TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Nhìn lại bức tranh ngành mía đường thế giới năm 2020 (kỳ 1)

16:09 15/10/2021
Logo header Năm 2020, thị trường đường toàn cầu tiếp tục thâm hụt nguồn cung do sản lượng đường tại Brazil và Thái Lan giảm. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) ước tính thâm hụt đường toàn cầu 2020 - 2021 sẽ tăng lên 3,5 triệu tấn. Cùng nhìn lại một cách tổng quát bức tranh ngành mía đường thế giới năm 2020.

Kỳ 1: Sản lượng và tiêu thụ ngành mía đường thế giới 2020

1. Sản lượng

Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) cho biết hoạt động sản xuất ở nam bán cầu đã kết thúc trong tháng 12, với sản lượng mía thu hoạch ở Brazil và Australia tăng so với dự kiến. Trong khi đó, sản lượng mía ở Nam Phi tương đương với mức thu hoạch trong những năm gần đây.

Thị trường đường toàn cầu có khả năng thâm hụt nguồn cung do sản lượng đường tại Brazil và Thái Lan giảm. Điều này có thể có lợi cho việc xuất khẩu đường của Ấn Độ nhưng giá trên thị trường nội địa nước này nhiều khả năng vẫn ổn định do lượng đường còn dư thừa.

Trong niên vụ 2019 - 2020, nguồn cung đường ít hơn so với nhu cầu và dự kiến giá đường trên thị trường thế giới sẽ tăng nhưng nó đã giảm hơn 30% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020 do đại dịch COVID-19.

Trong niên vụ 2020 - 2021, sản lượng đường tại Brazil, EU và Thái Lan sẽ giảm do thời tiết không thuận lợi. Thâm hụt sẽ được đáp ứng bởi các nhà xuất khẩu Ấn Độ, nơi dự kiến sản lượng đường bội thu trong mùa này.

 Brazil: Hiệp hội mía đường Brazil (UNICA) khẳng định vụ thu hoạch 2020- 2021 là vụ mùa cung cấp nhiều nguyên liệu thô nhất cho các sản phẩm (đường và ethanol) ở miền Trung – Nam.

Tổng lượng đường có thể thu hồi (ATR) được các công ty sản xuất cho đến đầu tháng 12 là 86,33 triệu tấn, vượt qua số liệu cuối cùng được ghi nhận trong các vụ thu hoạch trước. Dự báo đến cuối chu kỳ 2020 - 2021 là 87,54 triệu tấn ATR tích lũy từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021.

Đây là kết quả của việc ép mía nhiều hơn và chủ yếu là do chất lượng của nguyên liệu thô chế biến được cải thiện. Trên thực tế, đến ngày 1/12, lũy kế lượng đường nghiền đạt 594,88 triệu tấn, tăng 3,32% so với cùng kỳ niên vụ trước và nồng độ đường trong nhà máy đạt 145,13 kg ATR/tấn mía, tăng 4,24%.

Đến cuối vụ thu hoạch 2020 - 2021, lượng mía nguyên liệu chế biến đạt 605 triệu tấn, với chỉ tiêu chất lượng 144,7 kg ATR/tấn mía.

Ông Antonio de Padua Rodrigues, Giám đốc kỹ thuật của UNICA, cho biết: “Niên vụ 2015- 2016, sản lượng mía ép đạt kỷ lục 617,71 triệu tấn nhưng chất lượng nguyên liệu chỉ đạt 130,51 kg ATR/tấn mía. Năm đó, số lượng ít hơn, nhưng chất lượng cao hơn nhiều. Nồng độ ATR cao nhất trong chu kỳ 2020 - 2021 sẽ tương đương với việc chế biến thêm gần 30 triệu tấn mía với chất lượng trung bình của các năm trước”.

UNICA ước tính rằng 46,04% lượng mía được chế biến trong vụ thu hoạch 2020 - 2021 sẽ được sử dụng để sản xuất đường, so với 34,33% được ghi nhận trong niên vụ trước đó. Do đó, sản lượng đường dự kiến cho niên vụ hiện tại là 38,4 triệu tấn, tăng 43,49% so với vụ trước.

“Chất lượng đặc biệt của nguyên liệu thô trong năm đó đã cho phép sản lượng đường tăng đáng kể. Đối với vụ thu hoạch tiếp theo, các dấu hiệu về nguồn cung mía thấp hơn và việc phục hồi chất lượng về mức lịch sử sẽ dẫn đến nguồn cung đường bị thu hẹp lại”, ông Rodrigues giải thích.

