Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước – Công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng (Tiếp theo kỳ 1)
Minh bạch thường được hiểu dưới là công khai, tiếp cận về thông tin. Tuy nhiên, có những cách tiếp cận khác về minh bạch. Nhìn chung, có 3 cách tiếp cận chính sau đây:
Trách nhiệm giải trình (Accoutability) nảy sinh trong một mối quan hệ, trong đó một bên (cá nhân, tổ chức) và các hoạt động của cá nhân, tổ chức đó chịu sự giám sát, chỉ đạo hoặc bị yêu cầu phải cung cấp thông tin hoặc biện minh cho các hoạt động của mình. OECD định nghĩa trách nhiệm giải trình là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính phủ trong việc thông tin với các công dân về các quyết định ban hành cũng như chịu trách nhiệm về các hoạt động và thực thi quyền lực của Chính phủ và các viên chức Nhà nước. Khái niệm trách nhiệm giải trình liên quan đến hai giai đoạn: phải giải trình và thực thi. Giải trình liên quan đến nghĩa vụ của các cơ quan và viên chức Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về các quyết định, hoạt động của mình và biện minh cho các quyết định, hoạt động đó với công chúng và những cơ quan có thẩm quyền giám sát về trách nhiệm giải trình. Thực thi đề cập đến việc công chúng hoặc cơ quan có trách nhiệm giám sát có thể xử phạt các cơ quan, viên chức không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc trái với nghĩa vụ nêu trên, hay nói cách khác buộc họ phải chịu trách nhiệm về các hành vi sai trái. Ngay cả các cơ quan giám sát cũng có trách nhiệm giải trình tương tự như các cơ quan, tổ chức khác.
Trách nhiệm giải trình ngang (Horizontal Accoutabillity) là trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, thường là trách nhiệm giải trình trước các cơ quan giám sát, như Quốc hội, Tòa án, các cơ quan hiến định độc lập. Những cơ quan giám sát này có thể chất vấn, phạt và thực hiện các biện pháp khác nhau để xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm của các cơ quan, viên chức.
Trách nhiệm giải trình dọc (Vertical Accoutabillity) là trách nhiệm giải tình của các cơ quan Nhà nước, viên chức trước các công dân, báo chí và xã hội dân sự.
Trách nhiệm giải trình chính trị (Political Accoutabillity) phân biệt với trách nhiệm giải trình pháp lý (Legal Accoutabillity). Quốc hội và Tòa án đều là những cơ quan giám sát theo chiều ngang đối với nhánh hành pháp. Tuy nhiên, chính phủ chịu trách nhiệm về mặt chính trị trước Quốc hội, trong khi Tòa án buộc hành pháp phải chịu trách nhiệm về pháp luật. Các cơ quan giám sát độc lập, như kiểm toán Nhà nước, các ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng, cơ quan nhân quyền quốc gia, văn phòng ombudsman thường thực hiện quyền giám sát về pháp luật đối với nhánh hành pháp, tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, phải báo cáo trước Quốc hội, nhưng lại độc lập với hành pháp và tư pháp. Một chủ thể có quyền giám sát, nhưng vẫn bị giám sát bởi chủ thể khác. Trong khi đó, một chủ thể phải chịu trách nhiệm cùng lúc với nhiều chủ thể khác nhau. Ví dụ, các cơ quan Nhà nước đều chịu sự giám sát theo chiều ngang của tòa án và theo chiều dọc của người dân.
Trách nhiệm giải trình xã hội (Social Accoutabillity) đề cập đến các hành động của công dân buộc các cơ quan, viên chức Nhà nước phải chịu trách nhiệm và thực hiện cung cấp dịch vụ, tăng cường phúc lợi và bảo vệ quyền con người. Các quyền đó bao gồm: thu thập thông tin về các chính sách, pháp luật, chương trình của Nhà nước; phân tích thông tin; và sau đó sử dụng thông tin để tham gia vào quản lý Nhà nước, yêu cầu, đòi hỏi các cơ quan, viên chức Nhà nước phải phục vụ công bằng, hiệu quả, hiệu lực các quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Ngoài ra, còn có khái niệm trách nhiệm giải trình chéo cho phép sự tham gia của công dân trong các hoạt động của các thiết chế giám sát ngang.
