TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 28/03/2024

Nhìn lại 10 năm thực hiện luật bình đẳng giới ở Việt Nam

14:49 01/07/2021
Logo header Năm 2006, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (BĐG). Luật yêu cầu các cơ quan, ban ngành thực hiện các nhiệm vụ của mình về BĐG và đảm bảo rằng các sai phạm phải được xử lý. Các văn bản hướng dẫn như các nghị định đã phân định nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thi hành Luật BĐG. Trong đó bao gồm các chương trình, kế hoạch với những mục tiêu cụ thể như: Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về BĐG (2011-2015 và 2016-2020), cũng như ban hành và/hoặc sửa đổi các văn bản luật khác có tầm ảnh hưởng sống còn tới thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ.

Kỳ 1: Luật bình đẳng giới từ góc độ văn bản pháp lý

1. Những nội dung của Luật Bình đẳng giới phù hợp với chuẩn mực quốc tế

Bình đẳng giữa nam giới với phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, gia đình

Đời sống xã hội và gia đình. Điều 1 của Luật BĐG xác định phạm vi của Luật là “các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Đời sống xã hội và gia đình có thể hạn chế phạm vi của Luật BĐG, ngược lại với nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo bình đẳng ở mọi lĩnh vực của đời sống (Điều 3 của CEDAW, ICCPR và ICESCR). Tuy nhiên, Luật BĐG lại mở rộng phạm vi tới các lĩnh vực khác trong các điều khoản khác. Khoản 1, Điều 7 của Luật quy định bảo đảm bình đẳng trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Tiếp đó, tại Chương 2, Luật thúc đẩy BĐG trong các lĩnh vực chính trị (Điều 11), kinh tế (Điều 12), lao động (Điều 13), giáo dục và đào tạo (Điều 14), khoa học và công nghệ (Điều 15), văn hóa, thông tin và thể thao (Điều 16), y tế (Điều 17) và gia đình (Điều 18).  Tiếp nữa, các điều khoản khác đề cập tới bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới.

Đại diện về chính trị. Các quy định của Điều 11 công nhận quyền bình đẳng trong lĩnh vực chính trị (đại diện về chính trị) đảm bảo rằng “Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội”. Nội dung này phù hợp với Điều 7 (b) của CEDAW (“Quyền bình đẳng khi tham gia xây dựng, thực hiện chính sách của Chính phủ và theo đó, giữ các chức danh trong cơ quan công quyền”).

Bình đẳng giới thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Điều 4 của Luật BĐG phù hợp với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế như CEDAW và Mục tiêu thứ 5 về Phát triển bền vững (Thực hiện bình đẳng giới và tăng quyền năng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái). Điều 4 khẳng định: Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Các biện pháp đặc biệt và mức độ đáp ứng sự khác biệt

Theo Khoản 3, Điều 6 của Luật BĐG, các biện pháp đặc biệt, hay còn gọi là các biện pháp thúc đẩy BĐG không bị coi là phân biệt đối xử. Điều này phù hợp với Điều 4 (1) của CEDAW. Luật BĐG có các quy định về các biện pháp đặc biệt hỗ trợ phụ nữ đạt được BĐG thực chất (thụ hưởng thành quả như nhau) với nam giới.

Những biện pháp đặc biệt này phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như Điều 4(1) của CEDAW và Khuyến nghị chung số 5 của Ủy ban CEDAW. Bên cạnh đó, Khoản 4, Điều 6 của Luật BĐG khẳng định: “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới”. Trong số các chính sách của Nhà nước về BĐG, tại Khoản 2, Điều 7 có chính sách: “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc 26 gia đình”. Việc đáp ứng các khác biệt về sinh học và giới như trên phù hợp với CEDAW và các chuẩn mực quốc tế khác trong việc bảo vệ phụ nữ hoặc yêu cầu cần có sự đáp ứng như vậy 5 . Quan điểm chính sách đáp ứng nhu cầu của người mẹ, cũng như những quan điểm khác tại Điều 7 của Luật BĐG cần phải được thể hiện trong các VBQPPL khác để được thực hiện có hiệu quả.