Australia: Tính đến đầu tháng 12, vụ mía của Australia đã đi đến cuối vụ với số lượng mía nghiền đạt 31 triệu tấn, cao hơn dự báo giữa mùa vụ nhưng lại dù phù hợp với dự báo ban đầu.

Sự gián đoạn vì thời tiết đang tái diễn đã khiến sản lượng đường trung bình của mùa vụ ở mức 13,77% giảm so với 14,09% của năm ngoái.

Nam Phi: Mùa thu hoạch năm 2020 cũng chứng kiến sự gián đoạn do mưa trái mùa và sự hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19. Điều này dẫn đến việc giảm lượng mía thu hoạch xuống 18,4 triệu tấn, so với ước tính trước đó là gần 19 triệu tấn. Sản lượng đường đạt khoảng 2,06 triệu tấn.

Thu hoạch củ cải đường ở bắc bán cầu cũng sắp kết thúc, mặc dù một số nơi sẽ phải tiếp tục trong năm 2021.

Ukraine: Cũng theo ISO, có 7,6 triệu tấn củ cải đường đã được được xử lý đến cuối tháng 12 trong tổng số thu hoạch 9,15 triệu tấn để sản xuất 1,01 triệu tấn đường.

Các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng phần lớn củ cải còn lại không có khả năng được chế biến với tổng sản lượng đường dự kiến sẽ không vượt quá 1,1 triệu tấn, giảm so với mức 1,48 triệu tấn năm ngoái, là mức thấp mới cho ngành công nghiệp mía đường nước này

Anh: Triển vọng về vụ củ cải hiện tại đã được sửa đổi thấp hơn vì rệp làm lây lan bệnh vàng da trên cây tiếp tục tác động đến năng suất củ cải đường và điều kiện thu hoạch vẫn còn thách thức.

Ước tính mới nhất cho sản xuất đường của nước này ở mức 900.000 tấn, giảm so với mức 1,19 triệu tấn của mùa trước.

Ngay cả với hạn ngạch miễn thuế là 260.000 tấn được cấp cho các nhà máy của Vương quốc Anh, cán cân trong nước vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp EPA/EBA hoặc nhập khẩu đường từ Pháp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 2,2 triệu tấn.

Triển vọng sản xuất trong những tháng tới với trọng tâm sẽ là Ấn Độ, Thái Lan và các nhà sản xuất ở Trung Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với những thách thức, chẳng hạn như hàng xuất khẩu, cạnh tranh đối với sự chuyển đổi canh tác dẫn đến diện tích trồng mía giảm và thời tiết bất lợi trước vụ thu hoạch.

Ấn Độ: Liên đoàn các nhà máy đường hợp tác quốc gia Ấn Độ (NFCSF) cho các nhà máy đường trong nước đã sản xuất 108.550 tấn đường tính đến ngày 31/12, tăng gần 40% so với 78.300 tấn so với sản lượng trong cùng kỳ năm ngoái.

Tại Maharashtra, sản lượng đường đứng ở mức 39,86 vạn tấn so với 16,5 vạn tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đường tại Uttar Pradesh tăng nhẹ ở mức 33,66 vạn tấn từ 33,16 vạn tấn. Sản xuất đường ở Karnataka, bang sản xuất đường lớn thứ ba sản xuất 23,40 vạn tấn với 65 nhà máy nghiền trong khi trong năm ngoái với 63 nhà máy sản xuất 16,35 vạn tấn đường. Các bang sản xuất đường khác đóng góp thêm 8,95 vạn tấn đường.

Ông Rajendra Girame, Giám đốc điều hành của Nhà máy Đường Saswad Mali, cho biết hoạt động kinh doanh đường ở Ấn Độ sẽ chỉ khởi sắc nếu chính phủ ấn định giá hỗ trợ tối thiểu cho đường là 3.500 rupee/tạ. Hiện các nhà máy đường đang lỗ 450 rupee/tạ và đang gặp căng thẳng về tài chính. Nếu điều này tiếp tục, số phận của các nhà máy đường sẽ giống như các nhà máy dệt may,

“Chi phí sản xuất 1 tạ đường vào khoảng 3.500 – 3.600 ruppee và chính phủ đã ấn định FRP ở mức 3.100 rupee  nhưng chúng tôi hiếm khi có thể bán đường ở mức này. Do đó, chúng tôi buộc phải bán đường ở mức 3.020 – 3.050 ruppe/tạ. Điều này khiến các nhà máy đường bị lỗ”, ông Rajendra Girame cho hay

Mexico : Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng niên vụ 2020 – 2021 không đổi so với dự báo tháng 11 ở mức 5,95 triệu tấn, tăng 672.000 tấn so với niên vụ trước.

