TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Lao động di cư và hệ vấn đề xã hội đặt ra tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

15:50 08/10/2020
Logo header Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp (KCN) đã mọc lên ở hầu khắp các tỉnh, thành trên đất nước ta. Xét về mặt tiến bộ lịch sử, điều đó phản ánh sinh động về xã hội Việt Nam đang chuyển đổi, mà nội dung cơ bản là chuyển đổi từ nền văn minh nông nghiệp cổ truyền sang nền văn minh công nghiệp và hiện đại, đồng thời cũng là sự chuyển đổi từ cơ chế quản lý kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đáng quan tâm là sự chuyển đổi xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn đến dòng di cư lớn với số lao động đông đến làm việc trong các doanh nghiệp ngày càng tăng ở các thành phố lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.

Ảnh minh họa

Trước thực tiễn này, nhằm đảm bảo cuộc sống cho công nhân lao động, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương định hướng, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật Bình đẳng giới 2006, Luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014), ban hành nhiều chính sách quan tâm tới công nhân lao động; từng bước nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động, cải thiện tác phong, nề nếp làm việc, và chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động; phát hiện cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tạo điều kiện sống tốt cho người lao động ở các khu công nghiệp. Song, cuộc sống của người lao động ở các khu công nghiệp hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức mới đặt ra liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, hưởng thụ đời sống văn hoá vật chất, tinh thần và các dịch vụ y tế, giáo dục cho bản thân và con em của công nhân.

Thực tế trên, đòi hỏi phải được tìm hiểu và nghiên cứu một cách thấu đáo. Dựa vào các nguồn dữ liệu thứ cấp và kết quả nghiên cứu định tính của đề tài: “Đánh giá nhanh về nhu cầu gửi trẻ của nhóm công nhân trong doanh nghiệp ở Bình Dương” thực hiện năm 2018, đề tài “Ảnh hưởng của các nhân tố xã hội đối với chất lượng nhân lực trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Nguyễn Đức Chiện và nhóm nghiên cứu thực hiện năm 2019 tại tỉnh Bắc Ninh, bài viết giới hạn mô tả hệ những vấn đề xã hội đang đặt ra đối với công nhân lao động ở hai địa phương; đồng thời gợi mở hàm ý chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chính sách hướng đến cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống của công nhân ở các khu công nghiệp hiện nay. 

Hệ vấn đề xã hội đặt ra trong công tác quản lý xã hội tại KCN (Trường hợp tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương)
Vài nét về đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp ở hai địa phương

Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuộc khu vực phát triển năng động nhất của cả nước; phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai; phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Thành Phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Bình Dương có dân số khoảng 2.2 triệu người, diện tích tự nhiên 2.694.4km2, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia như Quốc lộ 13, đường Hồ Chí minh, đường vành đai 3, vành đai 4, đường xuyên Á, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 đến 30 km. Với vị trí địa lý thuận lợi, Bình Dương là đầu mối giao lưu quan trọng giữa các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung với Thành phố Hồ Chí Minh, nên địa phương này rất thuận lợi phát triển công nghiệp và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong ngoài nước. Tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua duy trì tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng GRDP năm 2018 của tỉnh tăng 9,01% (kế hoạch: 8,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 130,8 triệu đồng (kế hoạch 130 triệu đồng); cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu với tỷ trọng tương ứng là 63,87% - 23,94% - 3,08% - 9,11% (kế hoạch 63,80% - 24,41% - 3,49% - 8,30%). Với đặc điểm và lợi thế là vùng công nghiệp trẻ, năng động, có tiềm năng lớn, luôn đi đầu với chính sách trải thảm đón nhà đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hoan nghênh. Bình Dương đã trở thành điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của tỉnh Bình Dương trong thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. Toàn tỉnh Bình Dương hiện nay có 26 khu công nghiệp tập trung và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 35.500 doanh nghiệp vốn trong nước và gần 3.400 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó, số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm trên 90%. Tổng số công nhân lao động toàn tỉnh hiện có khoảng trên một triệu người, chiếm trên 50% dân số, trong đó, lao động nữ chiếm khoảng 57%, lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%; hàng năm, Bình Dương cần bổ sung mới từ 40.000 đến 50.000 người (Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương năm 2018).

