TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 18/10/2024

Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị Bộ Trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương

11:14 14/10/2021
Logo header Tối ngày 1/9, Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương do các Bộ đối tác của bốn nước Ecuador, Cộng hòa liên bang Đức, Ghana và Việt Nam đồng chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP đã khai mạc

(ảnh nguồn internet)

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, hàng năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng việc xử lý vẫn còn yếu kém khiến cho khối lượng rác thải nhựa trong môi trường tăng nhanh. Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).

Trước những tác động nghiêm trọng của rác thải nhựa tới môi trường sống của loài người, Hội nghị là diễn đàn cho các cuộc tham vấn không chính thức dựa trên các nhiệm vụ từ kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của UNEA (UNEA 03/7 và 04/6) về giải quyết vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa; Mục tiêu hội nghị giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương được đẩy lên cao trên chương trình nghị sự, xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Quế Lâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT cho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới, do đó cần có các hành động thiết thực để giải quyêt vấn đề này.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Trong đó có Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Việt Nam cũng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Thiết lập cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Gần nhất, ngày 16/8/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Sau Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5.1) vào tháng 02 năm 2021, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức đã gửi Công thư mời Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia đồng chủ trì Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương (cùng với các Bộ đối tác của Ecuador, CHLB Đức, Ghana, với sự hỗ trợ tổ chức của UNEP). Sau khi xem xét ý nghĩa quan trọng của việc tham dự Hội nghị về Ô nhiễm nhựa và Rác thải đại dương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tham dự nhằm mục đích giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương. Tháng 6-2021, Việt Nam đã cùng 78 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và Liên minh Châu Âu ủng hộ Tuyên bố Ngày Đại Dương về ô nhiễm nhựa.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa thông qua các hoạt động truyền thông nhằm tạo thói quen hạn chế sử dụng rác thải nhựa, tăng cường nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ; thiết lập cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị,  Việt Nam kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận về các giải pháp huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, rác thải đại dương, đề xuất những mô hình sản xuất, tiêu thụ bền vững sản phẩm nhựa; các bước quyết định tiếp theo, bao gồm việc ủng hộ Dự thảo Nghị quyết UNEA 5.2 về việc thành lập Uỷ ban Đàm phán, đã được một số quốc gia tiên phong đồng soạn thảo, để xúc tiến đàm phán về một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Cẩm Vân

Bình luận: 0