II. Vị trí, vai trò của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình góp phần xây dựng quản trị dân chủ (Democratic Governance). Quản trị dân chủ là quá trình quản trị thúc đẩy sự đáp ứng của các thiết chế trong việc cung cấp các dịch vụ cho tất cả mọi người một cách bình đẳng. Qua đó xã hội đạt được sự đồng thuận và thực thi các chính sách, pháp luật, cấu trúc chính trị - xã hội nhằm đạt được công lý, công bằng, quyền con người, quyền công dân. Các chính sách và pháp luật được thực thi bởi nhiều thiết chế: các cơ quan Nhà nước, các Đảng chính trị và các chủ thể đa dạng lĩnh vực tư và xã hội dân sự. Theo nghĩa này, quản trị dân chủ giải quyết câu hỏi làm thế nào để tổ chức một xã hôi đảm bảo sự bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi công dân. Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình góp phần xây dựng sự tin tưởng, thái độ tích cực của người dân vào bộ máy công quyền. Công khai, minh bạch dựa trên nền tảng của tiếp cận thông tin đem các giá trị ý nghĩa với cả Nhà nước và Chính phủ như:
Sự tham gia: Tự do thông tin thúc đẩy sự tham gia trong hệ thống dân chủ. Cho phép người dân tiếp cận thông tin của Nhà nước là một bước thực chất tăng cường quyền cho họ trong việc tham gia và các quá trình trao đổi chính trị và ban hành chính sách.
Tăng cường trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng: Các chính phủ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động và chi tiêu của mình. Cho phép tiếp cận thông tin đặt một chính phủ dưới sự giám sát của người dân và giảm thiểu tham nhũng. Các quyết định có tính khách quan hơn là vì quyền lợi của các nhóm lợi ích cụ thể. Minh bạch không chỉ tạo ra sự kiểm soát đối với việc chi tiêu cái gì và ở đâu, mà nó còn thúc đẩy sự cạnh tranh xung quanh việc chi tiêu và làm cho chúng hiệu quả hơn trong việc chi tiêu các nguồn lực công.
Tin tưởng vào chính phủ: Công bố thông tin với công chúng hàm nghĩa thái độ “không có gì để giấu” về phía chính phủ. Có được khả năng tiếp cận thông tin giảm thiểu lớn sự lo lắng và tăng cường sự tin tưởng vào chính phủ. Trong các quốc gia chuyển đổi từ các chế độ độc tài sang dân chủ, việc mở thông tin cũng tạo một bước nhảy rõ ràng và cần thiết so với quá khứ.
Tuân thủ pháp quyền: Công bố thông tin pháp luật và chính sách có giá trị cốt lõi trong việc bảo đảm rằng mọi người hiểu và tuân thủ chúng- công khai theo nghĩa này có giá trị trực tiếp đối với pháp quyền.
Làm cho chính phủ hoạt động hiệu quả hơn: Quá trình tổ chức thông tin và làm cho nó có thể tiếp cận thực sự hỗ trợ việc quản lý thông tin bởi vì nó đòi hỏi các hệ thông thông tin nội bộ tốt. Trong một chính phủ bí mật, các viên chức có ít ý tưởng về thông tin nào cơ quan hành chỉ nắm giữ, và điều này làm tăng các chi phí giao dịch trong hoạt động của chính phủ. Một hệ thống thông tin hiệu quả có nghĩa rằng các chính phủ xử lý tốt hơn thông tin mà họ nắm giữ. Các chính sách và quyết định được thông tin tới công chúng và phù hợp hơn với nhu cầu của người dân.
Tiếp cận dịch vụ: Các chính phủ có khả năng tốt hơn trong việc thông tin cho công dân về các dịch vụ mà họ đang cung cấp vì thế công dân biết đấy là các dịch vụ nào và cách thức để tiếp cận chúng. Đây không chỉ là quyền lợi của công dân, mà nó còn là một cách để chính phủ định hình các bước tiếp theo vì người dân, và đây là bằng chứng cho những thay đổi vì cử tri.
Chính phủ mở (Open Government) dựa trên nền tảng của công khai, minh bạch là mô hình mới và quan trọng để Nhà nước quản trị và để công dân thực hiện quyền công dân. Nó bảo đảm Nhà nước và công dân thực sự làm việc cùng nhau để đạt được các mục tiêu, giá trị cho tất cả các bên, cũng như cùng tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra. Mô hình Chính phủ mở đem lại giá trị cho Nhà nước, công dân, doanh nghiệp:
Giá trị đối với Nhà nước: Chính phủ mở giúp Nhà nước quản lý và phân bổ các nguồn lực hiệu quả hơn. Thông qua hệ thống thông tin và dự liệu mở cũng như sự minh bạch trong quản trị Nhà nước, Nhà nước có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho việc sử dụng tối ưu nguồn lực và tăng cường hiệu quả.
