TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia để xây dựng hệ thống thực phẩm nông nghiệp nhằm làm con người khỏe mạnh hơn và nền kinh tế vững mạnh hơn

05:47 30/04/2021
Logo header An ninh lương thực là vấn đề quan trọng trước mắt cũng như lâu dài của tất cả các nước. An ninh lương thực dưới sự tác động của đại dịch COVID - 19 cũng là chủ đề đang được cả thế giới quan tâm, đặc biệt là khu vực Đông Á Thái Bình Dương và Việt Nam

An ninh lương thực luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ... Theo đánh giá của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, dịch bệnh COVID - 19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người (năm 2019) lên tới 265 triệu người (năm 2020). Trên thực tế, tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới đã gia tăng từ năm 2019 và tác động của dịch bệnh COVID - 19 đã làm trầm trọng thêm tình hình. Trong một phát biểu mới đây tại phiên khai mạc Kỳ họp lần thứ 74 Ủy ban các Vấn đề Hàng hóa của FAO (CCP), Tổng Giám đốc FAO QU Dongyu đã phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động các chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, ông chia sẻ: “Đại dịch lần này đã gây ra một cú sốc kép đối với các thị trường nông sản, nó đánh vào cả hai phía cung và cầu”. Ông cũng chỉ ra rằng các biện pháp đưa ra nhằm kiểm soát sự lây lan của virus đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng nông sản, ảnh hưởng tới các hệ thống thương mại toàn cầu, mà chịu tác động lớn nhất là các nước kém phát triển vốn phụ thuộc vào thương mại để đảm bảo an ninh lương thực. Ngành nông nghiệp trên toàn thế giới lao đao bởi những biện pháp đối phó với dịch COVID - 19 như lệnh cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới hay thực hiện giãn cách xã hội... đã khiến không chỉ hàng triệu lao động trong ngành này không thể ra đồng thu hoạch và trồng trọt mà hoạt động lưu thông hàng hóa cũng giảm mạnh, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy do hoạt động vận tải bị tê liệt. Như tại các nước Châu Âu, hầu hết các trang trại tại đây phụ thuộc nhiều vào lao động từ các nước khác. Dịch bệnh COVID - 19 đã buộc nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt việc nhập cảnh của công dân nước ngoài khiến nền nông nghiệp ở châu Âu bị ảnh hưởng. Tại Italia, vào mùa vụ cho tháng 5 và 6/2020 quốc gia này phải cần khoảng 200.000 lao động. Nhưng cũng do không có người lao động, chính phủ nước này phải yêu cầu người dân nhận trợ cấp nhà nước đến hỗ trợ giúp thu hái rau củ. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp cũng đã phải đưa ra lời kêu gọi bất đắc dĩ “đội quân bóng tối”, theo đó những người mới phải thôi việc hoặc sa thải vì COVID - 19 sẽ trở thành lực lượng thay thế cho đội quân lao động nhập cư ở trang trại. Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức cho biết, nông trại và các nhà sản xuất thực phẩm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệnh cấm nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ được cơ cấu lại theo hướng sản xuất cung ứng bền vững, xanh, chất lượng, công nghệ số, đổi mới tổ chức sản xuất

Bên cạnh những khó khăn của hoạt động trồng trọt và thu hoạch trong ngành nông nghiệp, mối nguy khủng hoảng an ninh lương thực còn đến từ nỗi lo hoạt động xuất nhập nông sản nhiều nước còn gặp trở ngại do đường bay hạn chế khi các nước thực hiện công tác kiểm dịch, cách ly tại các khu cảng làm giảm số lượng phương tiện vận chuyển và nhân viên chuyên chở hàng. Tại Canada, chủ tịch hiệp hội Orbit Brokers chuyên giúp đỡ bên vận chuyển làm thủ tục thông quan cho biết, lượng nhập khẩu các loại rau củ quả Ấn Độ như hành tây, đậu bắp, cà tím… đã giảm tới 80% trong hai tuần đầu tháng 4/2020 vì đường bay bị hạn chế. Còn theo Hiệp hội Những người trồng và xuất khẩu chuối Philippines, lượng xuất khẩu trái cây của Philippines dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 2,5 triệu tấn trong năm nay so với mức 4 triệu tấn của năm ngoái do các giới hạn vận chuyển vì dịch bệnh. Hay như chính tại Việt Nam, theo số liệu Tổng cục Thống kê cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước như: Rau quả đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,7%; cao su đạt 403 triệu USD, giảm 27,5% (lượng giảm 31,7%). Đặc biệt, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) gặp khá nhiều khó khăn do một số cửa khẩu biên giới đóng cửa trong thời gian quốc gia láng giềng đang phải chống chọi với dịch bệnh COVID - 19.

Trước những tình hình này, ngày 23/4 vừa qua, Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Nông nghiệp Đông Á về An ninh lương thực đã được tổ chức với sự tham gia của 9 nước: Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Papua New Guinea, Philipin và Thái Lan. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh…đó là tăng trưởng GDP toàn diện đạt trên 2,65%; xuất khẩu đạt kỷ lục với trên 41,2 tỷ đô la Mỹ (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ đô la Mỹ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% theo chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62%. 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19, bên cạnh việc đảm bảo sản xuất tiến hành bình thường, việc không làm gián đoạn chuỗi cung, khơi thông thị trường là vấn đề quan trọng tiếp theo. Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành nỗ lực đàm phán, phát triển thị trường tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường chính ngạch khi bị đình trệ, ách tắc do đại dịch COVID - 19. Đối với thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực đẩy mạnh kết nối nông dân, hợp tác xã với các địa điểm phân phối trực tiếp. Về trung và dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam cơ cấu lại theo hướng sản xuất cung ứng bền vững, xanh, chất lượng, công nghệ số, đổi mới tổ chức sản xuất; Phát triển chuỗi giá trị nông sản thông minh nhằm nâng cao hiệu quả, giảm lao động trực tiếp; Ưu tiên đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân; Phát triển công nghiệp chế biến nông sản; Phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng toàn cầu; Áp dụng số hóa mạnh mẽ trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp.

Để giải quyết những thách thức từ COVID - 19, biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường... gây ra trong thời gian qua Việt Nam đã tổ chức tốt sản xuất, tăng dự trữ lương thực tại chỗ nhằm bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ; tham gia tích cực vào diễn đàn an ninh lương thực thế giới nâng cao vai trò vị thế của quốc gia đối với các đối tác toàn cầu, từ đó tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường. Sáng kiến kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước từ nông thôn đến thành thị, xuất khẩu cũng như hỗ trợ hội chợ thương mại, điểm bán hàng, bán hàng online, xúc tiến thương mại trực tuyến cũng được thực hiện. Nhiều thời điểm việc lưu thông cho hoạt động thương mại nông sản đã được ưu tiên. Với những sáng kiến và giải pháp trên, Chính phủ và người dân Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh. Đây chính là điều kiện căn bản để góp phần giúp Việt Nam và ngành nông nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống cho 100 triệu dân và hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia khác.

Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 59 -21

Bình luận: 0