TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 06/05/2024

Tài năng cũng có những lúc…“chập mạch”

20:18 06/08/2020
Logo header Đó là những tác giả từng có những sáng tác được công chúng ghi nhận, ưa thích. Ở những mức độ khác nhau, họ giàu năng lực sáng tạo. Có người tên tuổi, tầm cỡ, là các tài năng lớn, được khẳng định qua thời gian. Có người ở mức độ khiêm tốn hơn, chưa ghi được dấu ấn lịch sử, nhưng trong một số sáng tác cụ thể đã để lại được ấn tượng tốt đẹp.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên… “Ca dao em và tôi”của cố nhạc sỹ An Thuyên là bài hát dễ thương, có âm điệu đậm đà phong vị dân gian, cảm xúc tốt, giai điệu dễ đi vào lòng người. Nhưng ngay mở đầu nhạc sĩ đã viết :“Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ, tôi làm mái chèo lướt sóng”. “Làm con đò nhỏ, làm mái chèo lướt sóng” để “đưa tôi về với người tôi yêu” thì chân thành, tha thiết, chẳng ai nghi ngờ gì. Nhưng để “làm con đò nhỏ” mà “cắt nửa vầng trăng”, để “làm mái chèo lướt sóng” mà “chặt đôi câu thơ” rồi lại “bẻ đôi câu thơ” thì khó nghe vì thô bạo, thậm chí là tàn bạo. Bởi vì thơ là biểu tượng của những gì đẹp đẽ, thanh cao nhất, ai cũng yêu quý, đề cao đến mức như là thánh thiện, không vương chút bụi trần. (Người ta vẫn nói: huyền ảo như một đêm trăng, cảnh ở đây thật nên thơ…) Vậy mà nhạc sĩ lại nỡ dùng kéo để “cắt”, dùng dao để “chặt”, dùng tay để “bẻ”. Chắc chắn đó phải là chiếc kéo, con dao rất sắc, bàn tay to khoẻ… có khi phải dùng đến kìm, mà là kìm cộng lực(!) Ồ, mà tại sao lại không nói “xin nửa vầng trăng” , “Xin nửa câu thơ” hoặc thế nào đó chứ? Nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế. Nghệ thuật xa lạ với sự thô thiển, dễ dãi, không chấp nhận lối nói phản thẩm mỹ. Nhưng hình như tác giả tự cho rằng đó là một sáng tạo trong cách tìm tòi ngôn từ, một lối nói mạnh mẽ, ấn tượng? Thì đó chính là phút “chập mạch” vậy, bởi lúc này, óc thông minh, khả năng tư duy sáng tạo bỗng dưng biến đi đâu cả (?)

Bùi Đình Thảo là một nhạc sĩ có tài trong lĩnh vực sáng tác cho tuổi thơ. Tôi vô cùng bái phục một số ca khúc dành cho thiếu nhi của ông, trong đó có bài “Em đi giữa biển vàng” (phổ thơ Nguyễn Khoa Đăng). Nhưng có một câu tôi cứ thấy run sợ mỗi khi nghe: “Hương lúa chín thoang thoảng bay, làm lung lay hàng cột điện”. Khiếp quá! Cái “hương lúa” rất nên thơ quyến rũ kia mới chỉ “thoang thoảng bay” mà đã khiến những hàng cột điện “lung lay”. Vậy thì đến lúc lúa chín rộ, mùi thơm nồng ngạt ngào chắc làm cột điện… đổ kềnh! Chắc hẳn đó phải là những cột điện bằng xi măng, có khi cao thế nặng hàng tấn. Vậy thì còn ai dám ra đồng để chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình? Bài hát này Bùi Đình Thảo phổ thơ người khác. Nhưng có luật nào bắt buộc nhạc sĩ phải “trung thành tuyệt đối” với nhà thơ đâu.

