Bài học nào từ COVID-19 có thể áp dụng để giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường ở Việt Nam
Bài học 1: Khôi phục theo hướng xanh phải là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam
Khủng hoảng COVID-19 được cho là đang nới rộng con đường hướng tới nền kinh tế xanh hơn hay sạch hơn ở nhiều nơi trên thế giới.33 Cảm nhận rõ rệt hơn về sự mong manh dễ tổn thương khiến cho chính phủ và người dân ngày càng nâng cao nhận thức về các cú sốc có tác động lớn như đại dịch và thiên tai liên quan đến khí hậu. Đại dịch COVID-19 cũng là minh chứng cho thấy nhà nước có thể can thiệp kiên quyết trong trường hợp khẩn cấp và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Ngày nay, nhiều quốc gia đang coi các biện pháp phục hồi “xanh” là trọng tâm của các gói kích thích kinh tế. Điều này là do họ nhận thức được rằng tác động lâu dài của khủng hoảng vi-rút cô-rô-na đối với khí hậu rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào lựa chọn về điều mà tất cả chúng ta đều muốn thấy ở nền kinh tế khi phục hồi - và đặc biệt là các nền kinh tế còn tiếp tục lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động thiếu bền vững đến đâu. Cũng tương tự như COVID-19, hành động kiên quyết của các nhà lãnh đạo hôm nay có thể có tác động tích cực đến những thế hệ tương lai, những người hoặc sẽ được hưởng lợi từ ứng phó hiệu quả, hoặc phải gánh chịu hệ quả của các biện pháp sai lầm.
Ngoài những lợi ích rõ rệt về môi trường gắn liền với phục hồi xanh, các chính sách xanh và đầu tư xanh cũng có thể tạo thêm việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, và khôi phục dư địa tài khóa. Ví dụ là một phát hiện đã được củng cố cho thấy thuế các-bon có thể làm giảm ô nhiễm không khí và giúp tạo thêm nguồn thu cho chính phủ. Quan trọng không kém là những chính sách tài khóa kết hợp đầu tư xanh với thuế nhiên liệu, đem lại hiệu ứng số nhân cho nền kinh tế.36 Một khảo sát gần đây với 230 cán bộ nhân viên thuộc các Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương cho thấy quan điểm là đầu tư xanh có thể đem lại tác động đến GDP và tăng trưởng việc làm (do hàm lượng lao động có chiều sâu hơn) lớn hơn so với đầu tư thâm dụng phát thải. Ví dụ tại Hoa Kỳ, người ta thấy rằng với mỗi đồng đô-la chi tiêu, dự án giao thông công cộng sạch tạo thêm 70 giờ làm việc nhiều hơn so với mạng lưới đường cao tốc. Tương tự, mỗi đồng đô-la chi tiêu đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phục hồi đất đai có thể tạo số việc làm cao gấp đôi so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Trong bất kỳ chương trình kích thích kinh tế nào, vai trò của đầu tư công không chỉ nhằm kích thích kinh tế trực tiếp mà còn nhằm thu hút đầu tư của tư nhân. Điều đó cũng đúng với các chương trình kích thích kinh tế xanh, nhằm nâng cao khả năng tạo đòn bẩy huy động khu vực tư nhân cùng thực hiện đầu tư xanh của các bộ tài chính, kể cả khi nguồn thu từ thuế nhiên liệu không được dành riêng cho đầu tư xanh.
Hộp 3. Phục hồi xanh: những sáng kiến gần đây
Nhiều chính phủ đã tuyên bố cam kết sử dụng gói kích thích tài khóa nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế và y tế COVID-19, trong đó một phần ba dự kiến được chi cho các ngành có tác động đến môi trường. Liên minh Châu u hiện đang đi theo hướng xanh hơn, với khoảng 30% của gói 750 tỷ - (891 tỷ US$) được dành cho các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu trong thập kỷ tới. Nhiều quốc gia cũng đang đầu tư cho giảm lượng các-bon phát thải từ sản xuất điện (Cô-lôm-bia, Pháp, I-ta-lia, Hàn Quốc, Ma-rốc, và Ni-giê-ria), tiết kiệm năng lượng (Pháp và Anh), giao thông vận tải bền vững (Ốt-xtrây-lia, Áo, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Thụy Điển), giải pháp thiên nhiên (Ê-thi-ô-pia, Ấn Độ và Niu Di-lân), kinh tế số và kinh tế tuần hoàn (Trung Quốc và Miến Điện).
