TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 03/05/2024

Trái cây đặc sản đang bị mạo danh trắng trợn

15:18 17/09/2020
Logo header Có thể nói phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Khi mà những lời quảng cáo nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài không còn thu hút thì các hàng lại quay về quảng cáo là đơn vị Việt Nam. Thế nhưng thực hư về nguồn gốc hàng hóa vẫn là một dấu hỏi lớn bởi không được kiểm chứng. Trái cây đặc sản ở nhiều địa phương đang chịu tình cảnh bị mạo danh đánh tráo bán trên đường phố, các chợ và đặc biệt là các điểm du lịch.

Thương hiệu rau, trái cây Đà Lạt sẽ đi về đâu nếu như trên thị trường thường xuyên xuất hiện những sản phẩm xuất xứ không rõ được người bán nói là sản phẩm Đà Lạt?

Mận, táo, nho, hồng bị mạo danh bán đầy trên các xe đẩy, các sạp tại nhiều chợ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Vào những tháng trái vụ vẫn thấy đặc sản được bày bán trong khi ở những nơi được gọi là “thủ phủ” đang hiếm hàng hoặc “mục sở thị” nguyên bản và loại trái cây mạo danh đang bày bán thấy hai hình dạng “không liên quan” đến nhau. Táo mèo Hà Giang là một ví dụ. Loại táo được người bán hàng quảng cáo là táo mèo Hà Giang là những trái táo có chua thanh, giòn, màu sắc tươi tắn giống với trái táo Mỹ thế nhưng loại này “phiên bản” nhỏ hơn có giá từ 20.000 đồng/kg. Tiếp cận một sạp tại chợ Tân Mỹ, quận 7, chúng tôi nhận được câu trả lời “Đây là đặc sản của Hà Giang, loại này rất ngon, giòn lắm. Ở đây bán hàng đúng gốc, đừng lo. Không bán trái cây Trung Quốc đâu!” Thế nhưng, khi chúng tôi nói táo mèo Hà Giang nhìn rất xấu, không được đẹp và chủ yếu người ta dùng ngâm rượu, sản lượng không nhiều sao có thể bán vào tới đây được thì người bán hàng ậm ừ, thì lấy của các mối người ta nói thế. Tương tự như vậy, khi hỏi xe đẩy bán hàng người bán hàng khẳng định chắc nịch “táo gửi từ quê anh vào, 100% là từ Hà Giang vào đấy.” Thế nhưng chỉ sau một hồi trò chuyện anh ta nói thật táo này anh lấy về bán chứ cũng không biết nguồn gốc đâu, nghe người ta nói là táo mèo thì biết vậy chứ quê anh ở Hải Dương không biết loại táo này đâu.

Loại táo có xuất xứ Trung Quốc được người bán ghi trên biển là Táo Mèo bày bán ở nhiều tuyến phố trong TP. Hồ Chí Minh

Không chỉ táo mà mận đen (trái to hơn trái đào mà đen) cũng bị chung tình trạng như vậy thế. Nhiều xe đẩy tại đường Trường Chinh (Q. Tân Bình) ghi là mận Hà Nội? Theo tìm hiểu thì Hà Nội không trồng được loại mận này. Trái cây đặc sản đủ loại đến từ các miền trên cả nước và thậm chí là nhập khẩu, như mít Tố Nữ miền Tây, vải Thanh Hà, nhãn Hưng Yên, dừa xiêm Bến Tre, ổi Hà Nội, nho Ninh Thuận, vú sữa Lò Rèn, dâu và hồng Đà Lạt... đang bị những người bán hàng thiếu đạo đức “trộn tráo” thành đặc sản lừa người tiêu dùng. Thực tế các loại trái cây này người bán thường lấy hàng từ các vùng khác hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên mới có giá rẻ bất ngờ như vậy. Những người bán trái cây ở vỉa hè, đường phố bao giờ cũng quảng cáo rằng trái cây của mình được hái từ vườn chở lên bán, không qua trung gian nên giá rẻ hơn. 

