TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 06/12/2024

Báo chí Việt Nam với quyền tiếp cận thông tin

16:03 10/11/2021
Logo header Thông tin là nhu cầu thiết yếu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, là công cụ để điều hành quản lý, lãnh đạo của mỗi quốc gia, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa các quốc gia dân tộc, là nguồn cung cấp trí thức, cũng là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin được coi là yếu tố quyết định cho cơ hội phát triển, thành đạt và tự chủ của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi con người.

Viện Khoa học Môi trường & Xã hội (ESSI)  đã tổ chức nghiên cứu và bảo vệ thành công Đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tiếp cận thông tin ở nước ta hiện nay” (mã số KX.03.17/11-15). Để phổ biến rộng rãi những kiến thức, thông tin thu được từ đề tài đã nêu, ESSI đã biên tập các báo cáo tổng quan của các đề tài nhánh để xuất bản cuốn sách "Quyền tiếp cận Thông tin, lý luận và thực tiễn". Cuốn sách chứa đựng một lượng kiến thức, thông tin phong phú về các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của quyền tiếp cận thông tin trên thế giới và ở Việt Nam

Khái niệm về thông tin và quyền tiếp cận thông tin

Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, quyền này bao gồm quyền tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới”. Đối với pháp luật của các quốc gia, thuật ngữ quyền tiếp cận thông tin được sử dụng khác nhau như: Canada đặt tên là Luật tiếp cận thông tin; Đan Mạch là Luật tiếp cận các hồ sơ hành chính công; Hàn Quốc là Luật công khai thông tin của các cơ quan nhà nước; Nauy là Luật tự do về thông tin; Nam Phi là Luật thúc đẩy tiếp cận thông tin... Mặc dù chưa có khái niệm cụ thể và các quốc gia cũng sử dụng các thuật ngữ khác nhau để nói về quyền tiếp cận thông tin, nhưng xét dưới góc độ nội hàm của khái niệm và nội dung pháp luật quốc tế cũng như các quốc gia, quyền tiếp cận thông tin có thể được định nghĩa như sau: “Là quyền của mọi công dân được tiếp cận những thông tin, được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền đặc biệt là các cơ quan hành chính Nhà nước”.

Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực báo chí

Báo chí đáp ứng quyền tiếp cận thông tin là một trong những phương thức quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phòng, chống tham nhũng và dân chủ hóa xã hội. Trong mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, báo chí đóng vai trò quan trọng như một cơ chế truyền dẫn và phản hồi thông tin. Phần lớn người dân nhận được thông tin về những gì đang diễn ra trong đời sống thông qua sự sàng lọc của thông tin đại chúng. Mặt khác, Nhà nước cũng dựa vào các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp nhận phản hồi ý kiến của người dân về các chính sách, chương trình của mình.

Thụy Điển là quốc gia đi tiên phong với việc ban hành Luật tự do báo chí năm 1976, trong đó cho phép công dân được quyền “tiếp cận tài liệu công”. Điều này có ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của các quyền con người nói chung và quyền tiếp cận thông tin nói riêng, bởi lần đầu tiên, quyền tiếp cận thông tin được đề cập, ghi nhận và bảo vệ bởi đạo luật của một quốc gia. Nó góp phần làm thay đổi nhận thức của các quốc gia trên thế giới, coi việc được tiếp cận thông tin của người dân không chỉ là một nhu cầu thực tế, khách quan mà là một quyền con người cơ bản. Từ Luật tự do báo chí của Thụy Điển năm 1976, một loạt quốc gia sau đó cũng ban hành luật về quyền này như: Colombia (1885), Phần Lan (1919), Pháp (1978), Nhật Bản (2004)....

Thực trạng Tiếp cận thông tin trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay

Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin... theo quy định của pháp luật” (Điều 69). Ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin là một trong những hình thức, phương thức, phương tiện để nhân dân làm chủ đất nước, thật sự tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Nó có vai trò chính trị - xã hội quan trọng, vừa là quyền được hưởng, vừa là tiền đề để đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản bao gồm các quyền: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Chỉ khi tiếp cận thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước một cách công khai, trung thực thì người dân mới có thể tham gia vào quản lý xã hội và thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình.

Các quy định về quyền tiếp cận thông tin được đưa vào hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như: truyền thông, báo chí, chống tham nhũng, đất đai, nhà ở, xây dựng, quy hoạch... Theo đó, Luật Tiếp cận Thông tin liên quan đến các bộ luật gồm Bộ Luật Dân sự (vì mọi công dân đều có quyền tiếp cận thông tin), Luật Báo chí (đối tượng chính yếu cần khai thác thông tin), Luật Ban hành Văn bản Nhà nước, Luật An toàn Thông tin mạng, Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước (đang xây dựng). Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ vai trò của quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực báo chí- truyền thông. Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung 1999) quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Luật cũng quy định trách nhiệm của báo chí là: đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng, phải trả lời và nói rõ lý do” (Điều 2). Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí còn quy định, các cơ quan Nhà nước thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí thông qua người phát ngôn, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình, về lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình (Điều 2).