Điển hình là Chính sách kinh tế xanh mới của Hàn Quốc vào tháng 7/2020. Đó là một phần của chiến lược quốc gia nhằm tạo 659.000 việc làm và hỗ trợ nước này vượt qua khủng hoảng kinh tế, đồng thời xử lý những thách thức về môi trường và khí hậu. Hàn Quốc cam kết khoảng 61 tỷ USD trong 5 năm (2020-2025) để nâng công suất năng lượng tái tạo lên đến 42,7 GW vào năm 2025 so với 12,7 GW năm 2019 và mở rộng quy mô đội xe xanh lên 1,33 triệu phương tiện chạy bằng điện và hy-đrô. Kế hoạch này cũng hứa hẹn cải tạo trường học và nhà ở công cộng cho thuê thành nhà tự cung cấp năng lượng, và chuyển đổi các khu đô thị trở thành các thành phố xanh thông minh.
Nguồn: OECD 2020; Tổ chức Khí tượng Thế giới 2000.
Trên cơ sở tầm nhìn nêu trên, Việt Nam nên trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về phục hồi xanh. Đây sẽ là quyết sách lành mạnh về kinh tế, vì chú trọng hơn vào môi trường sẽ đưa Việt Nam đi theo lộ trình bền vững hướng đến hoàn thành mục tiêu dài hạn để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy có bảy chính sách và hành động có thể có tiềm năng vừa tạo tác động số nhân kinh tế, vừa cải thiện các tiêu chí đo lường tác động khí hậu:
1. Ưu tiên đầu tư cho năng lượng sạch hơn, hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp cắt giảm mạnh lượng thải, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng các-bon.
2. Điều chỉnh hoạt động định giá các tài nguyên không tái tạo hoặc gây ô nhiễm để khuyến khích hành vi có trách nhiệm, bao gồm bỏ trợ cấp và/hoặc áp thuế (ví dụ thuế các-bon).
3. Tài trợ, cho vay, và ưu đãi thuế cho giao thông và vận tải bền vững, xử lý nước, quản lý rác thải, kinh tế tuần hoàn, và nghiên cứu về năng lượng sạch, bao gồm thông qua hệ thống tài chính bằng cách yêu cầu các ngân hàng đầu tư ít hơn vào nhiên liệu hóa thạch và nhiều hơn vào các nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu.
4. Hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo (tập trung vào các hệ thống cách nhiệt, sưởi và tích trữ năng lượng cải tiến).
5. Có các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện khôi phục hệ sinh thái, coi đây là cơ sở hạ tầng xanh thiết yếu (ví dụ, rừng ngập mặn nguyên vẹn làm giảm sóng biển dâng do bão), bao gồm môi trường sống giàu các-bon và nông nghiệp thân thiện với khí hậu (nhiều hoạt động đầu tư như vậy cũng có thể giúp thúc đẩy và chuyển đổi ngành du lịch, như một phần trong nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID).
6. Đảm bảo sự phát triển cơ sở hạ tầng mới có cân nhắc đến rủi ro thiên tai và khí hậu để tránh những khu vực có nhiều tai biến, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế có thể chịu được tác động của thiên tai nhằm tránh tạo ra những rủi ro mới.
7. Đầu tư cho những biện pháp thích ứng thông qua các khoản đầu tư kết hợp giữa những chiến lược bảo vệ xanh và xám để giảm rủi ro cho con người và tài sản với những rủi ro thiên tai và khí hậu.
Triển khai sớm bảy hành động và chính sách trên cũng như những ưu tiên đầu tư có liên quan sẽ giúp Việt Nam ổn định nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, giảm nhu cầu đầu tư trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng sắp tới, và hoàn thành được các mục tiêu về khí hậu trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn, Chính phủ cần sớm hành động để tránh đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng khiến cho đất nước bị mắc kẹt ở những ngành thâm dụng các-bon và cơ sở hạ tầng dễ tổn thương.40 Trong một phân tích gần đây, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng mức đầu tư mới cho các ngành năng lượng và vận tải cần thiết để giảm đáng kể phát thải khí nhà kính vào năm 2030 sẽ tốn kinh phí khoảng 30 tỷ US$.41 Nhưng nếu kết hợp với từng bước ban hành thuế các-bon đối với các ngành gây ô nhiễm chính, hướng hành động đó sẽ làm tăng GDP khoảng 50 tỷ US$ từ năm 2021 đến năm 2030 thông qua các tác động trực tiếp và gián tiếp, bao gồm tác động đến sức khỏe của người dân và cơ sở hạ tầng hiện tại. Tập trung vào năng lượng sạch hơn cũng giúp tạo thêm việc làm, vì đầu tư cho điện gió có thể tạo ra số việc làm nhiều gấp 2,3 lần trên mỗi me-ga-wat so với sử dụng than và nhiên liệu hóa thạch. Không còn nghi ngờ gì nữa, những lợi ích trên hoàn toàn xứng đáng so với chi phí đầu tư ban đầu của Việt Nam.
