TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Xây dựng Vành đai 4 với mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững

06:12 13/05/2021
Logo header Vành đai 4 sẽ là tuyến đường giúp kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km). Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội. Việc đầu tư phát triển tuyến đường này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề, như: Phân luồng giao thông từ xa theo các hướng; tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh; tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3, Vành đai 4, chuỗi năm đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị thành phố Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp trong Vùng Thủ đô.

Tuyến đường Vành đai 4 sẽ giúp giải phóng ùn tắc giao thông; đồng thời, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô

Để đẩy nhanh việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trong giai đoạn tới. Chiều 6/5 vừa qua, tại Hà Nội, Hội nghị giữa thành phố Hà Nội với Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh liên quan triển khai kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường Vành đai 4 đã diễn ra. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự đảng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên; các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải… Dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, hiện nay, dù tình hình dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là thực hiện nhiệm vụ và phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong xu thế phát triển của đất nước, việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo các động lực để phát triển vùng là yêu cầu tất yếu. Hà Nội với vị thế là Thủ đô, đồng thời là hạt nhân, đầu tàu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng nên việc đẩy mạnh liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, “Tuyến đường sẽ kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông; đồng thời, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Thủ đô”.

Trong suốt thời gian làm việc, Hội nghị đã thống nhất được một số nội dung chính như: Về quan điểm chung, tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 (mặt cắt khoảng 120m, trong đó, dự kiến có 30m là đường sắt quốc gia và 90m là đường bộ với cao tốc đi trên cao) theo hình thức đầu tư hỗn hợp gồm: Đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm Quốc gia để tập trung chỉ đạo. Tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết thành phần đường cao tốc đi trên cao của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia vành đai phía Tây (song song với Vành đai 4) theo hướng đi trên cao, trong phạm vi lộ giới khoảng B=120m nghiên cứu vị trí tuyến đường sắt trong giải đất rộng khoảng 30m (bên phía Tây đoạn Vành đai 4 phía Tây/Hà Nội; một phần phía Đông đoạn Vành đai 4 phía Đông/Hưng Yên) và cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập. Về quy hoạch, các đại biểu thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; đồng thời, nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng Quốc lộ 18 (phía Bắc Sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Hà Nội với vai trò là trung tâm, hạt nhân của Vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến; trong đó, các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn theo thực tiễn của từng địa phương. Tách công tác đền bù giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng (tương tự như dự án Sân bay Long Thành). Đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao Thành phố Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Các đại biểu cũng thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù để đảm bảo tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp để triển khai dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm của trung ương và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; đầu tư theo hình thức hỗn hợp gồm: đầu tư công và phương thức PPP, loại hợp đồng BOT cho toàn tuyến (bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT). Kiến nghị với trung ương hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tuyến đường.

Với sự thống nhất cao giữa Bộ GTVT với Hà Nội và các các tỉnh, các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định, đường Vành đai 4 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn không chỉ đối với các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng cũng được hưởng lợi. Cho nên, việc triển khai thực hiện dự án là nguyện vọng chung của nhân dân các tỉnh, thành phố từ nhiều năm nay. Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất thành phố Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này; đồng thời mong muốn dự án sớm được thực hiện.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21

Bình luận: 0