TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 29/04/2024

Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân

16:25 16/04/2021
Logo header Bầu cử ở nước ta là quá trình các cử tri đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra những đại biểu có tâm, có tầm, có đức và có tài đại diện cho nhân dân nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 03/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng Tuyển Cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó - là cơ quan có quyền lực tối cao của Nhân dân - sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ. Ngày 8/9/1945 Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội được ban hành. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử. Tiếp sau đó là các Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, Sắc lệnh số 51-SL ấn định thể lệ Tổng tuyển cử, Sắc lệnh số 71, Sắc lệnh số 72, Sắc lệnh số 76. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 06/01/1946) là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta. Với những quy định từ các sắc lệnh cùng sự thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I cho thấy, cuộc Tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ là nguyên tắc phổ thông (tự do bầu cử, ứng cử của công dân), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được.

Cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 (Ảnh tư liệu)

Đến nay, đã 75 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên nhưng ý nghĩa, bài học thành công từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là những quy định của các sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử. Ở Việt Nam thuật ngữ bầu cử đã được cho là gắn kết mật thiết với khái niệm dân chủ, những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức bảo đảm cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Bầu cử được hiểu là một quá trình đưa ra quyết định của công dân hoặc của thành viên một tổ chức để chọn ra các cá nhân nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền, thuộc ban lãnh đạo của một tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Trong văn bản pháp luật, thuật ngữ “bầu cử” được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước. Thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri) nhằm bầu ra một đại biểu (chức danh) với điều kiện phải có từ hai ứng cử viên trở lên.

Trải qua nhiều năm phát triển, hiện nay trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội được coi là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Để Ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, vào chiều ngày 12/4 vừa qua, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã chủ trì Phiên họp thứ 5 Hội đồng Bầu cử quốc gia. Sau 4 phiên họp mà gần nhất là phiên họp lần thứ 4 diễn ra vào sáng ngày 22/3, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hoàn thành được nhiều nội dung quan trọng như thành lập các cơ quan phụ trách bầu cử, tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn bầu cử, đặc biệt là việc chuẩn bị nhân sự hay đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giải quyết đơn thư tố cáo, bảo đảm an ninh, an toàn cho các tổ bầu cử. Nhấn mạnh tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cần coi tổ chức thành công Ngày bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2021. Riêng trong tháng 4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan liên quan tổ chức thành công hiệp thương lần thứ 3 để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Trước đó, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được nhiều đơn vị, tổ chức đẩy mạnh từ đó giúp đồng bào nêu cao tinh thần làm chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại biểu tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện xứng đáng tham gia vào các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan báo chí trong thời gian qua cũng nỗ lực tập trung tuyên truyền về các nguyên tắc, quy trình bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND, về quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân và trách nhiệm cử tri trong quá trình tham gia bầu cử... Thắng lợi của cuộc bầu cử sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cũng như các cơ quan quyền lực nhà nước đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, từ đó giúp thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0