TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 06/12/2024

Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cần những đột phá để phát triển rừng bền vững (kỳ 2)

09:47 16/05/2022
Logo header Yên Bái là tỉnh miền núi có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn tuy nhiên đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Trong giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo ngành Lâm nghiệp cần phải có những định hướng phát triển mới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quy hoạch rừng chịu sự tác động của nhiều yếu tố

1.    Tác động của các hoạt động kinh tế đến bảo vệ và phát triển rừng
Trong nền kinh tế chung hiện nay, kinh tế lâm nghiệp đang có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển, điều này được thể hiện rõ các con số báo cáo, đánh giá như:
Đồ gỗ và lâm sản là một trong những lợi thế thương mại lớn của Việt Nam, hiện được xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường chính: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất ở Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,2 tỉ USD, nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 2,52 tỷ USD. Như vậy, năm 2019 ngành lâm nghiệp Việt Nam xuất siêu khoảng 8,68 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019.
Nhu cầu của thị trường thế giới về gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị cao cũng là một nhân tố quan trọng để nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL), giá trị tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu hiện nay hơn 460 tỷ USD/năm và Việt Nam chỉ chiếm 1,65% trong số này, có nghĩa là có khoảng trống đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần của mình.
Nghiên cứu thị trường cho thấy, Trung Quốc tuy là nhà cung cấp các sản phẩm gỗ lớn nhất trên thế giới, chiếm 37% tổng lượng tiêu thụ của thế giới nhưng thời gian gần đây Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm 9% tổng lượng gỗ khai thác, tương đương 40 triệu m3 gỗ. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Lâm sản Việt Nam đang còn nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng này. Bởi thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn, khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại (trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ) trong khi đó, hiện, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc) thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội để mở rộng phát triển mới như: Canada, Nga, Ấn Độ…
Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén,… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Thêm vào đó, một loạt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tiến hành ký kết cũng sẽ tạo cơ hội xuất khẩu lớn hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Như, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Nhu cầu thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do: Việt Nam - EU; Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Hàn Quốc,… giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên ngành sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản của chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại như:
- Sức ép cạnh tranh từ các đặc biệt từ phía Trung Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia với Việt Nam trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó các sản phẩm gỗ của chúng ta còn thiếu sức cạnh tranh về mẫu mã, hình thức và chất lượng. 
- Các doanh nghiệp chưa có điều kiện để chú trọng phát triển công nghệ, thiết bị, thiết kế mẫu mã, tìm kiếm mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh khoa học,bài bản.
- Nguồn nguyên liệu gỗ còn chưa đảm bảo, ổn định, trong khi đó các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ trồng rừng còn chưa được triển khai rộng rãi, hiệu quả còn hạn chế. Điều này dẫn đến phần lớn nguyên liệu gỗ để chế biến phải nhập khẩu do Chính phủ cho phép khai thác rừng tự nhiên còn rất hạn chế. Thống kê sản lượng nguồn gỗ rừng trồng trong nước khai thác hằng năm hiện khoảng 20 triệu m3, trong đó có khoảng 80% nguồn gỗ này là gỗ có đường kính nhỏ được sử dụng làm nguyên liệu. Phần còn lại 20% được sử dụng sản xuất các sản phẩm đồ gỗ chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
- Vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ và các trách nhiệm xã hội hiện nay cũng đang gây nên những vướng mắc lớn cho doanh nghiệp khi mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên cũng kèm theo đó là các điều kiện về truy suất nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ, nghiêm ngặt; các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, sự thân thiện với môi trường.
