TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 30/04/2024

Trẻ em như búp trên cành

17:29 27/05/2021
Logo header Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 được biết đến là ngày tết dành cho trẻ em. Đây là dịp trẻ em được vui chơi và nhận những món quà ý nghĩa từ người thân. Ở Việt Nam, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 m lịch) hàng năm đã trở thành ngày hội của thiếu nhi trên cả nước. Dù trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go, ác liệt nhưng Ngày quốc tế thiếu nhi đầu tiên 01/6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đến thiếu nhi cả nước và gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên nhi đồng. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Vào rạng sáng ngày 01/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương. Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1-6 hàng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em - Văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến Tết thiếu nhi và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác cũng luôn quan tâm dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững

Quan điểm Hồ Chí Minh về quyền của trẻ em là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm các nội dung toàn diện và sâu sắc về những vấn đề liên quan đến trẻ em: vị trí, vai trò; các quyền cơ bản như quyền sống, quyền được học tập, quyền được vui chơi giải trí, quyền được bảo vệ, chăm sóc v.v… Đó là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, là kim chỉ nam cho Đảng, Nhà nước ta hoàn thiện cơ sở pháp lý và hiện thực hóa quyền của trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam, vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Không chỉ dành tình cảm đặc biệt cho các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người còn kêu gọi các cháu tham gia cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em. Bác viết: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn.

Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Đường lối của Đảng được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng kể từ khi ra đời đến nay như: Chỉ thị số 17/CT/TW ngày 01/9/1947 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về Công tác thanh vận; Chỉ thị số 197/CT/TW ngày 19/3/1960 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác thiếu niên, nhi đồng; Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII (ngày 30/5/1994) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII (ngày 28/6/2000) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới v.v. Đây là tư tưởng xuyên suốt của Đảng qua các thời kỳ đại hội sau đó về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xác định sự nghiệp này được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đường lối của Đảng đã lần lượt được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật quốc gia. Cho đến nay, về cơ bản hệ thống pháp luật về quyền trẻ em Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Quyền trẻ em đã tương đối đầy đủ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với pháp luật quốc tế và ứng phó kịp thời với những mối quan hệ xã hội mới, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em ở mức cao nhất. Chính sách pháp luật của Việt Nam về trẻ em ngày càng được hoàn thiện và nhìn chung là tiến bộ. Luật Trẻ em đã quy định 25 điều về quyền trẻ em, thuộc 4 nhóm quyền: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển, quyền được tham gia. Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống, lớn lên lành mạnh, an toàn. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững.

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ và người đỡ đầu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng.... Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại mỗi năm. Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em, các đại biểu đã nêu nhiều biện pháp ngăn ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời về vấn nạn này.Quyền trẻ em, đặc biệt quyền được sống an toàn, lành mạnh, được bảo vệ khỏi xâm hại đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu, được Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em như kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề quan trọng về nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em; an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội tác động đến chất lượng cuộc sống của trẻ em. Cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động cả tích cực và tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ em. Quá trình đô thị hóa và di cư làm gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại đằng sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã dành riêng một ngày họp phiên toàn thể trực tuyến tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em, thường xuyên rà soát, kiến nghị, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em chết do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm “đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm”…

Có thể nói, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, chúng ta cần tập trung trước hết vào môi trường gia đình và môi trường giáo dục trong nhà trường. Trong đó cần tập trung vào giải pháp trong giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, nhất là đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Việc xây dựng được môi trường gia đình vững chắc và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn để trẻ em được trang bị kiến thức kỹ năng và có ý thức tự bảo vệ mình sẽ ngăn chặn được các nguy cơ xâm hại từ môi trường xã hội.

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Bình luận: 0