TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 27/12/2024

Một số vấn đề lý luận về trách giải trình của Chính quyền địa phương (Tiếp theo kỳ trước)

20:36 02/04/2020
Logo header Trong khuôn khổ là hoạt động của nhà nước, tác giả đồng tình với quan điểm của một số nhà nghiên cứu có thể hiểu: Trách nhiệm giải trình là trách nhiệm của cơ quan công quyền - đã nhận quyền lực từ nhân dân và đặt ra mục tiêu thực thi quyền lực vì nhân dân, thì đồng thời có nghĩa vụ trả lời, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình. Nói cách khác, đó là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Khái niệm cơ quan địa phương: Trong tính phổ quát nhất có thể hiểu, CQĐP là thuật ngữ được sử dụng để chỉ những thiết chế nhà nước, có tư cách quyền lực công, được thành lập một cách hợp hiến, hợp pháp để quản lý điều hành mọi mặt đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên một đơn vị hành chính - lãnh thổ của một quốc gia. CQĐP là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước thống nhất do nhân dân địa phương lập ra và ủy quyền sử dụng quyền lực trong quản lý nhà nước các lĩnh vực của đời sống xã hội trong phạm vi của địa phương. 

Xuất phát từ chủ đích nghiên cứu, tác giả đồng tình với quan điểm, ở Việt Nam Chính quyền địa phương được hiểu là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước thống nhất, bao gồm hệ thống cơ quan đại diện và cơ quan hành chính do người dân địa phương bầu ra (trực tiếp hoặc gián tiếp) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong một phạm vi địa giới hành chính lãnh thổ nhất định.
Trên cơ sở phân tích khái niệm trách nhiệm giải trình và cách tiếp cận về CQĐP ở Việt Nam. Đề cập đến trách nhiệm giải trình của CQĐP có thể khái quát cách hiểu như sau: Trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương là trách nhiệm của các cơ quan công quyền ở địa phương trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Phân loại trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương

Có nhiều cách phân loại trách nhiệm giải trình và trách nhiệm giải trình của CQĐP1, bởi lẽ, việc phân loại phụ thuộc vào cách thức tiếp cận, nhận thức của chủ thể và đặc biệt là mục đích của việc phân loại, ứng với mục đích khác nhau sẽ có các tiêu chí khác nhau trong việc phân loại. Mặt khác, bản thân trách nhiệm giải trình là khái niệm khó nắm bắt và có thể tiếp cận trên nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau, do đó, đề cập đến việc phân loại trách nhiệm giải trình cần nhận thức: 

1) Không có cách phân loại nào là hoàn hảo và thể hiện được hết các khía cạnh phong phú của trách nhiệm giải trình.

2) Với tư cách là một thuộc tính của người được ủy quyền, trách nhiệm giải trình là một thuộc tính không thể phân chia và không thể phân thành nhiều loại tách bạch nhau, việc phân loại thực ra chỉ là các góc nhìn khác nhau về cùng một hiện tượng, không nên xem các loại trách nhiệm giải trình là khác nhau, độc lập nhau.

3) Cách phân loại nào phù hợp là phụ thuộc vào việc xác định mối quan hệ cơ bản trong thực hiện trách nhiệm giải trình: ai chịu trách nhiệm giải trình (chủ thể giải trình) và giải trình trước ai (chủ thể yêu cầu giải trình).

Với nhận thức nêu trên, gắn với chủ ý nghiên cứu trách nhiệm giải trình của CQĐP, tác giả cho rằng việc phân loại trách nhiệm giải trình của CQĐP có thể dựa trên các tiêu chí và cách phân loại sau đây là phù hợp.

Dựa vào chủ thể thực hiện trách nhiệm giải trình: mặc dù CQĐP ở các quốc gia được tổ chức rất khác nhau, bản thân trong một quốc gia CQĐP tại các đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc trong từng thời điểm nhất định cũng được tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, với tư cách là một cơ quan công quyền được thành lập ở địa phương, thực hiện chức năng đại diện cho chính quyền trung ương và đại diện cho ý chí cộng đồng cư dân địa phương, có thể phân loại thành:

1) Trách nhiệm giải trình của cơ quan dân cử địa phương: được đặt ra trước hết đối với cử tri nơi thiết lập nên cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, cơ quan dân cử địa phương còn phải thực hiện trách nhiệm giải trình đối với cơ quan cơ quan nhà nước cấp trên, phạm vi, mức độ giải trình là phụ thuộc vào việc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, CQĐP tự quản càng cao thì phạm vi, mức độ giải trình đối với các cơ quan nhà nước cấp trên sẽ hạn chế, thay vào đó sẽ tập trung giải trình đối với cư dân địa phương.

2) Trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính địa phương:  Cơ quan này phải có trách nhiệm giải trình đối với cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp, cơ quan dân cử cùng cấp đã bầu ra nó, cơ quan nhà nước chuyên môn cấp trên và các thiết chế khác ở địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Dựa vào tính chất trách nhiệm giải trình: có thể phân tách thành

1) Trách nhiệm giải trình chính trị: trước hết, đây là trách nhiệm giải trình của các chức danh chính trị ở địa phương trước tổ chức đảng đã lựa chọn và đề cử mình. Nhìn rộng hơn, trách nhiệm giải trình này bao gồm cả trách nhiệm của các chức danh dân cử, chức danh chính trị trước dân cư địa phương, trước cử tri những người đã bầu ra họ, đây là trách nhiệm gắn liền với việc ủy quyền thực hiện quyền lực nhà nước của người dân, là trách nhiệm quan trọng nhất trong nền dân chủ nói chung và dân chủ ở cơ sở nói riêng. Trách nhiệm giải trình chính trị thường không kèm theo các chế tài pháp lý, nhưng lại gắn với uy tín, sự tín nhiệm của các chức danh và chế tài thông thường là bãi nhiệm, từ chức, lấy phiếu tín nhiệm.

2) Trách nhiệm giải trình nội bộ: Đây là loại trách nhiệm giải trình phản ánh tính chất nội bộ giữa các cơ quan trong hệ thống các cơ quan thuộc CQĐP. Trước hết, đó là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính địa phương trước cơ quan dân cử địa phương. Xuất phát từ đặc trưng tổ chức theo tính chất thứ bậc nên trách nhiệm giải trình nội bộ cũng được thực hiện tương đối phổ biến trong hệ thống các cơ quan hành chính ở địa phương ở các quốc gia, thể hiện ở trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính ở địa phương cấp dưới đối với cơ quan hành chính cấp cấp trên, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính địa phương đối với các cơ quan có chức năng kiểm soát nội bộ thuộc cấp trên hay tại địa phương đó. Trách nhiệm giải trình nội bộ trong các cơ quan hành chính nhấn mạnh đến mức độ tuân thủ các chuẩn mực và quy trình nội bộ hành chính. 

Ngoài ra, trách nhiệm giải trình nội bộ còn được thực hiện trong các cơ quan thuộc cơ quan dân cử tại địa phương, ở Việt Nam là trách nhiệm giải trình của các Đoàn giám sát, các Ban của HĐND đối với Thường trực HĐND và của Thường trực HĐND đối với HĐND. 

3) Trách nhiệm giải trình trước xã hội: đây là trách nhiệm giải trình của CQĐP hướng đến các chủ thể khác trong xã hội, theo đó, CQĐP, các cơ quan thuộc CQĐP, cá nhân người có thẩm quyền phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước người dân ở địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân địa phương, thậm chí là các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng…chủ thể nhận sự giải trình theo cách phân loại này là rất đa dạng.

4) Trách nhiệm giải trình trước cơ quan tư pháp: ở Việt Nam, CQĐP, cán bộ, công chức trong những trường hợp nhất định phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa án liên quan đến các quyết định hành chính cá biệt và hành vi hành chính bị các cá nhân, tổ chức khiếu kiện.

Dựa vào tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương:

Ở Việt Nam, nếu xem xét trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước ở địa phương thì có thể thấy, tất cả các cơ quan nhà nước được thành lập ở địa phương đều có trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan Nhà nước cấp trên theo hệ thống dọc. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước ở địa phương còn phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo chiều ngang khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trên cơ sở nguyên tắc nền tảng thực hiện việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan được tổ chức tại địa phương.

Việc làm rõ một số vấn đề lý luận về trách nhiệm giải trình của CQĐP sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tiếp cận trách nhiệm giải trình của CQĐP trên những khía cạnh khác nhau. Cũng cần nhận thức rằng, các vấn đề lý luận về trách nhiệm giải trình của CQĐP nêu trên mới chỉ là những vấn đề lý luận cơ bản nhất, bởi lẽ, trách nhiệm giải trình nói chung và trách nhiệm giải trình của CQĐP nói riêng là một vấn đề khá phức tạp, liên quan và chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, thậm chí có sự tranh luận khác nhau, do đó, các nội dung mà bài viết đề cập mới chỉ giải quyết phần nào phương diện lý luận trách nhiệm giải trình của CQĐP.

ThS, NCS Hà Ngọc Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 04 - 20

Bình luận: 0