Ủy ban quốc gia của Mexico về Phát triển bền vững mía đường (CONADESUCA) đã báo cáo về việc mùa thu hoạch năm nay khởi động chậm khiến các nhà máy chậm đi vào sản xuất. Mưa bão là một trong những yếu tố dẫn đến việc khởi động chậm này ở một số bang trồng mía của Mexico.

Philippines: Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý

Đường (SRA) cho thấy sản lượng đường thô đã tăng 31% lên 407.770 tấn tính đến tuần đầu tiên của tháng 12.

Sản lượng hiện tại cao hơn mức 311.617 tấn được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019. Niên vụ đường bắt đầu từ tháng 9 hàng năm và kết thúc vào tháng 8 năm tiếp theo.

Dựa trên dữ liệu về sản lượng đường trong niên vụ, sản lượng bao 50 kg đạt 8,15 triệu bao so với 6,23 triệu bao của năm trước. Hơn nữa, nhu cầu đường thô của nước này tăng 19% lên 407.569 tấn từ 343.597 tấn. Tổng lượng đường được chế biến trong giai đoạn này là 5,14 triệu tấn, tăng 38% so với 3,71 triệu tấn của năm trước.

Về đường tinh luyện, sản lượng giảm 34% xuống 73.290 tấn tính đến tuần đầu tiên của tháng 12. Trong khi đó, giá xuất xưởng của mặt hàng này vẫn giữ nguyên ở mức 1.510 P1/bao 50 kg (P1: tiền kim loại của Philippines).

Năm nay, sản lượng đường của nước này có thể sẽ tăng 2% lên 2,19 triệu tấn. Tất cả đường sản xuất ở Philippines đều được tiêu thụ tại địa phương, nơi chiếm khoảng 50% lượng đường tiêu thụ nội địa của các hộ công nghiệp, 32% của các hộ gia đình và 18% còn lại là của các tổ chức

Thái Lan: Sản lượng mía ép đến ngày 31/12 đạt 10,18 triệu tấn, thấp hơn 56% so với cùng kỳ vụ trước. Lượng mía ép trung bình mỗi ngày trong tháng 12 giảm 38% xuống 478.472 tấn so với năm ngoái.

Các quy định của chính phủ bắt buộc các nhà xay xát phải thu mua ít nhất 80% mía tươi từ nông dân để ép. Chính phủ cũng đã trợ cấp cho các nhà máy xay xát để thu mua mía tươi.

Nông dân sử dụng phương pháp đốt mía vì nó giảm thời gian và công sức cho việc thu hoạch so với việc cắt bỏ lá mía thủ công. Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến việc ép chậm là có khoảng 10 nhà máy đường từ miền Bắc và miền Trung chưa đi vào hoạt động.

Theo báo cáo về tình hình ép mía của Chính phủ Thái Lan, các nhà máy đường đã thu mua 1,99 triệu tấn đường (19,6%) và 8,19 triệu tấn (80,4%) mía.

Năm ngoái, các nhà máy đã mua 46,7% tương đương 10,75 triệu tấn mía và 53,26% hay 12,25 triệu tấn mía tươi để ép.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong niên vụ 2020 - 2021, sản lượng đường của Thái Lan được dự báo sẽ giảm xuống còn 7,9 triệu tấn, giảm 5% do hạn hán đã làm giảm diện tích, sản lượng và tỉ lệ khai thác.

Trong khi đó, tiêu dùng dự kiến sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ đường trực tiếp và dịch vụ ăn uống ngày càng cao. Xuất khẩu được dự báo sẽ tăng nhẹ trong khi dự trữ được dự báo sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp.

Mỹ: Trong báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nêu rằng sản lượng đường từ mía và củ cải đường ước tính sẽ tăng trong năm 2020 – 2021 từ 13,5% lên 14,4%.

Cụ thể, tổng sản lượng đường ước tính tăng lên 9,15 triệu tấn, cao hơn 1,007 triệu tấn so với niên vụ 2019 - 2020 và tăng 195.632 tấn dự báo trong tháng 12. Trong đó, lượng đường từ mía ước đạt 4.992.000 tấn, tăng 641.000 tấn so với năm ngoái. Còn sản lượng đường từ củ cải ước đạt 4.163.000 tấn, tăng 365.000 tấn so với niên vụ trước.