Một lĩnh vực ưu tiên nữa của Việt Nam là ngành du lịch, do tỷ trọng hiện nay của ngành này trong nền kinh tế quốc dân lên đến gần 10% GDP trong năm 2019. Du lịch phụ thuộc vào nhu cầu của con người, nhưng COVID-19 sẽ dẫn đến thay đổi trong thói quen hàng ngày của mọi người do phải điều chỉnh lối sống cho phù hợp với môi trường xung quanh, đây là cơ hội để các doanh nghiệp suy nghĩ thêm về du lịch thông minh bền vững. Triển khai sớm các sáng kiến xanh sẽ được hoan nghênh vì du lịch đã và đang góp phần gây suy thoái môi trường và phá hủy đa dạng sinh học. Trong điều kiện 42% khách sạn ven biển đều nằm gần các bãi biển đang bị xói mòn, cần có sự quan tâm tới đầu tư bảo vệ bờ biển, giúp ổn định các khu vực ven biển, đồng thời phòng chống bão lốc và nước biển dâng do sóng. Quan tâm nhiều hơn đến nghị trình môi trường cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch vì du khách nhìn chung đều sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho dịch vụ cộng đồng hoặc cho dịch vụ sạch hơn.42 Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi một số điểm thu hút khách du lịch - như hồ, núi và bãi biển - đang phải chịu ô nhiễm ở mức cao. Ví dụ, rác nhựa được tìm thấy ở nhiều điểm du lịch ở Việt Nam. Định hướng xanh trong ngành du lịch không chỉ giảm dấu ấn môi trường của ngành mà còn giúp phát triển du lịch có chất lượng hơn, đem lại tác động số nhân lớn hơn đến việc làm và hoạt động doanh nghiệp tại địa phương. Động thái chiến lược này thậm chí còn quan trọng hơn cho tương lai của ngành du lịch vì du lịch đại trà khó có thể phục hồi nhanh chóng trong thời kỳ hậu đại dịch.
Một ưu tiên nữa là phải lồng ghép thông tin về rủi ro vào trong quy hoạch không gian, phát triển khu đô thị mới và khu công nghiệp mới. Hiện nay, trên một nửa các khu công nghiệp đang có nguy cơ bị ngập lụt nghiêm trọng. Ngập lụt và bão gió có thể gây tác động đáng kể đến khả năng hoạt động của các ngành công nghiệp và sự toàn vẹn của chuỗi giá trị. Trận lụt năm 2011 tại Băng Cốc là ví dụ điển hình về chi phí rất lớn mà chính phủ phải chịu để khôi phục các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, được đẩy mạnh trong các khu vực có nguy cơ ngập lụt. Đối với Việt Nam, phục hồi xanh rốt cuộc sẽ là quyết định kỹ trị khôn khéo, sẽ hỗ trợ mô hình tăng trưởng của đất nước tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút các tập đoàn đa quốc gia để giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới và nâng cao hàm lượng nội địa. Đó là quyết định khôn khéo vì nhiều công ty đa quốc gia đã lồng ghép những quan ngại về môi trường như một phần trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp do áp lực ngày càng tăng từ phía khách hàng. Đi trước các đối thủ cạnh tranh nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, Việt Nam đã tạo ra thế cạnh tranh có thể được duy trì hoặc thậm chí nâng cao bằng cách hành động nhanh hơn trong quá trình hướng tới nền kinh tế sạch hay nền kinh tế xanh.
