TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Tiềm năng một vùng quê duyên hải

15:06 24/09/2020
Logo header Nam Định là một thành phố phía Nam vùng ĐBSH, là trung tâm kinh tế, văn hoá của tỉnh Nam Định. Nơi có truyền thống anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và là cái nôi của ngành công nghiệp dệt cùng với nhiều ngành công nghiệp khác như cơ khí, đóng tàu... Nam Định cũng có nhiều ngành nghề thủ công với nhiều sản phẩm độc đáo như đúc đồng, chạm trổ, may thêu và mây tre đan được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Người dân Nam Định không chỉ cần cù trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn có truyền thống luôn đạt thành tích cao trong học tập và giáo dục.

Nam Định còn nổi tiếng với những nghề truyền thống khác như cơ khí, đúc đồng, làm phở...

Như nhiều thành phố khác trên thế giới. Nam Định xưa cũng là một “thành phố sông”, chẳng phải ngẫu nhiên mà tỉnh Nam Định trở thành một vùng trù phú như thế. Nghiên cứu sâu trong lòng đất, các nhà địa chất cho biết rằng vùng Nam Định xưa là vùng biển, xưa kia nước biển còn vỗ vào vùng rừng núi Ninh Bình. Sau 2 lần thoái biển, phù sa lắng đọng dần thành đầm lầy rồi thành rừng rậm nguyên sinh như vùng Cúc Phương hiện nay, nhiều cồn cát duyên hải nổi dần lên và nằm cố định chứ không tiếp tục di chuyển nữa. Thành phố Nam Định ở trên một vùng cồn cát duyên hải như thế, có đất màu nâu tươi mang những đặc tính phù sa sông Hồng, chủ yếu là các hạt sét và cát nhỏ. Được hình thành từ thế kỷ 13, thành phố cổ Nam Định đến thế kỷ 19 đã có một hệ thống đường phố ngang dọc. Thời kỳ này thành phố đã có hơn một vạn dân. Về mật độ, những đường phố xuyên ngang từ bờ sông đến hào nước bao quanh thành là phố Hàng Tiện, Hàng Giấy, phố Bến Ngự, phố Hàng Sũ... đông người ở, nhà cửa xây san sát. Nam Định gồm 12 phố. Trong bài “Nam Thành cảnh trí”, các phố dần được hiện ra: “ Thành Nam cảnh trớ an bài… Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông… Nhất thành là cửa phố Đông… Nhất lịch Hàng Long, Hàng Đồng… Hàng giấy đẹp khách yêu đào… Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân… Ba năm một hội phong văn… Lại lều,lại chõng về thăm Cửa Trường… Ngọt ngào lên đến hàng Đường… Say sưa hàng rượu, phô trương hàng Cầm”
        
Vào đời Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) nghề Rèn đã được du nhập vào làng Vân Chàng. Thời xa xưa, Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao kéo, cuốc xẻng, bản lề... Mấy chục năm trở lại đây làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển, sản phẩm của họ đã được cơ giới hoá với kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp và đạt độ bền cao trong sử dụng. Tổng giá trị máy móc của Vân Chàng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với lượng máy móc ấy, mỗi năm Vân Chàng tiêu thụ 40 đến 50 tấn phế liệu cả kim loại lẫn than, thu hút 2000 lao động từ khắp nơi. Máy móc đưa vào sản xuất ngày một nhiều, riêng kéo đã có mấy chục loại chất lượng tốt, mỗi máy thụt, máy đùn, máy vặn ở Vân Chàng đã sản xuất ra lượng hàng cơ khí nông cụ rất lớn. Ngày nay hàng của Vân Chàng đi khắp nơi trong nước, sang cả Lào, Campuchia. Đời sống của người dân Vân Chàng đang dần đi lên từ nghề Rèn truyền thống.

Bên cạnh làng Rèn Vân Chàng, Vị Khê cũng là làng nghề nổi tiếng về cây cảnh ở Nam Đinh. Không ai biết tường tận nghề trồng cây cảnh Vị Khê có từ bao giờ, các cụ trong làng kể rằng hàng trăm năm trước vào mỗi mùa xuân, ở kinh đô nhà Vua thường mở hội thi cây cảnh, không quản đường xá xa xôi, cơm nắm, cơm đùn quẩy gánh cây ra đi. Nhiều năm người Vị Khê chiếm được giải cao nhờ có cây cảnh mà được gặp vua, người Vị Khê quanh năm áo nâu chân đất đã được ngẩng mặt cùng thiên hạ. Du khách đến làng Vị Khê ngày một đông. Đi thăm và ngắm vườn cây du khách sẽ được người chủ vườn giới thiệu về các loại cây. Đây cây giống Vạn Tuế, trong số 18 cây trồng ở lăng bác có tới 14 cây do các lão nghệ nhân trong làng đóng góp… Này giống trà Bạch, Lan Hạc Đính. Đây chính là loại cây quý hiếm xưa thường mang tiến Vua… Đây cây Sanh Thế lâu năm nhất trong làng, vẻ đẹp ở dáng rồng bay, ở cái gốc và bộ rễ cổ thụ... Từ một mảnh vườn riêng cây cảnh chia đi các công viên, các khu di tích lịch sử, các khu du lịch, nghỉ mát rồi tìm đến các phố phường đông đúc.

Không những vậy Nam Định còn nổi tiếng với những nghề truyền thống khác như cơ khí, đúc đồng, làm phở... Làng nghề cơ khí Xuân Tiến thuộc huyện Xuân Trường, lúc đầu có một số gia đình tự sửa chữa các dụng cụ cầm tay, sau đó lập xưởng sản xuất độc lập. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua máy móc, thiết bị sản xuất mới. Hàng năm các hộ trong xã sản xuất được hàng ngàn tấn sắt thép, rồi máy tuốt lúa và máy trộn bê tông. Làng nghề Xuân Tiến đang phát triển khá đa dạng, sản phẩm có uy tín trong nước, một số mặt hàng đã được xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc. Làng nghề đúc đồng Tống Xá thuộc huyện Ý Yên có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu đời. Trong vài chục năm qua sản phẩm chủ yếu của các lò đúc ở các địa phương là các loại hàng gia dụng như xoong, nồi, mâm, mỏ neo tàu, chi tiết phụ tùng các loại máy và các sản phẩm đồng mỹ nghệ. Hiện nay làng nghề đúc đồng Tống Xá có nhiều lò thép và hàng chục cơ sở đúc thủ công khác. Làng Vân Cù, xã Đông Xuân, Nam Trực cũng được coi là làng chuyên nghề phở duy nhất ở Việt Nam. Làng Vân Cù đất chật người đông nhà thì làm bánh, nhà thì mổ bò, nhưng nhà nào cũng biết làm phở.

Với nhiều làng nghề phong phú, đa dạng cùng với những đức tính cần cù, chịu khó của người dân. Tất cả đã và sẽ làm nên một Nam Định phát triển và khả năng những sản phẩm hàng hóa thủ công của Nam Định sẽ tiến xa hơn nữa khi đất nước ta đã có những bước xuất khẩu ra thị trường tự do EU.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0