Phát triển kinh tế làng nghề sẽ luôn đảm bảo tính bền vững
Bàn tay người thợ
Thành quả nêu trên đã minh chứng cho các bước phát triển vững chắc của các làng nghề vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và các cá biệt của địa phương. Phát triển các làng nghề thủ công không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế cho địa phương, mà còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán, những nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc. Hiện nay, trước sự phát triển của nhiều ngành nghề hiện đại, cùng sự đô thị hóa nhanh chóng, nhiều miền quê trên cả nước cũng dần chuyển mình trở thành các khu công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống không bị mai một với những sản phẩm độc đáo mang đậm giá trị văn hóa lịch sử Việt Nam. Sản phẩm của các làng nghề luôn được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của kinh tế xã hội với các giá trị lớn lao, thể hiện rõ và bảo tồn những sắc thái độc đáo của dân tộc. Điển hình như nghề mộc ở làng Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhờ phát huy được truyền thống bách nghệ của Xứ đoài, từ nhiều năm nay, đã trở thành làng nghề sản xuất các sản phẩm gỗ dân dụng sầm uất nhất khu vực. Bởi vậy, các hoạt động giao thương nơi đây luôn tấp nập suốt ngày đêm, tiếng cười nói rộn rã hòa với dòng người hối hả ngược xuôi… Hữu Bằng mang trong mình đặc điểm một làng nghề nổi tiếng có lịch sử truyền thống lâu đời, đất chật nhưng người thì đông. Trước đây xã vốn là một làng nghề dệt truyền thống có tiếng. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề dệt dần bị thay thế cho nghề kinh doanh các sản phẩm từ gỗ.
Là một xã nằm ở phía Đông Nam huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội 30 km về phía Tây Bắc, cách trung tâm huyện 3 km, xã Hữu Bằng có tổng diện tích tự nhiên 186,14 ha, nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng núi Hòa Bình và đồng bằng sông Hồng. Địa hình nơi đây mang đặc trưng nông thôn đồng bằng Bắc bộ với dân số trên 17.000 nhân khẩu, 4.200 hộ dân, tập trung ở 9 thôn. Hiện nay, vì nghề sinh kế chủ yếu của bà con là nghề mộc gia dụng (gỗ và các sản phẩm từ gỗ) nên các dịch vụ phụ trợ và sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Nhờ lợi thế về lao động và nguyên liệu dồi dào mà các sản phẩm tại đây có mẫu mã đẹp mà giá thành lại khá rẻ là ưu thế tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập trung bình. Đa phần các sản phẩm được sản xuất dưới dạng phân đoạn, khi đến tay người tiêu dùng sẽ lắp ghép tổng thành, rất thuận tiện cho thay thế và vận chuyển. Khi di chuyển trong khu vực làng nghề, không khó để thấy hình ảnh những chiếc xe vận tải chạy điện, có thể chở được 1,5 tấn hàng/1 xe, chuyên dùng vận chuyển các mặt hàng gỗ tại địa phương, giúp tiết kiệm xăng dầu, giảm tiếng ồn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong những năm qua Hữu Bằng đã và đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo, tinh thần dân tộc, phát huy tốt vai trò trong việc truyền lửa, giữ lửa cho sự lớn mạnh không ngừng của nghề truyền thống. Ông Phan Văn Tý – Cán bộ tổng hợp Văn phòng UBND xã Hữu Bằng chia sẻ: “Tổng thu nhập từ sản xuất kinh doanh năm 2019 của xã đạt 755 tỷ đồng, bao gồm 65% nguồn thu từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, 27% từ du lịch, dịch vụ thương mại, thu nông nghiệp dưới 1%. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,03%, thu nhập bình quân nhân khẩu khoảng 80 triệu đồng/người/năm, xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt Chuẩn Nông thôn mới năm 2017”. Theo thống kê, toàn xã Hữu Bằng có hơn 4.000 hộ thì hơn có khoảng 1.500 hộ chuyên nghề sản xuất các đồ dùng mộc gỗ dân dụng, đã giúp cho hơn 5.000 lao động tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo tay nghề. Hiện tại, thị trường chủ yếu của đồ gỗ gia dụng Hữu Bằng là tại Hà Nội. Ngoài ra, các sản phẩm từ làng nghề đã vươn tới các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Bắc. Nhìn chung, sự phát triển nhanh, mạnh và tính tự chủ trong cơ chế thị trường, sự bứt phá trong giải phóng sức lao động của cộng đồng dân cư nơi đây là rất đáng tự hào. Đồng thời, Nhà nước cũng đưa ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nghề thủ công truyền thống. Năm 2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu làng nghề; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề như: hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề…
Có thể thấy, sự phát triển tiểu thủ công nghiệp nói chung và nghề thủ công truyền thống nói riêng chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế, nhưng làng nghề Hữu Bằng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) công nhận tại Quyết định số 351 QĐ/UB và được cấp Bằng công nhận Làng nghề đồ mộc, may Hữu Bằng từ ngày 27/3/2001. Để những nghệ nhân làng nghề Hữu Bằng có cơ hội phát huy tay nghề, tự giải phóng nguồn lực, góp phần thiết thực vào Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng là cần thiết. Năm 2019, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng. Việc thành lập Cụm sẽ đẩy nhanh việc di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của làng nghề kết hợp xây dựng một thương hiệu mạnh cho các doanh nghiệp tại làng nghề, tạo nền tảng vững bền vươn lên khẳng định vị thế của mình trên thương trường, phát triển kinh tế địa phương mang tính bền vững, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ trên địa bàn.
Xuân Bách
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)