USDA tuyên bố rằng dữ liệu từ các khu vực sản xuất củ cải đường cho thấy sự gia tăng của lượng đường sucrose thu hồi lên 14,955%, dẫn đến ước tính sản lượng đường tăng. Trước đó, tỷ lệ chiết xuất đường tích lũy từ củ cải đường đến tháng 10 ở mức 14,48%, tương đương với các năm trước.

Tổng cung đường của Mỹ giai đoạn 2020 - 2021 dự báo là 14,006 triệu tấn, tăng 357.525 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 79.000 tấn trong giai đoạn 2019-20.

Tổng lượng đường sử dụng trong giai đoạn 2020 - 2021 dự kiến là 12,34 triệu tấn, không đổi so với tháng 11 nhưng giảm 128.000 tấn so với mức 12,468 triệu tấn của năm 2019 - 2020.Lượng đường giao cho thực phẩm được dự báo là 12,2 triệu tấn, không đổi so với tháng trước nhưng giảm 35.000 tấn so với năm ngoái.Dự trữ đường cuối kỳ của Mỹ niên vụ 2020 - 2021 được dự báo ở mức 1,66 triệu tấn, tăng 357.000 tấn so với tháng 11 và tăng 48.000 tấn trong giai đoạn 2019 - 2020.

2. Tiêu thụ

Brazil : Theo ISO, xuất khẩu đường của Brazil kể từ tháng 4 đạt 26,9 triệu tấn, với khoảng 3 triệu tấn được vận chuyển trong tháng 11 và tháng 12.

 Cơ quan cung cấp lương thực Brazil (Conab) đã nâng dự báo sản lượng đường trong niên vụ lên 41,8 triệu tấn, từ mức dự báo 39,3 triệu tấn trong báo cáo tháng 8.

Đây là lần thứ hai Conab nâng dự báo sản lượng đường. Con số tháng 8 cao hơn dự báo ban đầu của cơ quan này là 35,3 triệu tấn. Brazil sản xuất 29,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2019 - 2020.

Hầu hết nhà máy đường của Brazil có thể chuyển đổi giữa sản xuất đường hoặc ethanol tùy thuộc vào loại nào có lợi hơn. Đất nước này có đội xe lớn nhất thế giới có thể chạy bằng xăng hoặc nhiên liệu thay thế và các tài xế thường chọn loại này hay loại khác dựa trên giá tại các máy bơm. Với sự bắt đầu của đại dịch vào tháng 3, nhu cầu đối với ethanol và các loại nhiên liệu khác giảm mạnh, thúc đẩy nhiều nhà máy tăng cường sản lượng đường thay thế.

Việc sử dụng ethanol hầu hết đã phục hồi khi các biện pháp tránh xa xã hội được nới lỏng và hoạt động kinh tế tăng lên, nhưng thời tiết xấu ở các nước sản xuất đường khác đã giúp hỗ trợ giá cho chất tạo ngọt và khuyến khích các nhà máy tăng sản lượng. Conab đã tăng dự báo cho vụ mía đường, lên 665,1 triệu tấn so với dự báo 642,1 triệu tấn trong báo cáo tháng 8. Cả nước đã trồng được 642,7 triệu tấn mía trong năm 2019 - 2020.

Conab cũng nâng dự báo về tổng sản lượng ethanol trong niên vụ 2020 - 2021.  Brazil sản xuất ethanol chủ yếu từ mía, nhưng sản lượng sử dụng ngô làm cơ sở cũng đang tăng lên.

Conab cho biết Brazil có thể sản xuất 32,9 tỷ lít ethanol trong mùa này. Vào tháng 8, cơ quan này dự báo sản lượng ethanol là 30,6 tỷ lít và trong năm 2019 - 2020 Brazil sản xuất 35,7 tỷ lít.

Mexico : Theo USDA, nhập khẩu đường từ Mexico cao hơn đáng kể, cùng với sự gia tăng khiêm tốn trong hạn ngạch thuế quan và nhập khẩu cấp cao nhiều hơn bù đắp cho sản lượng đường củ cải trong nước và dự trữ đầu kỳ thấp hơn, nâng tỷ lệ tồn kho cuối kỳ 2020 - 2021.

