TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/04/2024

Chuyển hóa tài sản công thành tài sản tư tại khu đất số 93 phố Đức Giang (Kỳ 11)

16:18 09/09/2021
Logo header Mặc dù Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Dương không được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá, không có chức năng đấu giá tài sản nhưng SCIC vẫn “hợp tác” để tổ chức đấu giá, thẩm định giá tài sản trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt Công ty, Doanh nghiệp nhà nước.

Đầu tư vốn Nhà nước nước vào doanh nghiệp là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng lực lượng sản xuất nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Trong những năm vừa qua, hoạt động quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế đã thể hiện rõ vai trò trong góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với những biến động của thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/08/2006. SCIC ra đời trong bối cảnh nước ta chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ quyết định hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn, theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông-nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các khu vực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngày 12/11/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc bàn giao SCIC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Từ thời điểm thành lập, SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công tại rất nhiều các công ty, doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng được tiến độ thoái vốn mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về thẩm định giá, đấu giá tài sản nhà nước; quản lý và sử dụng tài sản nhà nước cũng như các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở cho thấy hoạt động thoái vốn của SCIC tại một số công ty, doanh nghiệp nhà nước còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Điển hình trong số đó là quá trình thoái vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Hóa chất và cơ sở nhà đất số 93 phố Đức Giang, quận Long Biên.

Pháp luật về đấu giá, thẩm định giá tài sản

Trong hoạt động thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, hoạt động đấu giá tài sản, thẩm định giá tài sản phải được thực hiện theo quy định của Luật Giá 2012 và các luật chuyên ngành khác (Đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, nhà ở...). Theo đó, Điều 10 Luật Giá 2012 quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sử dụng kết quả thẩm định giá bao gồm: “Chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá để ký hợp đồng thẩm định giá”. Điều 38 Luật Giá 2012 về Điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá khẳng định: Doanh nghiệp thẩm định giá được hoạt động khi Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá vẫn được SCIC sử dụng để chuyển hóa hàng loạt tài sản nhà nước, nổi bật là việc thoái vốn nhà nước, định giá tài sản nhà nước của khu đất số 93 phố Đức Giang, quận Long Biên tại Công ty Cổ phần Hóa chất đã đề cập ở trên.

Như Tri thức Xanh đã thông tin tại kỳ trước, Công ty Hóa chất – Bộ Thương mại được thành lập từ năm 1958, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đến năm 2004, Công ty Hóa chất chuyển đổi cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần. Phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Hóa chất sau đó được chuyển cho SCIC quản lý.

Ngày 19/8/2014, căn cứ vào Bản tư vấn xác định giá khởi điểm của Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Dương (nay là Công ty Cổ phần Chứng khoán EVEREST), SCIC đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-ĐTKDV về việc bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Công ty Cổ phần Hóa chất với nhiều dấu hiệu sai phạm.

Tạp chí cũng đã có Văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc định giá tài sản nhà nước tại cơ sở nhà đất số 93 phố Đức Giang. Căn cứ các thông tin Tri thức Xanh thu thập được, việc định giá và bán tài sản Nhà nước của SCIC tại Công ty Cổ phần Hóa chất có dấu hiệu sai phạm như sau:

Tại Văn bản số 6304/BTC-QLG ngày 14/6/2021, Bộ Tài Chính khẳng định tại thời điểm tư vấn thẩm định giá, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Dương (Công ty Đại Dương) không được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật Giá 2012. Tuy nhiên, thực tế SCIC đã sử dụng bản tư vấn xác định giá khởi điểm do Công ty Đại Dương lập để ban hành Quyết định số 425/QĐ ĐTKDV ngày 19/8/2014 làm căn cứ bán đấu giá 665.000 cổ phần Nhà nước (35% vốn điều lệ) tại Công ty Cổ phần Hóa chất. Bản tư vấn xác định giá khởi điểm của Công ty Đại Dương xác định giá trị 35% số cổ phần Nhà nước sở hữu ở Công ty Cổ phần Hóa chất theo giá khởi điểm quy đổi là 7.315.000.000 đồng.

