TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Sự đổi thay trên quê hương Bác

14:52 14/05/2020
Logo header Cứ đến tháng 5, khi hương sen tỏa ngát, mỗi người con đất Việt lại trào dâng những cảm xúc thiêng liêng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam. Dịp này, dòng người tấp nập từ muôn ngả đổ về Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An quê Bác. Trong cái nắng oi bức của mùa hạ trên quê hương miền Trung, những người con đất Việt vẫn một lòng thành kính dâng lên Người những bó hoa tươi thắm.

Năm 1961, Bác về thăm lại ngôi nhà xưa tại Kim Liên. (Ảnh: Tư liệu)

Nằm trên trục đường 46, cách thành phố Vinh 13 km, Nam Đàn là vùng đất địa linh nhân kiệt có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, hào kiệt là niềm tự hào như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu,… và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam. Hiện nay, Nam Đàn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa to lớn đặc biệt là Khu tích Kim Liên gắn liền với thời niên thiếu của Người với các cụm di tích quan trọng là làng Hoàng Trù quê ngoại và làng Sen quê nội Bác, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung, Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ cụ cử Vương Thúc Quý. Cũng chính nơi này, hơn nửa thế kỷ trôi qua, không biết đã có bao nhiêu bước chân của những người con Việt Nam tìm đến với niềm thành kính và sự xúc động sâu xa từ trong tâm hồn mình. Làng Sen nay đã trở thành Di tích lịch sử - văn hóa Kim Liên và còn là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Nam Đàn ngày nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt và thực sự đã trở thành tấm gương về xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trong cả nước. Chỉ sau 7 năm thực hiện, vào tháng 5/2018, với sự nỗ lực và quyết tâm cao toàn huyện đã có 23/23 xã được công nhận Xã đạt Chuẩn Nông thôn mới, huyện cũng đã được công nhận là Huyện đạt Chuẩn Nông thôn mới. Trong 7 năm đó, 874km đường giao thông được xây dựng, cùng hàng loạt trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, … của xã, thị trấn, xóm, khối đã được xây dựng mới và nâng cấp. Cơ sở hạ tầng phát triển, cơ cấu các ngành kinh tế cũng đã chuyển mình mạnh mẽ, đời sống của người dân ngày một ấm no với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt đã đạt trên 40 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,16%, giảm 14,04% so với năm 2010. Tỷ trọng các ngành kinh tế cũng đã thay đổi nhiều, công nghiệp - xây dựng của huyện đã tăng từ 20,9% năm 2011 lên 29,97% vào năm 2018, dịch vụ tăng từ 29,87% năm 2011 lên 33,75% vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 10,3%, tăng 2,46 lần so với năm 2010. Các mô hình sản xuất nông nghiệp được áp dụng khoa học kỹ thuật đảm bảo an toàn và cho hiệu quả cao ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn như mô hình sản xuất lạc ở xã Nam Lộc, lúa giống Bắc Thịnh tại Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát,.., mô hình rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Nam Thanh, Vân Diên,… mô hình rau trong nhà lưới tại các xã Nam Anh, Nam Phúc,.., mô hình trồng bí đỏ ở xã Nam Trung, hoa, cây cảnh tại xã Vân Diên,.. Đến nay, 100% diện tích đất nông nghiệp của huyện đạt giá trị từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Công tác giáo dục và đào tạo ở huyện trong thời gian qua  cũng đã có nhiều đổi mới về căn bản và toàn diện. Trên toàn địa bàn hiện có 62/74 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn. Mạng lưới và cơ sở vật chất các trường, lớp học trong giáo dục phổ thông huyện tiếp tục được phát triển khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong huyện. 

Mái nhà tranh này là nơi Bác đã sinh ra và sống suốt những năm tháng ấu thơ.

Vào ngày 04/01/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 - 2025”. Đề án có mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên toàn huyện, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng với toàn thể nhân dân huyện Nam Đàn đã và đang quyết tâm nỗ lực, phấn đấu không chỉ để thực hiện Quyết định của Chính phủ mà còn cố gắng thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng xã Kim Liên trở thành xã “kiểu mẫu”, huyện Nam Đàn trở thành huyện “kiểu mẫu”. Hiện nay, sau hơn một năm triển khai Đề án, cơ sở hạ tầng văn hóa của huyện như Trung tâm Văn hóa, thông tin và Truyền thông, Nhà truyền thống huyện, sân vận động, hệ thống giao thông,.. ngày càng hoàn thiện đồng bộ, khang trang, góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Di tích Quốc gia có ý nghĩa nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặc biệt chú ý đầu tư bảo tồn, tôn tạo và xây dựng để đảm bảo cho việc gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của khu di tích đặc biệt này, bên cạnh đó cũng phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, nhu cầu tham quan, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, Đồ án thiết kế quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lập với tỷ lệ 1/500 mang đậm nét đặc trưng của làng quên Việt Nam. Theo đó, di tích được thiết kế trên nguyên tắc tôn trọng không gian, cảnh quan truyền thống, bảo tồn nguyên vẹn các công trình lịch sử trong tổng thể không gian văn hóa khu vực. Di tích là một quần thể công trình được quy hoạch xây dựng như các ngôi làng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình tâm điểm có sự liên kết phi vật chất với toàn bộ khu vực. Quy hoạch trên cũng đảm bảo không tác động đến diện tích đất sản xuất, canh tác nông nghiệp của người dân trong vùng.

Về với xứ Nghệ, với làng Sen, du khách sẽ được thả hồn mình vào những câu hát ngọt ngào, những điệu dân ca, điệu ví... lời Người như vang vọng đâu đây, mỗi chúng ta lại càng thêm nhớ Bác, biết ơn, kính trọng và tự hào về Bác và nguyện mãi mãi học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người. Khu di tích Kim Liên - Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ là không gian tuy hai mà một, tuy một mà hai trong tâm thức của đồng bào cả nước, góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh cũng như hình ảnh xứ Nghệ tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0