TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Thế hệ vàng LILAMA 60 năm trưởng thành

15:19 24/09/2020
Logo header Đầu tháng 12 tới, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập LILAMA, nhắc tới những nhà quản lý - những người thợ tài hoa qua các thời kỳ là để tri ân công sức đóng góp xây dựng, làm nên thương hiệu LILAMA bền vững suốt hành trình 60 năm qua. Bên cạnh đó, những Anh hùng lao động được Nhà nước tôn vinh ngay từ những năm đầu thành lập đến nay như thợ cơ khí Trương Đình Viễn, thợ hàn cao áp Đỗ Trọng Tiêu, thợ cẩu chuyển Nguyễn Thanh Hùng, thợ lắp turbine Nguyễn Thế Trinh, thợ cạo rà turbine Nguyễn Văn Ninh… đều là những cá nhân gương mẫu, xuất sắc trong lao động sản xuất, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động rất xứng đáng và thuyết phục, làm cầu nối truyền lửa nhiệt tình và sáng tạo cho các thế hệ trẻ mai sau.

Thợ lắp máy LILAMA

Chủ nhiệm Công ty Nguyễn Đình Ngự

Những năm 1972 - 1973, không quân Mỹ đánh phá Thủ đô dữ dội, trong đó Cầu Long Biên là mục tiêu số 1 bởi đây là đường giao thông huyết mạch qua lại giữa hai tuyến đường phía Đông và phía Bắc. Có lần một số nhịp cầu bị đứt gẫy, phải sửa chữa xây dựng lại, Lãnh đạo Thành phố đã chọn LILAMA tìm giải pháp khắc phục với thời gian nhanh nhất nhằm nối liền các chuyến tàu vận tải xe cơ giới lưu thông. Trước nhiệm vụ cấp thiết quan trọng đó, đích thân Chủ nhiệm Công ty Nguyễn Đình Ngự đã điều động phương tiện thiết bị, tuyển lựa hàng trăm thợ hàn cao áp, thợ gia công cơ khí v.v... có tay nghề cao đến công trình thực thi nhiệm vụ. Hơn 2 tháng sửa chữa, thay thế, ngoài chủng loại sắt thép phải qua kiểm định từ các cơ quan chức năng thì ngay cả những chi tiết nhỏ như bu-lông, ốc vít cũng là loại thiết bị chất lượng quốc tế. Hai nhịp cầu số 3 và số 5 bị bom Mỹ phá hỏng đã được thợ LILAMA sửa chữa thay thế an toàn trùng khớp. Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã đến tận công trình tặng quà và động viên, khen thưởng đội quân LILAMA. 

Là người đứng đầu ngành Lắp máy cả nước thời kỳ 1975 - 1981, Chủ nhiệm Nguyễn Đình Ngự đã chỉ huy thành công rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Nhiệt điện Ninh Bình, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhiệt điện Uông Bí…vv, góp phần truyền lửa cho lớp trẻ kế nghiệp kinh nghiệm nghề nghiệp và tinh thần yêu nghề.

Tổng giám đốc Phạm Hùng - Người kiên trì thực hiện quyền làm chủ những dự án lớn

Cuối thập niên 1993 sau khi hoàn thành, bàn giao nhà máy Thủy điện Trị An hòa vào lưới điện Quốc gia trong niềm hân hoan chào đón của triệu triệu đồng bào các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, thì hàng ngàn cán bộ, công nhân Công ty Liên hợp Lắp máy 45 (hầu hết lao động từ ngoài Bắc vào) đều hẫng hụt như đứng trên bờ vực do chưa kiếm tìm được việc làm. Công ty liên hợp 45 tách làm 3 đơn vị, ông Phạm Hùng được chỉ định làm Giám đốc Công ty Lắp máy 45-1 dẫn gần 500 công nhân về Long Thành - Đồng Nai “hành nghề” với tinh thần tự tin vì trong số 500 quân đa phần là thợ lành nghề về gò, hàn cao áp, cơ khí lắp ráp thì quyết không thể “đói việc được”. Quyết tâm ấy, bức xúc ấy đã thôi thúc anh kỹ sư năng lượng Phạm Hùng đã từng tu nghiệp 7 năm ở Liên Bang Nga đi quan hệ, giới thiệu, quảng bá tới các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án ở khu vực Đồng Nai - Sài Gòn…