Bài học 2: Chỉ có triển khai thực hiện mới đem lại thành công, hay “lời nói đi đôi với việc làm”
Mặc dù điều quan trọng là phải xác định từ đầu những gì cần làm nhằm thúc đẩy phục hồi xanh ở Việt Nam, nhưng hầu hết các hành động mô tả ở trên đã được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác trong nhiều chiến lược ngành và chiến lược quốc gia gần đây. Vì vậy, thách thức còn lại và lớn hơn đối với các cấp có thẩm quyền là phải triển khai những hành động đó với tinh thần khẩn trương hơn nữa.
Với COVID-19, các cấp có thẩm quyền tại Việt Nam đã đối mặt với phép thử khắc nghiệt nhất trong những thập kỷ gần đây, khi phải đương đầu với đại dịch mà ít ai lường trước được. Họ buộc phải đưa ra những quyết định thiết yếu trong điều kiện áp lực căng thẳng, đòi hỏi phải kết hợp giữa tầm nhìn, năng lực và động lực. Đến nay, có thể nói rằng việc triển khai thực hiện nghị trình về môi trường không bị hạn chế bởi thiếu tầm nhìn và năng lực, những điều thậm chí vẫn còn có thể được cải thiện thêm.44 Thay vào đó, trở ngại chính có lẽ là động lực hạn chế ở một số bên liên quan trong nước để điều chỉnh hành vi của họ với những thách thức về khí hậu và môi trường, do cả thất bại của thị trường và thất bại của chính phủ, như đã giải thích ở trên.
Dựa trên bài học từ COVID-19, ưu tiên trước mắt của Chính phủ là tạo điều kiện cho hoạt động thử nghiệm và đổi mới sáng tạo thông qua áp dụng bốn nguyên tắc. Một là sử dụng ưu đãi khéo léo để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ chính phủ. Hai là coi trọng tâm lý ngại chế tài. Ba là tạo lòng tin của người dân với các nhà hoạch định chính sách, cách thức và thể chế hoạch định chính sách. Những điều này phụ thuộc vào cách hành xử của chính Chính phủ. Bốn là thông tin, truyền thông rõ ràng, minh bạch và sâu rộng về hành động và kết quả. Có như vậy, mọi người mới thấy rằng tất cả vì lợi ích chung.
Tạo ưu đãi bằng cách điều chỉnh giá cả
Động lực là tìm kiếm các công cụ thông minh để khuyến khích các tác nhân kinh tế làm đúng ở đúng thời điểm. Trong kinh tế học, công cụ có thể sử dụng là giá cả. Trong lĩnh vực môi trường, việc áp dụng mức phí sử dụng quá thấp dẫn đến nguồn tài nguyên không tái tạo bị quản lý thiếu bền vững. Ngày nay ở Việt Nam, hầu hết lệ phí sử dụng cơ sở hạ tầng chỉ bằng một phần nhỏ chi phí, dẫn đến những hành vi thiếu trách nhiệm (Hình 5).
Chính vì vậy, cần phải nâng mức phí sử dụng năng lượng, nước và xử lý rác thải để khách hàng thận trọng hơn trong sử dụng (tham khảo Hộp 4). Trong điều kiện mức phí tăng dần sẽ được thực hiện thông qua loại bỏ trợ cấp, cách làm như vậy sẽ khuyến khích các nhà cung cấp từng bước hoạt động hiệu quả chi phí hơn. Cách tiếp cận như vậy cũng cần được áp dụng để thu từ các cơ sở gây ô nhiễm bằng cách đánh thuế phát thải các-bon, gây ô nhiễm nguồn nước, hoặc cả hai.
Hộp 4. Làm thế nào cơ chế định giá có thể dẫn đến hành vi mới
Như trình bày ở Hình II.5, mức phí sử dụng các dịch vụ cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện đang thấp - thấp hơn nhiều so với chi phí cung ứng và thậm chí rất thấp so với tổng chi phí xã hội nếu xét đến tất cả các ngoại ứng. Mặc dù phí được trợ cấp trên cơ sở nỗ lực nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ trên, nhưng thách thức chính hiện nay là làm thế nào để tăng các hành vi có trách nhiệm. Việt Nam hiện đã gần bao phủ được các dịch vụ điện và nước cho toàn dân.
Trong ngành năng lượng, giá điện hiện nay đủ bù đắp chi phí cung cấp nhưng chưa phản ánh được các hoạt động đầu tư tương lai và tác động ngoại ứng có thể xảy ra (ví dụ, ô nhiễm). Bên cạnh việc từng bước nâng giá, Chính phủ cũng cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái sinh bằng cách làm cho giá cả trở nên hấp dẫn hơn hoặc bằng cách cấp các dòng tín dụng ưu đãi hoặc cấp bảo lãnh.
