TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 17/12/2024

Giáo dục gia đình trong cách mạng công nghiệp 4.0

15:40 02/09/2021
Logo header Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra nhiều thay đổi có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của con người và xã hội, trong đó có sự phát triển gia đình. Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt đem lại những diện mạo mới về văn hóa gia đình, nhưng một mặt cũng đem lại những thách thức lớn đối với văn hóa gia đình, giá trị gia đình. Trên cơ sở phân tích diện mạo của gia đình trong cách mạng công nghiệp 4.0, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của giáo dục gia đình trong giai đoạn phát triển hiện nay.

1. Gia đình trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm đầu tiên có chức năng đặc biệt trong việc giáo dục hình thành nhân cách cho từng thành viên và cho thế hệ trẻ. Vì vậy, phát huy tốt vai trò giáo dục gia đình góp phần tạo ra thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, giáo dục gia đình không tốt, xã hội sẽ nảy sinh các tế bào bất thường, tạo ra nhiều vấn đề gây hệ lụy cho xã hội.

Không thể phủ nhận những giá trị mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu làm thay đổi diện mạo cuộc sống xã hội, mang đến những trải nghiệm mới cho người dân từ trẻ đến già, từ thành thị đến nông thôn. Sự phát triển của công nghệ đã trở thành phương tiện đáp ứng nhu cầu tinh thần của các thành viên trong gia đình mọi lúc, mọi nơi.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, Internet và các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các công cụ kỹ thuật như Smartphone, Laptop, Ipad,… mỗi gia đình cũng như mỗi thành viên gia đình có thêm sự gắn kết với nhau hơn; cách thức nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của mỗi gia đình thay đổi gần như khác hẳn so với trước kia; dân chủ ngoài xã hội tăng lên, dân chủ trên mạng xã hội phát triển cũng kéo theo dân chủ trong gia đình phát triển… Đó là những nét tích cực chủ yếu của đời sống gia đình trong sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng cũng có những tác động tiêu cực không nhỏ đến đời sống mỗi gia đình như tình trạng cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, các thành viên trong gia đình do dành nhiều thời gian cho điện thoại và mạng xã hội nên bị hạn chế giao tiếp, chia sẻ với nhau... Trong nhiều gia đình, sau giờ làm việc ở công sở hoặc doanh nghiệp, mọi người chỉ kịp chào hỏi, ăn uống rồi say sưa với thế giới online của mình. Sự xa cách vô hình giữa các thế hệ, thậm chí giữa vợ và chồng ngày càng có vẻ tăng thêm. Sự xa cách vô hình ít nhiều giải phóng cá nhân, mở rộng biên giới của tự do cá nhân, điều này cũng tác động khá tiêu cực tới giá trị gia đình Việt Nam.

Theo truyền thống gia đình Việt Nam, các thế hệ trong gia đình có trách nhiệm và niềm vui kính trọng, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau. Tuy nhiên, hiện nay dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, đạo đức vợ chồng, tình thương yêu anh chị em, thái độ kính trên nhường dưới, tức là khá nhiều chuẩn mực đạo đức của gia đình đã bị suy giảm. Không gian rộng mở hơn đối với cá nhân nhưng thu hẹp đối với gia đình: buồng riêng của trẻ nhỏ thường tách biệt, các kênh giao tiếp riêng qua điện thoại và mạng xã hội thường xuyên kết nối, những người lớn tuổi trở nên cô đơn hơn, nhu cầu, sở thích và sự quan tâm rất đa dạng và riêng rẽ. Con trẻ dường như nhanh khôn hơn nhưng không thích nghe lời, không quan trọng sự khuyên bảo của thế hệ lớn tuổi. Một số người già bị ngược đãi bởi chính con cháu và người thân trong gia đình.

Sự phân công trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng ít nhiều đã thay đổi: con cái ngày nay thường không trực tiếp chăm sóc cha mẹ, biểu hiện của đạo hiếu không nhất thiết phải như truyền thống, tình trạng các gia đình gửi cha mẹ già vào các viện dưỡng lão tăng. Các lễ nghi, phép tắc trong gia đình, những lề thói truyền thống… ít được tuân thủ. Trẻ nhỏ được nuông chiều và tính ích kỷ, ỷ lại và đua đòi… dường như tăng lên…

