TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Đời sống tinh thần của người lao động trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp - Một số vấn đề lý luận

17:19 01/10/2020
Logo header Khu công nghiệp là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp và các dịch vụ sản xuất công nghiệp. Những năm gần đây, Nhà nước không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, khiến cho sức hút của các khu công nghiệp đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ngày càng lớn. Điều đó cũng có nghĩa là lượng người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp cũng ngày càng gia tăng, tạo nên một áp lực lớn về mặt quản lý xã hội trong các khu công nghiệp.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Khu công nghiệp tập trung rất đông người lao động, mỗi người lao động lại làm việc trong một doanh nghiệp cụ thể tại khu công nghiệp. Bởi vậy, khu công nghiệp sẽ quản lý các vấn đề xã hội ở tầm vĩ mô, còn trách nhiệm quản lý cụ thể thuộc về các doanh nghiệp. Quản lý xã hội là một khái niệm rất rộng, phạm vi của đề tài chỉ giới hạn quản lý các vấn đề xã hội gồm: Thu nhập, việc làm; Hôn nhân; Nhập cư, xuất cư; Hoạt động văn hóa giải trí; Vấn đề tôn giáo - dân tộc và xung đột lợi ích; Tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường và nhà ở). Với phạm vi của đề tài như trên và yêu cầu cụ thể của hội thảo lần này, bản tham luận của chúng tôi xin tham góp một số khía cạnh lý luận của vấn đề đời sống tinh thần của người lao động trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp. Người lao động ở đây được hiểu là người công nhân - bộ phận lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp của khu công nghiệp.

Đời sống tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp - từ thực tiễn đến lý luận
Một thực tế đáng suy nghĩ

Thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và Nhà nước ta, những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) đã xuất hiện ngày càng nhiều trên cả nước. Tính đến tháng 7/ 2017 đã có tới 328 KCN được thành lập, trong đó có 223 KCN đã đi vào hoạt động với 2.989.613 lao động, riêng lao động nữ là 1.188.291 người, chiếm 63%. Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các KCN vào việc phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm, hình thành phong cách làm việc mới, lối sống công nghiệp cho hàng triệu người lao động mà hầu hết là con em nông dân lao động. Song cũng có một thực tế khác đáng suy ngẫm như: Tệ nạn xã hội bủa vây các khu công nghiệp, thâm nhập vào lớp người lao động khiến nhiều người bị cuốn theo lối sống buông thả, sa vào nghiện hút, cờ bạc, lô đề, trộm cắp, tín dụng đen…; Tại một số doanh nghiệp, KCN, KCX có hiện tượng người lao động bị các phần tử xấu tuyên truyền, lôi kéo, kích động tham gia biểu tình, đập phá máy móc của doanh nghiệp, chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra những điểm nóng, gây bất ổn về an ninh xã hội; Hiện tượng sa thải người lao động hoặc gây áp lực để buộc người lao động phải xin thôi việc, chấm dứt hợp đồng ở độ tuổi 35, nhất là lao động nữ đã xảy ra tại nhiều KCN, KCX đang gây bức xúc dư luận và đặt ra nhiều vấn đề về an sinh xã hội; sau 15 đến 20 năm làm việc tại các khu công nghiệp, khi bị sa thải, hầu hết họ vẫn ở trình độ lao động phổ thông, sức khỏe suy giảm, lớn tuổi, rất khó kiếm việc làm trên thị trường lao động hiện nay. Có thể thấy, hầu hết họ lại làm lao động giản đơn, buôn bán, chạy chợ hoặc quay về làm ruộng (với những nơi còn đất canh tác) để kiếm sống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo chúng tôi, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Về phía người lao động: Hầu hết lao động trong các khu công nghiệp là lớp người trẻ tuổi (từ 18 đến 35), là học sinh hoặc thanh niên nông thôn vốn ít va chạm với những phức tạp của cuộc sống đô thị; ít kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết về chính trị - xã hội, pháp luật, nên dễ bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội. Ngoài giờ lao động tại KCN, người lao động không có ai quản lý, hoàn toàn tự do sử dụng thời gian rỗi (buổi tối, ngày nghỉ) vào những hứng thú cá nhân tùy tiện (ngồi quán xá, đánh bài, hát Karaoke…) nên dễ bị cám dỗ, sa ngã; song việc buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đến những hoạt động tinh thần của người lao động tại các KCN là nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên; Áp lực của công việc: định mức cao, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, bị quấy rối tình dục, bị phân biệt đối xử, nhất là với lao động nữ; Nhu cầu trang trải cuộc sống khiến nhiều người phải làm tăng ca, làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ, không có thời gian dành cho việc học tập nâng cao trình độ, hoặc tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí v.v…