Định giá các-bon có thể là công cụ hữu ích để Chính phủ khuyến khích giảm khí nhà kính một cách hiệu quả chi phí. Phương thức này giúp nội hóa chi phí xã hội của việc xả thải khí nhà kính, đồng thời tạo sân chơi công bằng giữa cơ sở xả thải và cơ sở không xả thải. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ các-bon thấp sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư giảm thải trước đây và hiện nay, trong khi các cơ sở phát thải cao có động lực giảm phát thải hiệu quả để tránh phải trả phí các-bon. Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện thuế bảo vệ môi trường (thuế BVMT) từ năm 2012, và thuế đó hiện nay đóng góp từ 2-3% ngân sách nhà nước. Thuế hiện hành chỉ tập trung hẹp vào khí hy-đrô flo-rua các- bon (HCFC), vì vậy cần được mở rộng sang các loại khí nhà kính có chất flo-rua khác, như tại một số quốc gia khác.
Trong ngành nước, hiện đã có những tiến triển theo nguyên tắc giá phải đảm bảo gần bù đắp chi phí, nhưng vẫn còn cần được cải thiện. Kinh nghiệm gần đây cho thấy mức độ sẵn sàng chi trả và sẵn sàng sử dụng tiết kiệm hơn tài nguyên nước hạn chế của người dùng tương quan chặt chẽ với chất lượng dịch vụ.
Một lĩnh vực quan ngại nữa là rác thải, do mức phí rác thải của các hộ gia đình hiện quá thấp (chưa đến 0,5% thu nhập khả dụng, trong khi thông lệ quốc tế phải là 1 đến 1,5%). Việt Nam hiện đang đánh thuế môi trường đối với các đơn vị nhập khẩu và sản xuất túi nhựa mặc dù còn thấp. Thuế này tạo nguồn thu, nhưng chưa đủ để kích thích thay đổi đang rất cần về hành vi.
Mặc dù ít ai không đồng ý với hiệu quả sử dụng các chính sách định giá môi trường để thay đổi hành vi, nhưng nâng giá hoặc tăng thuế có thể là thách thức về chính trị và xã hội trong ngắn hạn. Đôi khi, người tiêu dùng trên thế giới có những phản ứng rất tiêu cực với việc ban hành thuế các-bon hoặc việc giảm trợ cấp khiến cho giá xăng dầu tăng lên với người tiêu dùng cuối cùng. Vì lý do trên, những chính sách này nên được ban hành từng bước, kết hợp với các chiến dịch truyền thông khéo léo để giải thích về lợi ích lâu dài. Chính phủ cũng có thể cân nhắc cắt giảm các sắc thuế khác để giảm gánh nặng tài khóa chung cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Sử dụng trợ cấp có mục tiêu cho hầu hết các nhóm có dễ bị tổn thương nhất, một phần dựa vào trợ cấp chéo từ nguồn thu thuế môi trường của các nhóm khá giả hơn cũng là một phương án đã được Đức và Thụy Điển triển khai thực hiện để giảm giá năng lượng cho một số nhóm hộ gia đình nhất định.
Tạo tâm lý ngại chế tài bằng cách thực thi các quy định
Quy định có thể được bổ sung bằng một số ưu đãi khuyến khích thay đổi hành vi. Ưu đãi là cách hiệu quả để tạo động lực thay đổi hành vi cá nhân và tập thể, vì không đòi hỏi Chính phủ phải theo dõi và có chế tài chặt chẽ. Tuy nhiên, cách làm đó không phải lúc nào cũng có hiệu quả, và thường phải có thêm các quy định giúp thay đổi hành vi. Mục đích ở đây không phải nhằm trình bày ra một danh mục dài những quy định mà Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc, mà nhằm nhấn mạnh về nhu cầu phải cân đối giữa việc sử dụng các quy định cứng và mềm.
Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc áp dụng các quy định mềm vì các quy định này cần ít sự quan tâm và giám sát hơn. Quy định mềm có thể bao gồm dán nhãn thông tin hiệu suất sử dụng năng lượng trên đồ điện gia dụng, xe ô-tô, tòa nhà và thực phẩm hữu cơ, như thường được thực hiện tại các quốc gia thuộc Tổchức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đồng thời, các quy định cứng cũng vẫn cần để cân đối giữa “củ cà rốt và cây gậy”. Cây gậy có thể là ban hành mức trần hoặc chỉ tiêu, chẳng hạn về chất lượng nước hoặc xăng. Các quy định đó cũng nhằm kiểm soát hoặc cấm sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường - ví dụ yêu cầu giấy phép sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất - hoặc bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ thiên tai như ngập lụt hoặc mực nước biển dâng.
Sức mạnh của các quy định phụ thuộc nhiều vào năng lực giám sát cũng như quyết tâm thực thi và có chế tài với những người vi phạm của Nhà nước. Như được minh chứng qua COVID-19, điều này đòi hỏi phải có hệ thống báo cáo tốt, các biện pháp kiểm soát hiệu quả, và hệ thống tư pháp đảm bảo hiệu suất. Đáng tiếc là nhiều quy định về môi trường chưa được thực thi đầy đủ, vì khó xác định người vi phạm và xử phạt họ như minh họa qua ví dụ trong Hộp 5 về giấy phép khai thác cát.
Hộp 5. Thực thi quy định về giấy phép khai thác cát
Khai thác cát phi pháp đã trở nên phổ biến và bừa bãi do kinh tế phát triển nhanh chóng và các hoạt động xây dựng gia tăng nhanh chóng sau đó ở Việt Nam trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, khai thác cát sông đã dẫn đến nhiều tác động môi trường bất lợi, chẳng hạn xói lở bờ sông và bờ biển, giảm mực nước ngầm, mất môi trường sống của thủy sinh, phá hủy cầu, đê và các tuyến đường dọc bờ sông và bờ biển. Mặc dù khai thác cát gây ra những tác động tiêu cực, nhưng những nỗ lực kiểm soát tình trạng này của chính quyền và người dân địa phương dường như chưa đầy đủ và hiệu quả, bằng chứng là hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tràn lan ở hầu hết các con sông ở Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số quy định nhằm chấm dứt khai thác cát phi pháp. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ Đê điều năm 2006 cấm các hoạt động gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê (nghĩa là 20 mét từ chân đê đến sông), bao gồm cả khai thác cát. Gần đây hơn, Chính phủ đã ban hành một nghị định mới vào tháng 4/2020 để kiểm soát việc tiếp tục khai thác cát, với mục tiêu bảo vệ bờ sông và nền phù sa.
Tuy nhiên, khai thác cát phi pháp vẫn tiếp diễn vì luật và quy định chưa được thực thi một cách đầy đủ. Điều này phần nào có thể do còn tồn tại các nhóm lợi ích và năng lực giám sát hạn chế của chính quyền địa phương. Ngoài ra, cũng cần minh bạch hơn, bằng cách công bố danh tính của những người vi phạm, như trong theo dõi và báo cáo về các ca lây nhiễm COVID-19. Áp dụng phạt tiền đối với người vi phạm cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược của Chính phủ, bên cạnh sự phối hợp tốt giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các tỉnh thành. Các cấp có thẩm quyền cũng cần cân nhắc phát triển các hoạt động kinh tế thay thế hoặc đào tạo cho các đối tượng tự nguyện chấm dứt hoạt động khai thác phi pháp.
Xây dựng lòng tin bằng cách làm gương
Chính phủ nên hành động thông qua các ưu đãi và chế tài để thay đổi hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình. Mặc dù vậy, Nhà nước không chỉ là cỗ máy quản lý mà còn là một tác nhân quan trọng, thông qua các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng một số sản phẩm có tác động trực tiếp đến tài nguyên và môi trường. Nếu các cấp có thẩm quyền muốn tạo ra vòng xoáy tích cực có lợi cho các chỉ tiêu môi trường, họ cần bắt đầu từ chính các hoạt động của mình, để mở đường và tạo lòng tin cao hơn trong công cuộc cải cách.