Việc công khai dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang thông tin điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được dự kiến những thay đổi về chính sách, pháp luật để đóng góp ý kiến xây dựng văn bản và chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện sau này. Việc lấy ý kiến về các dự án luật ngày càng có hiệu quả, thể hiện tính dân chủ, sự thận trọng trong hoạt động lập pháp, huy động được trí tuệ, sự đồng thuận của nhân dân. Người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ đóng vai trò chủ động hơn trong xã hội. Người dân cũng tin tưởng hơn vào Nhà nước và sẵn sàng đóng góp xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật. Việc công khai, minh bạch các hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật trong thời gian qua đã được thực thi khá tốt. Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì đã chủ động công khai dự thảo văn bản để người dân tham gia đóng góp ý kiến qua các cuộc hội thảo, toạ đàm, phiếu lấy ý kiến... Bên cạnh đó, nhiều báo, tạp chí cũng đã đăng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các diễn đàn để công dân tham gia đóng góp ý kiến. Quốc hội, Chính phủ đã mở chuyên mục, diễn đàn để công dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến trên trang thông tin điện tử của mình. Nhiều phiên họp của Quốc hội khi thảo luận về việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật cũng đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến với người dân.

Bên cạnh việc thông tin cho công chúng, các cơ quan báo chí còn là cầu nối đưa yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng tới các cơ quan nhà nước và chuyển tiếp câu trả lời của các cơ quan nhà nước tới công chúng. Điều này thể hiện ở việc hầu hết các cơ quan báo chí đều có các chuyên mục như “Chính sách mới, quyết định mới”, “Văn bản pháp luật”, “Đường dây nóng”, “Trả lời thư bạn đọc”, “Trả lời bạn xem truyền hình”, “Trả lời bạn nghe đài”, “ý kiến bạn đọc”... nhằm mục đích này.

Một số hạn chế thực hiện quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiện nay

Nghĩa vụ công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước theo yêu cầu của công dân thường liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, gắn với những công việc cụ thể. Nếu thiếu các thông tin từ cơ quan Nhà nước, người dân có thể mất khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy nhưng việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Nhà nước theo yêu cầu của công dân đang có rất nhiều hạn chế, gây ra sự chậm trễ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Cụ thể là, mặc dù Luật Báo chí đã quy định nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của công dân, nhưng tình trạng cơ quan Nhà nước không trả lời bằng văn bản hoặc từ chối cung cấp mà không có lý do chính đáng vẫn còn phổ biến và chưa có biện pháp xử lý. Tình trạng này dẫn đến trong nhiều vụ việc người dân và chính quyền không tìm được tiếng nói chung, người dân buộc phải khiếu kiện vượt cấp, thậm chí gây mất trật tự xã hội.

Công khai mà không minh bạch là nhận định của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về cách thức lấy ý kiến văn bản pháp luật của nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay. Nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi về văn bản, chính sách từ doanh nghiệp, hiệp hội đối với cơ quan Nhà nước như rơi vào khoảng không thinh lặng. Đó cũng là thực trạng mà báo chí- truyền thông gặp phải khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền. Không phản hồi, không giải trình, không lập luận, không phản biện tại sao không tiếp thu từ chính cơ quan lấy ý kiến. 

Luật Tiếp cận thông tin đã ban hành được gần 4 năm nhưng trên cổng thông tin điện tử các cơ quan, bộ, ngành vẫn chưa tìm thấy thông tin về đầu mối cung cấp thông tin, danh mục thông tin bắt buộc phải công khai. Rất ít cơ quan công khai đầy đủ tên, điện thoại, e-mail cá nhân cán bộ thực thi việc cung cấp thông tin. Việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm. Cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin, do đó khó đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị ngay khi luật có hiệu lực thi hành. Mặc dù các quy định minh bạch, công khai thông tin được đưa vào Luật Báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến công chúng nói chung và báo chí nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin.

Ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học MEC cho biết, theo các nghiên cứu do Trung tâm Truyền thông và phát triển (RED) và MEC tiến hành cho thấy chỉ có 25% các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân thông qua báo chí được cơ quan nhà nước trả lời đúng hạn. Trong số được trả lời cũng chỉ có ¼ là thông tin có kết quả giải quyết và ¾ là thông tin vỏ, mang tính hứa hẹn chung chung.