2. Gia đình và những nội dung cơ bản của giáo dục gia đình

Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của con người ở tuổi ấu thơ. Đó là một thiết chế xã hội phong phú, đa dạng về thế hệ và giới tính, nghề nghiệp và trình độ học vấn, tính cách và tâm lý cá nhân... Là nơi thế hệ cha mẹ từng bước dẫn dắt các thế hệ con cái hòa nhập xã hội, gia đình thực hiện chức năng giáo dục ban đầu, quyết định thái độ ứng xử, tình cảm, đạo đức của trẻ nhỏ. Rất nhiều tác giả nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra rằng, khắp nơi trên thế giới, dù điều kiện sống khác nhau đến thế nào, phẩm chất sống đàng hoàng lương thiện, thái độ sống thực sự quan tâm đến việc dạy dỗ con cái, quan niệm về xã hội hướng thiện… đều là những nhân tố rất cơ bản và quan trọng của giáo dục gia đình. Giáo dục gia đình với những hành vi rất cụ thể trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày, từ việc tổ chức nếp sống đến sinh hoạt hàng ngày, từ thái độ cư xử với người xung quanh đến cư xử với môi trường và xã hội… đều là những chất liệu ban đầu để thế hệ trẻ có những nền tảng văn hóa vững chắc cho cuộc sống tương lai. Nói cách khác, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, chất lượng cuộc sống của gia đình… sẽ được in dấu rõ rệt vào nhân cách mỗi con người. Thể chất, trí tuệ, tình cảm, văn hóa, đạo đức… là những phương diện rất cơ bản của con người có nhân cách, có ích cho xã hội, đều bắt đầu từ giáo dục gia đình. Một nhà nghiên cứu có uy tín về gia đình đã viết: “Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng gia đình là thể chế đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách trẻ. Trong các lớp của cấu trúc nhân cách thì lớp căn bản, có ý nghĩa tạo dựng được là nhân cách cơ sở (hay nhân cách gốc) được hình thành chủ yếu trong môi trường gia đình”.

Tại sao giáo dục gia đình lại có ý nghĩa quan trọng và to lớn đến như thế. Cố nhiên, giáo dục tại nhà trường, tại công sở, tại các thiết chế xã hội khác cũng rất quan trọng. Nhưng duy nhất chỉ có giáo dục gia đình đòi hỏi phải gắn với tình yêu thương - tình yêu thương gần như tuyệt đối và không vụ lợi. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là một yếu tố hiệu quả nhất trong quá trình dẫn dắt trẻ thơ thích nghi đối với đời sống xã hội. Tình yêu thương và sự chăm sóc của bố mẹ đối với con cái là không thể thiếu trong sự phát triển tâm hồn, tình cảm, tinh thần, đạo đức của mỗi đứa trẻ.

Sự phát triển về thể chất là nhân tố tạo cho đứa trẻ có sức mạnh về cơ thể để tồn tại trong tự nhiên và xã hội với tư cách là con người. Mỗi gia đình đều cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển về thể chất. Trong gia đình trẻ được ăn no, mặc ấm, được cung cấp những nhu cầu về vật chất để lớn khôn, là chức năng tự nhiên của gia đình. Thể chất là điều kiện tối cần thiết để tạo cơ sở cho hình thành thế giới tinh thần và cấu trúc nhân cách. Nó là tiền đề quy định đứa trẻ lựa chọn kiểu hoạt động và phát triển các mối quan hệ.

Sự phát triển trí tuệ là nhân tố tạo cho trẻ có khả năng tư duy, suy lý, phán xét về thế giới từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Sự phát triển trí tuệ không chỉ giúp đứa trẻ thích nghi để tồn tại mà còn để biết cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh phục vụ cho đời sống con người. Thông qua hoạt động trong cuộc sống hằng ngày từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã đảm nhận trách dạy bảo, hướng dẫn trẻ từ những điều cụ thể đến trừu tượng, từ những vấn đề đơn giản đến phức tạp...

Ngoài thể chất và trí tuệ, gia đình còn là nơi giúp con người phát triển tình cảm và đạo đức. Trẻ em được nuôi dưỡng trong tình yêu thương chăm sóc của gia đình sẽ giúp trẻ hình thành dần tình cảm và đạo đức của mình. Sự phát triển tình cảm của trẻ cũng theo quy luật từ thấp đến cao, từ biểu hiện bên ngoài đến chiều sâu nội tâm, từ đơn giản đến phức tạp.