Thu hút sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước và tiến hành các hoạt động phổ biến thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử

Trách nhiệm và sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Điều 7 (4) của Luật BĐG coi việc khuyến khích “cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới” là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Luật nhân quyền quốc tế áp đặt nghĩa vụ của quốc gia thành viên, chủ thể thực hiện quyền, có trách nhiệm đảm bảo sự tôn trọng và thực hiện các quyền con người. Trách nhiệm của các chủ thể ngoài nhà nước ít nặng nề hơn nhưng được ghi nhận. Có phần lớn trách nhiệm, quốc gia thành viên phải điều chỉnh hành vi của các chủ thể ngoài nhà nước (Khuyến nghị chung số 16, đoạn 20 của CESCR).

Giáo dục và truyền thông về BĐG. Khoản 1, Điều 23, Luật BĐG nêu “Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới”.

Một số quyền cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau theo quy định của CEDAW

Quyền về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Bình đẳng giới trong các quyền về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục được ghi nhận tại Điều 17 (khoản 1 và 2), phù hợp với Điều 12 của CEDAW và phù hợp với ICESCR. Điều 12 của CEDAW nêu rõ: “Các quốc gia thành viên cần phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp để loại bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo, trên cơ sở bình đẳng nam nữ, quyền được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả những dịch vụ liên quan đến kế hoạch hóa gia đình”.

Quyền bình đẳng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và thông tin. Luật BĐG ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ trong việc tham gia các hoạt động này phù hợp với CEDAW và ICESCR. Sự tham gia về văn hóa nên được thể hiện rõ hơn việc phụ nữ tham gia thờ cúng tổ tiên và các tập tục truyền thống khác vốn dĩ loại trừ phụ nữ và coi trọng nam giới.

2. Những điểm chưa tương thích của Luật Bình đẳng giới với các chuẩn mực quốc tế

Một số định nghĩa chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp

Phân biệt đối xử gián tiếp chưa được định dạng. Luật BĐG, tại Khoản 5, Điều 5 định nghĩa về phân biệt đối xử như sau: “Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Định nghĩa này mới chỉ đề cập phân biệt đối xử trực tiếp mà chưa nói đến phân biệt đối xử gián tiếp.

Định nghĩa về giới chỉ giới hạn trong bình đẳng giữa nam và nữ. Có thể hiểu là mục tiêu của Luật BĐG là khắc phục tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ để đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ (Khoản 3, Điều 5). Mặc dù điều này phù hợp với câu chữ của CEDAW (Điều 3), nhưng ở một số quốc gia, Luật BĐG giải thích vấn đề giới rộng hơn việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ để bảo vệ cả bản dạng giới và biểu hiện giới; phù hợp với Tuyên bố của LHQ về xu hướng tính dục và bản dạng giới và các nghị quyết gần đây của Hội đồng Nhân quyền của LHQ

Bạo lực trên cơ sở giới chưa được định nghĩa và các biện pháp tương ứng chưa được xác định. Tại Khoản 3, Điều 10, Luật BĐG, bạo lực trên cơ sở giới được nhận diện nhưng chưa được định nghĩa tại Điều 5 (giải thích thuật ngữ); không có biện pháp cụ thể nào được quy định đối với các chủ thể có trách nhiệm nhằm giải quyết bạo lực trên cơ sở giới. Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ gồm có ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh, tảo hôn, hôn nhân cưỡng bức, các thủ thuật y tế đối với phụ nữ khuyết tật khi chưa được họ đồng ý, hình sự hóa các xu hướng tính dục phi dị tính 10 và hình sự hóa đối với phụ nữ mại dâm (Khuyến nghị chung số 35 của Ủy ban CEDAW). Dĩ nhiên bạo lực cần được chế tài theo pháp luật hành chính và hình sự, nhưng các cơ chế phòng ngừa và loại hình bạo lực trên cơ sở giới cần đưa vào trong Luật BĐG. Khuyến nghị chung số 19 và 35 của Ủy ban CEDAW và Tuyên bố của LHQ về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm 1993 đã đưa ra những định nghĩa toàn diện về bạo lực trên cơ sở giới.