Chỉ đường có nhiều cách. Nhà nước có thể đưa những quan ngại về môi trường vào trong chương trình đầu tư của mình. Như ngày càng nhiều quốc gia đã thực hiện, các tiêu chí về rủi ro khí hậu, thiên tai và/hoặc môi trường có thể được lồng ghép vào trong quá trình lựa chọn dự án đầu tư của các ngành chiến lược, như du lịch, năng lượng và nông nghiệp, hoặc trong thiết kế dự án hợp tác công-tư với khu vực tư nhân. Cách làm có thể là bao gồm quy định hoặc thực hiện thẩm định chính sách tiền kiểm, hoặc yêu cầu chỉ rõ làm thế nào việc phát triển cơ sở hạ tầng hoặc thương mại mới có thể giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai và khí hậu, như hiện đang yêu cầu thực hiện tại Phi-líp-pin. Nhà nước có thể cân nhắc các tiêu chí cụ thể trong đấu thầu dự án hoặc phát hành trái phiếu (còn gọi là trái phiếu xanh). Chính quyền trung ương cũng có thể điều chỉnh các tiêu chí và định mức hiện đang sử dụng trong phân bổ ngân sách bổ sung cho các địa phương, như trường hợp tại Bra-xin, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, và các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu u. Tại Bra-xin, nơi bảo vệ rừng được coi là sự nghiệp công quan trọng, chính quyền địa phương được nhận bổ sung ngân sách cho mục tiêu sinh thái để bù đắp chi phí cơ hội liên quan đến các khu vực bảo tồn bị hạn chế sử dụng đất.
Chính phủ cũng có thể đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng ngay tại các công sở của Nhà nước. Trong đó có thể bao gồm lắp đặt, sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà để cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Thay đổi cũng có thể chỉ đơn giản như việc sử dụng bóng đèn LED hay điều hòa tiết kiệm năng lượng, vì cải thiện hiệu suất tiêu thụ năng lượng là phương án tốt nhất và tốn ít chi phí nhất để nâng cao an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Cuối cùng, như được nêu ở Hộp6, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các chính sách về môi trường, nhất là trong ngành điện (và cả các ngành khác).
Suy nghĩ về truyền thông và các cơ chế chia sẻ thông tin
Đại dịch COVID-19 cho thấy rằng thông tin kịp thời và minh bạch có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân và nhận thức của họ. Đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược truyền thông toàn diện và hiệu quả để phục vụ cho nghị trình về khí hậu và môi trường, hoặc chưa có cơ chế để thu thập và chia sẻ dữ liệu hiệu quả.
Vận dụng cách tiếp cận của Bộ Y tế trong COVID-19, Chính phủ có thể bắt tay vào hình thành nền tảng số tương tác và liên thông về môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo, trong đó mức độ rủi ro về khí hậu và môi trường có thể được lượng hóa và mô hình hóa để sử dụng cho các phương án đầu tư phát triển mới. Nền tảng đó có thể được sử dụng để trình bày thông tin bằng hình ảnh và tham chiếu địa lý về thiệt hại đối với tài sản khi diễn ra sự kiện thiên tai, như được Quỹ FONDEN (Quỹ Phòng chống Thiên tai) thực hiện tại Mê-hi-cô, để đẩy nhanh tốc độ khôi phục và tái thiết. Hệ thống báo cáo trực tuyến cũng được coi là yếu tố quyết định để theo dõi các ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 theo thời gian. Ở cấp độ vận hành, các hệ thống thông tin cụ thể cần phải hỗ trợ lập kế hoạch và hoạch định chính sách ngành. Ví dụ, đầu tư vào các hệ thống thông tin quản lý đất đai sẽ hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất nông thôn bền vững về môi trường, đồng thời cải thiện sự minh bạch về giao dịch trên thị trường đất đai. Ngoài ra, chuyển sang thanh toán điện tử sẽ tạo điều kiện để chính quyền có thể hỗ trợ người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhanh chóng và trực tiếp theo cách chuyển tiền mặt ngay sau khi bị thiên tai.
Công khai những dữ liệu đó cho đông đảo các bên liên quan thông qua các kênh truyền thống và sáng tạo sẽ tạo được lòng tin. Lại một lần nữa, người dân đã điều chỉnh hành vi của mình khi được tận mắt chứng kiến diễn biến của đại dịch và kết quả hành động của các cấp có thẩm quyền. Minh bạch còn góp phần nâng cao niềm tin vào hành động của Nhà nước và xây dựng tinh thần trách nhiệm cao hơn của cá nhân và tập thể. Cũng giống như nền tảng thông tin theo dõi chất lượng không khí hiện nay, hãy tưởng tượng một bảng thông tin tổng hợp trực tuyến có sức mạnh đến đâu khi người dân có thể truy cập và lượng hóa được mức độ dễ bị tổn thương của tài sản với rủi ro thiên tai và khí hậu ở Việt Nam, bao gồm ở cấp quốc gia, cấp địa phương và hộ gia đình.
