bộ của bộ máy nhà nước, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội, được bổ xung ngày càng nhiều các cử nhân có xuất phát điểm như vậy, sẽ ngày càng yếu kém, dẫn đến sự yếu kém của cả xã hội, cộng đồng. Đây thực sự là mối nguy hại tiềm tàng nếu chúng ta không kịp thời có những giải pháp khắc phục ...

Các cử nhân ra trường phải trở thành công dân có ích cho xã hội

Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt vấn đề “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, trong đó giáo dục đào tạo bậc đại học là rất quan trọng. Theo nhiều chuyên gia, giáo dục đào tạo đại học hiện nay cần phải có nhiều chấn chỉnh. Trước hết Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ việc cho mở các trường đại học mới. Đồng thời phải nâng cao chất lượng của hệ thống các trường đại học trong cả nước. Rà soát, đánh giá, sắp xếp, chấn chỉnh lại hệ thống các trường để đi vào hoạt động hiệu quả, nề nếp. Cạnh đó các trường đại học phải có kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm hợp lý về đầu vào, đầu ra cân đối với nhu cầu xã hội, tránh việc mở lan tràn các ngành học mới, đào tạo ồ ạt. Hệ thống các trường PTTH và đại học phải xây dựng phương án đào tạo cho phù hợp ngay từ các cấp, giúp học sinh có sự lựa chọn đúng đắn nghề nghiệp tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng. Ở các nước có nền giáo dục phát triển, hệ thống trường học luôn có các trung tâm tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhà trường cũng cần phối hợp với phụ huynh và học sinh trong việc hướng nghiệp cho các em từ sớm, tránh bị làm việc trái ngành nghề trong tương lai. Đặc biệt, các trường đại học phải chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp các cử nhân ra trường thực sự có đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn cao, có thể đảm đương nhiệm vụ được giao và trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

Bình luận: 0