Thực chất loại Táo Mèo trông hình thức không hấp dẫn mà vẫn bị các loại táo khác làm “giả thương hiệu”

Một sạp bán “Dâu Tây” trồng ở Đà Lạt mà nhiều người lại quen gọi là “Dâu Đà Lạt” (?)

Khi một lượng lớn trái cây Trung Quốc hàng ngày đưa ra thị trường luôn được gắn mác “đặc sản Việt” thì có nghĩa là hàng đặc sản Việt đã có uy tín thương hiệu rồi thì mới “được” mạo danh như vậy. Trái cây đặc sản của chúng ta đã có một vị trí nhất định trong thói quen của người tiêu dùng. Vậy nên chúng ta cần bảo vệ chính thói quen đó để mở rộng thị trường. Thế nhưng thực tế cũng cho thấy rằng những loại nông sản du nhập chất lượng thấp giả danh đã tạo ra không ít khó khăn cho nông dân. Chưa kể đến những hệ lụy về sức khỏe mà người dùng phải gánh chịu khi các loại nông sản giá rẻ thường được “thổi phình cấp tốc” bằng các loại chất cấm. Tình trạng trái cây bị mạo danh đặc sản rất khó kiểm soát bởi những người buôn bán nhỏ lẻ thấy lợi là bán, không quan tâm nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng, quản lý thị trường cũng khó có thể bắt quả tang nguồn hàng, không thể kiểm soát bởi chúng “đội lốt” đặc sản. Đối với những người tiêu dùng ít thông tin, không có điều kiện hoặc ngại tìm hiểu, kẻ mạo nhận xuất xứ, thương hiệu hàng hoá dễ dàng kiếm lời. Nhiều người biết nhưng cũng đành tặc lưỡi cho qua vì hơi đâu mà tranh cãi dù biết chắc chắn đó là người bán nói điêu và cũng không phải vì biết mà mua được hàng với giá rẻ hơn. Điều đáng nói nữa là những mặt hàng thực phẩm tươi kiểu lê, đào, mận Sapa, táo mèo... chẳng có tiêu chuẩn chất lượng nào được công bố, cũng chẳng có nhãn mác được bảo hộ. Vì thế lấy đâu làm cơ sở để đối chứng, kiểm chứng. Nhưng nông sản Trung Quốc mà trưng biển có xuất xứ Hà Nội, Hà Giang, Ninh Thuận, Đà Lạt... thì rõ ràng là hành vi gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Năm nay nhắc chuyện mạo nhận, năm sau lại lặp lại, không với mặt hàng này thì sản phẩm kia. Vậy mà chưa thấy người bán hàng bị phạt. Những sản phẩm thứ thiệt vẫn đang bị phó mặc cho hàng trôi nổi, mạo nhận cạnh tranh không lành mạnh. Người sản xuất, người tiêu dùng chịu thua thiệt, không lẽ khâu quản lý đành bó tay?  

Những trái Hồng Đà Lạt ăn rất giòn, thơm và ngọt nhưng trên thị trường bán hoa trái tại khu vực chợ Đà Lạt hiện này có rất nhiều Hồng Sấy có xuất xứ từ Trung Quốc được người bán chào mời là “Hồng Sấy Đà Lạt”

Nhìn chung các loại trái cây được ưa chuộng hiện nay đều xuất hiện hàng nhái, hàng giả mạo danh. Việc đánh tráo trái cây đặc sản đã khiến không ít người tiêu dùng bị lừa. Để hạn chế tối đa việc mua nhầm trái cây mạo danh đặc sản, người tiêu dùng cần cảnh giác khi chọn mua, không nên mua trái cây ở vỉa hè vì dễ lầm lẫn với trái cây đặc sản. Bên cạnh đó cũng cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra ngăn chặn việc buôn bán trái cây đặc sản  giả mạo nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ đặc sản thương hiệu trái cây đã được  đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu vùng miền.

Xuân Bách - Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0