TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Nhận diện sai phạm từ hành vi cản trở tiếp cận thông tin

15:12 29/07/2021
Logo header Không công khai, minh bạch thông tin về dự án đầu tư, các cơ quan quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương còn lợi dụng, suy diễn vấn đề tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để từ chối cung cấp thông tin, bao che cho những dấu hiệu sai phạm mà cơ quan báo chí đề cập.

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã đặt ra. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình” là một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, Nghị quyết Đại hội XIII đã được triển khai hơn 6 tháng, với nhiều Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, không ít các cơ quan hành chính nhà nước vẫn mơ hồ, thậm chí đi ngược lại với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, cần làm rõ nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính trong việc chấp hành pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Pháp luật về trách nhiệm cung cấp và công khai thông tin của cơ quan hành chính nhà nước

Trách nhiệm cung cấp và công khai thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay cơ bản đã được quy định thống nhất từ Hiến pháp đến các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Điều 28 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Trách nhiệm công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước còn được quy định cụ thể trong Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng quy định rất cụ thể nguyên tắc, hình thức, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch tại các Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12.

Đối với cơ quan báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng quy định cụ thể về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí tại Điều 14; và nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình thông tin của cơ quan hành chính nhà nước theo yêu cầu của cơ quan báo chí tại Điều 15.

Trong quá trình chấp thuận và quản lý quá trình thực hiện các dự án có sử dụng đất của Chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước cũng có trách nhiệm công khai - minh bạch theo pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, Điều 5 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định các nội dung phải công khai để nhân dân biết bao gồm “dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã”.

Bên cạnh đó, Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi, bao gồm: “thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”.

Đối với việc thực hiện dự án có sử dụng đất, pháp luật chuyên ngành cũng quy định rất cụ thể về trách nhiệm công khai và cung cấp thông tin của cơ quan hành chính nhà nước:

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về đất đai:

Điều 48 Luật Đất đai 2013 về trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định: “Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Điều 8 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ cũng đã quy định chi tiết về trách nhiệm công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trách nhiệm công khai thông tin trong thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 67, Điều 69, Điều 74 Luật Đất đai 2013. Bên cạnh đó, việc công bố, công khai thông tin không đúng quy định sẽ phải xử lý theo Điều 207 Luật Đất đai 2013 về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai.

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về quy hoạch:

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về quy hoạch được quy định cụ thể tại Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật Xây dựng 2014. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch xây dựng phải được công bố công khai. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền kịp thời công bố công khai cho tổ chức, cá nhân biết, giám sát trong quá trình thực hiện.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp các thông tin khi có yêu cầu. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có yêu cầu, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

Luật Quy hoạch 2017 tiếp tục khẳng định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch. Trong đó, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch được quy định cụ thể tại Điều 12. Một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch tại Điều 13 là “Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch”. Bên cạnh đó, về phạm vi công khai, Điều 38 Luật Quy hoạch 2017 đã quy định toàn bộ nội dung của quy hoạch phải được công bố công khai.

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về bảo vệ môi trường

Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định, ngoại trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước các thông tin môi trường phải được công khai gồm: “a) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; b) Thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; c) Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; d) Các báo cáo về môi trường; đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường”.

Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định, hình thức công khai phải bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin, cơ quan công khai thông tin môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về nhà ở

Điều 19 Luật Nhà ở 2014 quy định, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định cụ thể danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm dự án xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định sau đây:“a) Số lượng dự án; tổng số lượng nhà ở và tổng diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng hàng năm trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn;b) Các nội dung cơ bản của từng dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn bao gồm tên dự án, địa điểm đầu tư xây dựng, quy mô dự án, quy hoạch chi tiết của dự án, tiến độ thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, hình thức kinh doanh nhà ở và các nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; c) Việc công khai các thông tin về dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án”.

Các quy định về công bố, công khai chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở cũng được quy định chi tiết tại Điều 4 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Về trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về nhà ở, Điều 85 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “chỉ đạo công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Sở Xây dựng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 của Luật Nhà ở, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt”“chỉ đạo Sở Xây dựng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở các thông tin về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, được huy động vốn”...

Đối với đất để xây dựng nhà ở xã hội, Điều 56 Luật Nhà ở 2014 quy định, diện tích đất và các thông tin về khu vực, địa điểm dành để phát triển nhà ở xã hội phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Trách nhiệm công khai - minh bạch trong pháp luật về đầu tư

Theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư 2014 về trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ lập và công bố Danh mục dự án thu hút đầu tư tại địa phương. Điều 21 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về trách nhiệm công bố và cung cấp thông tin về dự án đầu tư quy định: Cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, tài nguyên và môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước khác có trách nhiệm công bố đầy đủ, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiếp cận thông tin, thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như pháp luật chuyên ngành đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Mọi hành vi bưng bít thông tin về các dự án đầu tư đều vi phạm pháp luật.

Về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí:

Tự do báo chí và tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật Báo chí 2016 đã khẳng định “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Chức năng, quyền hạn của cơ quan báo chí cũng được quy định rất cụ thể tại Điều 4 Luật Báo chí 2016. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật thừa nhận, giao trọng trách là “phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân”; và “phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Mọi hành vi tự ý hạn chế nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan báo chí đều vi phạm pháp luật.

Về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định, Nhà báo có quyền “được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật”“Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Nhà báo có nghĩa vụ “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Như vậy, mọi hành vi cản trở quyền và nghĩa vụ của nhà báo theo Điều 25 Luật Báo chí 2016 là vi phạm pháp luật.

Về những trường hợp được phép từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, Khoản 2 Điều 38 Luật báo chí 2016 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây:a) Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố”.

Như vậy, chỉ trong một số trường hợp nhất định, cơ quan quản lý nhà nước mới được phép từ chối cung cấp thông tin báo chí. Luật Báo chí 2016 không cho phép bất kỳ cơ quan, tổ chức nào lợi dụng, suy diễn vấn đề tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để từ chối cung cấp thông tin, bao che cho những dấu hiệu sai phạm mà cơ quan báo chí đề cập.

Thậm chí, hành vi từ chối cung cấp thông tin cho báo chí để bao che cho những dấu hiệu sai phạm mà cơ quan báo chí đề cập còn có thể được xem là hành vi tham nhũng. Theo Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, có hai hành vi được xác định là hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện khi từ chối cung cấp thông tin để bao che cho những dấu hiệu sai phạm: (1) “Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”; (2) “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi”. Điều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng quy định, “cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật”. Như vậy, với các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan báo chí đã được quy định tại Điều 4 Luật Báo chí 2016 đã nêu ở trên, việc các cơ quan báo chí yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước cung cấp thông tin về các dự án đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể khẳng định việc các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng vấn đề tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí để né tránh, từ chối cung cấp thông tin là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin đã được Hiến pháp và pháp luật chuyên ngành quy định. Bên cạnh đó, hành vi né tránh cung cấp thông tin để bao che cho những dấu hiệu sai phạm mà cơ quan báo chí phản ánh còn vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Do đó, Đảng và Nhà nước cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính trong việc chấp hành pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; xử lý kịp thời những biểu hiện né tránh, xa rời định hướng công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đình Phúc

 Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21

Bình luận: 1

Tiên Phong

16:24 29/10/2021

Tôn chỉ mục đích đang là rào cản và là tấm khiêng che chắn cho hành vi tham nhũng và lợi ích nhóm của bộ phận cán bộ và doanh nghiệp