TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Công khai, minh bạch thông tin đất đai – quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật

06:48 18/06/2021
Logo header Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống dân sinh, thông tin về đất đai luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân. Do vậy, việc công khai, minh bạch thông tin đất đai là một việc làm quan trọng, cần thiết. Bài viết sau đây nhằm phân tích quy định của pháp luật cũng như thực trạng thực hiện pháp luật trong công khai, minh bạch thông tin đất đai.

Quy định pháp luật về công khai, minh bạch thông tin đất đai:

Ở mức độ khái quát, quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai được thể hiện trong Hiến pháp 2013 (Điều 53, 54 Chương III), Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng chống tham nhũng, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… Ở khía cạnh pháp luật chuyên ngành, các quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai được cụ thể hóa trong Luật đất đai 2013 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2013 (bao gồm: Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai 2013…). Quy trình, trình tự thực hiện công khai, minh bạch cũng đã được hướng dẫn cơ bản trong các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (các Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, số 25/2014/TT-BTNMT, số 34/2014/TT-BTNMT, số 35/2014/TT-BTNMT, số 33/2017/TT-BTNMT…).

Các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch được thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản như công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, công bố thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Từ các văn bản pháp luật trên, có thể thấy rằng hiện nay yêu cầu về tính công khai, minh bạch đã được pháp luật ghi nhận đối với một số khía cạnh của lĩnh vực quản lý đất đai; tuy nhiên chưa quy định đầy đủ về tính minh bạch cũng như chế tài xử lý vi phạm trong tất cả các hoạt động cụ thể của lĩnh vực quản lý đất đai. Đây có thể xem như là một trong những điểm hạn chế về cách tiếp cận khi xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý đất đai ở Việt Nam hiện nay.

Thực trạng thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai:

Theo PAPI, chỉ số công khai minh bạch kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù của chính quyền địa phương giảm từ 1.71 năm 2014 xuống còn 1.67 năm 2015, mức trung bình toàn quốc năm 2018 chỉ còn 1.34 điểm (trên thang điểm từ 1-10). Tỷ lệ người dân cho biết họ đã biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất ở địa phương từ 2011 – 2015 chiếm tỷ lệ không cao và có xu hướng giảm trong năm 2015, so với năm 2013, 2014. Trong đó tỷ lệ giảm dần là 20.82%, 16.24%. 11.8% (về quy hoạch, kế hoạch), 49.85%, 50.04%, 47.4% (về bảng giá đất). Gần 50% số người được hỏi cho rằng việc giải quyết khiếu nại về giao đất, thuê đất, thu hồi đất, bồi thường và tái định cư chỉ minh bạch một phần và một trong số 5 người trả lời cho rằng việc giải quyết không minh bạch. Số tỉnh không cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch chiếm tỷ lệ 13/63 (trong đó có 2 tỉnh không có thông tin này); về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 36/63; số xã không cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 132/321, về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 152/321 (trong đó có 35% không cung cấp vì không có thông tin).

Kết quả nhất quán đáng chú ý khi đo lường công khai, minh bạch từ năm 2011 - 2018 là, chưa đến 25% số người trả lời cho biết họ có thể truy cập thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, và chỉ có 1/3 có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai không đầy đủ, không được làm nghiêm túc hoặc bị cố tình bưng bít, làm sai, khiến cho người dân, doanh nghiệp, báo chí không tiếp cận được thông tin, dẫn tới việc hiểu lầm, gây khó dễ, các chủ thể kiểm soát thiếu thông tin và vì vậy, họ không biết chính quyền địa phương đang làm như thế nào. Quản lý đất đai ở Việt Nam đang được nhận định là một trong những ngành tham nhũng nhiều nhất, nhiều khiếu kiện nhất, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do thiếu tính công khai, minh bạch. Những vấn đề như tham nhũng, sử dụng sai và lãng phí nguồn lực đất đai vẫn tiếp tục kìm hãm sự phát triển của Việt Nam.

