TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 06/12/2024

Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cần những đột phá để phát triển rừng bền vững

13:48 06/04/2022
Logo header Yên Bái là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi thế để phát triển kinh tế lâm nghiệp bởi diện tích rừng chiếm tới 75% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh. Tuy nhiên sự phát triển của ngành lâm nghiệp chưa thực sự tương xứng tiềm năng sẵn có. Bởi vậy công tác quy hoạch lâm nghiệp cần có những đột phá mới, hướng đi mới hiệu quả và bền vững hơn.

Kỳ 1: Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020

Người dân phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch giai đoạn 2011-2020

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định xây dựng “Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đưa Yên Bái trở thành một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước theo đúng chủ trương của Chính phủ. Trong giai đoạn 2011- 2020, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của Yên Bái được lập ra nhằm hướng đến một số mục tiêu như:

- Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của người lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp.

- Huy động mọi nguồn lực của nhân dân, của các thành phần kinh tế và các nguồn lực khác cho phát triển lâm nghiệp; bảo đảm phát triển lâm nghiệp bền vững để rừng thực sự có chủ.

- Phát triển lâm nghiệp phải coi trọng công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, nhất là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; đồng thời với việc trồng mới rừng, coi trọng công tác trồng rừng tập trung với trồng cây phân tán trong nhân dân.

- Phát triển lâm nghiệp phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trên, tỉnh đã đưa ra nhiều phương án thực hiện cụ thể như thay đổi phương thức quản lý từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế rừng hiệu quả, xây dựng chuỗi giá trị lâm nghiệp…

Cụ thể một số kết quả đạt được trong quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2011-2020 của Yên Bái :

- Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 58,1% năm 2011 lên 63% vào năm 2018 và giữ ổn định ở mức 63% đến năm 2020;

- Công tác trồng rừng được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, bình quân hàng năm toàn tỉnh trồng được 15.534 ha rừng các loại, trong đó khoảng 80% là rừng sản xuất;

- Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại;

- Trong những năm qua, việc khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên đã được các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ; tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm tăng năng suất, tăng sản lượng khai thác, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.

- Dịch vụ môi trường rừng thực sự trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, chủ rừng; tạo nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2011- 2020 còn tồn tại một số hạn chế như: Diện tích rừng đặc dụng giảm và không đạt so với quy hoạch đề ra, các chỉ tiêu đạt được ở mức độ thấp như tỷ lệ rừng được bảo vệ, khoanh nuôi rừng, khai thác gỗ tự nhiên và gỗ dùng để chế biến , tổng vốn đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp.

Nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại này là:

- Kinh phí để đầu tư cho phát triển lâm nghiệp còn ở mức thấp, đạt 28,16% mỗi năm. Nhiều hạng mục công trình, dự án đưa vào không thực hiện được hoặc phải hủy bỏ.

- Ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng còn hạn chế dẫn đến tình trạng vẫn còn hiện tượng phá rừng, khai thác tài nguyên rừng quá mức dẫn đến vẫn còn tình trạng đất bị bỏ không.

- Tuy là ngành phát triển kinh tế thế mạnh của tỉnh nhưng nguồn lực đầu tư còn ở mức thấp đặc biệt về hạ tầng cơ sở phục vụ cho phát triển lâm nghiệp.

- Quy hoạch kỳ trước đặt ra chỉ tiêu cao, chưa bám sát vào tình hình phát triển tại địa phương.

Thực trạng hệ thống rừng và công tác quản lý rừng tỉnh Yên Bái

Giai đoạn 2011-2020, ngành lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về đầu tư, giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty lâm nghiệp... Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên rừng; đã gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng; tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Thực trạng rừng đặc dụng: Hệ thống rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay với vai trò bảo tồn và duy trì các mẫu chuẩn tự nhiên, duy trì môi trường sống tự nhiên của các loài, nhóm loài, quần thể sinh vật đặc trưng có sự tác động phù hợp của con người, bảo vệ nguồn gen và các thắng cảnh có tầm quan trọng quốc gia về khoa học, giáo dục, giải trí và du lịch sinh thái; Phục vụ nghiên cứu khoa học về sinh thái, sinh học và bảo tồn; Tạo điều kiện cải tạo đời sống của người dân sống trong và vùng đệm khu bảo tồn, phù hợp với mục tiêu bảo tồn; Bảo tồn bền vững các hệ sinh thái và các loài bằng các biện  pháp tích cực nhằm duy trì các nơi cư trú và bảo đảm sự sống lâu dài của các loài động vật nguy cấp, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các biện pháp quản lý.

