TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 28/03/2024

Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 những điểm nghẽn chính sách (kỳ1)

11:46 29/04/2022
Logo header Sáng ngày 29/3, VCCI đã chính thức công bố Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, nhằm điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh được ban hành trong năm. Báo cáo phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách kinh doanh được nhà nước ban hành đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh.

Kỳ 1: Điểm lại những văn bản pháp luật kinh doanh năm 2021

Hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hàng năm bắt đầu từ năm 2028 nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi năm. Dựa trên điều tra, báo cáo của các doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo điểm lại một số quy định pháp luật (đang soạn thảo hoặc đã ban hành) đáng chú ý, những vấn đề pháp lý tác động đến doanh nghiệp trong năm 2021. Vấn đề của báo cáo năm nay là Chất lượng của thông tư, công văn và Không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox. Thông qua báo cáo VCCI cố gắng cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề quy định pháp luật, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng tới các nhà hoạch định chính sách.
1.    Những văn bản pháp lý ban hành
Số lượng luật ban hành giảm: Theo Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên VBQPPL Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2021, các cơ quan nhà nước tại Trung ương ban hành 635 VBQPPL, trong đó có 3 luật, 137 nghị định, 39 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 456 thông tư của các Bộ trưởng. So với trung bình các năm, số lượng văn bản nghị định, thông tư không có sự thay đổi lớn, nhưng số lượng luật được ban hành giảm mạnh. 

Số lượng luật được ban hành giai đoạn 2011- 2021

Nguyên nhân của việc giảm số lượng luật được ban hành là: 
Thứ nhất, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới, do vậy Quốc hội dành thời gian cho một số hoạt động khác như thảo luận, phê chuẩn các nhân sự của cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; quyết định các chương trình kế hoạch cho cả giai đoạn 2021 – 2025. Phần này chiếm một thời lượng lớn trong chương trình làm việc của hai kỳ họp vừa rồi.
Thứ hai, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng phức tạp, Quốc hội cũng dành thời gian để đưa ra các quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội...
Thứ ba, hoạt động xây dựng luật đang trong giai đoạn “chuyển tiếp”. Trong khi các luật chung cho hoạt động kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng đã được ban hành trong năm cuối nhiệm kỳ trước, các luật chuyên ngành lại đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoặc nghiên cứu soạn thảo mà chưa đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.


Số lượng luật/đề xuất xây dựng luật mà VCCI nhận được đề nghị góp ý lần đầu qua các năm

Số lượng luật/đề xuất xây dựng luật tăng cao: Số lượng luật/đề xuất xây dựng luật mà VCCI nhận được trong năm 2021 lên đến 27 văn bản, trong đó có 23 văn bản xin ý kiến lần đầu, cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Bộ Thông tin và Truyền thông có số lượng đề nghị, đề xuất xây dựng luật nhiều nhất, với 4 văn bản gồm: đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; đề xuất xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi). Việc sửa đổi này được hy vọng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thông thoáng hơn trong thời gian tới cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, công nghệ số.

