TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

15:44 18/03/2021
Logo header Cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học kỹ thuật từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX đã trở thành dấu ấn quan trọng, là cột mốc vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. Với vai trò là động lực của sự phát triển, cuộc cách mạng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền tảng của cuộc cách mạng này là những phát kiến vĩ đại và những đổi mới công nghệ có tính đột phá trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học và công nghệ, công nghiệp diễn ra trong suốt thế kỷ XX vừa qua. Bước sang thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ đã trở thành động lực phát triển hàng đầu của nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới. Sau khi đưa tư duy của con người vào trong quá trình phát triển của lực lượng sản xuất, khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng dẫn đường và là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế toàn cầu hóa.

Ở Việt Nam, sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước đã phá vỡ được sự trì trệ, phát huy năng lực lao động, sáng tạo mạnh mẽ và dồi dào của con người Việt Nam. Nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và rất quan trọng làm cho thế và lực của đất nước không ngừng tăng lên. Trong sự thành công đó, không thể không kể đến tầm quan trọng của khoa học và công nghệ. Nhận thức rõ vai trò này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả , tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển khoa học công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 cũng nhấn mạnh: “Phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điều tiết nguồn cấp nước trước khi đưa vào sản xuất nước sạch

Trên cơ sở những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nền khoa học công nghệ nước nhà đã có những bước tiến tích cực, gắn bó hơn với sản xuất và đời sống. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới đã được ứng dụng, góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các nghành sản xuất nông nghiêp, y tế, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, dầu khí, xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh... Lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ đã trưởng thành một bước và có nhiều cố gắng thích nghi với cơ chế mới, có khả năng tiếp thu, làm chủ được tri thức, công nghệ hiện đại trên một số ngành và lĩnh vực kinh tế góp phần tập hợp, có thêm điều kiện để phát huy khả năng và công hiến cho sự nghiệp chung. 

Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nền khoa học và công nghệ nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển, chưa tạo ra được những năng lực khoa học và công nghệ cần thiết để thực sự trở thành nền tảng và động lực cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trình độ công nghệ thấp, chậm được đổi mới trong nhiều nghành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý. Sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước chưa nhiều, tỷ lệ ứng dụng vào sản xuất và đới sống còn thấp, tình trạng nhập khẩu các thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, kém hiệu quả ảnh hưởng xấu đến năng xuất lao động. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy tăng về số lượng, nhưng tỷ lệ trên số dân còn thấp so với các nước trong khu vực, chất lượng chưa cao, còn thiếu nhiều cán bộ đầu nghành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia về công nghệ. Quan trọng nhất, khoảng cách từ việc nghiên cứu đến ứng dụng trong thực tiễn còn lớn, việc tiếp nhận công nghệ tiên tiến của nước ngoài chưa có bước phát triển xứng tầm. Trước bối cảnh đó, việc phát triển thị trường, dịch vụ chuyển giao công nghệ là một nhu cầu tất yếu và khách quan. 

Chuyển giao công nghệ là một khái niệm mới xuất hiện trong mấy thập niên gần đây, nhưng đã nhanh chóng trở thành vấn đề thời sự, được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nước đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá như nước ta. Việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược làm như thế nào để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ tiên tiến nước ngoài vào sản xuất trong nước cũng như việc triển khai đưa công nghệ trong nước vào thực tiễn sản xuất ở từng ngành, từng lĩnh vực và từng khâu trong quy trình hoạt động sản xuất được coi là khâu then chốt bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. 

Thực tế cho thấy, quá trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Các dự án chuyển giao công nghệ còn quá ít, chính sách mở cửa đối với nhà đầu tư chưa thật thông thoáng và hấp dẫn, chiến lược kinh doanh cụ thể còn chưa thực sự chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ tiên tiến, các nhà doanh nghiệp chưa ý thức được đầy đủ vị trí, vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Tình trạng chuyển giao công nghệ và trang thiết bị có trình độ thấp, công nghệ thải loại của các nước còn xảy ra phổ biến. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chủ yếu là do những hạn chế trong việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ, mà một trong những thành phần cốt lõi của nó là dịch vụ chuyển giao công nghệ vẫn còn rất sơ khai. 

Thị trường công nghệ ở nước ta hiện nay đang tồn tại sự hạn chế về thông tin ở cả chủ thể cung cấp và chủ thể ứng dụng công nghệ. Những nhà cung cấp công nghệ (các viện nghiên cứu, các trường đại học, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước) có ít kinh nghiệm trong việc giới thiệu, định giá, chào bán các hàng hoá công nghệ, có ít thông tin về nhu cầu của xã hội. Mặt khác, bên cầu lại có ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hoá công nghệ. Trong tình hình như vậy, dịch vụ chuyển giao công nghệ bao gồm các hoạt động môi giới, tư vấn chuyền giao công nghệ, đánh giá, định giá, giám định công nghệ cũng như xúc tiến quá trình chuyển giao công nghệ là cầu nối hữu hiệu giúp đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ cũng như phát triển thị trường chuyển giao công nghệ. Đây là một chuỗi xuyên suốt và là cốt lõi quyết định sự thành công của quá trình giao công nghệ. Khi chưa phát triển được dịch vụ chuyển giao công nghệ, hai vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay là thông tin về công nghệ được chuyển giao và các vấn đề nảy sinh trong quá trình chuẩn bị và vận hành chuyển giao công nghệ sẽ vẫn là rào cản lớn ảnh hưởng đến hoạt động chuyển giao công nghệ ở nước ta cũng như kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế. Có thể nói, phát triển dịch vụ chuyển giao công nghệ là yêu cầu quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ cũng như tạo bước nhảy cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ThS. Nguyễn Đình Phúc

Ảnh: NSNA Nhật Thăng

Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

(Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Bộ: Nghiên cứu đề xuất giải pháp thúc đẩy dịch vụ chuyển giao công nghệ)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0