Để có căn cứ đánh giá thực trạng và hiệu quả thực thi pháp luật về công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai, đề tài cấp Nhà nước “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Viện Khoa học, Xã hội và Môi trường năm 2019  đã khảo sát 1.810 đối tượng là người dân ở các vùng, miền và khu vực (đô thị, nông thôn). Kết quả cho thấy, thực tế hiện nay, việc công khai, minh bạch thông tin trong lĩnh vực đất đai mới chỉ dừng lại ở hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Chỉ có 15% số người được hỏi cho biết nắm được thông tin công khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 18% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai báo cáo giải trình về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức phục vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 31% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 19% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai quy trình, thủ tục thu hồi đất, giao đất; 36% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai thẩm quyền thu hồi đất, giao đất; 37% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai quyết định phương án phê duyệt, đền bù giải phóng mặt bằng, danh sách các tổ chức, cá nhân đền bù, giải phóng mặt bằng; 24% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai thẩm quyền phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng; 11% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai các khoản thu từ hoạt động đấu giá đất, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế, phí từ giải quyết thủ tục hành chính; và 4% số người được hỏi cho biết chính quyền có công khai báo cáo thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai (Hình 1.1).

Hình 1.1: Đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch về đất đai

Kết quả khảo sát của đề tài nhìn chung khá tương đồng với kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2019. Theo kết quả khảo sát PAPI 2019, trong số 14.138 người được khảo sát, chỉ có 16,87% số người trả lời được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương; 4,54% số người trả lời cho biết họ có dịp góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương (89,80% số người trong số đó cho biết chính quyền địa phương có tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất). Kết quả khảo sát PAPI cũng cho thấy một số chỉ tiêu có mức độ công khai, minh bạch khá tốt là: tỷ lệ số người trả lời cho biết hộ gia đình được thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất mới khi bị thu hồi đất (78,28%); và tỷ lệ người trả lời biết nơi cung cấp thông tin bảng giá đất được chính thức ban hành ở địa phương (56,54%).

Mức độ công khai, minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiện nay rất thấp và nhiều hạn chế. Điều này gây ra tình trạng người dân không được thông tin về quá trình quản lý, sử dụng đất, quy hoạch - kế hoạch của cơ quan nhà nước, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, đặc biệt là khiếu kiện, khiếu nại về đất đai ngày càng nhiều. Kết quả rà soát các vụ việc khiếu nại về đất đai trong giai đoạn từ 2014 đến nay cho thấy, rất nhiều trường hợp, đến khi bị thu hồi đất, người dân mới biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư… Kết quả đánh giá thực trạng thực thi pháp luật về công khai minh bạch trong lĩnh vực đất đai ở nước ta thời gian qua cho thấy, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện trách nhiệm công khai một cách hình thức, thực hiện cho đủ quy trình thủ tục chứ không thực sự cầu thị trong quá trình công khai, xin ý kiến cộng đồng dân cư.

Thiếu công khai, minh bạch nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất công, cơ sở nhà đất của Nhà nước. Việc mất cơ chế theo dõi, giám sát của Nhân dân dẫn đến tình trạng tùy tiện trong quản lý, giao đất, cho thuê đất, lợi dụng liên kết kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép các cơ sở nhà đất của Nhà nước, tùy tiện xâm lấn, chiếm đoạt đất công, tiền đền bù đất thu hồi của Nhân dân…

Nhà nước đã tập trung rất nhiều nguồn lực xây dựng hệ thống dữ liệu về đất đai, nhưng khả năng tiếp cận của người dân gần như vẫn ở mức rất thấp và không được cải thiện.

Việc công bố, công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa nghiêm, thiếu kiên quyết đối với người vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai dẫn đến nguy cơ các chủ thể này có xu hướng coi thường pháp luật, thách thức lòng tin của dân chúng và cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đối với một nền hành chính công minh bạch, thân thiện và công bằng.

Thiếu dân chủ ở cơ sở, thể hiện ở việc mất quyền được thông tin, quyền tham gia quản lý, sử dụng đất của người dân tại chính mảnh đất họ quản lý, sử dụng

Chưa có cơ chế xử lý sai phạm do không thực hiện trách nhiệm công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai, hoặc thực hiện mà không đáp ứng yêu cầu.

Chưa quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí để đánh giá hiệu quả đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

Kết luận: Chế định công khai, minh bạch thông tin đất đai đã được ghi nhận ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản như công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, công bố thông tin về đất đai, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại nhiều hạn chế liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất, quy hoạch - kế hoạch của cơ quan nhà nước.  Để giải quyết những bất cập nói trên, không chỉ cần tới các quy định pháp luật cụ thể, minh bạch, mà còn cần đến quyết tâm thực thi chính sách pháp luật một cách công bằng, hài hòa của cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, quyền và lợi ích chính đáng của người dân mới được bảo đảm.

ThS. Nguyễn Đình Phúc

Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

Bình luận: 0