Nếu trước đây nhà báo có thể tìm thông tin từ nhiều bộ phận, phòng ban trong một cơ quan thì nay theo Quy chế phát ngôn (ban hành năm 2007 và sửa đổi năm 2013) thì chỉ còn một đầu mối là người phát ngôn hoặc lãnh đạo cơ quan. Vì vậy thông tin thường xuyên bị cung cấp trễ, bởi người phát ngôn luôn phải xin chủ trương trước khi cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp né tránh bằng cách viện cớ người phát ngôn đi công tác, ốm đau… Quy chế người phát ngôn, vốn nhằm mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước đối với báo chí, đã vô tình bị nhiều đơn vị biến thành rào cản để từ chối cung cấp thông tin. 

Bên cạnh đó, do quy định của luật chưa rõ ràng. Cụ thể, Khoản 2, Điều 4 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí quy định: Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít cơ quan thực hiện, và nội hàm của quy định này không nêu rõ thế nào là đột xuất bất thường nên đa số các cơ quan né tránh, với lý do chờ bàn bạc thống nhất quan điểm.

Thời gian qua, tình trạng nhà báo bị cơ quan Nhà nước từ chối tiếp cận thông tin vẫn là chuyện thường thấy. Bởi theo Quy chế Người phát ngôn, một cơ quan chỉ có một đầu mối là người phát ngôn hoặc lãnh đạo cơ quan, điều này đã biến thành rào cản đối với các cơ quan báo chí và lại là phương tiện hữu hiệu trong trường hợp các đơn vị muốn “né”  trách nhiệm cung cấp thông tin. Hệ quả là người dân không được cung cấp thông tin một cách kịp thời về các vấn đề mà họ quan tâm thông qua báo chí. Với cơ quan báo chí và cá nhân nhà báo, không thực hiện được nhiệm vụ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người dân. 

Theo các kết quả khảo sát do RED và MEC tiến hành cho thấy, trên 80% các nhà báo thường xuyên bị cản trở tác nghiệp, mức cản trở phổ biến nhất là bị né tránh cung cấp thông tin, cao hơn là bị đe dọa, hành hung, hủy hoại các phương tiện tác nghiệp… Mặc dù các quy định công khai thông tin được đưa vào Luật Báo chí, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khoảng trống trong việc thực hiện các quy định, khiến nhà báo, phóng viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tác nghiệp. Nhiều nhà báo đánh giá tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin để làm rõ, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà báo còn ít. Bên cạnh đó, thủ tục tiếp cận thông tin của nhà báo cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, phóng viên khi tác nghiệp vẫn phải tiếp cận công chức chuyên môn để “xin” thông tin.

Trước thực tế cơ quan Nhà nước còn lúng túng, né tránh, trì hoãn, từ chối phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhà báo buộc phải vượt qua giới hạn thông thường thì mới có thể thực hiện thành công bài điều tra, đặc biệt là các vụ việc tham ô tham nhũng. Do đó, nhà báo điều tra thường không tiếp cận thông tin theo quy trình bình thường. Theo đó: 20,4% người phát ngôn và 59,3% nhà báo xác nhận quen biết có thể bỏ qua quy trình, thủ tục theo quy định; 43,7% nhà báo xác nhận được tiếp nhận thông tin đầy đủ hơn nếu quen biết người phát ngôn; 17,6% nhà báo xác nhận có được thông tin không thuộc danh mục công khai.

Những nhà báo điều tra này, trong quá trình tác nghiệp đã phải có kỹ năng tiếp cận thông tin đặc biệt. điển hình như nhà báo Hoàng Thiên Nga trong quá trình triển khai bài điều tra chống tham nhũng đã trực tiếp làm việc với các cơ quan trung ương để có sự hậu thuẫn, ủng hộ và thúc đẩy cơ quan Nhà nước; nhà báo Nguyễn Hoài Nam của Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức bí mật ghi âm, ghi hình để có được thông tin trong vụ “quỹ đen” của Cục đường thủy; một số nhà báo tranh thủ sự lan tỏa của mạng xã hội như nhà báo Bùi Lan Anh, kênh VTC 14 đã xác minh bằng cách lặn xuống đáy biển cùng ngư dân quay lại cảnh đường ống xả thải ra môi trường của Formosa, sau đó các nhà báo khác đã đồng thời kết nối các bài viết trên mạng xã hội, lan tỏa các tác phẩm báo chí điều tra…

