TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 05/05/2024

Xã Hà Sơn phát huy tối đa lợi thế thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

17:58 13/08/2020
Logo header Nơi con sông Mã tách làm 2 là một mảnh đất mang nhiều truyền thuyết lịch sử, với nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng dân gian đã và đang thu hút rất đông du khách trong, ngoài tỉnh về tham dự. Đó là Hà Sơn - một xã miền núi thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nằm phía tả sông Mã (sông Lèn), với vị trí địa lý khá đặc biệt, giáp với 5 huyện là Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Định, đây cũng chính là nơi mà một tiếng gà gáy là nhân dân cả 5 huyện đều nghe (Đất Thanh kê ngũ huyện) trong truyền thuyết.

Danh thắng Đền Hàn Sơn

Với diện tích tự nhiên 1.500ha, dân số gần 5.000 người, Hà Sơn là xã nông nghiệp lại nằm trong vũng lõm của huyện, nên điều kiện cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn, đó chính là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân và sự phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền xã và sự quan tâm của cấp trên nên trong những năm qua, Hà Sơn đã dần thay da đổi thịt với những biến chuyển tích cực trên nhiều mặt. Một thực tế ghi nhận là dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng với sự đoàn kết đồng lòng của người dân, xã đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực thực hiện hoàn thành 27/27 chỉ tiêu chủ yếu và 3 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới là một chương trình tổng thể mang tính dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng ở địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã chủ động quyết tâm đổi mới cách làm, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đến mọi người dân và đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Với quan điểm, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Với công tác dân vận được triển khai một cách hiệu quả, xã đã huy động thành công nguồn lực to lớn của nhân dân địa phương, đồng thời kết hợp với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đầu tư để xây dựng được 12km đường giao thông, 2 km kênh mương nội đồng, 3 cầu, 1 trạm bơm tưới, 3 trạm biến áp. Điều này đã và đang góp phần tích cực vào việc thay đổi toàn diện bộ mặt cơ sở hạ tầng của xã. Song song với đó, với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch đạt trên 80% góp phần phân công lại cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân. Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, người dân đã hiến 5792m2 đất và tài sản trên đất, đóng góp hàng ngàn ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành 18 tiêu chí. Năm 2016, xã đã vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận xã đạt Chuẩn Nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời loại bỏ mô hình cũ kém hiệu quả, Chương trình “Xây dựng vùng kinh tế trang trại đưa vào sản xuất có hiệu quả” của xã thực hiện đến năm 2020 đã có những thành quả quan trọng với 55 trang trại được hình thành với diện tích 120,1 ha trên địa bàn xã, với mức thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Phải nói rằng, việc lãnh đạo xã các cấp đã nỗ lực thực hiện đẩy nhanh các thủ tục hành chính là một trong những đòn bẩy để kinh tế trang trại địa phương đi nhanh vào sản xuất có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đem lại hiệu quả thiết thực. Song song với đó, sau 5 năm, xã cũng đã nhanh chóng thực hiện việc quy hoạch, đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ,… bằng nguồn vốn xã hội hóa phục vụ mục tiêu “xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở gắn với phát triển du lịch và lễ hội”. Đây cũng được xác định là hướng phát triển kinh tế trọng tâm của Hà Sơn. Nhờ đó mà các công trình như: Nhà Tả vu, Hữu vu, hệ thống sân, tường bao và cổng Tam quan, các điểm đỗ xe, các hạng mục điểm dịch vụ Đông Hang - Đồi Lốc,… khuôn viên di tích được mở rộng, đường giao thông đã dần hoàn thiện, hình thành các điểm dịch vụ trọng điểm của xã. Sau 5 năm nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời thực hiện tốt các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm sâu sát kịp thời của lãnh đạo các cấp tỉnh, huyện, đời sống người dân trên địa bàn xã đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Trong nhiệm kỳ này, xã đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 17,8% cao hơn so với kế hoạch và cao hơn so với cả nhiệm kỳ trước là 2,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản là 27,3%, công nghiệp - xây dựng 29,2%, dịch vụ 43,5%. Tốc độ tăng trưởng tốt như vậy dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tại xã đã tăng gấp 4,5 lần so với năm 2015, ước đạt 42,6 triệu đồng/người - cao hơn so với kế hoạch đã đặt ra là 40 triệu đồng/người. Nếu xét tới các yếu tố không thuận lợi của một xã miền núi thì đây thực sự là con số rất đáng ghi nhận và là thành quả rất đáng tự hào của Đảng bộ, các cấp chính quyền cùng toàn thể người dân Hà Sơn.

Nhằm hướng tới những thành tựu to lớn hơn về nhiều mặt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện ngay đã được Đảng bộ xã nhanh chóng xây dựng. Theo đó, toàn xã cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành 27 chỉ tiêu và 02 chương trình trọng tâm, mà Nghị quyết Đảng bộ xã khóa XXII kỳ họp thứ 06 đã đề ra. Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế về du lịch, lễ hội gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được các nhiệm vụ nặng nề đó, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, các giải pháp cụ thể đã được Đảng bộ xã đưa ra. Cụ thể, Đảng bộ tiếp tục vai trò của mình trong việc lãnh đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển trang trại tổng hợp, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các chính sách, chủ trương của Nhà nước đối với nông dân, chủ trang trại đất để phát triển sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo chuyển biến trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu duy trì tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm mức cao hơn 3.500 tấn. Tới năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cùng toàn xã phấn đầu chiếm trên 35% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Việc phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng trang trại sẽ được quan tâm sát sao, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm, chú trọng đến vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có thế mạnh như: dịch vụ thương mại, vận tải, du lịch, chú trọng dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm di tích, lễ hội. Các hạng mục công trình theo quy hoạch trong cụm di tích danh lam thắng cảnh đền Hàn, đền Cô Bơ, điểm dịch vụ Đông Hang - Đồi Lốc sẽ từng bước hoàn thiện để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động. 

Còn nhiều chông gai phía trước mà xã Hà Sơn sẽ phải vượt qua trong thời gian tới để cùng nhau hướng tới những mục tiêu tốt đẹp phía trước. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp tỉnh Thanh Hoá, huyện Hà Trung cùng sự đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, các cấp chính quyền và toàn thể người dân nơi đây, không khó khăn nào có thể cản nổi đà phát triển của địa phương hòa chung với sự phát triển của cả đất nước. 

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20

Bình luận: 0