Giá trị đối với công dân: Chính phủ mở tạo sự kết nối vững chắc và liên tục giữa công dân và Nhà nước. Sự trao đổi thông tin qua lại giữa công dân và Nhà nước cho phép Nhà nước hiểu rõ hơn các nhu cầu thực sự của người dân và đáp ứng các nhu cầu đó. Hơn thế nữa, nó tạo điều kiện để Nhà nước và công dân thiết lập lòng tin và làm việc cùng nhau trong quả trính quản trị. Sự công khai, minh bạch trong quản trị Nhà nước thúc đẩy phát triển thông qua việc nâng cao năng lực cung cấp cho các công dân các sản phẩm và dịch vụ mà công dân cần có và xứng đáng được hưởng.
Giá trị đối với doanh nghiệp: Bằng cách xây dựng sự công khai và minh bạch, Nhà nước có thể tạo ra ngày càng nhiều các điều kiện ổn định cho hoạt động kinh doanh. Bằng việc công khai các hợp đồng công, nhiều trong số đó được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân, sự công khai có thể tạo ra môi trường tốt cho sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Sự công khai cũng giúp cho Nhà nước làm việc hiệu quả với các đối tác trong lĩnh vực tư.
Với những giá trị đem lại, các Nhà nước ngày càng chú trọng trong việc xây dựng Chính phủ mở. Trong một Khảo sát Chính phủ mở Toàn cầu (Global Opening Government Survey), 61% công dân được hỏi trả lời rằng họ muốn các chính phủ của minh ngày càng công khai; ở một số quốc gia, phần lớn người trẻ mong muốn một chính phủ ngày càng công khai hơn: ở Mexico, hơn 83% người được phỏng vấn từ 18-25 tuổi đòi hỏi một chính phủ ngày càng công khai hơn. Các khảo sát ở nhiều quốc gia khác, như Indonesia, Mongolia cũng cho kết quả tương tự. Trong khi đó, một khảo sát của Liên hợp quốc và các đối tác, “một chính phủ trung thực và đáp ứng” thuộc tốp 3 ưu tiên (trong số 16 chủ đề) của công dân được khảo sát trên toàn thế giới.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng góp vai trò rất quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tham nhũng là sự thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước. Vì thế để phòng, chống tham nhũng thì cần phải công khai, minh bạch để không tạo ra môi trường cho các hành vi tham nhũng, buộc các cơ quan công quyền phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình, đồng thời cho phép người dân tăng cường kiểm tra, giám sát được dễ dàng và hiệu quả hơn. Tham nhũng và sự thiếu công khai, minh bạch như là hai mặt của một đồng tiền. Trong khi đó, tham nhũng phụ thuộc rất lớn vào mức độ người dân có thể buộc các chính trị gia, công chức phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản trị Nhà nước thông qua việc thu hút sự tham gia tích cực và rộng rãi của công chúng trong quản trị Nhà nước, tăng cường đối thoại giữa Nhà nước và công dân, đánh giá, giám sát hiệu quả hoạt động của của các cơ quan Nhà nước. Trách nhiệm giải trình bảo đảm cơ chế giám sát liên tục hiệu quả hoạt động của các cơ quan, viên chức Nhà nước, bảo đảm rằng các cơ quan công quyền, viên chức Nhà nước không những phải thức thi đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn, mà còn phát huy tối đa tiềm năng, cung cấp các dịch vụ tốt phục người dân.
III. Các điều kiện bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực hiện trên cơ sở các bảo đảm: bảo đảm về chính trị; bảo đảm về quy định, quy tắc và thực thi; các nền tảng quản trị dân chủ và pháp quyền; sử dụng công nghệ trong quản trị; nâng cao nhận thức, năng lực của người dân; và xóa bỏ các rào càn, truyền thống cũ về quản trị.
Bảo đảm quyết tâm chính trị
Cần phải tìm ra nguyên nhân, thách thức về chính trị để tháo gỡ, như sợ giám sát; sợ việc lộ các hạn chế, thiếu sốt của chính sách, sai phạm của Nhà nước; vì các lợi ích riêng…
Xây dựng hệ thống các quy tắc, pháp luật, hướng dẫn và và cơ chế thực thi
Ngoài các quy định, pháp luật có tính bắt buộc, nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia cũng xây dựng các bộ quy tắc hướng dẫn. Các chính sách, pháp luật và quy tắc cần phải đầy đủ, phù hợp và tiến bộ. Thực tế, có những luật được ban hành, nhưng với nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng pháp luật không được thực thi. Việc ban hành pháp luật cần phải gắn với việc thành lập các cơ chế thực thi để đưa các chính sách, pháp luật vào đời sống. Nhà nước cần phải củng cố năng lực thể chế thông qua việc hoàn thiện cơ chế sẵn có và xây dựng các cơ chế mới, đồng thời sử dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực để thực thi các chính sách, pháp luật này.