Tín ngưỡng và truyền thống văn hóa có hại chưa được xác định. Mặc dù Luật đề cập tới một số thông lệ có hại nhưng không có các biện pháp cụ thể để xử lý những thông lệ đó như bạo lực trên cơ sở giới, vấn đề trọng nam thông qua hành vi nạo phá thai do lựa chọn giới tính.

Các hành vi bị cấm chưa được xác định rõ ràng. Các điều khoản cấm trong Luật chưa được quy định rõ ràng. Tại Điều 10, không rõ các hành vi “cản trở nam, nữ thực hiện BĐG” (Khoản 1) khác với “phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức” (Khoản 2) như thế nào.

Cần mở rộng các lĩnh vực đời sống Có thể bổ sung đầy đủ hơn một số hình thức phân biệt đối xử và thông lệ có hại đến BĐG như:

Mọi hình thức phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực của đời sống. Phân biệt đối xử có thể có diễn ra dưới nhiều hình thức trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống

Phạm vi bảo vệ trong một số lĩnh vực hay quyền cụ thể cần được mở rộng

Bình đẳng giới trong giáo dục mới chỉ tập trung vào việc tiếp cận. Luật BĐG quy định tiếp cận bình đẳng trong giáo dục về độ tuổi và tiếp cận đào tạo nghề và dạy nghề.

Bình đẳng trong kinh doanh và việc làm. Bình đẳng được khuyến khích trong kinh tế (kinh doanh) và tại nơi làm việc theo các Điều 12 và 13; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thiếu sót. Điều 12 nên đưa vấn đề phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp gia đình không có lương, để tương thích với Khuyến nghị chung số 16 của Ủy ban CEDAW. Điều 13 không đề cập quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tuy nhiên Bộ luật Lao động của Việt Nam có điều chỉnh hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc dù ở mức độ hạn chế.

Quấy rối tình dục chưa được nhận diện như một hình thức phân biệt đối xử. Quấy rối tình dục, nhất là ở nơi làm việc chưa được quy định trong Luật BĐG.

Quyền bình đẳng liên quan đến quốc tịch và phân biệt đối xử đối với phụ nữ di cư. Luật BĐG không quy định quyền bình đẳng về quốc tịch.

Lồng ghép giới mới chỉ đề cập đến các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mà chưa nói tới các chính sách, chương trình, kế hoạch của Chính phủ (tuy nhiên, có điểm cần tranh luận là: nếu tất cả các VBQPPL đều được lồng ghép các vấn đề BĐG, thì các chương trình và dịch vụ đi kèm của Chính phủ cũng sẽ đề cập tới vấn đề bất bình đẳng giới).

Các hình thức phân biệt đối xử đa tầng Mặc dù có các biện pháp đặc biệt được quy định dành cho phụ nữ và nam giới các dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, Luật BĐG chưa trực tiếp nêu chi tiết các hình thức phân biệt đối xử đa tầng hoặc bất lợi làm tăng thêm hệ quả bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với phụ nữ thuộc các nhóm yếu thế khác. Chẳng hạn, Luật chưa đề cập tới phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai khuyết tật. Bên cạnh đó, các biện pháp đặc biệt chú trọng tới phụ nữ, nhưng nếu ở nền văn hóa mẫu hệ, thì trẻ em trai lại có thể chịu bất lợi về giáo dục (theo trả lời phỏng vấn của một cán bộ ngành giáo dục). Đồng thời, Khuyến nghị chung số 28 của Ủy ban CEDAW về những nghĩa vụ chính nêu trong của Công ước, nhắc nhở các quốc gia thành viên rằng “Mối quan hệ đan xen đa lĩnh vực là khái niệm căn bản để hiểu phạm vi các nghĩa vụ chung của quốc gia thành viên được nêu tại Điều 2. Sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ dựa trên giới tính và giới có liên quan chặt chẽ với các yếu tố khác ảnh hưởng đến phụ nữ như sắc tộc, dân tộc, tôn giáo hay tín ngưỡng, sức khỏe, vị thế, tuổi tác, đẳng cấp, tầng lớp, xu hướng tính dục và bản dạng giới”.

Lê Nhung

(Tổng hợp từ Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam thực hiện).

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 - 21

Bình luận: 0