TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Kinh tế du lịch phải gắn với phát triển du lịch bền vững

13:43 18/04/2022
Logo header Chiều tối ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại ngành du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đây được coi là quyết định không chỉ vực dậy, phục hồi ngành du lịch sau một thời gian dài khó khăn đồng thời còn góp phần vào thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Phát triển bền vững xu thế của ngành du lịch

Thuật ngữ phát triển bền vững được đưa ra khi mà con người nhận thức được những hậu quả to lớn của việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, đã làm phát sinh sự mâu thuẫn sâu sức giữa môi trường và phát triển kinh tế. Nằm trong khối mâu thuẫn chung đó, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự phát triển của nó gắn với sự tồn tại, phát triển của tài nguyên và môi trường. Do đó việc phát triẻn du lịch theo hướng bền vững là xu hướng tất yếu mà các quốc gia muốn đẩy mạnh kinh tế du lịch phải tính tới.

 Ngay từ những năm đầu thập niên 1990, các nhà khoa học trên thế giới đã đề cập nhiều đến việc phát triển du lịch với mục đích đơn thuần về kinh tế đang đe dọa hủy hoại môi trường sinh thái và các nền văn hóa bản địa. Do đó cần có một chiến lược phát triển du lịch dài hạn nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành này. Từ đó các loại hình du lịch thân thiện với môi trường đã xuất hiện như du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm…

Hiện có nhiều quan điểm về phát triển du lịch bền vững như:

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, du lịch bền vững là du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hiện tại và các khu vực tiếp nhận đồng thời bảo vệ và nâng cao cơ hội cho tương lai. Mục tiêu là duy trì các lợi thế kinh tế và xã hội khi phát triển du lịch đồng thời giảm thiểu bất kỳ tác động không mong muốn nào đến môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hóa xã hội tại địa bàn liên quan. Điều đó có nghĩa là để du lịch thực sự bền vững, duy trì hiệu quả lâu dài cần hài hòa, quan tâm tới việc thực hiện cả hai mục tiêu chính là vừa mang đến lợi ích kinh tế, xã hội  đồng thời vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương.

Theo Liên minh Bảo tổn thế giới (World Conservation Union, 1996): “Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên, các đặc điểm văn hóa kèm theo (có thể là cả trong quá khứ và hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương.”

Khái niệm về phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Du lịch Việt Nam (2014): “phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

 Một vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch bền vững đó là phải gắn  phát triển du lịch bền vững với  phát triển bền vững. Do du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có định hướng tài nguyên rõ rệt (bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn) và sự phát triển của du lịch gắn liền với môi trường nên chính bản thân sự phát triển của du lịch đòi hỏi phải có sự phát triển bền vững chung của xã hội và ngược lại.

Việc cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cho ngành du lịch không chỉ là những nghiên cứu mang tính lý thuyết mà thực tiễn cho thấy đây là một trong những yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Trong một nghiên cứu 2020 mới đây của Booking.com thực hiện với 29.000 du khách trên 30 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam cho thấy, cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hàng ngày của du khách cũng nhất quán với ý định của họ cho các chuyến du lịch sau này. Theo đó, 100% du khách Việt trả lời rằng, trong năm tới, họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững; 88% du khách Việt muốn giảm rác thải tổng hợp, 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng; 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe; 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa bản địa; 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản.

Du lịch bền vững hiểu thế nào cho đúng

Tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững

Một ngành du lịch muốn phát triển, muốn có những nét đặc sắc thu hút khách du lịch phải gắn với ếp tục tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên hay các giá trị văn hóa lâu đời. Để làm được điều đó việc thực hiện phát triển bền vững là yếu tố then chốt, quyết định. Việc phát triển bền vững du lịch có vai trò quan trọng như:

+ Bảo vệ môi trường sống: bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, hướng đến mục đích lâu dài thay vì mục đích hiện tại; giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường, từ đó đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động thực vật cũng như môi trường sống của con người.

+ Phát triển kinh tế bền vững: Giúp khai thác tối ưu các nguồn lợi kinh tế theo hướng bền vững, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế trong cộng đồng dân cư địa phương, vùng miền.

+ Trao đổi văn hóa và bảo tồn văn hóa: Du lịch bền vững luôn đảm bỏ tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng.

Định hướng của  phát triển du lịch bền vững

Nguyên tắc phát triển bền vững trong du lịch thiết lập sự cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong quá trình vận hành, tính bền vững thể hiện ở khía cạnh hướng tới giảm thiểu tác động đối với môi trường và văn hóa địa phương, đồng thời góp phần tạo ra thu nhập, việc làm và bảo tồn các hệ sinh thái tại đó.

Ngoài ra việc luân chuyển, xoay vòng yếu tố kinh tế trong du lịch cũng cần phải được đảm bảo. Theo đó, nguồn thu từ hoạt động kinh tế du lịch phải được sử dụng một phần để đầu tư cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, môi trường, luuaw giữ các giá trị văn hóa, nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương để quản lý các khu bảo tồn.

Du lịch bền vững có gì khác biệt

Tiêu chí

Du lịch bền vững

Du lịch đại chúng

Mục tiêu

Chỉ hướng đến mục tiêu duy nhất là lợi nhuận của bên tổ chức, không có mục tiêu cho việc nâng cao công tác bảo tồn hoặc mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương và có thể phá huỷ nhanh chóng các môi trường nhạy cảm.

Hướng đến các mục đích: lợi tức, môi trường và cộng đồng ngay từ khi bắt đầu, nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương, tôn trọng văn hoá, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, hướng dẫn du khách và cả cộng đồng địa phương.

