TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Quán cóc bên đường

21:31 29/10/2020
Logo header Là nơi tụ tập những gánh hàng rong, quán nhậu, là chốn lui tới của những cuộc đời cơm hàng cháo chợ. Thế nên cứ những buổi khuya mát trời, tôi sà xuống ngồi trên những chiếc ghế thấp bé trước một cái bàn đựng đầy sò huyết…

Nhưng không phải ai cũng ăn sò huyết như tôi, bà chị bán hàng cũng biết thế nên trên chiếc bàn nhỏ bé nọ còn đủ các thứ linh tinh khác như hột vịt lộn, ốc hương, ốc hút… Mùi vị của chúng rất khác nhau nhưng dường như chúng thuộc về một chủng loại nên được tập trung vào tay của một người bán. Sau lưng tôi lại là một cái quán khác, gồm một chủng loại khác như mề gà, lòng vịt và cũng thu hút nhiều kẻ ăn khuya. Bên cạnh bà chị sò huyết là một bà chị chuyên bán cháo trắng ăn với cá khô, vịt muối và dưa mặn. Xa hơn một chút là xe mì rồi đến hàng chè sâm bổ lượng. 

Các khu vực quán cóc khác trong thành phố thường hao hao như nhau, dường như chúng có một cấu trúc riêng về chủng loại. Ưa ăn cháo trắng nhất là các cô gái mặc đồ bộ, uể oải từ trong hẻm đi ra, ngồi ăn không nói tiếng nào. Ăn uống mạnh bạo nhất thường là các anh công nhân mặc đồng phục màu xanh đậm, hẳn các anh làm ca khuya phải ăn để lấy sức. Cũng có những cặp vợ chồng còn trẻ, mặt mày hốc hác, đôi mắt đăm chiêu, người vợ im lặng đập trứng cho chồng… Rồi ở Thủ đô Hà Nội cũng vậy, từ lâu, cái thú ngồi vỉa hè uống cà phê, trà nước đã như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức những người Hà Nội. Nếu ai đã từng sống hoặc đến Hà Nội ắt hẳn sẽ không xa lạ đối với hình ảnh quán cóc vỉa hè, nó bình dị, thôn dã mà gần gũi chân phương như nét văn hóa còn sót lại đâu đó trong lòng Thủ đô. Những quán trà vỉa hè lúc nào cũng đông khách, chỉ cần mấy cái bàn ghế nhựa con con đựng vài ba cái kẹo cao su, kẹo lạc, mấy quả xoài xanh, quả cóc, địa táo, và bình ủ trà, phích nước, một bình đựng đá, khay chén, hộp thuốc lào và một cái điếu cày… vậy là thành một quán, có thể phục vụ khách từ sáng sớm đến khuya. Người ta tìm đến quán trà như một thói quen, nhấm nháp cái chan chát, rồi ngọt dần trong miệng mát xuống tận ruột, hòa mình trong những chuyện “không đầu, không cuối”. Tuy nhiên, những chốn đó không bao giờ thiếu tiếng ồn, khách đến ăn nhậu hay trà nước đều mang đặc trưng của cái thú chuyện nhỏ to… nên hễ muốn hay chuyện thì ngồi nơi đây sẽ được nghe mọi chuyện về cuộc đời muôn mặt, chuyện chiến tranh, chuyện tham nhũng, chuyện vụ án, chuyện bánh phở, chuyện hoa hậu, chuyện Việt Kiều… Người dân công khai bàn những chuyện tưởng chừng như cấm kị. Điều rõ rệt nhất mà người phương xa về quê hương đều mừng mà thấy rằng mức độ thông tin và nhận thức của người dân lao động rất đáng nể nang. Từ chuyện vĩ mô toàn cầu, siêu cường “Gờ bảy” cho đến những trận bão tuyết đâu đâu ở bên Tây, những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá chẳng ăn nhằm gì đến ai, họ đều biết vanh vách và nhận định chính xác. Tôi sực thấy nhiều điều bên Đức mà họ rành rẽ còn hơn tôi. Vậy mới thấy toàn cầu hóa cũng có cái hay, người ta có thể học hỏi lẫn nhau. Thế nhưng, bản thân những quán cóc bên đường này thì hẳn trên thế giới không ai bắt chước được. Bắc Âu không thể có quán cóc vì thời tiết quá lạnh, nước Pháp hay có những quán cà phê, rượu trà tại ngã tư đường, làng mạc miền Nam xứ Pháp vào mùa hè, chúng mang phong vị của cuộc đời dân dã; những ông già mặt mày hóm hỉnh ngồi uống loại rượu vang đỏ rẻ tiền. Họ làm gì có món nhậu, chỉ uống chay bên cạnh vài người đánh bloule thôi. Thế nên họ không thể nào có cái náo nhiệt như ở quán cóc của ta. Còn ở Ấn Độ, đó là một dân tộc dường như không biết ăn nhậu, họ chỉ ăn uống trong gia đình không có thói quen la cà quán xá. Nhưng người dân Trung Quốc lại coi trọng chuyện ăn, uống, đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua ở lục địa khổng lồ này, tôi chưa từng thấy một nơi nào có hàng quán xem ra vừa tràn lan vừa có một thứ nề nếp hẳn hoi về chủng loại như tại các thành phố của chúng ta. Chỉ ở Thái Lan và Singapore là thỉnh thoảng có chút dáng vẻ quán cóc. Thế nhưng, không bao giờ tôi tìm thấy cái không khí thân tình của ta, một nơi hào sảng như Việt Nam, nơi mà thỉnh thoảng người ta giành nhau để trả tiền đến nỗi phải to tiếng, nơi đó hẳn không có chỗ thứ hai trên thế giới. 

Quán cóc bên đường đâu chỉ là chỗ nhậu nhẹt, trà nước ồn ào, nó cũng không chỉ là tế bào, là đơn vị phân phối có cấu trúc hẳn hoi của một nền kinh tế đồ sộ như của những thành phố lớn này, mà nó là hơi thở của cuộc sống. Những quán cóc bên đường nuôi sống hàng trăm hàng ngàn hộ dân, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Là nơi diễn ra cảnh ngộ muôn màu muôn vẻ của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ con, những cuộc đời bé nhỏ, những số phận không tên…

Huy Thịnh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0