Hầu hết thay đổi so với WASDE tháng 11 của USDA dự kiến là tháng 12 là tháng mà hạn mức xuất khẩu của Mexico được điều chỉnh để đưa tỷ lệ sử dụng hàng tồn kho xuống mức tối thiểu 13,5% như được nêu trong các hiệp định đình chỉ thuế chống trợ cấp và điều tra chống bán phá giá đối với đường từ Mexico.

Tỷ lệ sử dụng cuối kỳ 13,5% đã được nâng lên từ 10,6% như dự báo của tháng 11 và so với 13% là tỷ lệ cuối cùng có thể có cho 2019 - 2020, không thay đổi so với tháng 11. Tỷ lệ 2018 - 2019 là 14,5%.

Tổng lượng nhập khẩu cho giai đoạn 2020 - 2021, bắt đầu từ ngày 1/10 được dự báo là 3,428 triệu tấn, tăng 403.706 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 726.000 tấn so với niên vụ 2019 - 2020. Nhập khẩu theo hạn ngạch (TRQ) được dự báo là 1,808 triệu, tăng97.000 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 263.000 tấn so với năm ngoái.

Cùng với mức tăng hồi tháng 4 là 350.000 STR đã đưa tổng TRQ lên 1,681 triệu STRV. “Đường thô TRQ 2019 - 2020 nhập khẩu vào tháng 10/2020 đã được điều chỉnh tăng 96,956 tấn với tổng số 248,854 tấn”, USDA cho biết.

Do đó, niên vụ 2020 - 2021 nhập khẩu đường thô TRQ cũng tăng tương ứng lên 1,381 triệu STRV và lượng đường thô TRQ thiếu hụt trong giai đoạn 2019 - 2020 ước tính là 84.180 tấn.

Mặc dù giới hạn xuất khẩu đối với các lô hàng sang Mỹ đã được nâng lên mạnh mẽ từ tháng 11, nhưng tổng lượng xuất khẩu đã thay đổi rất ít do

Mexico chuyển các chuyến hàng từ các nước khác sang Mỹ. ”Xuất khẩu sang Mỹ được tăng lên 992.683 tấn theo tính toán nhu cầu của Mỹ được quy định trong các thỏa thuận tạm ngừng điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp (AD/CVD). Xuất khẩu sang các nước thứ ba còn tồn tại giảm xuống còn 496.824 tấn”, USDA cho biết.

Nhập khẩu được dự báo là 105.000 tấn, tăng 19.000 tấn so với tháng 11 vàtăng 28.000 tấn so với năm ngoái.

Mỹ: Theo USDA, tổng lượng nhập khẩu cho giai đoạn 2020 - 2021, bắt đầu từ ngày 1/10, được dự báo là 3,43 triệu tấn, tăng 403.706 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 726.000 tấn so với niên vụ 2019 - 2020.

Nhập khẩu TRQ được dự báo là 1,808 triệu tấn, tăng 97.000 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 263.000 tấn so với năm ngoái.

Nhập khẩu cấp cao được nâng lên 110.000 tấn, tăng 35.000 tấn so với tháng trước nhưng giảm 165.000 tấn so với mức kỷ lục 275.000 tấn trong năm 2019 - 2020.

Nhập khẩu từ Mexico được dự báo là 1,16 triệu tấn, tăng 271.750 tấn so với tháng 11 nhưng giảm 216.000 tấn từ năm 2019 - 2020.

Báo cáo USDA cũng cho biết đã giảm 87.000 tấn nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan xuống còn 1,72 triệu tấn.

Ấn Độ: Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA) cho biết các nhà xuất khẩu đã bắt đầu ký hợp đồng xuất khẩu đường và đường đã bắt đầu được chuyển đi. Các nhà xuất khẩu được cho là đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 100.000 tấn đường cho đến nay.

Ấn Độ đang xem xét mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong mùa này. ISMA cho biết Ấn Độ có cơ hội tốt để ký hợp đồng và xuất khẩu đường cho đến khoảng tháng 3 - 4 năm 2021, khi đường Brazil gia nhập thị trường.

Có tới 481 nhà máy đường đã sản xuất 110,22 vạn tấn đường trong vụ đường hiện tại bắt đầu vào tháng 10/2020 Ấn Độ đang hướng tới việc tăng xuất khẩu đường sang Indonesia, nước nhập khẩu đường lớn thứ hai trên thế giới. Indonesia cần 30 vạn tấn đường thô và Ấn Độ sẽ sớm ký thỏa thuận với nước này để cung cấp đường.

