TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 23/04/2024

Giải quyết những khó khăn hướng tới một nền nông nghiệp phát triển

06:00 09/07/2020
Logo header Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và cũng là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Nông nghiệp hữu cơ được xem là hướng đi đúng đắn hướng tới sự bền vững này và sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nước ta trong thời gian tới. Điều này có được là nhờ rất nhiều chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được triển khai.

Một nền nông nghiệp bền vững không chỉ giúp người nông dân cải thiện đời sống mà môi trường sinh thái cũng được bảo vệ hiệu quả

Riêng trong năm 2019, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 25 triệu USD các loại nông sản hữu cơ với tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ khoảng 400 tỷ đồng các loại sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ. Các loại nông sản này chủ yếu tiêu thụ thông qua hệ thống bán lẻ như Vinmart, Hapro, Sói Biển,… Cũng theo Bộ NN&PTNT, cả nước ta hiện có hơn 20.000 ha diện tích trồng trọt hữu cơ. Và 40 tỉnh, thành phố đã có các mô hình sản xuất hữu cơ theo chuỗi giá trị. Trong đó, 12 tỉnh, thành trên cả nước có với tổng đàn lợn chăn nuôi hữu cơ với khoảng 64.200 con, 6 tỉnh chăn nuôi gà hữu cơ với khoảng 273.000 con. Nghệ An và Lâm Đồng cũng có khoảng 3.500 con bò đang được chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Theo tính toán, chi phí cho 1 tấn thịt hơi hữu cơ (lợn, gà, bò) có mức cao hơn từ 1,15 - 1,3 lần so với chăn nuôi truyền thống, nhưng cho doanh thu cao hơn 1,5 - 1,7 lần. Cùng với đó, hiện nay Việt Nam có khoảng 20 đơn vị xuất khẩu các loại nông sản hữu cơ chủ yếu là (các loại rau quả) ra thị trường thế giới với sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm, đạt giá trị gần 15 triệu USD. Các loại nông sản hữu cơ khác như cà phê, hạt điều, gạo, hạt tiêu và một số mặt hàng thủy sản cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận với tổng giá trị hàng năm ước đạt 10 triệu USD. Tuy rằng còn một số tồn tại trong phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chưa đa dạng và đồng đều, đặc biệt là kiểm soát chất lượng nông sản ở nước ta còn nhiều khó khăn nhưng tiềm năng phát triển của nông nghiệp hữu cơ vẫn rất lớn. Với sự tin tưởng và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế đối với nông sản hữu cơ, các nhà đầu tư và sản xuất ngày càng có niềm tin khi lựa chọn mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Số tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia vào mô hình sản xuất này cũng đang ngày một tăng.
 
Để đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ ở nước ta, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu, lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước tiến tới hoàn thiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030” trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Vào ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030” với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. 

Theo Quyết định, các mục tiêu phát triển của nông nghiệp hữu cơ được đặt ra hết sức cụ thể. Trong đó, đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau, đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa... Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên: Sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến sào, thịt gia súc gia cầm... Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó một số loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế: tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa... Việc nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ cũng cần được chú trọng, đồng thời chủ động sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng dần trong các năm tiếp theo, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 15% năm 2025; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%. Mục tiêu đến năm 2030 diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ trong cả nước đạt chiếm khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Với những mục tiêu cụ thể nêu trên thì nhiệm vụ đặt ra cũng hết sức nặng nề. Các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực cần phải được chú trọng phát triển hơn nữa.  Ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; ưu tiên lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ. Phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ như xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung tạo ra hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực. Đồng thời tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nhiều công đoạn từ quản lý, quy trình cũng như sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng cần phải được đào tạo cơ bản, nâng cao không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ. Hoàn thiện, khắc phục điểm yếu trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình kỹ thuật. Rất nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu cũng đã được nêu ra trong Quyết định của Thủ tướng, trong đó đặc biệt chú ý đến giải pháp phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Theo đó, các địa phương căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đánh giá đất đai, nguồn nước, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái) theo đặc thù vùng miền. Xác định các vùng có tiềm năng thế mạnh về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đầu tư vào sản xuất.

Có thể thấy rằng, dù còn nhiều tồn tại nhưng nông nghiệp hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu của một nền nông nghiệp hiện đại và phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Từng bước, nâng cao giá trị, hiệu quả  và khả năng cạnh tranh của ngành, qua đó cải thiện đời sống của người nông dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài.

Vũ Thắng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20

Bình luận: 0