TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 19/09/2024

Sao lại nỡ đập phá của công như vậy? Cần kiên quyết ngăn chặn việc đập phá của công…hợp pháp

06:36 11/06/2020
Logo header Cứ 5 năm một lần, việc đập phá của công lại diễn ra trên diện rộng, lan ra trong cả nước đặc biệt là sau Đại hội các cấp. Việc các công trình có giá từ trăm triệu đồng đến tỷ đồng bị đập phá đang được coi như một lẽ tự nhiên.

Chưa cần đợi Đại hội trúng cử, chỉ cần được điều chuyển theo kiểu quy hoạch cán bộ như từ Chủ tịch  chuyển lên làm Bí thư, từ Trưởng các phòng ban chuyển lên làm Chủ tịch, từ Giám đốc các Sở điều chuyển xuống huyện, thậm chí là Chánh tòa, Trưởng viện…. thì việc đầu tiên khi mới ngồi vào ghế là đập phá cổng cũ xây dựng cổng mới. 

Cổng cũ bị đập bỏ tại một cơ quan Huyện ủy, cùng Nhà bảo vệ cũ hiện bị bỏ hoang.

Theo dự tính của nhà thầu, một chiếc cổng của cấp huyện tương đương với khoảng 200 triệu đồng, một cổng đồ sộ cấp tỉnh tương đương 01 tỷ  đồng.  Thêm vào đó, khi chuyển cổng sang chỗ khác sẽ kéo theo một ngôi nhà bảo vệ bị bỏ hoang để xây một nhà bảo vệ mới. Nhiều cơ quan do chuyển cổng, kết cấu phía trong cũng phải thay đổi cho hợp khung cảnh. Vậy tính ra cứ một vị lãnh đạo mới, khi đập phá cổng cũ chuyển sang xây cổng mới để “hợp với tuổi của mình” hay hợp với “Long mạch, phong thủy” thì ít nhất sẽ lãng phí cỡ khoảng từ 300 triệu đồng đến trên 01 tỷ  đồng. Trong lúc đó, các  Hội chữ thập đỏ, hội tình thương,  nhà Đại đoàn kết xây cho các đối tượng chính sách, các gia đình nghèo khổ, giá thành chỉ vỏn vẹn có 70 triệu đồng/01 căn. Tính ra mỗi cổng cấp huyện có thể xây được 04 căn nhà, một cổng cấp tỉnh xây được vài chục căn nhà. Vậy mà trên cả nước, hàng trăm cái cổng cứ bị đập phá để xây lại. Họ đập phá của công một cách ngang nhiên, vô tư và coi như một lẽ tự nhiên. Các cấp ngành liên quan chưa thấy ai đặt câu hỏi: Vì sao cổng đang tốt lại bị đập bỏ? Lí do gì lại phải chuyển sang chỗ khác? Tiền đó từ đâu ra? Phải chăng cá nhân ông cán bộ tự bỏ tiền túi hay các cơ quan có ngân sách riêng thì có quyền làm chuyện phi lí này? Riêng người dân không ai bảo ai, không cần phải hỏi vì họ biết một điều chắc chắn rằng, đó là tiền doanh nghiệp vất vả làm ra, đó là tiền thuế từ mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp. 

Và cổng mới được xây dựng dù ông Bí thư Huyện ủy vừa được quy hoạch chuyển đến chưa qua bầu cử chính thức ở Đại hội

Còn nhớ cách đây 05 năm, dư luận xôn xao khi ông Đại tá nọ vừa được đưa lên làm Thủ trưởng đã lập tức đập phá cổng cũ, xây một cổng mới đồ sộ mà theo chủ thầu tiết lộ, kinh phí hết 1.350.000.000 đồng. Chiếc cổng hoành tráng đó hiện vẫn sừng sững, uy nghi đập vào mắt bàn dân toàn thành phố. Nhưng điều đáng nói là cánh cổng này luôn luôn khóa chặt chỉ mở ra trong các ngày đại lễ, còn ngày thường thì đi qua hai cổng phụ, người ta làm có tính quảng cáo, không có tính sử dụng. Không biết rồi đây, khi vị này được điều chuyển đi, một vị khác lại đến thì cái cổng này có tiếp tục chịu chung số phận như các cổng trước không?

Noi gương trào lưu trên, từ Hiệu trưởng của các trường mầm non đến các quan nho nhỏ cấp huyện, mỗi khi Thủ trưởng mới về nhận chức cũng kiên quyết đập phá, san bằng một số hạng mục nào đó để làm mới lại, nhằm ghi dấu ấn bản thân mình. Việc đập phá rồi lại dịch chuyển để xây mới diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt bàn dân thiên hạ, ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng ai cũng bàng quang, dửng dưng, vô tư coi như đó là một chuyện bất khả kháng. Không biết việc hợp với tuổi, với can chi, cung mệnh, với phong thủy cẩm trạch hay tránh tuổi tam tai, kim lâu, lục hoang ốc… có thật hay không? Nhưng việc đập phá tài sản công gây lãng phí tiền bạc của nhân dân là có thật. Đã đến lúc Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt chấm dứt ngay tình trạng đập phá của công một cách hợp pháp này.

Luật gia Nguyễn Đình Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 14 - 20

Bình luận: 0