2.    Điểm nhấn của các chính sách liên quan đến Covid 19
Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở trong nước cũng như trên thế giới. Đợt dịch lần thứ 4 ở Việt Nam khiến cho nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề. Kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh thành, thành phố cho thấy 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 20201. Dịch COVID-19 tác động đến doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Trước bối cảnh trên, các quy định liên quan đến COVID-19 tiếp tục là một mảng chính sách lớn, quan trọng trong năm 2021. Các chính sách này tập trung vào các nhóm vấn đề:
Hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng chịu ảnh hưởng
Dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong một số ngành, doanh nghiệp gần như không thể hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng (du lịch, vận tải, giải trí...). Một số ngành thị trường bị sụt giảm vì nhu cầu của người tiêu dùng giảm do khó khăn kinh tế.
Theo thống kê, GDP năm 2021 tăng 2,58%, trong đó quý III giảm 6,02%. Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ đã tăng trưởng âm (ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21%; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%). Tính chung năm 2021, tình hình đăng ký doanh nghiệp đều sụt giảm về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động đăng ký. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng. Bình quân mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Các con số thống kê trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 tác động lên doanh nghiệp. Nhận diện được thực trạng trên, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng chịu ảnh hưởng thông qua các chính sách về:
+ Giảm các loại phí, lệ phí khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC3 giảm 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021 với các mức giảm 50%, 30%, 20%, 10% so với mức phí hiện hành. Đây là chính sách tiếp nối chính sách giảm phí, lệ phí trong khoảng 06 tháng một lần. Bắt đầu từ năm 2020 đã có 03 đợt giảm phí, lệ phí. Chính sách này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh thường xuyên liên quan các thủ tục có các loại phí, lệ phí được giảm (ví dụ: phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; phí thẩm định dự toán xây dựng, phí thẩm định thiết kế kỹ thuật…
Một số hạn chế của chính sách giảm loại phí, lệ phí của thông tư 47 là: Có loại phí, lệ phí giảm nhưng tác động chưa lớn; Một số loại phí có tính chất tương tự nhau nhưng mức giảm lại không giống nhau; Một số loại phí, lệ phí có mức giảm rất thấp, chỉ 10%.
+ Miễn, giảm thuế
Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15.
Nghị định số 92/2021/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể ở bốn nhóm giải pháp hỗ trợ miễn giảm:
i)    Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; 
ii)    Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong Quý III và Quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19; 
iii)    Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 01/11/2021  đến hết 31/12/2021 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; 
iv)    Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.
Nhìn chung, các chính sách đã nhìn “trúng” và “đúng” các đối tượng cần hỗ trợ và là “liều thuốc trợ lực” kịp thời giúp doanh nghiệp và người dân bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài do đó cần những gói hỗ trợ kinh tế dài hơi hơn trong khi đó chính sách giảm thuế, miễn một số loại thuế tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
+ Miễn giảm nghĩa vụ tài chính trong một số ngành cụ thể
- Vận tải hàng không: là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Đến tháng 10/2021, doanh thu các hãng hàng không chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch, bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng . Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành này, ví dụ Ngày 26/9/2021, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BGTVT điều chỉnh mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Giảm 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa; hạ mức tối thiểu về 0 đồng trong khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không. Các quy định trên sẽ phần nào giảm các chi phí kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hàng không. 
Tuy nhiên, điều chỉnh khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không chỉ hạ mức tối thiểu về 0 đồng mà không hạ mức tối đa đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ này. Bởi, các nhà khai thác cảng hàng không sẽ có quyền áp dụng mức giá tối đa trong khung giá đó. Trên thực tế, theo phản ánh của doanh nghiệp hàng không thì hiện nay các nhà khai thác cảng đang áp dụng mức tối đa hoặc gần tối đa trong khung giá. Vì vậy, điều chỉnh này sẽ khó phát huy hiệu quả hỗ trợ thực tế khi các doanh nghiệp cảng không điều chỉnh giá. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi các doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn.
Một chính sách hỗ trợ khác là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Ngày 31/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo nghị quyết, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay so với trước đó (mức thuế sau giảm còn 1.500 đồng/lít). Tại thời điểm xây dựng nghị quyết, đề xuất giảm thuế nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp kỳ vọng chính sách hỗ trợ cho ngành này phải mạnh mẽ hơn, vì tình trạng khó khăn về dòng vốn và hoạt động thua lỗ của các hãng hàng không trong hai năm qua (ví dụ: điều chỉnh mức thuế xuống còn 1.000 đồng/lít).
- Dịch vụ lữ hành:. Tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước6. Trong 06 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước7.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2021/NĐ-CP8 điều chỉnh giảm mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (giảm 80% mức ký quỹ của tất cả các dịch vụ lữ hành) trong năm 2021. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BVHTTDL9 rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp có thể nhanh chóng lấy lại tiền ký quỹ. Các chính sách này sẽ giảm gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành lấy lại tiền nhanh hơn.
Khai thông các “điểm nghẽn”, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp một số những rào cản, khó khăn trong năm 2021, cụ thể là:Đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu cũng như nguồn lao động; Phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp; Phát sinh nhiều thủ tục hành chính, “giấy phép con”; Hàng hóa ùn tắc ở một số cảng biển lớn…
Dịch bệnh COVID-19 là tình trạng chưa có tiền lệ trước đây ở nước ta. Vì vậy, cơ quan nhà nước đã phải áp dụng, điều chỉnh, thay đổi rất nhiều chính sách phòng chống dịch để phù hợp ở từng thời điểm. Trước đây theo quan điểm chống dịch “zero F0”, do đó áp dụng các biện pháp phong tỏa rất ngặt nghèo, truy vết, cách ly, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Điều này khiến cho các hoạt động kinh doanh gần như tê liệt. GDP giảm 6,02% trong quý III, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. 
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm và độ phủ vắc xin đang tăng lên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/202113 chuyển hướng chính sách phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết số 128/NQ-CP phân loại bốn cấp độ dịch với các biện pháp phòng chống dịch tương ứng từng cấp độ. Điểm lưu ý của Nghị quyết số 128/NQ-CP là các hoạt động huyết mạch của nền kinh tế như: lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (như cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống) được hoạt động trong mọi cấp độ dịch. Điều này đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi và nền kinh tế phát triển.
Nghị quyết số 128/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 11/10/2021 và bắt đầu phát huy hiệu quả sau hơn một tháng áp dụng: so với tháng trước, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 tăng cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%) so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2%14. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư, vận tải, du lịch đều có mức tăng trưởng khả quan.
Muốn phục hồi lại kinh tế, doanh nghiệp rất cần Nhà nước tháo gỡ những “điểm nghẽn” đang cản trở hoạt động kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP vì văn bản này giúp tháo gỡ những “điểm nghẽn” đang cản trở hoạt động kinh doanh và kỳ vọng đây sẽ là bước tạo đà cho sự phục hồi và phát triển kinh tế cùng với các chính sách phục hồi, kích thích tăng trưởng sau này.

Quyền Phạm
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0