Xây dựng các nền tảng quản trị dân chủ, pháp quyền
Xây dựng nền quản trị dựa trên dân chủ, pháp quyền đặt ra yêu cầu và bảo đảm các điều kiện thực thi công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhà nước dân chủ đòi hỏi tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và phục vụ nhân dân. Vì thế, các nền tảng dân chủ là điều kiện để thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, các giá trị về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các phương thức mới để hiện thực hóa nền dân chủ. Trong khi đó, Nhà nước pháp quyền là mô hình Nhà nước đòi hỏi mọi hành vi trong xã hội, đặc biệt của các cơ quan, viên chức Nhà nước phải đặt trong khuôn khổ pháp luật minh bạch, công bằng và văn minh. Các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền như đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, pháp quyền, phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước, tôn trọng, bảo đảm các quyền con người đều đòi hỏi cần phải có sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Ứng dụng các công nghệ, đặc biệt các công nghệ về thông tin và truyền thông trong quản trị Nhà nước góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Quản trị Nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ tạo ra sự kết nối phẳng hơn giữa Nhà nước và công dân, đặc biệt trong mối quan hệ về thông tin và giám sát. Quá trình chuyển đổi số (Digital transformation) có thể giúp Nhà nước thúc đẩy sự minh bạch, thông tin và trách nhiệm giải trình; sự tham gia; và chất lượng phục vụ trong các hoạt động và dịch vụ công. Chính vì thế, hầu hết các cách tiếp cận mới về quản trị hiện đại/quản trị tốt đều nhấn mạnh đến yêu cầu hiểu biết, thích nghi và phát huy vai trò và thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ. Xã hội hiện đại ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các yêu cầu mới của nền quản trị, đặc biệt yêu cầu về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; sự kết nối giữa Nhà nước với người dân và các bên liên quan; quyền thông tin và tiếp cận thông tin; kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ công… Các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông là một công cụ để hiện thực hóa các yêu cầu trên. Các thành tựu về công nghệ thông tin, truyền thông và các ứng dụng khác do Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại có nhiều tác động tích cực tới nền quản trị như kích thích các thay đổi trong dịch vụ công, thúc đẩy chất lượng dịch vụ công, việc ban hành quyết định, sự giám sát và quyền tham gia của người dân; hỗ trợ thúc đẩy phát dân chủ.
Nâng cao nhận thức, năng lực của công chúng về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình
Người dân cần có nhận thức đầy đủ về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để biết các quyền và lợi ích của mình, từ đó có thể hưởng thụ các quyền và đòi hỏi các cơ quan, tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ trong việc thực thi, bảo vệ các quyền của mình.
Các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội cũng cần được tăng cường nhận thức, năng lực trong hoạt động vận động vì công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Sự tham gia của các tổ chức này cũng góp phần giúp đỡ, thúc đẩy các cá nhân thực hiện các quyền của mình.
Xóa bỏ các rào cản, truyền thống cũ về quản trị
Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các giá trị mới của nền quản trị mới. Vì thế, cần phải xóa bỏ các rào cản, truyền thống về nền quản trị cũ, lạc hậu như nền quản trị khép kín, coi việc thực thi quyền lực Nhà nước là một đặc quyền, hạn chế sự chia sẻ thông tin và sự tham gia của người dân. Cũng cần xóa bỏ tư tưởng cho rằng các lãnh đạo, viên chức mới là tầng lớp tinh hoa, còn người dân thì thiểu hiểu biết, không đủ năng lực, khả năng để tham gia quản lý Nhà nước.
PGS –TS Đặng Minh Tuấn
Tin tức liên quan
- Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cần những đột phá để phát triển rừng bền vững (01:48 06/04/2022)
- Đẩy mạnh cải cách hành chính tăng cường sự hài lòng của người dân (03:30 01/10/2020)
- Nha Trang – Khánh Hòa: Nếu xử lý đơn một cách thấu tình, đạt lý, chắc chắn sẽ không còn tình trạng vượt cấp kéo dài. (08:59 20/03/2020)