TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 07/05/2024

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho những “mầm xanh tương lai”

14:46 23/07/2020
Logo header Giáo dục nhân cách toàn diện là mục tiêu cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân và đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Trong xã hội hiện đại, chất lượng con người với các tiêu chí về phẩm chất và năng lực đang đòi hỏi toàn xã hội phải dốc sức trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Sự chung tay của nhà trường, phụ huynh và giáo viên sẽ tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh

Để đạt được mục tiêu giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ đòi hỏi phải có một môi trường giáo dục toàn diện. Đây phải là một môi trường hội tụ tất cả các điều kiện về vật chất và tinh thần có ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển của người học. Đồng thời, môi trường giáo dục này cũng phải bảo vệ được người học không bị tổn hại về thể chất và tinh thần và đảm bảo tính lành mạnh là không có tệ nạn xã hội, không bạo lực, người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa. Ngoài ra, tính thân thiện để đảm bảo người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực cũng cần phải thể hiện ở môi trường này. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương ở nước ta cho thấy, việc đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh đang đứng trước nhiều thách thức mang tên “phụ huynh học sinh”. 

Người ta vẫn ví trẻ em như “một tờ giấy trắng”, bởi vậy mọi tác động từ hành động, ý thức đến tư tưởng xung quanh sẽ tạo cho trẻ thói quen và dễ bị ảnh hưởng. Nếu những hành động, cử chỉ và ý thức tốt thì trẻ sẽ ảnh hưởng tốt, còn nếu không thì trẻ cũng bị nhiễm những thói hư, tật xấu. Tại nhiều trường học hiện nay, do các lý do chủ quan và cả khách quan nhiều bậc phụ huynh vẫn hiên ngang vào trường bày tỏ quan điểm của mình bằng những hành động mang tính cực đoan với chính bạn học của con mình hay đăng tải nhiều thông tin thất thiệt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của giáo viên cũng như trường học. Ví dụ như mới đây nhất, tại Trường tiểu học Hữu Nghị (TP Hòa Bình) một nam học sinh lớp 1 đã có mâu thuẫn với bạn cùng lớp, đến chiều ngày 10/7 khi nam học sinh này đang ở trường thì bị ông Đức (phụ huynh của học sinh đã có mâu thuẫn với nam sinh này) đưa ra ngoài hành hung trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau sự việc, nam sinh này bị thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu còn ông Đức - người hành hung nam học sinh này đã được Công an TP Hòa Bình mời về trụ sở làm việc. Trước đó, cũng một sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra thì nhiều thông tin chưa được kiểm chứng đã được lan truyền trên mạng xã hội khiến cho một giáo viên dạy giỏi có thâm niên trong nghề hàng chục năm trời phải “nhẫn nhục” xin tạm dừng công tác chủ nhiệm lớp để đáp ứng những “đòi hỏi” của các bậc phụ huynh...

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga - Giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Hà (Huyện Thanh Hà - Tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Môi trường học tập không tự có sẵn mà giáo viên và những bậc phụ huynh, học sinh cần phải tạo lập, phát triển, duy trì và nuôi dưỡng nó. Đối với người học và quy trình học, việc xây dựng và duy trì một môi trường hỗ trợ cho việc học tập của cả cá nhân và tập thể, tạo điều kiện cho quá trình chất vấn, phê bình và phản ánh, là rất quan trọng. Là giáo viên nên tôi ý thức phải tạo điều kiện cho những nguyên tắc xây dựng môi trường trong học tập mà phụ huynh của các em cũng là một nhân tố quan trọng trong đó. Học sinh sẽ là tấm gương phản chiếu lại những hoạt động của giáo viên lúc trên lớp và sẽ soi rọi những hành động của phụ huynh mỗi khi ở nhà. Để tạo được một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn thì mỗi phụ huynh học sinh sẽ là một phần không thể thiếu để tạo dựng lên nó.

Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 12/4/2019 đã quy định rõ về cách ứng xử đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học, cha mẹ người học trong các cơ sở giáo dục, gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); cơ sở giáo dục thường xuyên và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó tại Điều 9 Thông tư ghi rõ: “Ứng xử của cha mẹ người học 1. Ứng xử với người học: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực. 2. Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm.

Trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Đặt niềm tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng. Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”, Bác còn thường xuyên quan tâm nhắc nhở và giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các ngành, đoàn thể. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Thấm nhuần lời dạy của Bác trong nhiều năm qua Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục trong cả nước đã không ngừng nỗ lực tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên ý thức và cách ứng xử của một bộ phận phụ huynh đang là một cản trở không hề nhỏ cho nỗ lực của toàn ngành giáo dục. Với trách nhiệm người làm báo và tinh thần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em và truyền thống tôn vinh các thầy cô, tác giả bài viết này xin đề nghị Ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong thời gian tới cần đưa ra những chế tài xử lý những hành động thiếu văn hóa, mang tính chất quá kích đang dần đánh mất đi môt môi trường giáo dục trong lành cho chính những “mầm xanh tương lai”.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20

Bình luận: 0