TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và Phát triển

01:19 03/07/2020
Logo header Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển là chủ đề hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay được thành phố Hà Nội tổ chức sáng ngày 27/6/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hội nghị năm nay nhận được sự quan tâm rất lớn của không chỉ lãnh đạo Đảng, nhà nước, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà đầu tư mà còn thu hút sự tham gia của rất nhiều cơ quan ngoại giao, cơ quan hợp tác quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Toàn cảnh Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”  được UBND thành phố Hà Nội tổ chức vào sáng ngày 27/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia

Hội nghị một lần nữa khẳng định vai trò của Thủ đô là một động lực phát triển hàng đầu của vùng đồng bằng Sông Hồng cũng như cả nước. Hà Nội hiện đóng góp 16,7% GDP và gần 19% thu ngân sách của cả nước. Trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng cao với bình quân 7,3-7,5%/năm; quy mô GRDP hiện nay đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD (bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước). Bên cạnh đó, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh rất đặc biệt, là thời điểm quyết định quá trình phục hồi nền kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Theo đó, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,39% - là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF. 

Với vị thế của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Thành phố giờ đây không chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam nữa, mà trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần phải định nghĩa bằng một tầm nhìn xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng việc tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi là thông điệp mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội trong việc kiên trì thực hiện chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép”: “Vừa phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn tạo đà cho những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị này Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Tổng số dự án tăng 5 lần, số vốn tăng 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Đồng thời, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD) và 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Trong bức tranh tổng thể của Hội nghị, ngoài việc quan tâm, chú trọng thu hút các nhà đầu tư, dự án lớn, Thủ tướng Chính phủ cũng như Lãnh đạo Thành phố vẫn luôn nhấn mạnh phải quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ cá thể, làng nghề. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định: “Một vấn đề lớn đặt ra cho Hà Nội, như một vị đại biểu Quốc hội đã nói, tôi nói lại ý này: Chúng ta đang làm tổ cho đại bàng đẻ, cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt ở Thủ đô của chúng ta. Ý nói hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải phát triển tốt ở Thủ đô”.

Điều này được cụ thể hóa bằng nỗ lực phát triển các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn thành phố thời gian qua. Tại Hội nghị năm nay, Thành phố Hà Nội đã công bố và trao quyết định thành lập mới cho 25 cụm công nghiệp trên địa bàn với tổng mức đầu tư lên tới hơn 6.300 tỷ đồng, dự kiến tạo mặt bằng sản xuất cho khoảng hơn 15.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cung cấp hơn 200.000 việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đây là tiền đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội – và môi trường của các địa phương.

Cụm công nghiệp Làng nghề Hữu Bằng, huyện Thạch Thất do Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn xây dựng Trường An làm chủ đầu tư là một trong những dự án điển hình được trao quyết định thành lập tại Hội nghị năm nay. Với quy mô 30ha và tổng mức đầu tư khoảng 526 tỷ đồng, Cụm công nghiệp Làng nghề Hữu Bằng được thành lập với mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề; Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; Tạo mặt bằng để mở rộng sản xuất cho các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng hiện nay, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Dịp này, UBND thành phố Hà Nội cũng công bố danh mục 282 dự án mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xừ lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.

Một trong những ghi nhận rất lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước là quá trình chuẩn bị một hội nghị xúc tiến đầu tư hết sức chuyên nghiệp và mang tính cầu thị của thành phố Hà Nội trong bối cảnh tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Như ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, để có một Hội nghị thành công trong bốn giờ, thành phố đã tập trung nỗ lực trong suốt bốn tháng; bốn tháng đó không chỉ trong công tác tổ chức mà còn là những chỉ đạo quyết liệt về chuyên môn, đặc biệt là tiến độ thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Đây là những nỗ lực rất lớn của toàn thể hệ thống chính trị Thủ đô, đặc biệt là sự chỉ đạo, lãnh đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố, lãnh đạo các sở, ngành cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các sở ngành Thành phố. Với tinh thần tháo gỡ tối đa những tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế, phát triển bền vững ngay sau đại dịch, Hội nghị đã đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng cho sự cất cánh của kinh tế Thủ đô, xứng tầm sánh ngang với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Trung Kiên - Đình Phúc

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 17 - 20

Bình luận: 0