TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Giới và những vấn đề đặt ra trong quản lý xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

15:32 08/10/2020
Logo header Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp (KCN) trên toàn quốc đã mang lại nhiều tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút một lực lượng lao động với quy mô lớn và đa dạng về đặc trưng nhân khẩu học và xã hội. Đến nay, có hơn 10 triệu người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và có gần 2 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong đó gần 70% là lao động nữ. Sự gia tăng số lượng công nhân lao động đã tạo áp lực lớn và những hệ quả trong đời sống văn hóa - xã hội ở các địa bàn dân cư.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lao động nữ đang làm việc tại các KCN là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, họ đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những bất cập trong vấn đề tiền lương, thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần, điều kiện chăm sóc con, sức khỏe sinh sản… Bài viết tập trung vào một số vấn đề về giới đặt ra trong quản lý xã hội tại các KCN hiện nay. Các số liệu được đưa ra trong bài viết được tổng hợp, phân tích và xử lý bằng phương pháp phân tích số liệu có sẵn và phân tích tài liệu thứ cấp.

Trong thời gian qua Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội, phát triển từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ngày càng tăng. Cùng với những biến đổi về kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng đã có những bước chuyển biến to lớn về bình đẳng giới, bản thân các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của người lao động, đặc biệt là lao động nữ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những chênh lệch, khoảng cách giới. Quyền của lao động nữ tại KCN bị vi phạm nhưng chưa được quan tâm, chưa có những biện pháp nhằm bảo đảm quyền của họ; quy hoạch KCN không hợp lý, không tính đến các yếu tố nhà ở, trường học cho công nhân; thiếu các quy định pháp luật cụ thể đối với nhóm lao động nữ tại KCN…

Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, chiếm khoảng 48,06 % tổng số lao động trong khu vực có quan hệ lao động, đặc biệt tỷ lệ lao động nữ trong các KCN, khu chế xuất ngày càng gia tăng. Tính đến cuối năm 2017 cả nước có khoảng 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 325 KCN, khu chế xuất, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 63%, một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 80% đến 90%. Phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Các KCN, khu chế xuất còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho công nhân. Điều kiện sinh hoạt hạn chế, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng đến sự hồi phục, tái tạo sức lao động. Mặt khác, một bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân tại nơi làm việc, nhiều nữ công nhân ít được tiếp cận thông tin, các hoạt động văn hóa, xã hội. Qua phân tích các công trình nghiên cứu, các báo cáo thống kê về thực trạng các vấn đề trong đời sống của lao động nữ tại các KCN, tác giả nhận thấy mối quan hệ giữa yếu tố giới và một số vấn đề đặt ra trong công tác quản lý xã hội hiện nay.
 
Vấn đề thu nhập

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tiếp cận với việc làm ổn định và mang lại thu nhập là một và có lẽ là mối liên hệ duy nhất giữa tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Vì vậy, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm tốt hơn được coi là đặc biệt quan trọng đối với việc tạo ra con đường thoát nghèo và giảm bớt mức độ dễ tổn thương.

Khác biệt về thu nhập giữa phụ nữ và nam giới là một hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Các nghiên cứu cho thấy thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ; phụ nữ có thu nhập thấp hơn so với nam giới ở mọi ngành nghề. Sự bất bình đẳng giới về thu nhập trong lao động có thể phản ánh sự kết hợp của các yếu tố trong đó có sự khác biệt về trình độ học vấn, chuyên môn, kinh nghiệm và những nguyên nhân khác cộng với sự phân biệt đối xử. Nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp ở KCN như dệt - may, chế biến lương thực - thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… thường có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Đây là cơ hội cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ di cư từ các vùng nông thôn tới để tìm kiếm việc làm. Các Báo cáo tại Hội thảo “Những vấn đề bức xúc, cấp bách đối với giai cấp công nhân sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết 20/NQ-TW” đã đưa ra nhận định tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp còn thấp, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới chỉ đạt từ 78% - 83%). 

Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2017 cho thấy tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của người lao động là 4.480.000 đồng/tháng; thu nhập trung bình (không kể ăn ca) là 5.453.000 đồng/tháng. Tiền lương hàng tháng của người lao động làm việc trong các KCN thường chiếm khoảng từ 70% đến 74% trong tổng thu nhập (tùy từng nhóm lao động), số còn lại, khoảng 26% đến 30% là các khoản thu nhập khác ngoài tiền lương như: tiền hỗ trợ nhà ở, tiền ăn ca, tiền đi lại, tiền chuyên cần, tiền thưởng tháng, tiền hỗ trợ nuôi con dưới 36 tháng tuổi… 

Về chi tiêu thường xuyên của lao động di cư luôn ở mức cao hơn so với chi tiêu của lao động địa phương. Họ phải chi tiền cho các nhu cầu: thuê nhà ở, đi lại, chăm sóc y tế, ma chay, hiếu hỷ, …và gửi về quê hỗ trợ gia đình. Nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống ngày càng tăng: chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu như ăn ở, đi lại, chi phí khám chữa bệnh và nuôi con nhỏ bình quân hàng tháng của lao động nữ ở mức 5 đến 7 triệu đồng/tháng (quy mô gia đình 3 đến 4 người). Có khoảng 16% công nhân lao động cho biết có khả năng tích lũy từ tiền lương, thu nhập. Mức thu nhập của công nhân lao động có sự chênh lệch giữa các vùng kinh tế, giữa các doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, thậm chí trong một doanh nghiệp. Trong đó chi cho thuê nhà trọ của lao động nữ trung bình 500.000 đồng đến 600.000 đồng/tháng. Kết quả phân tích cho thấy có 22,8% lao động nữ cho rằng thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống; 39,2% cho rằng phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống; 36,4% cho rằng thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 1,7% lao động nữ cho biết thu nhập có tích lũy.

Lao động nữ có cuộc sống bấp bênh, không có tiết kiệm phòng tránh rủi ro. Kết quả khảo sát cho biết 56,5% gia đình chị em nữ nhập cư không có tiền tiết kiệm đề phòng lúc gặp khó khăn và tránh rủi ro. Trong những người có tiết kiệm, số tiền cũng không nhiều, mức dưới 1 triệu đồng/tháng, chiếm 78,1%.

Vấn đề nhà ở

Giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động trong KCN là biện pháp tái sản xuất sức lao động của công nhân. Nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, vì thế bảo đảm nhà ở cho người dân là một trong những vấn đề xã hội quan trọng. Có chỗ ở thích hợp và an toàn là một trong những quyền cơ bản, là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Khi phải sống trong điều kiện không tốt, người lao động phải luôn trong trạng thái tìm được chỗ ở tốt hơn, tâm trí cho việc thực hiện công việc bị ảnh hưởng, và những đóng góp của họ cho quá trình hoạt động, sản xuất của đơn vị sử dụng lao động bị giảm sút, thì xu hướng chuyển việc, nhảy việc diễn ra thường xuyên. Thêm vào đó, do chỗ ở không tốt, không ổn định, việc gắn bó của người lao động đối với các doanh nghiệp, các KCN sẽ giảm đi. Những vấn đề này có tác động không tốt đến năng suất lao động và kết quả làm việc của nhóm đối tượng này. Khi người lao động được đảm bảo về nhà ở thì họ sẽ yên tâm làm việc và có xu hướng gắn bó với các KCN nhiều hơn. Kết quả điều tra cũng cho thấy, hiện nay việc xây dựng nhà ở cho người lao động trong các KCN hoàn toàn do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng; còn Nhà nước, thậm chí kể cả Ban Quản lý KCN cũng chưa tham gia vào quá trình cung ứng nhà ở cho nhóm đối tượng này. 