Trong khi đó, chỉ riêng khu đất vàng số 93 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Hóa chất đang được Nhà nước giao quyền sử dụng 40.118,9m2 đất; với 04 tòa nhà văn phòng làm việc (1.019,6m2 sàn xây dựng), Nhà hội trường với 397,4m2 sàn xây dựng, 06 nhà xưởng với diện tích sàn xây dựng 1.041,9m2, 32 nhà kho với diện tích sàn xây dựng 7.885,8m2...

Như vậy, việc SCIC sử dụng bản tư vấn xác định giá khởi điểm của một đơn vị không được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá và lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá không có chức năng ngành nghề đấu giá tài sản là hoàn toàn sai quy định pháp luật.

Hé lộ mối quan hệ bất thường giữa SCIC và Công ty Đại Dương:

Kết quả rà soát một số thông tin về SCIC và Công ty Đại Dương cho thấy, SCIC không chỉ kết hợp với Công ty Đại Dương để thẩm định giá và tổ chức đấu giá tài sản Nhà nước tại Công ty Cổ phần Hóa chất liên quan đến khu đất vàng số 93 phố Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội mà còn hợp tác để thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiêp khác. Chẳng hạn:

- Hợp tác để bán đấu giá 3.750.000 cổ phần Nhà nước (tương đương 27,79% vốn điều lệ) do SCIC quản lý tại CP Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa năm 2016;

- Hợp tác để bán đấu giá 459.855 cổ phần (tương đương 15,32%vốn điều lệ) do SCC quản lý tại Công ty Cổ phần Sách và Dịch vụ Văn hóa Tây Đô năm 2016;

- Hợp tác để bán đấu giá 3.609.192 cổ phần (tương đương 27,59% vốn điều lệ) do SCIC quản lý tại Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ năm 2016;

- Hợp tác để bán đấu giá 665.340 cổ phần (tương đương 41,51% vốn điều lệ) do SCIC quản lý tại Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Thành phố Cần Thơ năm 2017;

- Hợp tác để bán đấu giá 233.733 cổ phần (tương đương 30,00% vốn điều lệ) do SCIC quản lý tại CTCP Du lịch An Giang (AG Tourimex) năm 2015. Việc Công ty Đại Dương không được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động thẩm định giá đã gây thiệt hại cho Nhà nước, thiệt hại cho nhà đầu tư và uy tín của SCIC theo các bản án và kết luận của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (năm 2015) và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (năm 2018). Nếu sự việt trót lọt, ngân sách Nhà nước đã thất thu 21 tỷ đồng (đối chiếu với kết quả bán đấu giá cổ phần của UBND tỉnh An Giang sau đó)...

Những dấu hiệu nêu trên cho thấy, giữa SCIC và Công ty Đại Dương tồn tại mối quan hệ đặc quyền, đặc lợi, có biểu hiện “lợi ích nhóm” dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp? Trong đó điển hình dự án số 93 phố Đức Giang, quận Long Biên, thành phố Hà Nội bị chuyển hóa từ đất công thành đất tư mà Tri thức Xanh đang nghiên cứu, phân tích, đánh giá.

Hậu quả của việc vi phạm quy định về định giá tài sản Nhà nước trong đại án Sabeco đã phơi bày những bài học nghiêm túc trong việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước. Quy trình cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện công khai, minh bạch, tránh gây thất thoát tài sản và nguồn lực của đất nước, tạo kẽ hở cho “lợi ích nhóm” được hình thành. Trong khuôn khổ chuyên đề “Công khai, minh bạch trong quá trình di dời cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường tại các khu vực đô thị”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục làm rõ những dấu hiệu sai phạm và bất cập tại Dự án này, đồng thời kiến nghị cụ thể với cơ quan chức năng để làm rõ lộ trình pháp lý xử lý những sai phạm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, góp phần khẳng định sự nghiêm minh và thống nhất của pháp luật.

                                                                        Nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 77-21

Bình luận: 0