TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 27/04/2024

Việt Nam chủ động ứng phó với rác thải nhựa

14:02 09/04/2022
Logo header Sản lượng nhựa trên toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, trong vòng 20 năm tới dự báo sản lượng sẽ tăng gấp đôi. Đây được coi là áp lực, mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu, bởi phần lớn nhựa đều có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch

Những con số đáng báo động

Theo báo cáo mới nhất về rác thải nhựa của OECD công bố ngày 22/02 vừa qua, chỉ riêng năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000 đồng thời cũng thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên chỉ có chưa tới 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới (lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường). Báo cáo này cũng chỉ ra rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.

Một báo cáo được công bố cuối năm 2021 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, ô nhiễm nhựa trong các đại dương và các vùng nước khác tiếp tục tăng mạnh và có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Hiện tại, nhựa chiếm 85% tổng khối lượng rác thải trên các đại dương. Đến năm 2040, con số này sẽ tăng gần gấp 3 lần, thêm 23-37 triệu tấn chất thải vào đại dương mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 50 kg nhựa trên mỗi mét bờ biển. Báo cáo này cũng đánh giá những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đại dương dưới góc độ kinh tế. Trên toàn cầu, kể đến các tác động từ du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cùng với chi phí của các dự án làm sạch, ước tính từ 6-19 tỉ USD mỗi năm, trong năm 2018. Đến năm 2040, con số rủi ro tài chính hàng năm lên đến 100 tỉ USD cho các doanh nghiệp nếu Chính phủ yêu cầu họ trang trải chi phí quản lý chất thải.

Ở Việt Nam, tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn. Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8%-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11%-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).

Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty Ipsos thực hiện ở 28 quốc gia và công bố ngày 22/2, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế về chống ô nhiễm nhựa. Riêng với OECD, Tổ chức này đã đề xuất một loạt biện pháp giúp giải quyết vấn đề trên, trong đó có phát triển thị trường nhựa tái chế vốn chỉ chiếm 6% hiện nay vì phần lớn các sản phẩm từ nhựa tái chế thường có giá thành cao hơn và các công nghệ mới liên quan việc giảm ô nhiễm môi trường của nhựa cũng chỉ chiếm 1,2% tất cả những công nghệ liên quan đến nhựa. Ngoài ra về cũng cần có các phương án xử lý mạnh tay hơn với rác thải nhừa như thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm thiểu rác thải nhựa

          Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ, cùng chung tay thành lập "Liên minh chống rác thải nhựa”, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam.

Ngày 11/9/ 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các thành viên của Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam (Packaging Recycling Organzation Viet Nam - PRO Việt Nam) đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải.

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị Tăng cường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa như: Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa; Thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành tài nguyên và môi trường; Hợp tác quốc tế và đa đạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động quản lý chất thải nhựa.

Cuối tháng 7/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt; sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt (bao gồm cốc, chén, bát, đĩa, thìa, dĩa, ống hút, bao gói nhựa/hộp đựng thực phẩm sử dụng một lần, màng bọc thực phẩm, bộ đồ ăn nhựa dùng một lần...). Phấn đấu đến năm 2025, các Trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ. Tất cả các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Việt Nam đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả. Đề án gồm 6 nhiệm vụ chính được đưa ra, gồm: Xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán; Thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu; Bố trí nguồn lực công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập cơ chế điều phối; Huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia. Đề án hướng tới mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền, lợi ích và nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Ngày 19-2-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp: Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc. Sau 2 năm chương trình đã đạt được những thành quả tích cực như:  Các thành viên của chương trình đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa. Đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa. Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật – giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tố Nga

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Bình luận: 0