Tình trạng cung cấp nhà ở mà doanh nghiệp thực hiện đối với người lao động mới chiếm một tỷ lệ nhỏ, vai trò của doanh nghiệp trong việc cung cấp nhà ở cho người lao động chiếm vị trí thấp nhất khi so sánh với các nhóm đối tượng khác về cung cấp nhà ở cho người lao động. Kết quả khảo sát 3 KCN tại các tỉnh Bình Dương, Đắk Lắk, Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ lao động nữ phải thuê nhà chiếm 50,6%, 38,3% có nhà ở riêng, số lao động ở nhà ở của công ty chỉ chiếm 0,7%. Loại nhà ở phổ biến là nhà cấp 4, chiếm 56,4%; loại nhà tạm và nhà ở đơn sơ chiếm 29,2%. Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại các KCN ở các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng cho thấy có tới 98,9% số nhà ở lao động thuê là nhà cấp 4. Do thu nhập thấp, lại phải chi tiêu nhiều cho đời sống, nên đa số lao động nữ thuê trọ trong những căn nhà có diện tích chật hẹp, nhà ở đơn sơ để giảm chi phí; kết quả khảo sát cho thấy diện tích nhà ở chỉ vào khoảng 10 đến 20m2, như vậy nếu tính bình quân diện tích nhà ở trên đầu người là dưới 6m2 nếu như lao động nữ sống cùng gia đình (chồng, con) hoặc sống cùng bạn cùng làm; kết quả phân tích cho thấy có khoảng 50% lao động được hỏi cho biết sống 1 mình, khoảng 35% sống cùng chồng và con cái. Bên cạnh nhà ở là việc sử dụng tiện nghi sinh hoạt hàng ngày như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp cũng cho thấy những bất cập và hạn chế. Tỷ lệ lao động đang sử dụng chung nhà tắm là 52,1%, do phần lớn lao động tại các KCN đang dùng chung nhà tắm nên tiện nghi nhà tắm như bình nóng lạnh chiếm tỷ lệ rất thấp, 76% lao động cho biết họ không thường xuyên dùng bình nóng lạnh, tỷ lệ lao động thường xuyên bình nóng lạnh rất thấp (4,8%); nhà vệ sinh là 53,1%; chung nhà bếp là 25,3%. 

Như vậy với diện tích, loại nhà và các tiện nghi sinh hoạt mà các lao động nữ đang ở, khi tiếp cận có thể thấy không đảm bảo điều kiện để họ nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, để tiết kiệm chi phí họ buộc phải chấp nhận.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe

Ở Việt Nam, những lao động từ vùng nông thôn ra đô thị hiện chiếm số lượng lớn, tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. để giải quyết những dịch vụ an sinh xã hội (ASXH) thiết yếu cho lao động nữ tại các KCN, những năm vừa qua, Chính phủ đã đưa nhóm lao động này vào đối tượng điều chỉnh của một số bộ luật như Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật Lao động. Trên thế giới nhiều nước cũng đã thực hiện chính sách BHXH đối với lao động nữ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra một số luật và chính sách khác nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động như Luật Bảo hiểm y tế 2014 với các quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua sổ tạm trú. Mặt khác, chiến lược ASXH 2012-2020 cũng xác định lao động tại các KCN là một trong các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ như là một nhóm đối tượng khó khăn thuộc diện nghèo đa chiều. Tỷ lệ lao động đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập chiếm khoảng 47%, tại nơi làm việc chỉ có 23,9%, tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khoảng 27%; tỷ lệ tự điều trị tại nhà chiếm 53,4%; khám tại nhà bác sĩ là 3,7%. Như vậy có thể thấy phần lớn người lao động chọn phương án tự khắc phục các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, do thu nhập thấp nên họ hạn chế sử dụng khoản thu nhập ít ỏi của mình để chi tiêu cho sức khỏe. Thêm lý do nữa là lao động nữ tại các khu công nghiệp chủ yếu từ nông thôn ra, cộng với điều kiện lao động vất vả, kéo dài nên nhiều người không mấy chú ý đến sức khoẻ của chính bản thân mình. Để nâng cao nhận thức, kiến thức cho lao động nữ tại các KCN, một số đơn vị đã tổ chức buổi truyền thông, khám, chữa bệnh miễn phí nhằm tuyên truyền cho lao động nữ có ý thức giữ gìn sức khoẻ cho bản thân cũng như chăm sóc cho gia đình tốt hơn, tuy nhiên mô hình này hiện nay chưa phổ biến, và chưa thực sự được chú trọng tại các KCN, trong khi lao động nữ hiện nay chiếm tỷ lệ không nhỏ tại các KCN, khu chế xuất. 

Kết luận

Thực trạng trên mới chỉ đề cập đến một số vấn đề đặt ra trong quản lý xã hội đối với lao động nữ tại các KCN hiện nay. Muốn đảm bảo bình đẳng giới, an sinh xã hội cho nhóm lao động này, Đảng và Nhà nước cần chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép giới trong các chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và trong các văn bản pháp luật, hướng tới bình đẳng giới thực chất trong lao động, việc làm và trong đời sống xã hội nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bản thân các doanh nghiệp của các KCN, các tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp cần có những hoạt động khảo sát nhu cầu, thực trạng đời sống của lao động nữ tại doanh nghiệp để có những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện đời sống của họ. Việc quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội mà lao động nữ hiện nay đang gặp phải chính là giải pháp hiệu quả nhằm tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng doanh thu và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 

Tạ Thị Thảo
Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0