Như vậy, gia đình là thiết chế xã hội tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển trên các phương diện: thể chất, trí tuệ, tình cảm, đạo đức. Phát triển con người toàn diện không chỉ là nhiệm vụ của gia đình, mà còn là nhiệm vụ của nhà trường và xã hội. Nhưng so với nhà trường, xã hội thì thiết chế gia đình tác động tới nhiều mặt của nhân cách con người hơn. Trong quá trình giáo dục gia đình, nhân cách con người không chỉ được xây dựng, vun trồng, mà gia đình còn có chức năng điều tiết sự lệch lạc cho mỗi thành viên. Mỗi hành động sai sẽ được chỉ bảo làm cho đúng, một tình cảm lệch lạc sẽ được uốn nắn lại, một nhận thức không đúng đắn sẽ được sự tận tình hướng dẫn ngay với những thành viên đã trưởng thành. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, nhờ tiếp xúc với anh, chị, em của mình ở mọi lúc, mọi nơi trẻ sẽ nhận thấy được những bất công nho nhỏ, những xúc phạm nhẹ nhàng, những việc vụn vặt hằng ngày... và sẽ được điều hòa một phần bằng sự tác động từ phía cha, mẹ. Phần lớn trẻ sẽ nhận thức từ nảy sinh tình cảm bạn bè, tình thương mến, sự đoàn kết anh chị em với nhau. Thông qua sự va chạm và cách thức giải quyết trên tình cảm gia đình, mỗi đứa trẻ sẽ dần thích ứng với xã hội. Nếu không được học và tập dần những va chạm từ nhỏ trẻ sẽ dễ thất bại trong cuộc sống sau này. Điều này là sự tập dượt cho con người trước khi bước vào cuộc sống ngoài xã hội.

Trong tình hình đạo đức xã hội diễn biến phức tạp dưới tác động của cơ chế thị trường thì gia đình là nơi lý tưởng để hạn chế các nguồn tác động phức tạp, ngược chiều đối với việc hình thành và phát triển nhân cách mỗi cá nhân. Giáo dục gia đình vì thế góp một phần quan trọng vào việc tạo cho con người thích ứng với yêu cầu xã hội.

Giáo dục về hạnh phúc

Giáo dục về hạnh phúc trong gia đình chủ yếu là giáo dục gián tiếp. Nhiều gia đình có hạnh phúc lại thường rất ít khi bàn về hạnh phúc. Với chuẩn hạnh phúc phổ biến là sự hài lòng với cuộc sống của mình, giáo dục hạnh phúc gia đình thường hướng cá nhân tới tình yêu thương, khoan dung và biết chấp nhận khi thất bại hoặc lúc gặp gian nan.

Sinh con, nuôi dưỡng và giáo dục con cái là tình cảm tự nhiên của cha mẹ đối với con cái, của thế hệ trước đối với thế hệ sau trong gia đình. Con cái được chăm sóc, được nuôi dưỡng khỏe mạnh, được giáo dục, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành người công dân tốt cho xã hội là niềm vui lớn nhất của các bậc làm cha làm mẹ. Trong gia đình, các thành viên cảm nhận được đầy đủ sự yêu thương chăm sóc lẫn nhau không có giới hạn, có thể bộc lộ những tâm tư tình cảm của mình một cách chân thật nhất mà không sợ bị ảnh hưởng và tổn thương sau này.

Trong quan niệm của mỗi con người Việt Nam chúng ta, trong gia đình không đơn thuần chỉ có quan hệ cha mẹ và con cái mà còn có ông bà, cháu chắt, anh em họ hàng. Những sợi nối tình cảm này nó luôn tồn tại ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi con người, khi đúng điều kiện hoàn cảnh tự biết thức dậy và trở thành sức mạnh. Sức mạnh kỳ diệu này không có trong đời sống xã hội mà chỉ có trong gia đình, nó được hun đúc từ thời bé thơ, từ lời ru của mẹ, từ việc dạy ăn, dạy nói của cha mẹ từ tình cảm thương yêu của anh, chị em với nhau, của ông bà dạy dỗ các cháu. Đây là sức mạnh cội nguồn từ sự giáo dục gia đình, chính cội nguồn tạo nên sức mạnh tinh thần nuôi dưỡng cho mỗi chúng ta, sức mạnh tạo nên động lực phát triển trong gia đình và xã hội.

Như vậy, chính nhờ sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giáo dục trong gia đình nên đời sống tinh thần của các thành viên được thỏa mãn, giúp mọi người sống vui, sống khỏe, sống có ích đó là cơ sở cho sự tiến bộ và hạnh phúc của gia đình, đó cũng chính là điều kiện, là sự thể hiện của tiến bộ và hạnh phúc xã hội. Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục gia đình giúp trẻ hiểu được những tác động tiêu cực và những bất trắc của không gian mạng, của những quan hệ ảo, từ đó tăng cường khả năng lựa chọn, tâm lý tự tin cho trẻ.

Giáo dục văn hóa

Giáo dục văn hóa trong gia đình đem đến cho mỗi thành viên những giá trị văn hóa mà gia đình có thể tiếp nhận được từ xã hội và văn hóa mà chính gia đình đã sáng tạo ra. Những gia đình có nghề nghiệp truyền thống, có khuôn mẫu văn hóa riêng, có uy tín xã hội cao… thường là những gia đình có những thành viên được xã hội tôn trọng.

