TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 18/09/2024

Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu

04:26 30/04/2021
Logo header Hiện nay biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu. Nhân Ngày Trái đất năm nay, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22 và 23/4. Đây là một trong những hoạt động nổi bật của các sự kiện kỷ niệm Ngày Trái đất năm nay

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Ngày Trái đất do Liên hợp quốc phát động, tổ chức vào ngày 22/4 hàng năm, nhằm khuyến khích các phong trào hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn các thảm họa đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường. Kể từ năm 1970 đến nay, Tổ chức vì Trái đất  (Earthday.org) đã và đang làm việc với hơn 75.000 đối tác tại hơn 190 quốc gia để thúc đẩy hành động tích cực bảo vệ hành tinh Trái đất. Năm nay đã là Ngày Trái đất lần thứ 51 trên thế giới. Hưởng ứng Ngày Trái đất năm 2021, từ ngày 20 đến ngày 22/4, Tổ chức vì Trái Đất đã kêu gọi thế giới hãy cùng các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động để ngăn chặn những thảm họa sắp tới của biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường; cùng nhau khôi phục Trái đất. “Khôi Phục Trái đất của chúng ta” cũng đồng thời là chủ đề của Ngày Trái Đất 2021 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID - 19 và hướng tới khôi phục lại cuộc sống bình thường, khôi phục kinh tế và khôi phục Trái Đất.

Sẽ có hàng trăm sự kiện được tổ chức trên toàn thế giới trong sự kiện lớn này. Riêng Tổ chức vì Trái đất đã tổ chức “Ba ngày biến đổi khí hậu”, đây là một Hội nghị kéo dài ba ngày với nhiều hội thảo và thuyết trình. Sự kiện bắt đầu vào ngày 20/4 với Hội nghị thượng đỉnh thanh niên toàn cầu do Tổ chức Earth Uprising chủ trì. Tối cùng ngày, tổ chức Hip Hop Caucus và các đối tác tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến “We Shall Breathe”. Ngay sau đó, vào ngày 21/4 Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đa ngôn ngữ do tổ chức Giáo dục Quốc tế (Education International) chủ trì với chủ đề Giáo dục vì Trái đất tập trung vào vai trò quan trọng của các nhà giáo dục trong việc chống biến đổi khí hậu và lý do tại sao chúng ta cần giáo dục biến đổi khí hậu ngay bây giờ. Song song với các hội nghị này, Tổ chức Vì Trái đất cũng tổ chức các hội thảo, các nhóm thảo luận đặc biệt nhằm tập trung vào chủ đề “Khôi phục Trái đất của chúng ta”

Cũng nhân dịp này, “Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về biến đổi khí hậu” đã diễn ra vào ngày 22 và 23/4 và do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của 40 lãnh đạo trên thế giới, gồm các nền kinh tế lớn nhất và phát thải nhiều khí nhà kính nhất như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật. Đây sẽ là cơ hội để tân tổng thống Mỹ cam kết ý định chống biến đổi khí hậu thông qua cuộc cách mạng năng lượng sạch cho các doanh nghiệp và tạo việc làm cho người dân. Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 23/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu” tại Hội nghị.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Hiện nay biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn đối với sự tồn vong của nhiều quốc gia và toàn cầu. Tại Việt Nam, riêng trong 2020, thời tiết cực đoan đã cướp đi hàng trăm sinh mạng và xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, nông sản lớn, nơi sinh sống của 20 triệu người, đang bị nước biển dâng gây hậu quả nặng nề, nhất là vào cuối thế kỷ này.” Đồng thời Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phát thải bằng không là xu thế tất yếu và là mệnh lệnh cấp bách để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5oC. Điều này là thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội, lợi ích to lớn về tạo việc làm mới, bảo đảm an ninh năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế.Việt Nam quyết tâm thực hiện theo xu thế này. Đồng thời, chúng ta cần phải có lộ trình phù hợp cho các nước đang phát triển còn nhiều khó khăn.”

Chủ tịch nước khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó, có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai Chương trình trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, không để ai “bị bỏ lại phía sau”; kêu gọi các nước phát triển tiếp tục đi đầu về giảm phát thải và tăng cường hỗ trợ về tài chính, công nghệ, năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao gắn với tạo thêm nhiều việc làm cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, lãnh đạo cấp cao của 41 quốc gia và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã phát biểu, theo đó, nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với nhân loại và tỏ quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… đã đưa ra mức cam kết giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2030, tuyên bố đạt phát thải bằng không vào năm 2050 hoặc trước 2060. Nhiều nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, đầu tư nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo. Hoa Kỳ và một số nước cam kết tăng mức đóng góp tài chính cho khí hậu. Về phần mình, nhiều quốc gia đang phát triển tái khẳng định trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển, nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, kêu gọi các nước phát triển cần thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính và hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu. Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu bế mạc ngày 23/4. Những đóng góp quan trọng của các nước tại Hội nghị, trong đó có Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ sở quan trọng để lãnh đạo các nước tiếp tục trao đổi nhằm đạt đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, vào tháng 11 tới.

Lê Hồng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 59 -21

Bình luận: 0