Bắc Ninh cũng là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm tam giác phát triển kinh tế phía Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, đây là khu vực phát triển năng động của cả nước; với vị trí địa lý phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Nam giáp Hải Dương, Hà Nội và phía Tây giáp tỉnh Thái Nguyên. Bắc Ninh là vùng đất cổ xưa gắn với quá trình hình thành văn minh sông Hồng, là trung tâm của xứ Kinh Bắc, xưa kia Luy Lâu từng là trung tâm kinh tế - chính trị - tôn giáo sớm nhất của Việt Nam. Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; nơi khởi dựng cơ đồ của Thuỷ tổ Việt Nam - Kinh Dương Vương; nơi phát tích Vương triều Lý - Triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt. Dân số Bắc Ninh năm 2017 khoảng 1,208 triệu người, với tốc độ phát triển công nghiệp hiện nay, theo dự kiến đến năm 2020 dân số Bắc Ninh đạt khoảng 1,5 triệu người (tăng do lao động nhập cư vào làm việc và sinh sống tại các khu công nghiệp). Với vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng, Bắc Ninh không chỉ đóng vai trò là một trong ba tỉnh động lực của vùng Thủ đô Hà Nội, là một cực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa mạnh về phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng mà còn đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Ninh là một động lực phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội thuộc nhóm đứng đầu đất nước, như: Quy mô GRDP đứng thứ 4; Các chỉ tiêu: GRDP bình quân đầu người; giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2; thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 7; thu hút vốn FDI đứng thứ 7; thu ngân sách đứng thứ 10; nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục, y tế thuộc nhóm dẫn đầu; nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và thực hiện ở mức cao hơn so với Trung ương như: hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho người nghèo; trợ cấp cho người cao tuổi; hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho khu vực nông thôn, chương trình sữa học đường (từ 2014 đến nay), hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi… Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2017: 16,7%; GRDP (GHH) đạt 162.024 tỷ đồng; Tỷ lệ giá trị ngành công nghiệp – xây dựng là 74,4%, dịch vụ là 22,7%, nông nghiệp là 2,9%; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá SS2010) đạt 968.846 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 6027 USD/năm; Thu ngân sách đạt 22.380 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 29,85 tỷ USD; Thu hút 1112 dự án FDI với số vốn 15,89 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt 75,2%, tiêu chí bình quân là 18,25 ; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,4%. Theo số liệu TCTK công bố ngày 30/11/2017, GRDP năm 2017 của tỉnh Bắc Ninh đạt 162.024 tỷ đồng (tương đương 7,3 tỷ USD), chiếm 3,25% GDP cả nước. Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với sự đồng bộ trong phát triển các khu công nghiệp gắn với đô thị, và phát huy lợi thế trong phát triển làng nghề. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao, là khu vực động lực tăng trưởng kinh tế, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Quy hoạch 16 khu công nghiệp tập trung, 24 cụm công nghiệp, với diện tích 6.397,64 ha. Năm 2017, GTSX công nghiệp (giá SS 2010) đạt 968.846 tỷ đồng; với quy mô này, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh đã xếp thứ 2 cả nước (chỉ sau TP.HCM). Đây là bước đột phá chiến lược mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần thay đổi diện mạo của bức tranh kinh tế Bắc Ninh hôm nay. Riêng ngành điện tử đã chiếm tới 85% GTSX công nghiệp, thu hút 201.000 lao động, chiếm 60,1% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp toàn tỉnh; chiếm 28,2% so với lao động cùng ngành trong các doanh nghiệp cả nước (Tỉnh ủy Bắc Ninh, 2018). 

Những dẫn liệu nêu trên cho thấy trong những thập kỷ vừa qua, hai tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh là những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong ngoài nước đến địa phương, hình thành các nhà máy ở các khu công nghiệp. Theo đánh giá của chúng tôi từ đợt khảo sát, đây là các địa phương đi đầu về chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, các khu đô thị mới được hình thành cùng với các khu công nghiệp ở các huyện thị và kéo theo sự gia tăng dân số cơ học ở hai địa phương này do sự phát triển các khu công nghiệp. Có thể nói lực lượng công nhân đang làm việc trong các doanh nghiêp ở các khu công nghiệp có vai trò quan trọng đối với việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng có thể do sự phát triển nóng khiến việc quản lý, kiểm soát xã hội ở mỗi địa phương gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều hệ lụy trong phát triển như cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội cơ bản quá tải, môi trường sống chưa đảm bảo, tình hình an ninh, trật tự ở địa phương có đông công nhân không được bảo đảm, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của công nhân tạm bợ; đời sống tinh thần của người lao động nghèo nàn,... Dưới đây chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ hệ vấn đề xã hội đặt ra với các lao động các khu công nghiệp hiện nay.