Công trình liên hợp thực phẩm Vedan Long Thành (do Đài Loan đầu tư) là dự án 45-1 tiếp cận trước tiên. Ban đầu Vedan chưa hoàn toàn tin tưởng nên chỉ giao việc nhỏ giọt. Nhưng sau 2 tháng, thấy công việc tiến triển nhanh, chất lượng, Công ty VeDan đã ký hợp đồng cho 45-1 gia công chế tạo hàng 1000 tấn kết cấu thép, bồn bể đưa vào lắp đặt trong Nhà máy. Rồi như cái duyên trời ban thông qua một số kênh thông tin, Phạm Hùng biết được có 1 hãng nước ngoài đầu tư nhà máy xi măng lớn ở Tràng Kênh (Hải Phòng). Từ Đồng Nai, anh bay ra Hải Phòng tìm gặp đối tác, và thế là 5.000 tấn thiết bị kết cấu thép của dự án này được giao nằm trong tay người giám đốc trẻ quay vào Nam dẫn quân cán ra tác nghiệp ở Hải Phòng. Nên hiểu rằng tại thời điểm năm 1994, đất nước chưa chuyển đổi cơ chế thì việc Công ty lắp máy 45-1 nhận được những hợp đồng chế tạo một lượng thiết bị ở những dự án lớn là sự ngỡ ngàng, chấn động với nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước. Không chỉ có vậy, những ngày tháng tiếp theo thợ 45-1 đã thành lập một nhà máy sản xuất và chế tạo thiết bị, đặt trụ sở chính tại số 140 Điện Biên Phủ - quận 1 (T.P Hồ Chí Minh). Từ đây nhiều dự án được ký kết, Công ty có hàng trăm kỹ sư và hàng nghìn thợ các loại tỏa đi thi công ở nhiều vùng miền phía Nam. Phạm Hùng được Nhà nước vinh danh Anh hùng lao động năm 1995.

Chế tạo thiết bị cơ khí

Đất nước đổi mới, Phạm Hùng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam đến năm 2012. Ngót 20 năm trên cương vị người đứng đầu một chuyên ngành đặc chủng, Phạm Hùng là một lãnh đạo quyết đoán và cá tính, ông đã định là làm và quyết tâm thực hiện cho được. Tuy nhiên những trăn trở, bức xúc đã ấp ủ trong tâm trí ông từ nhiều năm qua với câu hỏi “Vì sao thợ LILAMA nhiều người có tay nghề cao, kỹ sư kỹ thuật thông minh, sáng tạo, trí tuệ, vậy mà suốt mấy chục năm cứ phải đi làm thầu phụ, chả nhẽ cả đời đi làm thuê, mà lại làm thuê ngay chính trên quê hương mình?”. Từ mạnh dạn đến dũng cảm, nhiều lần Ông làm luận cứ đề xuất lên Chính phủ. Rồi năm 2005, TGĐ Phạm Hùng thực hiện được điều mơ ước: LILAMA được Chính phủ chấp thuận giao làm tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện lớn tại Uông Bí công suất 300MW. Hiện thực này đã làm rạng danh cho LILAMA và thỏa mãn ước nguyện lâu nay của cả ngàn người thợ.

“Vua cẩu chuyển” Nguyễn Huyền Chiệc

Thợ cả Nguyễn Huyền Chiệc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong dịp khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông còn được mọi người tôn vinh là “vua cẩu chuyển” từ thuở mới vào nghề. Nguyễn Huyền Chiệc đã nghĩ ra được nhiều chiêu, nhiều mẹo để kích kéo các khối thiết bị nặng, đẩy lên cao độ yêu cầu để lắp ráp vào vị trí các tổ máy. Ông đã cùng nhóm cẩu chuyển chinh phục rất nhiều cột điện vượt sông lớn, hay các cột viba thu phát sóng phát thanh - truyền hình. Dấu ấn đậm nhất về Ông là người chỉ huy cẩu lắp toàn bộ 8 chiếc rotor (700 tấn) vào 8 tổ máy Thủy điện Hòa Bình trong điều kiện thiếu ánh sáng, không gian chật hẹp, ít không khí và đầy rủi ro, nguy hiểm trong hầm núi. Nguyễn Huyền Chiệc xứng danh là cánh chim đầu đàn của ngành Lắp máy Việt Nam.

Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn - Giấc mơ nội địa hóa ngành cơ khí chế tạo tiên tiến 

Khi đầu tư vào dự án xi măng công suất 2,1 triệu/tấn/năm tại Tràng Kênh (Hải Phòng), Hãng ChinFon (Đài Loan) đã tìm đến LILAMA ký hợp đồng gia công và lắp đặt toàn bộ thiết bị cơ khí Nhà máy. Kỹ sư cơ khí Lê Văn Tuấn được giám đốc Công ty lắp máy 45-1 chỉ định làm chỉ huy trưởng công trình từ Sài Gòn ra Tràng Kênh. Khi ấy Tuấn mới 35 tuổi đời, còn lớp thợ thì phần lớn tuổi đời, tuổi nghề đều cao hơn song họ đều thán phục phương pháp quản lý - điều hành sản xuất hiệu quả của chỉ huy trưởng Lê Văn Tuấn. Dự án này mang tính đột phá tiên phong trong việc vừa gia công chế tạo vừa nhận thầu lắp đặt thiết bị toàn bộ 5000 tấn cho một nhà máy cỡ lớn do người nước ngoài đầu tư. Thành công của công trình này đã mở đường cho LILAMA đến với dự án làm tổng thầu xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn và xi măng Hoàng Mai. Dịp này, Lê Văn Tuấn được Tổng Công ty chỉ định làm Trưởng đại diện chỉ huy hơn 2000 kỹ sư, công nhân các ngành nghề tại đây thực hiện gia công chế tạo khối lượng thiết bị nhiều gấp 3 lần số lượng thiết bị đã làm ở ChinFon - Hải Phòng. Chia sẻ niềm tự hào về Lê Văn Tuấn, Giám đốc Dự án- ông E.Okubo (Nhật Bản) rất hài lòng với thái độ làm việc nghiêm túc cùng tay nghề thuần thục của thợ LILAMA. Khi công trình sắp hoàn thành, TGĐ Tổng Công ty điều động Lê Văn Tuấn về làm tổng chỉ huy các lực lượng thi công phần điện tại dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc Gia. 

Năm 2000, Lê Văn Tuấn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần LILAMA18. Những tưởng ông đã bớt phải thường xuyên túc trực nơi công trường, nhưng không phải! Thời kinh tế thị trường, Công ty LILAMA 18 đơn vị chủ lực ở phía Nam luôn nhận được những hợp đồng thầu của nhiều dự án xây dựng các công trình Điện - Đạm - Dầu Khí, trải dài từ Vũng Tàu (Bà Rịa) đến các tỉnh Miền Tây. Những năm hoạt động tại đây, Lê Văn Tuấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2012. Hơn 7 năm lại đây, Ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ngành Lắp máy Việt Nam. Cả đời làm nghề, Lê Văn Tuấn luôn mơ về một ngành cơ khí nội địa hóa tiên tiến, lớn mạnh.

Lưu Huy Thành - Người Anh hùng áo thợ

Đốc Công Lưu Huy Thành có 13 năm liên tục làm công việc kích, kéo và chỉ huy lắp ráp các thiết bị nặng như van thủy lực, van cung cửa nhận nước cùng các thiết bị của 8 tổ máy Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Năm 1993, Thành lên thủy điện Yaly. Cùng là thủy điện nhưng đặc thù vị trí đặt các tổ máy phát điện lại có sự khác biệt - ở Yaly thợ lắp máy phải lắp tuyến ống áp lực có độ dốc gần như thẳng đứng 900 từ đỉnh núi để dẫn nước đổ vào turbine. Đây là hạng mục độc nhất chưa từng có thủy điện nào thực hiện. Nếu Lưu Huy Thành có gần 7 năm sống lao động ở Tây Nguyên thì có tới hơn 1000 ngày, người đốc công này phải thực thi các công việc trong điều kiện chật chội thiếu ánh sáng cùng những tiếng ồn của máy khoan, máy nổ, xe máy trong hầm núi. Giai đoạn khó khăn, nguy hiểm tạo cho đốc công Lưu Huy Thành nhiều áp lực đó là công tác tổ hợp, vận chuyển và lắp đặt các Rotor mỗi chiếc nặng gần 700 tấn đưa vào vị trí các tổ máy. Nhờ sức chịu đựng dẻo dai và kinh nghiệm từng trải qua những công trình đã tôi luyện ý chí, nghị lực giúp Lưu Huy Thành vững vàng vượt qua. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Xây dựng năm 2015.

Nguyễn Tất Lộc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0