Về phía người sử dụng lao động: Chạy theo lợi nhuận, không muốn phải trả lương cao cho những người lao động có thâm niên cao nên tìm cách sa thải để tiếp nhận lực lượng lao động mới, quỹ tiền lương sẽ giảm; Người lao động ở độ tuổi 18 đến 35 là giai đoạn sung sức nhất, doanh nghiệp triệt để khai thác, sau 35 tuổi đã là “tuổi già”, bị vắt kiệt sức lao động, dễ dàng bị sa thải; Buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, thiết chế văn hóa - thể thao nghèo nàn, tổ chức sinh hoạt giải trí đơn điệu, thiếu hấp dẫn, thậm chí còn có những lệch chuẩn, phản cảm trong việc tổ chức trò chơi giải trí cho công nhân; Hiểu biết phiến diện về đời sống tinh thần và nhu cầu tinh thần của con người nói chung, người lao động trong các khu công nghiệp nói riêng.

Đời sống tinh thần của người lao động - một số vấn đề lý luận
Tìm hiểu khái niệm “Đời sống tinh thần”

Đời sống tinh thần là một phương diện của đời sống xã hội, thể hiện trình độ văn hóa chung của mỗi cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng thông qua việc lựa chọn, tiếp nhận khác nhau đối với những giá trị văn hóa tinh thần, thông qua thái độ của họ đối với các phản giá trị cũng như khả năng sáng tạo các giá trị tinh thần của mỗi con người trong một không gian văn hóa cụ thể, ở một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Với mỗi cá nhân, đời sống tinh thần thể hiện ở những nhu cầu và điều kiện để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người như: học tập (chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, chuyên môn - nghiệp vụ, nâng cao tay nghề), vui chơi - giải trí, thể dục thể thao, hoạt động văn hóa - nghệ thuật, đời sống tâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo) v.v… Đời sống vật chất là nền tảng, là yếu tố quyết định tới đời sống tinh thần; song đời sống tinh thần có tác động trở lại, làm thay đổi đáng kể đời sống vật chất của con người. Xã hội càng phát triển thì những nhu cầu về đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người càng nâng cao, phù hợp với xu thế phát triển chung của dân tộc và thời đại.

Đời sống tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp:       

Trong phần mở đầu của bản tham luận, chúng tôi đã xác định rõ: Khu công nghiệp là khu tập trung các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp và các dịch vụ sản xuất công nghiệp. Khu công nghiệp có vai trò quản lý vĩ mô, từng doanh nghiệp mới là nơi quản lý trực tiếp người lao động. Bởi vậy, đời sống tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp được quyết định trực tiếp bởi văn hóa doanh nghiệp. Để tìm hiểu đời sống tinh thần của người lao động trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp, vì lẽ đó cũng cần phải xác định rõ khái niệm văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp ra đời trong sự thâm nhập sâu của văn hóa vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quan điểm phát triển bền vững. Nghĩa là sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xem con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của sự phát triển. Những thập niên gần đây, văn hóa doanh nghiệp được sự quan tâm của nhiều học giả, nhiều nhà quản lý sản xuất ở trong nước và quốc tế. Tham khảo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, từ khái niệm văn hóa theo góc tiếp cận giá trị, chúng tôi hiểu văn hóa doanh nghiệp như sau: “Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử, hành vi, thói quen được tạo nên trong quá trình hình thành, phát triển, tồn tại của một doanh nghiệp. Các giá trị này được các thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tôn trọng, đi vào nếp cảm, nếp nghĩ, phong cách làm việc của mỗi cá nhân, dần trở thành truyền thống, khẳng định vị thế và bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp”.

Khái niệm trên cho thấy hệ giá trị do doanh nghiệp tạo nên là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp. Hệ giá trị này cũng có thể phân chia thành giá trị vật chất - giá trị tinh thần; giá trị vật thể - giá trị phi vật thể hoặc có thể phân chia ra thành giá trị biểu hiện - giá trị hàm ẩn - giá trị cốt lõi… Cách phân chia nào cũng chỉ là tương đối. Hệ giá trị được hình thành trong văn hóa doanh nghiệp là cơ sở tạo nên đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người lao động cùng sự phát triển của chính doanh nghiệp. Đời sống tinh thần của người lao động trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp phải được nhìn nhận ở cấp độ doanh nghiệp cụ thể và cấp độ chung trong quản lý của toàn khu công nghiệp.