Hệ vấn đề xã hội đặt ra với các lao động KCN ở hai địa phương
Tuyển dụng lao động, sắp xếp việc làm và thu nhập của người lao động

Có thể thấy do đặc thù về loại hình sản xuất cũng như quy mô sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN ở hai địa phương như doanh nghiệp về dệt - may, chế biến lương thực - thực phẩm, cơ khí, lắp ráp, linh kiện điện tử… thường có xu hướng tuyển dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Vấn đề này được đề cập đến trong các nghiên cứu trước đây, trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 cho rằng: Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp “thiếu kỹ năng” hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề “thiếu hụt người lao động có tay nghề”. Kết quả khảo sát tại hai tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh do Nguyễn Đức Chiện và cộng sự tiến hành cũng cho thấy tình trạng chung là nhiều lao động được tuyển dụng vào làm việc trong doanh nghiệp có học vấn rất thấp, doanh nghiệp thông báo tuyển dụng chỉ yêu cầu người lao động có độ tuổi dưới 45 và có sức khỏe tốt. Còn theo kết quả một nghiên cứu khác do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 2017: Tính chung trong cả nước, độ tuổi bình quân của công nhân trẻ, dưới 25 tuổi chiếm 43,4%, từ 26 đến 35 tuổi chiếm 34,7%, từ 36 đến 45 tuổi chiếm 14%. Tuổi nghề dưới 1 năm chiếm 6,9%, từ 1 đến 5 năm chiếm 30,6%, từ 6 đến 10 năm chiếm 16,4%, từ 11 đến 15 năm chiếm 10,5%, 16 đến 20 năm chiếm 16,8%, 21 đến 25 năm chiếm 13,3%, trên 25 năm chiếm 5,5%. Tính riêng ở KCN, đa số lao động nữ có tuổi đời trẻ, từ 18 đến 24 tuổi và hầu hết dưới 35 tuổi. Có thể nói, phương thức tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở các KCN hiện nay chỉ chú trọng lao động trẻ tuổi, có sức khỏe để tham gia vào các công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản. Thực tế này là cơ hội thuận lợi cho lực lượng lao động di cư từ các vùng nông thôn tới để tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, việc chỉ tuyển dụng lao động hạn chế trình độ, ở một độ tuổi nhất định và có sức khỏe, nên người lao động cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào khi doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng. Tình trạng nhảy việc của lao động hay bị doanh nghiệp sa thải diễn ra khá phổ biến và đang là vấn đề xã hội nhức nhối ở hai tỉnh hiện nay. 

Phần lớn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp làm việc theo dây chuyền lắp ráp, công nghệ sản xuất trung bình hoặc thấp nên không đòi hỏi tay nghề cao, không có sự phân biệt lớn về kỹ năng giữa công nhân lâu năm và công nhân mới vào nghề. Doanh nghiệp chỉ yêu cầu lao động làm việc trong dây chuyền công nghiệp đòi hỏi sức ép cao về tính chính xác, cường độ cao và sức khỏe tốt. Chính thực tế sắp xếp công việc theo kiểu này đã không phát huy được trình độ và tính sáng tạo trong công việc của lao động. Kết quả khảo sát của Nguyễn Đức Chiện và cộng sự tại hai địa phương cho thấy nhiều lao động ý kiến rằng công việc đang đảm nhiệm ở doanh nghiệp thường đòi hỏi nhiều thời gian, công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, buồn tẻ, thời gian tăng ca, tăng giờ nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe… Điều này cũng dẫn đến tình trạng lao động ít hứng thú với công việc và tìm cách nhảy việc sang lĩnh vực khác.