Đến năm 2021, tỉnh Yên bái có diện tích rừng đặc dụng là 36.147,3 ha, bao gồm: Diện tích có rừng là 35.447,6ha (Rừng tự nhiên: 32.660,5ha; rừng trồng: 2.787,1ha); Diện tích chưa có rừng là 699,7ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho mục đích đặc dụng được giao cho Hai ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu.

Thực trạng rừng phòng hộ: Đến năm 2021, Yên Bái hiện có là 152.787,3 ha rừng phòng hộ bao gồm: Diện tích có rừng là 133.738,0ha (Rừng tự nhiên: 109.977ha; rừng trồng: 23.761,0ha); Diện tích chưa có rừng là 19.049,3ha. Rừng phòng hộ phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm huyện Mù Cang Chải), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện: Yên Bình, Lục Yên) và một số khu vực khác. Hiện nay, diện tích rừng phòng hộ được giao cho hai Ban quản lý Rừng phòng hộ và UBND các xã là chủ quản lý.

Thực trạng rừng sản xuất: Trong giai đoạn 2011- 2020, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho sản xuất là 281.149,8 ha, bao gồm: Rừng tự nhiên 104.357 ha; rừng trồng 131.679 ha; diện tích chưa có rừng 45.113,9 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp sản xuất được giao cho Ủy ban nhân dân xã, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, các công ty lâm nghiệp, lực lượng vũ trang và các tổ chức khác.

Nhìn chung Yên Bái là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp (trong và ngoài quy hoạch ba loại rừng) lớn chiếm trên 75% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh đã là một lợi thế để phát triển ngành lâm nghiệp, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về đầu tư, giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên rừng; đã gắn quyền lợi với trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, là một tỉnh nghèo với phần lớn là đồng bào dân tộc; cộng thêm điều kiện về địa hình chia cắt mạnh (núi cao, độ dốc lớn...), khí hậu khắc nghiệt (thường xuyên xảy ra băng tuyết, sương muối vào mùa đông; lũ quét, sạt lở vào mùa hè...); kết cấu hạ tầng lâm nghiệp còn hạn chế; ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đặc thù của Yên Bái nhiều đối tượng chủ quản lý rừng (Các ban quản lý đặc dụng và phòng hộ, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, UBND xã...) vì vậy cũng là một đặc điểm gây khó khăn trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Đặc biệt đối với diện tích rừng sản xuất mà các hộ gia đình đang là chủ quản lý manh mún, nhỏ lẻ, nên sản xuất không tạo nên tiềm lực để phát triển kinh tế xã hội.

Thực trạng công tác bảo vệ và phát triển rừng

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, một trong những yếu tố quan trọng là phải xây dựng chính sách dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, xây dựng được mối liên kết giữa rừng và người dân. Từ thực tế cho thấy, chính sách dịch vụ môi trường rừng đang tác động không nhỏ, làm tăng nhanh diện tích rừng và độ che phủ trên toàn tỉnh Yên Bái. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh, đến nay là 463.342 ha, trong đó rừng tự nhiên 245.616 ha, rừng trồng 217.726 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%. Một số kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của Yên Bái trong thời gian qua có thể kể đến:

Công tác bảo vệ rừng:

+ Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo phương châm 4 tại chỗ, tăng cường đầu tư các nguồn lực xã hội, nên đã kiềm chế các vụ việc tiêu cực xảy ra.

+ Tổng số vụ vi phạm giai đoạn 2011-2020 là 2.159 vụ. Số vụ vi phạm giảm từ 275 vụ năm 2011 xuống 162 vụ năm 2020;

+ Thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2011 - 2020 đạt 2.108.733,6 lượt ha, bình quân 210.873,4 ha/năm.

