TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Tiếng chuông vang vọng tại dốc Ông Phật

15:11 23/07/2020
Logo header Chùa Liên Hoa là một ngôi chùa rất đẹp tọa lạc tại dốc Ông Phật, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngôi chùa là nơi thanh tịnh để nhân dân chiêm bái, vãn cảnh Phật. Vào các ngày tuần tiết, lễ, Tết người dân nơi đây cùng nhiều du khách thập phương thường đến chùa Liên Hoa kính lễ và sinh hoạt tín ngưỡng.

Cổng chào của chùa Liên Hoa - dốc Ông Phật

Chùa được xây dựng mới trong khuôn viên khu đất rộng 1.5 ha tọa lạc trên khu đất có tên là Dốc Ông Phật. Việc xây dựng chùa cũng đến với một cơ duyên huyền bí, Hòa thượng Thích Nguyên Chơn - Người trực tiếp tham gia công việc xây dựng ngôi chùa tâm sự với phóng viên Tri thức Xanh: “Chùa Liên Hoa đứng trước ủy ban phường Bùi Thị Xuân cách đây 2 dãy số. Lúc đó, vào thời gian từ 1975 đến năm 2004 không có ai ngó ngàng, nên ngôi chùa trở nên hoang vu. Ngay từ năm 1975, nhiều phật tử ở địa phương đã có mong muốn trùng tu lại ngôi chùa nhưng chủ trương UBND Tỉnh và UBND Phường không cho vì lúc bấy giờ chưa ai làm Trụ Trì nhà chùa. Đến năm 2000, Phật tử địa phương xin trùng tu lại ngôi chùa, lúc đó UBND Tỉnh và UBND Phường đã đề xuất giải tỏa đền bù đất mới để cho phật tử xây dựng chùa. Chùa cũ trước đây giải tỏa đã được xây dựng công viên. Chính là công viên Bùi Thị Xuân hiện tại.” 

Hòa thượng Thích Nguyên Chơn - Trụ trì chùa Liên Hoa

Vị trí xây dựng chùa Liên Hoa hiện nay là một địa điểm rất đặc biệt mang tên dốc Ông Phật. Tên gọi này không biết có từ bao giờ, nhưng gắn liền với 2 ngôi tượng của 2 vị Phật, đó là tượng của ngài Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và ngài Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt trên đỉnh dốc. Dọc theo quốc lộ 1A, dốc Ông Phật nằm ở Khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành Phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, dốc ngắn và có độ cao vừa phải, ít gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. Đứng trên đỉnh dốc Ông Phật hoặc tại chùa Liên Hoa, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát hết phường Bùi Thị Xuân, đặc biệt những hôm trời quang, mây tạnh, tầm nhìn của bạn có thể vươn ra đến Ngã ba Phú Tài… Nếu bạn đi theo hướng từ Bắc vào Nam, tới nửa dốc bạn đã thấy bên phía tay phải là pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, phía bên tay trái là pho tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, hai pho tượng này được lấy làm trung tâm thiết kế của chùa Liên Hoa hiện nay. Trước khi ngôi chùa được di dời đến đây, một số phật tử địa phương và phật tử thập phương đã quyên góp, tu bổ, tôn tạo lại 2 pho tượng trên. Sau 17 năm xây dựng, chùa Liên Hoa ngày nay đã được xây mới hoàn toàn theo kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang sắc thái cổ điển và truyền thống của nền tảng văn hóa Phật giáo. Những đường nét hoa văn được tạo tinh xảo, những tác phẩm về họa tiết linh vật trên đầu đao, nóc nhà, vì, kèo, cột cho đến chân cột tạo nên sự tinh tế, linh thiêng trong tín ngưỡng Phật giáo. Khi bước vào Linh Hoa Tự, trong Chánh Điện, chúng ta sẽ thấy một không gian rộng và đẹp. Cũng giống như các ngôi chùa khác, Linh Hoa Tự cũng tuân theo những quy tắc trong việc thờ tự, đó chính là cách bài trí nơi thờ tự theo lối kiến trúc “Tiền Phật, Hậu Tổ”. Chánh Điện của chùa Liên Hoa có 5 pho tượng rất đẹp. Ở giữa gian chính là pho tượng Bổn sư Thích Ca Mâu Ni. Ở phía bên phải có tượng Phật Di Đà và tượng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Bên trái là pho tượng ngài Dược Sư và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Hai bên Tam Bảo có các ban thờ các vị Hộ Pháp, Đức Chúa Ông, Đức Thánh Hiền. Ở phía đằng sau Chánh Điện được dùng để thờ các vị Tiền Tổ và Hậu Tổ. 

Chánh Điện của Chùa

Sứ mệnh Hoằng Pháp của chùa Liên Hoa luôn được quan tâm và phát huy. Vào ngày mồng một và tuần trăng hàng tháng, nhà chùa luôn tổ chức những khóa tu để phật tử bốn phương được giác ngộ kinh Phật, trút bỏ tham, sân, si mà tu tâm, dưỡng tính, tích đức, giải nghiệp. Nhà chùa cũng thường xuyên tổ chức những buổi thuyết pháp để mọi người hiểu đúng về Phật Pháp, từ đó ứng dụng hàng ngày để sống sao cho thật “Tốt đời - đẹp đạo”.

Mỗi khi vãn cảnh chùa, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm thấy thanh tịnh. Những tiếng chuông gió văng vẳng và ấm áp sẽ giúp cho người nghe cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tĩnh tâm. Chiếc chuông gió đã được Hòa Thượng sưu tầm và mang về Việt Nam từ đất nước Đài Loan. Mỗi lần chuông gió rung lên như một tiếng thỉnh chuông, tiếng chuông vang vọng vào trong tâm hồn của những người cảm nhận. Hai chiếc chuông gió được treo ở hướng Nam và Bắc của Chánh Điện, được nhận những nguồn năng lượng tươi mới của tự nhiên và luôn rung lên mỗi phút, mỗi giây. Cảnh quan và kiến trúc của chùa Liên Hoa rất đẹp, kết hợp với tiếng chuông gió ngân nga khiến cho ai đã từng đến Chùa… và rồi có đi xa… cũng sẽ tĩnh lại lắng nghe khung cảnh mà như trút hết được những sự lo lắng, mệt mỏi của trần ai để được đắm mình vào trong không gian nơi đây. Tiếng chuông ngân lên và nhắm mắt cảm nhận đang ở Chánh Điện, quỳ dưới Đức Phật, nhất tâm chắc hẳn đã thỏa nỗi tín ngưỡng trong đời sống văn hóa mỗi người.

Khi đời sống kinh tế tăng cao đã kéo theo nhu cầu hưởng thụ và tín ngưỡng. Nhu cầu tín ngưỡng là một nhu cầu rất chính đáng của mỗi con người chúng ta. Các vị Tăng, Ni, phật tử chùa Liên Hoa luôn cố gắng hết sức mình để thực hiện công cuộc Hoằng Pháp - Hộ Sinh, giúp cho mọi người có nghị lực vượt qua gian nan, tìm được niềm vui, bình an và tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. 

Thu Trung - Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20

Bình luận: 0