Gần đây nổi lên xu hướng đáng lo ngại trong việc cản trở quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Xu hướng lạm dụng dấu mật trong các văn bản hành chính Nhà nước là quá phổ biến, không chỉ lạm dụng mà thực tế pháp luật đã trao cho Nhà nước quá nhiều “thẩm quyền bưng bít” thông tin. Ví dụ như trường hợp một nhà báo công bố thông tin trong một văn bản lên báo, sau đó bị kiện với lý do văn bản đó có đóng chữ “mật”, trong khi chưa có quy định đáng tin cậy nào cho việc đóng chữ “mật” đó. Một địa phương đóng chữ “mật” cả lên danh bạ đại biểu HĐND, trong khi những đại biểu đó là do dân bầu lên để đại diện cho mình…   

Ngoài ra, nhiều cơ quan Nhà nước còn đặt ra các quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí bằng rất nhiều “rào cản kỹ thuật”. Nhiều nhà báo đánh giá tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin để làm rõ, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân còn rất ít. Một số lãnh đạo còn cố tình lợi dụng cơ quan truyền thông để đánh lạc hướng dư luận.

Một khảo sát của Nhóm Nghiên cứu Sài Gòn truyền thông khi đánh giá mức độ bị từ chối cung cấp thông tin, chỉ có 2,94% người được hỏi tình trạng này là không phổ biến, có đến 47,07% ghi nhận nó phổ biến, còn mức độ rất phổ biến cũng đạt tới 23,53%.

Đề xuất các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như thực thi pháp luật trong Tiếp cận thông tin báo chí ở Việt Nam hiện nay

Các cơ quan công quyền cần thiết lập trang thông tin điện tử công khai thông tin: Đây là một trong những phương thức hữu hiệu để báo chí và người dân được chủ động và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin mà không phải yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp. Việc tiếp cận thông tin của người dân có hiệu quả hay không tuỳ thuộc vào việc các cơ quan, tổ chức quản lý, nắm giữ thông tin có chủ động và tích cực đăng tải, phổ biến các loại thông tin này ngay cả khi không có yêu cầu của người dân. Các trang thông tin điện tử này là một kênh quan trọng trong việc đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Thiết lập hệ cơ sở dữ liệu thông tin trong cơ quan: Các cơ quan cần tổ chức tốt việc cập nhật các thông tin do mình đang quản lý, công bố thông tin, lưu giữ thông tin sao cho việc tìm kiếm thông tin dễ dàng; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất khác nhằm mục đích tạo thuận lợi cao nhất cho việc tiếp cận thông tin.

Trước thực trạng thời gian gần đây, có một số phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Báo chí cơ chế bảo hộ của nhà nước đối với quyền tác nghiệp báo chí. Cụ thể: “Những hành vi cản trở nhà báo hoạt động đúng pháp luật bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo tội danh cản trở nhà báo/cản trở quyền tự do ngôn luận”.

Cần ban hành Luật Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, trong đó xác định các thông tin không được tiếp cận do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính Nhà nước quyết định, phân loại các thông tin không được tiếp cận, quy định cụ thể các trường hợp từ chối cung cấp thông tin...Sửa đổi Luật Báo chí làm sao đảm bảo luật hóa chức năng phản biện xã hội của báo chí. Cần bổ sung nội dung “nhà báo có quyền tiếp cận thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật, mọi can thiệp đều là trái luật. Người nào cho rằng thông tin trên các phương tiện truyền thông sai lệch thì kiện ra tòa án và chỉ có tòa án mới có quyền phán xét”.

Có thể thấy rằng, báo chí được đáp ứng quyền tiếp cận thông tin là một trong những phương thức quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, phòng, chống tham nhũng. Vì thế, các nhà báo cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Các nhà báo cần phải thấy được mình có đặc quyền tiếp cận thông tin và phải tự mình chủ động thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin. Có như vậy việc tác nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực điều tra chống tham nhũng mới được tiến hành một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.

Và trên hết, các cơ quan quản lý báo chí và chính người làm báo cần bảo vệ mình, bảo vệ thông tin chính đáng, bằng cách nắm vững Luật. Quyền tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân được Hiến pháp ghi nhận. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định nội hàm của quyền này, bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch một số thông tin trong một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Luật Báo chí quy định những quyền tác nghiệp cơ bản của nhà báo như sau: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Việc các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho báo chí vì lý do nào đó là vi phạm luật Báo chí, quy chế người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Báo chí, quy tắc nghề nghiệp báo chí và Luật Tiếp cận thông tin mà Quốc hội vừa ban hành.

Tóm lại, luật pháp Việt Nam dành quyền cho mọi người dân được tiếp cận thông tin, riêng nhà báo được quyền hoạt động báo chí, khai thác thông tin. Mọi hành vi cản trở các quyền hiến định nói trên đều vi phạm pháp luật. Đương nhiên, nhà báo cũng sẽ và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bài viết của mình theo luật định.

Nguyễn Thu Hòa 

Bình luận: 0