Ở khía cạnh văn hóa, chức năng của giáo dục gia đình là chuyển giao các giá trị văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình. “Gia đình với vai trò là thiết chế xã hội đầu tiên chịu trách nhiệm với việc xã hội hóa trẻ em, truyền thụ những giá trị văn hóa và xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua đó, các giá trị này được bảo tồn và phát huy”1. Văn hóa gia đình là các giá trị gắn liền với các mặt của quan hệ gia đình và đời sống gia đình bao gồm các nội dung cơ bản: môi trường văn hóa gia đình, môi trường văn hóa cộng đồng và đời sống văn hóa xã hội.

Trên thực tế, chính từ cái rất cụ thể của gia đình mà hằng ngày con người được tiếp nhận, được thấm đượm trong môi trường gia đình lành mạnh thường tạo ra các thế hệ tương lai có ích cho gia đình và đất nước. Tác giả Lê Minh trong cuốn sách “Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển xã hội” nhấn mạnh: “Cái gốc văn hóa của con người là tiếp thu từ gia đình, từ truyền thống văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình tỏ ra môi trường sống, trong không khí sống của gia đình, trong mọi ứng xử của những thành viên trong gia đình đối với nhau, và đối với những người xung quanh”2.

Giáo dục về xã hội

Giáo dục về xã hội được nói tới ở đây là, ngay trong giáo dục gia đình, những giá trị xã hội đã bắt đầu được chú ý giáo dục và rèn luyện đối với từng cá nhân. Giáo dục gia đình gồm cả những nội dung định hướng hành vi diễn ra không chỉ thuần túy chỉ trong phạm vi gia đình.

Kể từ thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề gia đình, chú ý đến gia đình trong việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội. Khẳng định vị trí, vai trò to lớn của gia đình và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước xã hội đối với việc xây dựng gia đình trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng ta khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”3.

Cũng tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”4. Quan điểm này cho thấy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển lành mạnh và bền vững. “Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội, thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, tái tạo ra con người không đơn giản chỉ là con người sinh học và thể chất, mà phải là con người có văn hóa và có trình độ để đáp ứng những thách thức của thời đại. Trong xã hội ngày nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, nhưng nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cũng đang mất đi. Những giá trị mới không phải tất cả đều hoàn hảo và những giá trị truyền thống, đôi khi cũng chưa hẳn là chỉ là tiêu cực. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên... Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc5. Gia đình là cầu nối giữa mọi thành viên trong gia đình và xã hội. Thường thì con người có kỷ cương, tình thương, nền nếp trong gia đình mới có kỷ cương, tình thương, nền nếp ngoài xã hội. Các giá trị xã hội không bao giờ tách rời giá trị gia đình. Vì vậy, khi người ta muốn hiểu về một con người xã hội, trước tiên người ta thường tìm hiểu về con người gia đình của người đó. Có nhiều gia đình có truyền thống dị ứng với cái xấu, cái tiêu cực, cái ác. Xã hội cần những con người như vậy. Nhiều nội dung quản lý xã hội không chỉ thông qua hoạt động của các thiết chế xã hội, mà thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến mỗi cá nhân. Nghĩa vụ và quyền lợi xã hội của mỗi người được thực hiện với sự hợp tác chung của các thành viên trong gia đình.

4. Kết luận

Có thể khẳng định, những thuận lợi và thời cơ, cũng như những khó khăn, thử thách của thời đại công nghiệp 4.0 đã và đang đòi hỏi con người không ngừng nghiên cứu, học tập, tiếp thu tri thức, thành tựu khoa học và công nghệ của nhân loại. Xã hội càng phát triển, nội dung và yêu cầu phát triển con người càng cao và phức tạp, không một thiết chế nào có thể gánh vác hết trách nhiệm nặng nề đó. Chính vì vậy, sự cần thiết và quan trọng cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp sự giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong sứ mệnh phát triển con người nhằm tạo ra chủ thể đích thực của xã hội mới. Trong đó, phải coi giáo dục gia đình là hạt nhân quan trọng, xuyên suốt trong giáo dục và hình thành nhân cách, đạo đức, định hướng con đường tiến thân, lập nghiệp cho tuổi trẻ Việt Nam hiện nay.

TS. Phan Thị Hà

Trường Đại học Kinh Tế TPHCM (Phân hiệu Vĩnh Long)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

Chú thích

1. Mai Huy Bích (1987), Lối sống gia đình ngày nay, Nxb Phụ nữ, tr.90.

2. Lê Minh (1994), Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển xã hội, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.71

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.49.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.77.

5. PGS.TS Đỗ Thị Thạch, “Đại hội XI về xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam hiện nay”, Báo Điện tử Đảng cộng sản, Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh, , ngày 05/10/2015

Bình luận: 0