- Xu hướng của người tiêu dùng các nước, các khu vực phát triển có sự thay đổi lớn khi họ nhắm vào các sản phầm thân thiện môi trường, nhưng lại không sẵn sàng chi trả nhiều tiền cũng là áp lực tương đối lớn đến việc xuất khẩu các mặt hàng gỗ của chúng ta. Điều này khiến doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ mà còn chịu sức ép từ các khu vực sản xuất đồ gỗ mới nổi như: Đông Âu, châu Phi... trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.
2. Tác động của biến đổi khí hậu đến bảo vệ và phát triển rừng
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH), các biểu hiện và tác động của BĐKH lên nhiều lĩnh vực khác nhau. Song tác động chính thể hiện ở 3 nội dung: (i) Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên; (ii) Sự dâng cao mực nước biển; (3) Sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và địa quyển. Trong đó, ngành lâm nghiệp tỉnh sẽ phải đối mặt với một số thách thức cơ bản sau:
- Nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều hệ sinh thái, một số loài di cư do sự ấm lên của Trái đất và đang có sự dịch chuyển lên những vùng đai cao hơn, nhiệt độ thấp hơn ở vùng đai thấp. 
- Hiện tượng lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với đời sống con người và môi trường. Cùng với các hoạt động buôn bán, sự xâm nhập của các loài ngoại lai hiện nay đang là mối đe dọa lớn lên tính ổn định và đa dạng của các HST ở Việt Nam thời gian qua.
- Ranh giới rừng nguyên sinh cũng như rừng thứ sinh có thể dịch chuyển. Rừng cây họ dầu mở rộng lên phía Bắc và các dải cao hơn, rừng rụng lá với nhiều cây chịu hạn phát triển mạnh. 
- Nhiệt độ cao kết hợp với ánh sáng dồi dào thúc đẩy quá trình quang hợp dẫn đến tăng cường quá trình đồng hóa của cây xanh. Tuy vậy, chỉ số tăng trưởng sinh khối của cây rừng có thể giảm do độ ẩm giảm. 
- Nguy cơ diệt chủng của động vật và thực vật gia tăng, một số loài động, thực vật quý hiếm có thể bị suy kiệt. 
- Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng làm tăng nguy cơ cháy rừng, phát triển sâu bệnh, dịch bệnh...
- Khi nước biển dâng, dân cư ở vùng thấp sẽ phải dịch chuyển lên những vùng có địa hình cao hơn. Dẫn tới tác động trực tiếp đến rừng và đất lâm nghiệp. Sẽ có lượng diện tích đất lâm nghiệp lớn phải chuyển đổi để lấy đất ở và đất sản xuất.
Số ngày mưa lớn tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu; tần suất hoạt động của bão mạnh, siêu bão ngày càng gia tăng với mức độ ảnh hưởng lớn; mùa mưa bão thường kết thúc muộn hơn so với trước đây. Trong mùa mưa bão, cường độ mưa lớn, kéo dài gây sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở diện rộng nhất là những vùng có địa hình cao dốc như Trung du Miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến hàng trăm nghìn ha rừng/năm (Năm 2020, bão lũ ở 6 tỉnh Miền Trung gây thiệt hại, ảnh hưởng đến 149.000 ha rừng).
Hạn hán, nắng nóng kéo dài có xu thế tăng lên và không đồng đều giữa các khu vực, nhất là ở Trung Bộ và Nam Bộ… gây ra hậu quả cháy rừng ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Giai đoạn 2009-2018 (10 năm) nạn cháy rừng đã thiêu hủy gần 22 nghìn ha rừng của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đất nước. Đỉnh điểm, năm 2010, khoảng 6.723 ha rừng đã bị lửa lớn thiêu rụi do nắng hạn kéo dài; năm 2007 xảy ra 749 vụ cháy rừng gây thiệt hại 4.188 ha. Trong 10 tháng năm 2019, diện tích rừng bị cháy lại tăng lên đến 2,7 nghìn ha, gấp 3,6 lần năm 2018. Đặc biệt, vào những tháng cao điểm của mùa khô hạn, nắng nóng, nhiều khu rừng của Việt Nam nằm trong tình trạng cảnh báo có nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao khiến Chính phủ và các bộ, ngành thường xuyên phải ra công điện khẩn trương chỉ đạo phòng chống cháy rừng.
3. Tác động của đô thị hóa và phát triển các khu dân cư tập trung đến bảo vệ và phát triển rừng
Quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư tập trung dẫn đến thay đổi về cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm về diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và đồng thời tăng nhanh về diện tích đất chuyên dùng, đất đô thị, đất phi nông nghiệp,…
Phát triển các khu dân cư tập trung và sự mở rộng, hình thành mới các khu công nghiệp, khu dịch vụ (sân gold, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…) nhất là khu vực trung du và miền núi trong cả nước, khu vực ven đô thị việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp tăng cao sang đất phi nông nghiệp làm đất ở đô thị, đất xây dựng, đất chuyên dụng khác…
Mặt khác, quá trình đô thị hóa, công nghiệp có tác động mạnh mẽ đến thị trường lâm sản. Sự ra đời nhiều khu công nghiệp và các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản, giấy, bột giấy và  nhu cầu gỗ xây dựng tăng cao, nhu cầu thiết yếu khác như lâm sản làm thực phẩm, dược liệu… dẫn đến gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ dễ dàng tiêu thụ với giá thành cao,  thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển. 

Đình Phúc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

 

Kỳ 1: Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2020

Tin tức liên quan

Bình luận: 0