+ Đối với công tác Bảo tồn thiên nhiên: Đã chủ động trong việc tham mưu các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các Ban quản lý khu bảo tồn thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên theo đúng quy định. Phối hợp với Tổ chức FFI (Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế) thực hiện công tác bảo tồn tại Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải và Tổ chức WCS điều tra, đánh giá sơ bộ loài Giải trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Hàng năm, xây dựng nội dung và kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng tại các thôn, bản thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải.

Công tác phát triển rừng:

+ Trồng rừng:

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh đặc biệt là doanh nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, hộ sản xuất lâm nghiệp đã tập trung chỉ đạo thực hiện việc chuẩn bị cây giống; quan tâm chăm sóc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phòng chống cháy rừng; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng; khai thác gỗ và thu nhặt các lâm sản khác; phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đặt ra. Diện tích trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 12.505 ha, tăng 1,22% so với năm 2019, trong đó rừng sản xuất đạt 12.190 ha, tăng 5,48%. Sản lượng gỗ khai thác đạt 540.883 m3, tăng 3,01% so với năm 2019.

- Giai đoạn 2011-2020 toàn tỉnh trồng 155.341,4 ha rừng các loại, bình quân trồng 15.534,1 ha/năm. Trong đó:  Rừng trồng sản xuất tập trung: 12.386,4 ha/năm. Rừng trồng phòng hộ tập trung: 749,2 ha/năm. Rừng trồng phòng hộ thay thế: 35,3 ha/năm. Cây trồng phân tán: 3.322 nghìn cây/năm, quy diện tích 2.363,2 ha/năm. Dự kiến giai đoạn 2014-2020 toàn tỉnh trồng 109.140 ha rừng/101.570,3 ha theo quy hoạch; đạt 107%.

+Chăm sóc rừng:

- Giai đoạn 2011-2020 tổ chức chăm sóc 361.034 ha, bình quân 36.103,4 ha/năm. Toàn bộ diện tích rừng trong độ tuổi chăm sóc được các chủ rừng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tốt.

- Khoanh nuôi tái sinh mới và cải tạo rừng: do nhu cầu phát triển cũng như hiệu quả đem lại so với trồng rừng chưa cao do vậy trong giai đoạn này chưa đầu tư phát triển. Năm 2019, ban quản lý rừng phòng hộ Trạm Tấu tự tổ chức đầu tư khoanh nuôi bảo vệ 600 ha đến khi thành rừng chuyển sang bảo vệ theo quy định.

+ Khai thác rừng:

- Về khai thác: Giai đoạn 2011 - 2020, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trên 4,5 triệu m3, bình quân mỗi năm trên 454 nghìn m3. Ngoài ra, Yên Bái còn nổi tiếng với các sản phẩm từ cây Quế, Sơn tra, hàng năm cung cấp cho thị trường trung bình trên 15.000 tấn vỏ Quế; 2.500 tấn quả Sơn tra. Lâm sản khai thác chủ yếu từ rừng trồng sản xuất, khai thác tận thu, tỉa thưa rừng trồng phòng hộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu.

- Về chế biến và tiêu thụ lâm sản: Theo kết quả điều tra thống kê của ngành, toàn tỉnh hiện có khoảng 523 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 73 doanh nghiệp; 23 hợp tác xã và 427 hộ cá thể). Sản phẩm sản xuất của ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng vẫn còn sơ chế nguyên liệu thô là chủ yếu (ván bóc, ván xẻ thanh), chưa có các sản phẩm được chế biến sâu theo dự kiến Quy hoạch như sản phẩm nội thất văn phòng và gia đình; sản lượng sản phẩm qua chế biến sâu như ván ép, ván ghép thanh xuất khẩu chiếm tỷ trọng còn thấp.

Riêng tại khu công nghiệp phía Nam, tính đến năm 2020 đã thu hút được 14 nhà đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với các sản phẩm như là gỗ tấm, gỗ lát sàn, ván ép, dăm gỗ, ván dán, ván ốp lát, đồ gỗ nội thất... Bên cạnh các Nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, tỉnh Yên Bái hiện có 14 nhà máy chưng cất tinh dầu quế và nhiều cơ sở sản xuất thủ công. Sản lượng tinh dầu quế bình quân 600 tấn/năm.