Về tiền lương và thu nhập của người lao động, Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng từ năm 2019 vừa được Chính phủ ban hành thì mức lương tối thiểu được phân chia theo vùng, trong đó vùng cao nhất là 4.18 triệu đồng, còn vùng thấp nhất là 2.92 triệu đồng. Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam Quý 4/2018 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân của người lao động làm công hưởng lương tăng đều qua các năm, đến quý 4/2018 đạt 5,88 triệu đồng, trong đó nam đạt 6,18 triệu đồng, nữ đạt 5,47 triệu đồng, hộ cá thể đạt 4,94 triệu đồng, tập thể đạt 4,22 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 6,68 triệu đồng, khu vực nước ngoài đạt 6,62 triệu đồng. Tuy nhiên do trong các khu công nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên mức thu nhập của người lao động còn thấp, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới chỉ đạt từ 78 đến 83%). Cũng theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2017: tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của người lao động là 4.480.000 đồng/tháng; Thu nhập trung bình (không kể ăn ca) là 5.453.000 đồng/tháng. Tiền lương hàng tháng của người lao động thấp trong khi chi tiêu thường xuyên của lao động di cư luôn ở mức cao hơn so với chi tiêu của lao động địa phương. Họ phải chi tiền khá nhiều tiền cho các nhu cầu thuê nhà ở, ăn uống, đi lại, nuôi con, chăm sóc y tế và ma chay hiếu hỷ, sinh nhật… và không ít người phải tiết kiệm tiền gửi về quê hỗ trợ gia đình. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Chiện và cộng sự cho biết chỉ có số ít công nhân lao động có khả năng tích lũy từ tiền lương hàng tháng.

Môi trường lao động và an sinh xã hội đối với lao động tại các KCN

Môi trường lao động và an sinh xã hội đối với công nhân lao động cũng là vấn đề xã hội đang đặt ra tại các KCN. Trong những năm qua, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động đã được quan tâm, hệ thống an toàn vệ sinh ngày càng phát triển; ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động được nâng lên, giảm thiểu tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đi thuê đất trong KCN nên diện tích nhà máy thường rất hẹp, doanh nghiệp tận dụng tối đa mặt bằng dùng cho sản xuất. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Chiện và cộng sự tại hai tỉnh cho thấy do diện tích nhỏ hẹp chỉ đủ sử dụng cho hoạt động sản xuất nên hạn chế không gian cây xanh, khu vực giải lao giữa giờ cho người lao động. Một số doanh nghiệp sản xuất một số mặt hàng gây ra tiếng ồn, khói bụi độc hại nhưng không trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ cho người lao động. Việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm ít được thực hiện nghiêm túc. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam 2014 cho thấy tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế kéo dài gây ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp; chất lượng khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản chưa được tốt; Có trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn, nhiều lao động đã đóng bảo hiểm xã hội không được giải quyết quyền lợi. Cũng theo nghiên cứu, một số doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm trong việc quan tâm chăm lo đến đời sống của công nhân lao động, chưa đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ hay hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của lao động, hoạt động tham quan nghỉ mát cũng chưa thực sự được quan tâm theo mong muốn của người lao động, …Thực tế này cho thấy những bất cập trong thực hiện an sinh xã hội đối với người lao động ở các KCN hiện nay.

Cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện, nhà ở, nhà văn hóa và khu vui chơi giải trí cho công nhân lao động ở các KCN
Trong thời gian vừa qua với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự quyết tâm của các địa phương, cơ sở hạ tầng về trường học, bệnh viện đã được đầu tư xây dựng ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, và đã giảm tải những bức xúc liên quan đến nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng này hoàn thiện nhưng không đáp ứng do gia tăng dân số cơ học tại các địa phương. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Đức Chiện và cộng sự cho thấy các địa phương này vẫn thiếu trường lớp, nhiều lao động phải gửi con vào các trường tư thục hoặc hộ gia đình; tình trạng bức xúc về nhà ở của công nhân lao động trong các KCN chưa được giải quyết triệt để. Những năm gần đây Nhà nước ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, các địa phương này đã triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động hoặc thuê sau đó tổ chức cho công nhân lao động vào ở, v.v… Tuy nhiên, thực tế giá cả nhà ở vẫn ở mức khá cao so với thu nhập của công nhân. Tình trạng người lao động vẫn phải thuê nhà trọ giá rẻ ở các khu dân cư gần khu công nghiệp, nơi ở chật chội, mất vệ sinh, thiếu an toàn, điện, nước không đảm bảo an toàn; người lao động không có điều kiện nghỉ ngơi thoải mái để tái tạo sức lao động sau cả ngày làm việc nặng nhọc, mệt mỏi. 

