TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 06/12/2024

Trao truyền ngọn lửa văn hóa Chu Ru

11:32 21/08/2021
Logo header Nhớ đêm đó, ở khoảng sân rộng trước ngôi nhà tổ của dòng họ Touneh, ngọn lửa lớn đã bùng cháy lên như một nguồn cảm hứng, một lời mời gọi. Đắm mình trong thanh âm của các loại nhạc cụ, chung vũ điệu cổ truyền với những chàng trai, cô gái dân tộc Chu Ru, hòa cùng không khí thiêng liêng của dân làng Diom A trong đêm lễ tưởng nhớ tổ tiên Pơkhimocay và hội đoàn viên Tơigum Pơtom, lễ hội quan trọng của các dòng họ trong tộc người Chu Ru bên dòng Đạ Nhim mà tôi may mắn được làm khách mời, tôi càng cảm nhận rõ hơn về ý thức khơi dậy và trao truyền dòng mạch văn hóa của một tộc người.

Tămya-Ariya, điệu múa cổ truyền của người Chu Ru.

So với các dân tộc khác đã tụ cư lâu đời trên núi rừng Tây Nguyên, người Chu Ru là thành viên mới. Họ quần cư giữa triền thấp nhất của miền thượng du với dân số khoảng 200.000 người, hầu hết trong số đó sống bên những sông suối Đạ Nhim, Đạ Yòng thuộc hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng). 

Trong quá trình cộng cư, sinh tồn, người Chu Ru đã tiếp thu những tri thức nguồn cội và sáng tạo những giá trị văn hóa mới mang bản sắc đặc thù. Từ trong sâu thẳm, tộc người này coi đó là vốn quý. Trong mỗi mái nhà, mỗi buôn làng, thế hệ trước đã làm mọi cách để trao truyền những giá trị cao quý ấy cho thế hệ tương lai. Bởi lẽ vậy mà suốt bao tháng năm qua, rất nhiều biến động từng xảy ra nhưng ngọn lửa văn hóa truyền thống của tộc người này vẫn âm ỉ cháy... 

Với đồng bào Chu Ru, việc bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa là của cả cộng đồng nhưng các già làng, nghệ nhân, trí thức giữ vai trò cốt yếu. Họ là những người thông thái, giàu bản lĩnh, những người tích cực hỗ trợ chính quyền trong các cuộc vận động và là điểm tựa tinh thần của buôn làng. Bà con coi họ như những người giữ lửa. Về với những làng quê Chu Ru vùng hạ lưu sông Đạ Nhim ở huyện Đơn Dương và dọc theo suối Đạ Yòng của huyện Đức Trọng, tôi đã gặp những con người như thế.

Từng là một thầy giáo, ông Ya Loan luôn nhận thức rằng, ngôn ngữ là biểu hiện mạnh mẽ nhất sức sống văn hóa của một dân tộc nên nhiều năm nay ông đã chú tâm góp sức bảo tồn tiếng nói Chu Ru. Trước thực trạng rơi rớt dần bản ngữ, ông dành thời gian nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông hợp tác cùng một số nhân sĩ, già làng, thầy cúng hoàn thiện cuốn từ điển Chu Ru - Việt hơn 10.000 mục từ. Ya Loan cũng được mời soạn giáo trình và trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ, công chức địa phương và đặc biệt là lớp trẻ đồng tộc đang vơi dần vốn ngôn ngữ mẹ đẻ. 

Cũng tâm huyết bảo tồn vốn cổ, bà Roda Nai Linh, người phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi lại làm bằng cách khác. Là người thừa kế trong tộc người theo chế độ mẫu hệ bà Nai Linh bảo vệ ngôi nhà sàn có tuổi hơn một thế kỷ của gia đình mình như một báu vật. 

Dưới mái nhà trăm năm, bà nâng niu từng bộ chiêng cổ, những chiếc chóe cổ, cung tên, xà gạt, gùi mây, tấm thổ cẩm, mâm gỗ cúng Yàng, đồ gốm thời xưa, rồi những nhạc cụ truyền thống Chu Ru. Bà nói: “Giữ cái nhà sàn để nuôi chóe, nuôi chiêng”. Tôi nghĩ, trong ngôi nhà ấy đã hiện lên phần nào ký ức của dòng họ, tộc người. Lứa trẻ hôm nay được trực quan sinh động về dòng chảy thời gian mà tổ tiên từng qua, họ sẽ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo tồn vốn cổ. 

Cũng ở vùng Đơn Dương, nghệ nhân Ya Tuất là người duy nhất trong cộng đồng dân tộc Chu Ru còn giữ được nghề đúc nhẫn bạc độc đáo mà người xưa truyền lại. Bà Ma Bi, bà Ma Li và chị Ma Sinh ở làng Krăng Gọ, xã Próh (Đơn Dương) vẫn cố giữ cho ngọn lửa nung gốm không tắt. Có một điều rất đáng ghi nhận là lớp trẻ nơi này đã rất quan tâm đến làng gốm truyền thống, một làng gốm vang danh Tây Nguyên, từng là niềm tự hào của người Chu Ru. Đã có một đề tài nghiên cứu khoa học của thầy trò Trường THCS Próh đạt giải cao cấp tỉnh. 

Trong những giờ dạy học chương trình địa phương, thay cho việc ngồi nghe giảng trong lớp, các thầy cô đã dẫn học trò của mình đến với làng Krăng Gọ và trực tiếp cho các em tham gia quy trình làm gốm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Còn ở xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng), già làng Ya Bá, một nghệ nhân cồng chiêng Chu Ru suốt nhiều tháng nhiều ngày đi truyền dạy những bài chiêng cổ cho lớp trẻ. 