Nếu nhà nước đẩy mạnh triển khai dữ liệu mở, khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp một phần. Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, Mark Carney, đã kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp thông tin rõ ràng cho khách hàng, công chúng và nhà đầu tư về cách thức họ lên kế hoạch hướng đến phát thải khí nhà kính ròng bằng không vào năm 2050. Sáng kiến Minh bạch Ngành Khai khoáng cũng là một mô hình nên áp dụng, vì việc các doanh nghiệp báo cáo và công khai định kỳ về lượng phát thải không chỉ cải thiện mức độ tuân thủ mà còn khuyến khích các cấp có thẩm quyền nâng cao minh bạch hơn nữa trong triển khai thực hiện các hành động nhằm hạn chế xả thải.
Truyền thông là công cụ hiệu quả để chống khủng hoảng COVID-19. Chính phủ có thể vận dụng cách tiếp cận mới, sáng tạo giống như vậy bằng cách kết hợp giữa chiến dịch truyền thống và các chiến dịch truyền thông mạng xã hội. Chính phủ cũng có thể cân nhắc tăng cường giáo dục về môi trường để khuyến khích những thói quen xanh hơn và tạo cơ hội cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển về những chủ đề như công nghệ xanh. Giáo dục ở các cấp khác nhau về các chủ điểm như thói quen xanh, kỹ thuật xanh, và công nghệ xanh có vai trò quan trọng nhằm mở rộng năng lực sẵn có trong nước để hỗ trợ cho tăng trưởng xanh. Thông tin về thói quen xanh có thể giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền được hưởng không khí sạch, nước sạch và đất sạch, cũng như trách nhiệm gìn giữ chúng. Tạo ra được một cộng đồng ủng hộ trong nước đòi hỏi phải có thời gian, nhưng cộng đồng ủng hộ trong nước như vậy sẽ tồn tại lâu hơn những điều chỉnh về quản lý nhà nước và chính họ sẽ hỗ trợ để môi trường luôn được coi là vấn đề chính. Tương tự, các hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời cảnh báo theo thời gian thực cho người dân về diễn biến lũ lụt và bão lốc đồng thời chỉ hướng cho họ đến nơi trú ẩn và đến với những hình thức hỗ trợ khác của chính quyền sau thiên tai sẽ giúp cứu sống sinh mạng và sẵn sàng bắt tay vào khôi phục.
Cách thức tối ưu và có lẽ trực quan nhất để Việt Nam truyền thông về tính cấp thiết của những thách thức về khí hậu và môi trường là cân nhắc lại việc sử dụng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) làm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, hoặc mở rộng khái niệm đó để tính đến cả vốn tự nhiên theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới. Các chỉ tiêu tuyền thống không thể hiện được hết những tổn hại và suy thoái về môi trường và đang vẽ ra bức tranh màu hồng quá mức về nền kinh tế. Joseph Stiglitz, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cũng là người đoạt giải Nô-ben Kinh tế từng nói : “Tìm ra được chỉ số đúng - hay ít nhất phải tốt hơn nhiều - là điều hết sức quan trọng, đặc biệt trong xã hội được định hướng theo chỉ số và kết quả đầu ra của chúng ta. Nếu chúng ta chọn sai chỉ số để đo lường, chúng ta sẽ đưa ra quyết định sai. Nếu các chỉ số cho chúng ta thấy mọi thứ đều ổn, khi thực tế không phải như vậy, chúng ta sẽ trở nên tự bằng lòng với những gì đã đạt được.”
Phan Sáng
(Tổng hợp từ báo cáo “ Điểm lại - Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu” của Ngân hàng Thế giới 2020)
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21
Tin tức liên quan
- Quyết tâm loại bỏ cán bộ tha hóa, biến chất, bội ước với Đảng, với Nhân dân (03:06 18/04/2023)
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong xét xử vụ án hành chính ở Việt Nam (08:58 07/03/2023)
- Quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa năm 1943-nhìn từ hôm nay (02:12 28/02/2023)
- Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:16 03/02/2023)
- Ra mắt bộ sách thường thức chính trị (04:10 03/02/2023)