Các hoạt động khác

+ Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng:

 Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm. Chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức phải thực hiện xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; chỉ đạo các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh phải xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; khuyến khích các hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng…Hiện nay, các chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển diện tích rừng trồng sản xuất theo hướng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC), chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm tăng năng suất, tăng sản lượng khai thác, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các doanh nghiệp (công ty TNHH công nghiệp Hòa Phát, HTX Lâm nghiệp An Việt Phát...) trong việc triển khai cấp chứng chỉ rừng cho các nhóm hộ liên kết trên địa bàn tỉnh (như cung cấp các hồ sơ, tài liệu về hiện trạng rừng trồng tại địa phương; phối hợp trong công tác kiểm tra, rà soát, tuyên truyền...). Việc cấp chứng chỉ rừng hiện do doanh nghiệp chủ động đầu tư nguồn kinh phí, phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện từ khâu điều tra, khảo sát diện tích rừng; lựa chọn các hộ tham gia; tổ chức tập huấn cho các nhóm hộ liên kết; thuê đơn vị tư vấn đánh giá để cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) tại các địa phương... trên cơ sở cam kết gỗ có chứng chỉ rừng được doanh nghiệp mua vào với giá cao hơn thị trường từ 10-15%. Hàng năm doanh nghiệp cũng hỗ trợ thực hiện đánh giá lại để duy trì chứng chỉ rừng.

 Tính đến hết năm 2020, tỉnh Yên Bái đã có 4.037,5 ha rừng trồng Keo tai tượng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng cho nhóm hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Yên Bình. Năm 2021, dự kiến cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho khoảng trên 19 nghìn ha trên địa bàn các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên và Thành phố Yên Bái; đưa tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2021 đạt trên 23 nghìn ha.

+Vốn đầu tư cho lâm nghiệp

Tổng các nguồn vốn thực hiện đầu tư cho lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 là 1.189.926 triệu đồng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước: 557.879 triệu đồng (Nguồn ngân sách Trung ương: 485.683 triệu đồng; Nguồn ngân sách địa phương: 72.196 triệu đồng); Vốn ODA: 22.326 triệu đồng; Vốn trồng rừng thay thế: 12.491 triệu đồng; Chi trả dịch vụ môi trường rừng: 597.230 triệu đồng.

+ Chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Từ năm 2012 tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giai đoạn 2012-2020, tổng diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã rà soát là 1.604.086,3 ha rừng, bình quân 178.231,8 ha/năm, chủ yếu là diện tích thuộc lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Chảy và suối Nậm Tha. Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực trên địa bàn tỉnh; Mở tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản giao dịch điện tử Viettel Pay cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; hàng năm xác định diện tích rừng trong lưu vực được chi trả DVMTR, xây dựng kế hoạch thu - chi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giai đoạn 2012-2020, tổng số tiền DVMTR được sử dụng là 671,8 tỷ đồng, trong đó số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 597,23 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 số tiền chi trả cho bên cung ứng DVMTR là 113,67 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là gần 483,56 tỷ đồng.

+ Chế biến và thương mại lâm sản

Giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp ngày một tăng cao, chiếm tỷ trọng 26,22% trong cơ cấu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Năm 2020, giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 1.863,8 tỷ đồng. Công nghiệp chế biến lâm sản đã từng bước được cơ cấu lại theo đúng định hướng, phù hợp vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường; được đầu tư gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao được giá trị nông lâm sản, tạo được nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

+ Thực trạng đầu tư, khoa học và công nghệ

Giai đoạn 2010-2020 nhiều đề tài, dự án, chương trình, đề án hỗ trợ được triển khai thực hiện. Kết quả từ việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thuộc lĩnh vực lâm nghiệp đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt đã được nghiên cứu - ứng dụng vào sản xuất, phát triển công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chưa xây dựng và hình thành được các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn nhỏ lẻ, phân tán; các cơ sở chế biến, bảo quản lâm sản sau thu hoạch chưa nhiều, quy mô nhỏ. Công tác tuyên truyền phổ biến và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn hạn chế, cả về số lượng và chất lượng.

Đình Phúc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Bình luận: 0