Chủ thể thực hiện

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương theo hướng đơn lẻ

Các bên liên quan bao gồm các thành viên cộng đồng địa phương, chính quyền, tổ chức phi chính phủ cũng như ngành du lịch, du khách và nhiều nhóm khác.

 

Những trụ cột của du lịch bền vững

Hiện nay, quan điểm về phát triển bền vững ngành Du lịch được đa số các quốc gia và các nhà nghiên cứu công nhận về bản chất đều phải đảm bảo ba nội dung cơ bản: môi trường bền vững, xã hội bền vững và kinh tế bền vững.

+ Khía cạnh kinh tế:

  • Tạo ra nhiều nguồn doanh thu mới (Đa dạng hóa về kinh tế)
  • Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
  • Khuyền khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
  • Hỗ trợ kinh tế địa phương
  • Tăng trưởng cơ hội việc làm
  • Phát triển sản phẩm cho thị trường địa phương

+ Khía cạnh văn hóa, xã hội

  • Đảm bảo mức độ hài lòng và lợi ích cho xã hội
  • Đảm bảo sự tham gia của các bên trong việc ra quyết định
  • Khuyến khích sự công bằng giữa các thế hệ
  • Tôn trọng văn hóa địa phương
  • Phát triển chất lượng cuộc sống cho địa phương
  • Thúc đẩy nghiên cứu khoa học
  • Thúc đẩy sự thấu hiểu giữa khách và người dân địa phương

+ Khía cạnh môi trường

  • Quản lý vùng tự nhiên
  • Bảo tồn và phát triển môi trường thiên nhiên và di sản văn hóa
  • Giảm thiểu sự khai thác quá mức và rác thải
  • Thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Những nguyên tắc phát triển du lịch bền vững

+ Khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý (Nguồn lực bao gồm vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường).

+ Giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên: Việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ở mức vừa đủ một mặt giúp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, mặt khác giảm chất thải ra môi trường. Các tài nguyên thiên nhiên cần được quy hoạch, quản lý tránh sự khai thác một quá mức nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, vừa phải, tạo cơ hội phục hồi thiên nhiên.

+ Duy trì bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn : Dựa trên việc tôn trọng, bảo vệ sự đa dạng của thiên nhiên, xã hội, môi trường của điểm đến, đảm bảo nhịp độ, quy mô và loại hình phát triển du lịch, để bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương.

+ Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội: nghĩa là phải gắn với chiến lược của quốc gia, vùng, địa phương về kinh tế - xã hội.

+ Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế cho địa phương: Nghĩa là du lịch phải giúp địa phương tạo ra giá trị kinh tế và tái sử dụng các giá trị đó cho việc bảo tồn, phát triển du lịch.

+ Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch: gắn quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cư dân đối với sự phát triển chung của du lịch.

Những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch

+ Phát triển cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống đường xá, nhà ga, sân bay, bến cảng, đường sắt, hệ thống thông tin viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện...
Cơ sở hạ tầng còn có vai trò thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững du lịch dưới góc độ: Hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện cho phép phát triển du lịch ở những vùng sâu, vùng xa; cho phép giảm tải cho các điểm du lịch truyền thống, đồng thời khắc phục tính mùa vụ trong du lịch, phân phối lại thu nhập đến với cư dân địa phương. Đây là những cơ sở quan trọng cho phát triển bền vững trong du lịch.

+ Phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được hiểu là toàn bộ các phương diện vật chất kỹ thuật được huy động tham gia vào việc khai thác các tài nguyên du lịch nhằm tạo ra và thực hiện các dịch vụ/hàng hóa thỏa mãn nhu cầu của du khách trong chuyến hành trình của họ. Nghĩa là bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật thuộc bản thân ngành Du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành khác của nền kinh tế quốc dân tham gia vào việc khai thác tiềm năng du lịch như: Hệ thống đường xá, cầu cống, bưu chính viễn thông, điện nước...

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch  là một trong ba yếu tố tạo nên Có ba yếu tố sản phẩm và dịch vụ du lịch thỏa mãn nhu cầu của du khách cùng với tài nguyên du lịch và lao động trong du lịch.

+ Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là điều kiện, là yếu tố đầu vào quan trọng của hoạt động du lịch, đồng thời cũng là yếu tố tác động đến phát triển bền vững du lịch.

+ Phát triển đào tạo nguồn nhân lực

Du lịch là ngành đòi hỏi nguồn lao động lớn với nhiều loại trình độ do tính chất đặc điểm của ngành có mức độ cơ giới hóa thấp và đối tượng phục vụ là khách hàng với nhu cầu rất đa dạng.

+ Trình độ tổ chức quản lí ngành Du lịch

Các cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò cân đối mọi nguồn lực để hướng sự phát triển của du lịch đạt đến các mục tiêu bền vững. Do đó, trình độ tổ chức quản lí ngành du lịch là nhân tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển bền vững du lịch, với một đường lối chính sách nhất định có thể kìm hãm hay thúc đẩy du lịch phát triển.

+ Chất lượng dịch vụ du lịch

Chất lượng dịch vụ du lịch là mức phù hợp của dịch vụ từ các nhà cung cấp du lịch thỏa mãn các yêu cầu của du khách.

+ Sự tham gia của cộng đồng trong phát triển bền vững du lịch

Sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động du lịch làm cho du lịch phát triển bền vững hơn. Sự tham gia này là hết sức cần thiết và không thể thiếu được trong phát triển bền vững du lịch, bao gồm: (1) Cư dân địa phương; (2) Các cơ sở kinh doanh du lịch; (3) Khách du lịch.

Nguyễn Lê Thạch

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Tags
Bình luận: 0