TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Thu hút lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

06:50 23/06/2022
Logo header Với mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong những năm qua, ngành BHXH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, tuy nhiên, đến nay số người tham gia BHXH vẫn tăng khá chậm. Nhiều người băn khoăn, con số này tăng chậm và có tiếp tục tăng trong thời gian tới?

Thực trạng bao phủ BHXH tự nguyện

Do tác động của dịch Covid-19 thời gian qua, hình thức tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH được các địa phương tổ chức linh hoạt hơn. Gần đây, số người tham gia BHXH đã có bước phát triển đột phá. Hiện có 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Không kỹ năng nghề nghiệp, đa phần không tham gia tổ chức đoàn thể nào nên dường như người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nhất là khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 rõ nhất.  Nhìn chung việc mở rộng chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức đang là một vấn đề rất được xã hội quan tâm hiện nay, không chỉ thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

- Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

- Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...

Chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Việc thực hiện BHXH tự nguyện được thực hiện theo 2 giai đoạn: (1) Thực hiện BHXH tự nguyện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; (2) Thực hiện theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Vì vậy, thực hiện BHXH cho mọi người lao động nói chung và bản thân người lao động trong khu vực phi chính thức nói riêng được xem vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tích cực góp phần thực hiện công bằng xã hội trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được tham gia và hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật. Mặc dù có những tiến bộ về mặt chính sách nhưng về độ bao phủ thì đa phần người lao động phổ thông chưa nằm trong hệ thống an sinh xã hội dù họ cũng đang tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc của các chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh chỉ vào khoảng khoảng 3-17%. Lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hoặc dưới 3 tháng thường không được thực hiện chế độ BHXH bắt buộc theo quy định. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp ngay cả khi họ thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo. Điều này cho thấy cần phải có những sự điều chỉnh để chính sách này hấp dẫn và phù hợp với với lao động phi chính thức.

Một số hạn chế chính sách BHXH tự nguyện

                                     Người dân tham gia BHXH

Trên cơ sở đánh giá thực trạng diện bao phủ BHXH tự nguyện ở Việt Nam thời gian vừa qua, nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên, một mặt chủ yếu là do nhận thức của người lao động về BHXH còn hạn chế; mặt khác là do chế độ BHXH tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn đối với người lao động; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng chưa được tiến hành đồng bộ, hiệu quả… Cụ thể:

Thứ nhất, Luật Bảo hiểm xã hội chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc; trong thời gian dài, chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyệncác quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe. Về thời gian, phải tham gia 20 năm mới được được hưởng lương hưu dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài, thậm chí đến 18-19 năm nhưng  vẫn rời khỏi hệ thống, hưởng BHXH một lần thay vì được hưởng lương hưu.

Thứ hai, thiếu sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ BHXH. Đồng thời có các nguyên nhân về tổ chức thực hiện: Chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương.

Thứ ba, công tác truyền thông và công tác tổ chức thực hiện bộc lộ một số hạn chế, còn thiếu sự quyết liệt ở một số địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện BHXH; năng lực - hiệu quả quản lý nhà nước và tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; dịch vụ và tiếp cận dịch vụ BHXH cho người dân chưa thuận lợi,…

Thứ tư, cơ quan BHXH mặc dù đã tích cực đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuy nhiên quá trình này vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện. Hiện tại, BHXH Việt Nam có gần 40.000 đại lý thu trên toàn quốc, hầu hết ở các thôn, xã, nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn hạn chế. Hầu hết hiện nay là những đối tượng người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy có thể thấy, những nỗ lực để đưa chính sách BHXH đến khu vực phi chính thức chưa được như mong muốn.

Thứ năm, sự khác biệt lớn trong thụ hưởng các chế độ giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu tham gia nhiều chế độ hơn nhưng chưa được đáp ứng.

Ngoài 5 nguyên nhân chính nêu trên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác liên quan vấn đề bất cập BHXH hiện nay với lao động phi chính thức.

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Để hoàn tốt thành mục tiêu đề ra, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu là phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống. ILO cũng đưa ra các khuyến nghị, theo đó, cần chia đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thành nhiều nhóm, để lựa chọn hình thức tuyên truyền hiệu quả. Cụ thể:

Một là,  tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng: Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí cho phù hợp với đặc điểm của người lao động khu vực phi chính thức, rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu (thời gian đóng tối thiểu theo quy định hiện nay là 20 năm quá dài so với độ tuổi trung bình tham gia BHXH tự nguyện của người lao động là 35 tuổi), quy định điều kiện hưởng BHXH một lần chặt chẽ hơn; Điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước bằng nhiều phương thức khác nhau như: Tăng mức hỗ trợ đóng BHXH (Mức hỗ trợ đóng cao nhất hiện nay cho người nghèo là 30%, với thu nhập thấp nhất đăng ký tham gia BHXH bằng chuẩn hộ nghèo thì hàng tháng người lao động phải bỏ ra hơn 100 nghìn đồng/tháng để đóng BHXH cũng là gánh nặng đối với người nghèo); Tăng mức hỗ trợ hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (hiện nay, chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưởng một lần mà không có chế độ hưởng hàng tháng); Đồng thời, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện (Hiện nay BHXH tự nguyện mới chỉ thực hiện hai chế độ BHXH dài hạn, cần triển khai thêm các chế độ BHXH ngắn hạn như : ốm đau, thai sản...); Tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, mở rộng một số đối tượng khu vực phi chính thức (người lao động có việc làm được trả công, có tiền lương…) được tham gia vào BHXH bắt buộc.

Hai là, đổi mới phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện với việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra về BHXH, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH.

Sáu là, tăng tính liên thông cho hai loại hình BHXH hiện nay. Nên cho phép đối tượng của BHXH tự nguyện tham gia có điều kiện vào loại hình BHXH bắt buộc, tức là khi người lao động có đủ điều kiện cần thiết (thu nhập, ngành nghề, nơi làm việc,..), thì có thể tự nguyện tham gia đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc để hưởng các quyền lợi, như: những người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay. Ngược lại nên mở ra cơ hội cho đối tượng của BHXH bắt buộc cũng được tham gia đóng góp vào loại hình BHXH tự nguyện nhằm tăng mức hưởng lương hưu sau này cho người lao động.

Các giải pháp tổ chức thực hiện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH. Triển khai đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả các cải cách chính sách BHXH trên sẽ góp phần thực hiện hành công mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW: Đến năm 2025 thu hút được 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2030 thu hút được 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 5% lực lượng lao động trong độ tuổi và từng bước hướng tới thực hiện BHXH toàn dân.

Minh Thơm

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161-5/2022

Bình luận: 0