Già Ya Bá chia sẻ: “Trước đây già lo lắng về việc sau này không còn ai kế thừa và giữ gìn truyền thống của dân tộc mình. Vì thế, già đã đi vận động mọi người học và tham gia vào đội cồng chiêng. Hiện giờ có bốn trong tám thôn của xã đã có đội cồng chiêng và luôn sẵn sàng múa, hát, diễn tấu trong những dịp lễ, Tết. Điều đáng mừng là con trai của già, anh Jơlơng Vinh cũng như nhiều bạn bè của mình nói với già là muốn tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn vốn cổ của ông bà...”.   

Trong các vùng quê của đồng bào Chu Ru, có một người mà khi nhắc tên ai cũng kính phục, đó là nữ Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio. Người đàn bà đã bước sang tuổi lục tuần là hiện thân của sự đắm đuối với văn hóa tộc người, là niềm tự hào của những người đồng tộc. Lúc ấu thơ còn trên lưng mẹ, Ma Bio đã được ru hời bằng những điệu dân ca, bằng tiếng kèn, tiếng sáo du dương. 

Từ thuở lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã biết gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã biết bước đi đúng nhịp và biểu cảm hình thể trong những điệu múa Tămya - Ariya, T’rumpô, Dam dra uyển chuyển theo tiếng trống rộn rã Pảh ginăng và dìu dặt ching sàrr. Là một trong chín người của tỉnh Lâm Đồng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhưng Ma Bio từ lâu đã thực sự là một nghệ sĩ trong lòng buôn làng. Bà là người bảo tồn, biểu diễn và giới thiệu văn hóa - nghệ thuật cổ truyền của tộc người mình ra với cộng đồng bên ngoài; nhưng hơn hết, Ma Bio đã dành sự hiểu biết, sức lực và tâm huyết truyền dạy cho lứa trẻ đồng bào. 

Bà nói: “Tôi yêu văn hóa của dân tộc mình, nó hiện hữu trong máu, tôi muốn nó sống mãi. Tuổi mình ngày càng cao, sức ngày càng yếu, nên muốn truyền lại tình yêu ấy cho lớp con, lớp cháu”. Với ước vọng cháy bỏng là phải phục hồi, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ông cha, hằng ngày Ma Bio cứ âm thầm, lặng lẽ, từng chút, từng chút một truyền dạy cho các cháu nhỏ. Đến bây giờ, hầu hết các cháu trong làng Diom A của bà đều biết đánh chiêng, thổi kèn, thành thạo những điệu múa cổ truyền và hát dân ca. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về hay những lễ hội của quê hương, đất nước, đội văn nghệ dân gian Chu Ru mà thành viên có cả người già, người trẻ do Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio làm “nhạc trưởng” lại đóng góp những tiết mục độc đáo, lan tỏa tình yêu sơn nguyên đến với cộng đồng. Bà Ma Bio nói, chính các em nhỏ sẽ là những người nối dài tình yêu, niềm đam mê bất tận của bà, nối đến với thế hệ mai sau và mãi mãi... 

Bởi trân trọng những giá trị mà tổ tiên từng sáng tạo, vun đắp bao đời, bởi tha thiết truyền tới tương lai những vốn quý trong kho tàng văn hóa tộc người mà các già làng, nghệ nhân, trí thức đã cố gắng từng ngày. Các bà Ma Bio, Roda Nai Linh rồi các ông Ya Loan, Ya Bá và rất nhiều người có tình yêu thiết tha với vốn văn hóa cổ đã góp phần hồi sinh, trao truyền dòng mạch Chu Ru giữa đại ngàn Tây Nguyên. 

Họ thắp lên những ngọn lửa tâm huyết, lớp trẻ đã tiếp nhận và lan tỏa dòng sữa thơm văn hóa tới khắp các buôn làng. Tôi thực sự đồng cảm với lời nói của thạc sĩ văn chương Ma Hiêng, một cô gái trẻ Chu Ru có tấm lòng đau đáu với văn hóa tộc người: “Cuộc sống hiện đại có những sự biến đổi sâu sắc. Trong hoàn cảnh ấy, những giá trị văn hóa truyền thống cũng có những nguy cơ mai một. Các già làng, nghệ nhân, những người lớn tuổi đang cố công, gắng sức khôi phục, bảo tồn. Chúng tôi, những trí thức trẻ sinh ra, lớn lên và ra đi từ buôn làng, sẽ là những người tiếp nối tình yêu của các ông bà, lại tiếp tục nhận sứ mệnh của những người trao truyền ngọn lửa văn hóa Chu Ru...”.

Đêm đó, lửa cháy rực dưới bóng cây nêu. Lửa cháy trong ánh mắt sâu thẳm, xa xăm của những người già. Lửa sáng theo bước chân trần của các chàng trai, cô gái. Và những đứa trẻ lên năm, lên mười cũng háo hức theo dòng cảm xúc cộng đồng mà hòa vào ngày hội một cách tự nhiên như gió, như nước. Các cháu là những người sẽ kế thừa vốn quý, nối nhịp say mê với những điều hay, nét đẹp tổ tiên để lại như một sự tiếp nối những giá trị từ ký ức tộc người. Về với vùng đất của người Chu Ru, còn là để chứng kiến sự trao truyền văn hóa đang diễn ra từng ngày trong những thực hành văn hóa ở mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng.      

Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU
(Theo báo nhandan.com.vn)
Bình luận: 0