Về nơi vui chơi giải trí dành cho công nhân lao động, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, việc cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được đầu tư nhiều. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp ở hai địa phương thiếu cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao gần như không có; một số ít doanh nghiệp có sân bóng chuyền, cầu lông, tổ chức các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ vào các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày lễ, cuối năm... song người lao động cũng ít quan tâm vì lý do doanh nghiệp không khuyến khích hoạt động. Ở các KCN có tồn tại các khu vui chơi giải trí nhưng phần lớn do các tổ chức, cá nhân tư nhân xây dựng, mang nặng tính chất dịch vụ, dành cho đối tượng có thu nhập cao khiến cho công nhân không thể tham gia hưởng thụ và hoạt động thường xuyên. Trong những năm qua, các tỉnh này đã xây dựng mới nhiều khu công viên, nhà văn hóa mới đi vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa công nhân nhưng phần lớn các cơ sở văn hóa này xa KCN. Hơn nữa, với cường độ và thời gian làm việc dày đặc, việc bố trí thời gian để công nhân tham gia vui chơi, giải trí là rất hạn chế. Thực tế này dẫn đến đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trong các doanh nghiệp ở các KCN ở hai địa phương còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy xã hội là gia tăng các tệ nạn xã hội (rượu chè, nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp, đâm chém) ở các KCN và thành phố hiện nay.

Tình yêu, hôn nhân, và quan hệ gia đình của công nhân lao động ở các KCN

Công nhân lao động di cư đến làm việc trong các KCN, thường là những người ngoại tỉnh sống xa nhà nên rất thiếu thốn tình cảm. Điều đáng quan tâm là việc quan hệ yêu đương và tiến đến hôn nhân của người công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó công việc thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, cũng như thu nhập chưa đủ tích lũy để mua nhà là lý do chính dẫn đến họ trì hoãn hôn nhân, tham gia sống chung, sống thử trước hôn nhân. Thực tiễn này cũng dẫn đến một số vấn đề trong cuộc sống của công nhân như hình thành lối sống tự do, ích kỷ, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và nạo phá thai nhiều lần, thậm chí không ít trường hợp có thai và sinh con ngoài ý muốn. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Bảo Trân (2018) cho thấy tình trạng bà mẹ đơn thân là công nhân đang có xu hướng ngày càng gia tăng ở các KCN ở Bình Dương. Có thể nói, những diễn biến trong quan hệ tình yêu, hôn nhân của công nhân lao động đang để lại nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe, lối sống và hạnh phúc gia đình của công nhân lao động.

Đối với những công nhân đã có gia đình, do hoàn cảnh phải thường xuyên tăng ca, làm thêm giờ để tăng thu nhập hàng tháng nên họ gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, quan tâm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tình trạng vợ chồng hàng tuần không nhìn thấy nhau do việc làm mỗi người một ca và làm tăng ca đã dẫn đến tình cảm vợ chồng ngày càng ít gắn bó, hiểu nhau; bên cạnh đó những áp lực về chi tiêu học hành con cái, chi phí cuộc sống hàng ngày và các chi phí khác gửi về cho người thân ở quê hương đã dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích vợ chồng xuất hiện, đe dọa hôn nhân và hạnh phúc gia đình người công nhân. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến số bà mẹ đơn thân nuôi con ngày càng gia tăng ở các KCN ở hai địa phương hiện nay.

Thay lời kết

Một số dẫn chứng và phân tích trên đã phác họa bức tranh về lao động di cư và hệ các vấn đề xã hội đặt ra trong quản lý xã hội ở các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư ra các KCN vẫn tiếp diễn và có xu hướng tăng hơn trong những năm sắp tới. Đây là xu hướng tất yếu không thể tránh được vì nhu cầu phân bổ lại lao động và phát triển sản xuất giữa nông thôn và thành thị. Điều quan trọng là Nhà nước và chính quyền ở các địa phương trên cả nước cần phải có các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa thích hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân ở lại nông thôn cũng như người lao động di cư đến nơi ở mới là các KCN. Trong quá trình phát triển phải biết khai thác huy động những mặt tích cực và hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực liên quan đến quá trình phát triển xã hội của việc di cư lao động hiện nay. Nếu các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa hiện thời thiếu hiệu quả, không chỉ ảnh hưởng đến đến sự phát triển của con người, xã hội hiện tại mà còn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội lâu dài đối với cuộc sống con người và xã hội, đe dọa sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

PGS. TS Nguyễn Đức Chiện,
Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0