TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Đà Nẵng chi hơn 15 nghìn tỷ đồng cho đề án “xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021- 2030

15:17 16/10/2021
Logo header Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường, Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng: Thành phố bền vững về môi trường (ASEAN), Thành phố carbon thấp (APEC), Thành phố phong cảnh, Thành phố xanh quốc gia. Quan trọng hơn, Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu "Thành phố đáng sống". Tuy nhiên bên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại.

 

Từ năm 2008, Đà Nẵng đã triển khai Đề án Thành phố môi trường với mong muốn đưa Đà Nẵng trở thành Thành phố xanh - sạch - đẹp. Sau hơn 12 năm thực hiện, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận cấp nước đô thị đạt 99%, 100% nước thải tại các khu công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; giải quyết cơ bản được 13/15 điểm nóng về môi trường; hơn 83% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95%; đặc biệt cộng đồng người dân thành phố đã tích cực tham gia các phong trào như: Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp, khu dân cư thân thiện môi trường, phụ nữ sống xanh, 195 câu lạc bộ Cựu chiến binh bảo vệ môi trường. 

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Thành phố vẫn còn tồn tại, bất cập về môi trường cũng như việc thực hiện Đề án, cụ thể đó là:

03 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 (tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực: sông, ven biển, hồ, nước ngm (có du hiệu ô nhiễm cục bộ); tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp). Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định, quy chuẩn dẫn đến tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động chưa bảo đảm quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh môi trường từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh; thiếu diện tích cây xanh; các trạm trung chuyển rác quy mô nhỏ, chưa đảm bảo nằm trong khu dân cư hay bãi chôn lấp vệ sinh Khánh Sơn; sự phát triển quá mức các dự án du lịch ven biển gây quá tải hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng như quản lý chất thải rắn ở các khu vực này. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn thiếu đồng bộ, việc tính toán quy mô, lựa chọn công nghệ xử lý chưa bảo đảm. Các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm chưa đáp ứng, phần lớn trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động; năng lực quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin còn ở mức thấp; nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành chưa tương ứng với sự phát triển đô thị và những công tác quản lý chuyên ngành mới. Nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững (nhu cầu về nguồn vn để phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan: hệ thống thu gom, xử lý nước thải; thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lp rác thải là rất ln và tiếp tục gia tăng), trong khi việc thu hút từ xã hội hóa còn rất mới, gặp khó khăn, vướng mắc,....

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, tồn tại thành phố Đà Nẵng xây dựng và ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030.  Theo đó, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tôt chất lượng môi trường; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng sinh thái. Tổng kinh phí khái toán thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2030 là 15.546 tỷ đồng, dự kiến từ các nguồn: ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng; nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.

Mục tiêu chung:

Đề án đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường theo Đề án phê duyệt năm 2008. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng ven biển và các khu vực cảnh quan tự nhiên; đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí theo quy chuẩn; đặc biệt chú trọng đến các vấn đề khắc phục ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, quản lý môi trường công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại.

Đề án cũng đặt mục tiêu khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nước, rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các quy trình, hệ thống thông minh cho việc quản lý các nguồn tài nguyên và thiên nhiên.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tổ chức, người dân.

Mục tiêu cụ thể:

Các mục tiêu cụ thể được chia thành 4 nhóm: phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường:  Đặt mục tiêu 100% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất thuộc đối tượng được cấp Chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 theo quy định. 100% các nguồn phát thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn) theo quy định được kiểm soát tự động, liên tục, chỉ số chất lượng môi trường không khí <100, chỉ số chất lượng môi trường nước >90.

Đến năm 2025 hoàn thành Mô hình khu công nghiệp sinh thái; đến năm 2030 có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời, đến năm 2025, 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt Tiêu chuẩn khí thải Euro 4; đến năm 2030 đạt 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo: Đến năm 2025 giảm từ 1-2%, đến năm 2030 giảm 5-7%.

Cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm: Đề án đặt mục tiêu 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung, 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt 85%, năm 2030 đạt 95%;  100% các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2025 đạt >95%, đến năm 2030 đạt >97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:  Đề án đặt mục tiêu không chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, đảm bảo bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị năm 2025 đạt 6m2/người, đến năm 2030 đạt 9m2/người. bTỷ lệ các khu vực khai thác khoáng sản được phục hồi theo quy định pháp luật trên tổng số khu vực kết thúc khai thác khoáng sản đến năm 2025 đạt 50%; đến năm 2030 đạt 100%.

Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: Đề án đặt mục tiêu đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường trên 3%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến năm 2025 đạt 90%. Đến năm 2030 đạt 100%; tỷ lệ trường học triển khai phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 đạt 100%; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời.

Giải pháp thực hiện

 Về giải pháp, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì BVMT phải trả phí tương xứng; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về BVMT của toàn xã hội.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện triển khai Đề án giai đoạn 2021 - 2030; Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp cùng các đơn vị liên quan triển khai, phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án.

Thiên Ân/Tri thức Xanh số 79-21

Bình luận: 0