“Em ơi! Hà Nội phố” là bài hát được nhiều bạn trẻ ưa thích. Song, có mấy chi tiết ở phần ca từ không ổn. Sao lại có thể nói “cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông”? Từ mồ côi hàm ý gì? Tác giả muốn biểu hiện gì? Chỉ có 3 thứ bị “mồ côi” là cây bàng, nóc phố, mảnh trăng. Phải chăng người viết do quá yêu mùa đông (hoặc có nhiều kỷ niệm nào đó liên quan đến mùa đông) mà luôn nhớ cái bối cảnh thời gian này để đến nỗi cái gì cũng thấy như là thiếu mùa đông? Và thiếu tới mức quá hụt hẫng, thiệt thòi đến tội nghiệp như người bị mồ côi. Mà nói “mồ côi” thì ai cũng nghĩ đối tượng là tuổi trẻ, tuổi thơ, chứ quá tuổi này ít nói “mồ côi” (“Tôi mồ côi mẹ từ năm lên… tuổi” chứ không nói “tôi mồ côi mẹ năm 50 tuổi”). Tóm lại là tác giả rất yêu thương “cây bàng” , “nóc phố”, “mảnh trăng” và cái “mùa đông” kia là vô cùng thiêng liêng, gắn bó sâu nặng với 3 thứ đó. Liệu có vô nghĩa, thậm chí là kỳ quặc? Mùa đông luôn là biểu tượng của sự lạnh giá, tàn lụi héo hắt, đối ngược với mùa xuân khởi đầu sự sống bất diệt. Hay là tác giả muốn nói: Cây bàng, nóc phố, mảnh trăng mất mùa đông rồi? (“mồ côi”), đang ở mùa xuân? Nhưng giai điệu thì lại đầy bâng khuâng, nhớ nhung, luyến tiếc. Tóm lại, từ “mồ côi” xuất hiện có phần quái gở!. Lại nữa: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”. “Người nghệ sĩ lang thang” là được, không có gì đáng nói ở từ “lang thang”. Nhưng “lang thang” thế nào để đến nỗi “chẳng nhớ nổi một con đường”? Lẽ ra phải ngược lại: Càng lang thang, chứng tỏ người nghệ sĩ càng yêu mọi đường phố, và lang thang tức là đi chậm, đi lâu có tính chất dạo, thả hồn mình ở đó. Vậy thì phải càng nhớ kỹ rất nhiều con đường chứ, sao lại chẳng nhớ nổi một con đường nào? Kể cả những đường phố mà bất cứ người Việt Nam nào dẫu chưa đặt chân tới Hà Nội một lần cũng biết tên như Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai, phố Huế… (“Quanh co, chen quanh rộn ràng Đồng Xuân… Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai”- Lời bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi rất nổi tiếng). “Người nghệ sĩ” như thế thì quả là quá vô cảm, không đáng làm nghệ sĩ, đúng là anh ta “lang thang” chỉ để mà lang thang như một kẻ vô hồn thất thểu, vô gia cư, không phương hướng “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.

Tôi nói các vị đã … “chập mạch” khi mắc những sai sót không đáng có thì chắc chắn khiến các vị không hài lòng rồi. Nhưng các vị lại sẽ rất nhẹ nhõm khi tôi đưa ra những trường hợp khác còn “chập mạch” hơn. Đó là mấy ví dụ của những bậc tài danh lừng lẫy, tên tuổi của họ đã được khẳng định trong lịch sử, ở vị thế, tầm cỡ còn hơn các vị nhiều. Người Việt Nam không xa lạ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sống ở cuối thế kỷ XIX. Ông là tác giả truyện thơ “Lục Vân Tiên” rất nổi tiếng và bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” bất hủ. Thật không thể tưởng tượng nổi người thi sĩ khiếm thị trứ danh ấy lại có thể có những phút … “chập mạch” để hạ bút viết những câu thơ:

Vợ Tiên là Trực chị dâu
Chị dâu em bậu, dám đâu lỗi nghì

(Ý: Vợ Lục Vân Tiên là chị dâu của Vương Tử Trực nên Trực không thể hỗn hào để có tình ý được). “Chị dâu Trực” mà đảo ngược lại thành “Trực chị dâu” thì… không còn gì để nói! Tác phẩm hay như thế, đã khiến ai đọc cũng phải rơi nước mắt như thế mà vẫn không thiếu những câu thơ rất dông dài, đại loại:

Vân Tiên nổi giận một khi
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò

Xuân Diệu - thi sĩ lớn của tình yêu đã từng… “chập mạch” như sau khi ông viết:

Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi cà Mau

Vừa câu trên là “tàu”, liền câu sau đã là “thuyền”, có… buồn cười không?

Tố Hữu- nhà thơ lớn của Việt Nam ở thế kỷ XX cũng viết trong bài Ta đi tới: “Đường ta rộng thênh thang 8 thước”. Chỉ có 8 thước, nghĩa là hẹp vanh vanh mà nói là “rộng thênh thang”. Có lẽ đó là đường quốc lộ, rộng hơn đường hàng tỉnh hàng huyện hoặc đường làng nên ông mới nói vậy chăng? Nhà thơ víết bài này sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) khi ấy, ông mới 34 tuổi. Đang trai tráng, sung sức sao lại có thể… “lẩm cẩm” như vậy?

Còn Đỗ Nhuận - một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại - thì có một câu… “kỳ lạ” trong bài “Việt Nam quê hương tôi”: “Người thiếu nữ dạt dào tình trẻ, dáng xinh tươi sao chẳng muốn cười”. Nhạc sĩ ca ngợi quê hương đất nước, bài hát dạt dào âm điệu tự hào về Tổ Quốc và con người Việt Nam. “Người thiếu nữ” đang “dạt dào tình trẻ” có “dáng xinh tươi” mà lại “chẳng muốn cười”? Cô buồn rầu ức chế nỗi gì giữa đất nước vừa quét sạch bóng quân xâm lược? Hay là cô mắc bệnh trầm cảm? Ngay cả 3 từ “dáng xinh tươi” cũng chưa ổn. Người ta nói cái miệng xinh tươi chứ không ai nói “dáng xinh tươi”. Nói “dáng” thì phải là dáng đẹp, uyển chuyển, mềm mại hoặc bốc lửa! Có lẽ vì mấy chữ “sao chẳng muốn cười” vừa nói không ổn, nên sau đó, Đài phát thanh mới cho thu thanh lại, đổi thành “đang tuổi yêu đời”. Không còn ngớ ngẩn như “sao chẳng muốn cười”, nhưng vẫn không tránh được sự ngô nghê ở mấy tiếng “đang tuổi yêu đời”.

Nguyễn Đức Toàn - nhạc sĩ nổi tiếng - trong bài “Quê em” cũng quá nổi tiếng có một câu: “Bao là gươm, bao là súng, đầu lưỡi lê đi chiếm lại đồng quê ta”. Quân và dân đánh giặc để giải phóng quê hương bằng vũ khí gồm gươm, súng và lưỡi lê. Người ta cầm gươm, cầm súng chứ không ai cầm lưỡi lê vì vật này cắm ở đầu súng. Có thể giương lưỡi lê để vừa bắn súng, vừa tiện thì đâm giặc lúc chiến đấu giáp lá cà. Vậy thì “đầu lưỡi lê” là sao? Quả là ngây ngô, tối nghĩa!

Không thể kể hết những bậc tài danh trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đã có những phút… “chập mạch” để tạo ra những hạt sạn trong bát cơm vốn dĩ ngon lành. Nói họ “chập mạch”, chính bởi sự yêu quý của công chúng dành cho họ. Đó có thể coi như một sự … “đãng trí bác học” vậy. 

Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 22 - 20

Bình luận: 0