Ông Prakash Naiknavare, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, cho biết: “Nhu cầu đường thô trên toàn cầu đang tăng lên và nếu các nhà máy tăng sản lượng đường thô, chúng tôi có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 60 vạn tấn đường. Điều này sẽ có lợi cho ngành đường ở Ấn Độ”.

Philippines: Theo Cục Quản lí đường (SRA), Philippines, vốn là nhà xuất khẩu đường nhất quán và đáng tin cậy, là một trong những quốc gia được lựa chọn phân bổ 7% sản lượng dự kiến 2,19 triệu tấn (MMT) của niên vụ tới để xuất khẩu sang Mỹ nhằm giảm thiểu lượng hàng tồn kho cao, vì đại dịch đóng cửa làm giảm nhu cầu nội địa và giúp ổn định giá cả.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar, ông Hermenegildo Serafica, Giám đốc SRA, cho biết cơ quan này đang nghiên cứu khả năng xuất khẩu đường dư thừa sang Mỹ để tận dụng mức ưu đãi của Washington.“Chúng tôi dự báo rằng chúng tôi sẽ dư thừa đường trong niên vụ 2020/2021 sẽ cần được xuất khẩu, và chúng tôi dự kiến sản xuất 2,19 triệu tấn (MMT) đường cho niên vụ 2020 - 2021, cao hơn sản lượng 2,14 MMT của năm trước”, Serafica cho biết.

Niên vụ đường ở Philippines bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 8 năm sau. Trước đó, các nhà sản xuất đường địa phương đã thúc giục SRA loại bỏ ý định xuất khẩu đường ra thị trường thế giới để đảm bảo rằng nước này sẽ có đủ đường trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Serafica cho biết việc duy trì lượng hàng tồn kho cao sẽ chỉ khiến giá nội địa giảm xuống, đặc biệt là hiện nay việc tiêu thụ đường và lượng đường rút ra khỏi kho đã chậm lại.

Ông chỉ ra rằng nhu cầu về đường đã giảm đáng kể do các nhà sản xuất sản phẩm chứa đường đã hạn chế hoạt động của họ. Ngoài ra, hầu hết các nhà hàng đều hạn chế hoặc ngừng hoạt động.

Giám đốc SRA cho biết thêm: “Xuất khẩu đường trong nước sẽ giảm bớt và giúp ổn định giá ở mức có lợi cho người sản xuất và công bằng cho người tiêu dùng. Trong nhiều năm, Philippines đã không phân bổ đường cho các thị trường ngoài Mỹ, trong khi Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu của đường nội địa do giá tốt hơn so với thị trường thế giới.

Còn theo ông Vijay Autade, chuyên gia về mía đường: “Sản lượng đường sụt giảm của Brazil và Thái Lan sẽ có lợi cho Ấn Độ, nơi sản lượng đường đang dư thừa. Ấn Độ nên nắm bắt cơ hội xuất khẩu đường”.

Indonesia: Theo Chini Mandi, Indonesia có thể bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu đường của Ấn Độ sang Iran bằng cách trở thành nhà nhập khẩu đường lớn nhất trong mùa vụ này.

Ông Rahil Shaikh, Giám đốc Quản lý Hàng hóa Ấn Độ của MEIR, cho biết: "Indonesia sẽ bù đắp cho việc giảm nhập khẩu đường của Iran vì Jakarta sẽ nhập khẩu hơn 10 vạn tấn đường từ Ấn Độ so với 3 vạn tấn trong mùa trước."

Trong khi đó, ông Abinash Varma, Tổng giám đốc, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ (ISMA), cho biết “Indonesia có thể nhập khẩu 200.000 tấn đường từ Ấn Độ, nhiều hơn 140.000 tấn nhập khẩu của Iran trong mùa trước”.

Theo lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran, nước này không thể sử dụng USD để bán dầu thô. Các hạn chế đã được áp đặt do chương trình hạt nhân của Tehran.

“Ngoài những vấn đề này, Ấn Độ có cơ hội sáng sủa để tăng xuất khẩu sang Indonesia do Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn nhất sang Indonesia, có sản lượng thấp”, ông Varma cho biết Thái Lan chiếm 80 - 85% tổng lượng đường nhập khẩu của Jakarta.

Minh Hằng/ Tri thức Xanh số 79-21

Bình luận: 0