Khuyến nghị thúc đẩy công khai ngân sách tại Việt Nam
Ngày 1 và ngày 8 tháng 7 năm 2020, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cùng với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chính thức công bố Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam, Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) và chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) cho năm 2019.
Kết quả các chỉ số OBI, MOBI và POBI 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ về minh bạch ngân sách cấp quốc gia, cấp bộ ngành và cấp tỉnh. Chính phủ, Bộ Tài chính và các địa phương đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.
Ở cấp quốc gia, Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách trong khảo sát OBS 2019. Cụ thể, điểm xếp hạng của trụ cột công khai ngân sách (OBI) đã tăng mạnh đạt 38/100 điểm, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá 2017, tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, đưa Việt Nam lên vị trí 77/117 nước. Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai. Điểm trung bình về sự tham gia của Việt Nam đạt 11 điểm, tăng 4 điểm so với kỳ khảo sát OBS 2017. Việt Nam là 1 trong số 30 nước có xếp hạng đầy đủ về vai trò giám sát của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước trong giám sát ngân sách nhà nước, với điểm xếp hạng chung là 74/100 điểm, tăng 2 điểm so với kỳ khảo sát 2017.
Ở cấp trung ương, điểm số trung bình về công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2019 đạt 21,2 điểm quy đổi xếp hạng, tăng 10,2 điểm so với năm 2018. Trong số 44 Bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2019, có 1 đợn vị đạt mức công khai tương đối, 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách.
Ở cấp địa phương, điểm số trung bình về công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2019 đạt 65.55 điểm trên tổng số 100 điểm, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2018 là 51 điểm và POBI 2017 là 30.5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2019 đã cải thiện hơn so với năm 2017 và 2018. Năm 2019, có 24 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước, trong khi năm 2018 chỉ có có 6 tỉnh công khai đầy đủ các thông tin này.
Để tăng cường công khai minh bạch ngân sách trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh thành cần có những cam kết cải thiện bền vững, lộ trình dài hơi và thực chất, trong đó Chính phủ và Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện các cải cách về pháp luật và thể chế trong quản trị ngân sách nhà nước. Đối với Bộ Tài chính, một số khuyến nghị được đưa ra, cụ thể như sau:
Khuyến nghị từ kết quả OBI 2019
Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, tuy nhiên các tài liệu được công khai lại chưa đầy đủ thông tin theo như yêu cầu của OBS. Việt Nam cũng thiếu cơ chế chính thức để tạo cơ hội cho người dân được tham gia vào chu trình ngân sách.
Bộ Tài chính nên ưu tiên thực hiện các hành động sau đây để cải thiện công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam:
+ Cần xây dựng và công bố kịp thời Báo cáo ngân sách giữa kỳ (6 tháng) theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế của OBS, bao gồm dự báo kết quả cho cả năm tài chính về các khoản thu, chi và nợ.
+ Dự toán ngân sách trình Quốc hội cần bổ sung thêm các thông tin chi tiết như kết quả thực hiện thu, chi ngân sách năm trước (ít nhất hai năm trước năm ngân sách hiện tại), dự báo kinh tế vĩ mô hoàn chỉnh và thông tin về những rủi ro tài chính như quỹ ngoài ngân sách, nợ tiềm tàng, tài sản tài chính và phi tài chính của Chính phủ
+ Cần xây dựng và công khai báo cáo tài chính của Chính phủ. Báo cáo tài chính của Chính phủ có thể là một nội dung của Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cuối năm hoặc là một báo cáo riêng.
+ Cải thiện tính đầy đủ và toàn diện của Tài liệu Định hướng xây dựng ngân sách bằng cách bổ sung thông tin về khoản vay và nợ dự kiến cho năm sau.
+ Xây dựng cơ chế chính thức để thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách.
Khuyến nghị từ kết quả MOBI 2019
Kết quả khảo sát MOBI 2019 cho thấy chưa có sự cải thiện rõ rệt về mức độ công khai tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương qua hai kỳ khảo sát MOBI 2018 và 2019. Có 20 Bộ, cơ quan Trung ương không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 45.45%). Trong số 44 Bộ, cơ quan trung ương, có 18 đơn vị công khai Dự toán ngân sách năm 2020 (chiếm 40.91%), 17 đơn vị công khai Quyết toán ngân sách năm 2018 (chiếm 38.64%), có 8, 10, 7 và 8 đơn vị công khai báo cáo tình hình thực hiện ngân sách 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2019.
Để các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công khai ngân sách tốt hơn theo đúng quy định, khuyến nghị Bộ Tài chính:
+ Có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương như Dự toán ngân sách nhà nước, Quyết toán ngân sách nhà nước và Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm như quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015.
+ Tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại các thông tin và định dạng tài liệu cần công khai. Làm rõ hướng dẫn về định dạng tài liệu được công khai tại Thông tư 90/2018/TT-BTC.
+ Chủ động truyền thông rõ ràng về việc công khai các thông tin về ngân sách và quá trình xây dựng ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương để người dân có thể theo dõi thông tin và tham gia trong quá trình ngân sách. Điều này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách cấp Trung ương.
+ Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngay hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách cho các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ bản như quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1 của Thông tư 61/2017/TT-BTC để các Bộ, cơ quan Trung ương công khai kịp thời các thông tin này.
+ Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ và Quốc hội về việc sử dụng chỉ số MOBI làm căn cứ để phân bổ ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương năm sau.
Khuyến nghị từ kết quả POBI 2019
Kết quả POBI 2019 cho thấy còn nhiều tỉnh công khai các tài liệu ngân sách chậm hơn so với quy định. Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh là tài liệu được công khai kịp thời nhất trong số các tài liệu khảo sát POBI 2019, nhưng cũng chỉ có 40 tỉnh (63.49 %) công khai kịp thời tài liệu này.
Kết quả POBI 2019 cũng cho thấy, Dự thảo dự toán ngân sách tỉnh trình HĐND tỉnh, Dự toán ngân sách tỉnh đã được HĐND tỉnh quyết định và Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh trong năm được công khai thiếu các bảng biểu và nội dung của các bảng biểu theo hướng dẫn của Thông tư 343/2016/TT-BTC.
Nhằm củng cố và cải thiện mức độ công khai ngân sách của 63 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính cần tăng cường giám sát và đôn đốc việc thực hiện công khai ngân sách của UBND cấp tỉnh và Sở Tài chính. Cụ thể:
+ Đôn đốc các tỉnh thực hiện công khai kịp thời và đầy đủ các bảng biểu, nội dung của các bảng biểu quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015 và Thông tư 343/2016/TT-BTC;
+ Có hướng dẫn và cung cấp đầy đủ thông tin để các tỉnh lập dự toán ngân sách chính xác, tin cậy hơn khi thực hiện thực tế.
+ Yêu cầu các Sở Tài chính phản hồi kịp thời các yêu cầu cung cấp thông tin qua địa chỉ email được công khai trên cổng thông tin/ trang tin điện tử của của Sở.
• Đề xuất với Chính phủ và Quốc hội về việc sử dụng chỉ số POBI làm căn cứ để phân bổ ngân sách của các tỉnh năm sau.
Xuân Thạo
Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022
Tin tức liên quan
- Quyết tâm loại bỏ cán bộ tha hóa, biến chất, bội ước với Đảng, với Nhân dân (03:06 18/04/2023)
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong xét xử vụ án hành chính ở Việt Nam (08:58 07/03/2023)
- Quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa năm 1943-nhìn từ hôm nay (02:12 28/02/2023)
- Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:16 03/02/2023)
- Ra mắt bộ sách thường thức chính trị (04:10 03/02/2023)