TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 28/03/2024

Thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giúp nền kinh tế nước ta hiện luôn có mức tăng trưởng khá

15:55 01/07/2021
Logo header Nước ta bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh thế giới và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Nhưng nhờ sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh thế giới và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới. Vai trò trung tâm kết nối của ASEAN trong các thiết chế khu vực tiếp tục được khẳng định nhưng còn nhiều thách thức. Hòa bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng. Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng quyết liệt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp. Đặc biệt, vào năm cuối giai đoạn kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, dịch COVID - 19 lần đầu tiên xảy ra trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, hậu quả kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu nên mặc dù kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất lịch sử trong năm năm 2020 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương và năm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, cùng với đó là thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành 25 Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Cùng sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của nhân dân, các tổ chức quốc tế, kinh tế nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần giúp đời sống nhân dân được cải thiện một cách rõ rệt, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Trong ấn phẩm “Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2016 - 2020” - đây là đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước sau mỗi kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được Tổng cục Thống kê công bố mới đây đã ghi nhận nền kinh tế nước ta hiện đang có mức tăng trưởng khá, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, lạm phát đã từng bước được kiểm soát, mô hình tăng trưởng kinh tế từng bước chuyển dịch sang chiều sâu. Đặc biệt trong năm 2020 nền kinh tế toàn cầu mà trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID - 19, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương.

Cùng nhìn lại 5 năm phát triển, từ năm 2016, tốc độ tăng GDP chỉ tăng 6,21%, thấp hơn tốc độ tăng của năm 2015(6,68%) do ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trong ba năm tiếp theo, nền kinh tế đã có sự bứt phá, tốc độ tăng GDP năm sau cao hơn năm trước và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, trong đó tốc độ tăng GDP năm 2017 đạt 6,81%; năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008; năm 2019 tăng 7,02%. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng GDP đạt 6,78%, cao hơn 0,87 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 5,91%/năm của giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7%/năm của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Như vậy tính đến hết năm 2020, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,99%/năm. Với kết quả này, tuy không đạt mục tiêu đã đề ra, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất so với các nước trong khu vực ASEAN. Bình quân năm trong giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng GDP của Việt Nam đạt 6,78%, cao hơn tốc độ tăng của Singapore (2,44%); Thái Lan (3,42%); Malaysia (4,8%); Philippines (6,6%); Indonesia (5,07%) và chỉ thấp hơn Campuchia (7,09%).

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2016 đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 205,3 tỷ USD) đến năm 2018 đã đạt 5.542,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 245,2 tỷ USD), ước tính năm 2020 đạt 6.293,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 271,2 tỷ USD), gấp 1,5 lần quy mô GDP năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng cao hơn tốc độ tăng dân số nên GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tăng từ 2.202 USD/người năm 2016 lên 2.373 USD/người năm 2017 (tăng 171 USD) và liên tục tăng lên 2.570 USD, 2.714 USD trong 2 năm 2018 và 2019. Năm 2020 ước tính đạt 2.779 USD/người, gấp 1,33 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2015 (2.097 USD/người). Tính theo sức mua tương đương năm 2017, GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 8.041 USD/người, gấp 1,4 lần năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện rõ nét ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của nền kinh tế tăng lên. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 45,72%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 32,84% của giai đoạn 2011 - 2015. Cùng với đó, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,08 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015.

Về kiểm soát lạm phát, từ năm 2011 trở về trước, với tư duy lựa chọn mục tiêu ưu tiên là tăng trưởng nhanh, mô hình tăng trưởng nghiêng về số lượng hơn chất lượng, chiều rộng hơn chiều sâu, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng lực lượng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên… nên lạm phát cao, lặp đi lặp lại. Nhưng từ năm 2012 đến nay, việc đổi mới tư duy trong lựa chọn mục tiêu ưu tiên tăng trưởng và phát triển kinh tế, với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động kiểm soát lạm phát nên lạm phát luôn giữ ở mức kiểm soát, giai đoạn 2016 - 2020 luôn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thể hiện rõ nét bằng việc năm 2016, lạm phát ở mức 2,66%, năm 2017 ở mức 3,53%, năm 2018 ở mức 3,54%, năm 2019 ở mức 2,79% và năm 2020, dù bị ảnh hưởng rất lớn của việc tăng giá thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi kéo dài nhưng lạm phát vẫn được giữ ở mức 3,23%.

Có được kết quả quan trọng này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các kịch bản điều hành giá những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như dịch vụ y tế, xăng dầu, điện… phù hợp trong từng giai đoạn. Công tác thống kê, phân tích, dự báo về giá cả, thị trường được tăng cường. Do vậy, giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là giai đoạn thành công trong việc kiểm soát lạm phát.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21

Bình luận: 0