Những yếu tố tạo nên đời sống tinh thần của người lao động

Đời sống tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp - các khu công nghiệp được hình thành trước hết dựa trên nền tảng của đời sống vật chất mà người lao động được thụ hưởng. Nói cụ thể, người lao động phải có mức thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống cá nhân, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái; có nhà ở với các tiện nghi dù tối thiểu cũng phải phục vụ được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; có cơ sở chăm sóc y tế, môi trường làm việc bảo đảm sức khỏe, hạn chế bệnh nghề nghiệp v.v… Một khi đời sống vật chất ổn định thì người lao động mới có điều kiện học tập, vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao, văn nghệ để thỏa mãn những nhu cầu tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống;

Đời sống tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những mối quan hệ xã hội đa chiều trong mỗi doanh nghiệp: Sự thân thiện hay lạnh lùng trong thái độ của người lãnh đạo cấp trên với cấp dưới, với người công nhân lao động trực tiếp; Sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đối với người lao động trong việc hiếu, việc hỷ, lúc ốm đau, tai nạn nghề nghiệp … Những quy tắc ứng xử, hành vi, thói quen, nề nếp, phong cách làm việc tốt đều góp phần tạo nên những tình cảm, niềm tin, lòng tự hào của người lao động đối với doanh nghiệp.

Môi trường cảnh quan đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ, với những không gian xanh, vườn hoa, cây cảnh, khắc phục sự đơn điệu và khô cứng của không gian công nghiệp là những yếu tố tạo nên những cảm xúc tích cực trong đời sống tinh thần của người lao động.

Doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao: thư viện, phòng đọc sách báo, nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, sân bãi thể thao... Khuyến khích người lao động tham gia các hoạt động vui chơi - giải trí lành mạnh, tổ chức các Hội thi trong mỗi doanh nghiệp và trong toàn khu công nghiệp: Hội thi tay nghề, thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, tổ chức các buổi tham quan - dã ngoại, du lịch v.v…

Quan tâm giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết chính trị - xã hội, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cho người lao động ; chú ý phòng chống tệ nạn xã hội, khuyến khích người lao động học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ v.v…

Bản thân mỗi người lao động trở thành một chủ thể hoạt động tích cực trong lao động sản xuất, trong hoạt động tinh thần, ý thức được vai trò của mình, không ngừng học tập để vươn lên trong cuộc sống.

Những yếu tố của văn hóa doanh nghiệp nói trên sẽ tạo nên một đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động, giúp họ trở thành một người lao động giỏi, một công dân tốt, một nhân cách phát triển toàn diện, vừa nâng cao chất lượng sống của bản thân - gia đình, vừa góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Một số kiến nghị và đề xuất

Đời sống tinh thần của người lao động trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp là một vấn đề cần được nhìn nhận một cách toàn diện, sâu sắc, xuất phát từ bản chất xã hội của con người, vai trò của nhân tố con người trong phát triển bền vững. Quan tâm bồi dưỡng nguồn lực con người về thể chất và trí tuệ là sự đầu tư chiều sâu và có hiệu quả nhất cho hiện tại và tương lai. Xem con người là động lực và mục tiêu của sự phát triển đồng thời cũng là bản chất nhân văn của xã hội ta, của đất nước theo định hướng XHCN.

Để nâng cao đời sống tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp, về phương diện quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay cần chú ý một số vấn đề sau:  Nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động (người lãnh đạo, quản lý khu công nghiệp, doanh nghiệp trong KCN);

Phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cá nhân trong hoạt động tinh thần;

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo những chuẩn mực xác định;

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn trong việc tham mưu và tổ chức các hoạt động tinh thần cho người lao động trong các khu công nghiệp;

Tăng cường sự giám sát của Nhà nước.

Để tạo nên đời sống tinh thần của người lao động đòi hỏi sự quan tâm đồng bộ ít nhất 5 yêu cầu nêu trên. Đời sống tình thần của người lao động là một trong những tiêu chí đánh giá văn hóa của mỗi doanh nghiệp, cũng như của các khu công nghiệp trên nhiều phương diện: quan điểm - tầm nhìn của nhà quản lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức Công đoàn, tính tích cực của cá nhân mỗi người lao động. Quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động, có nhiều giải pháp để từng bước thỏa mãn những nhu cầu tinh thần lành mạnh của người lao động là thước đo trình độ phát triển, chiều sâu văn hóa của một doanh nghiệp cũng như của khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.

PGS. TS. Lương Quỳnh Khuê - Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

Bình luận: 0