TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Nhìn lại hoạt động thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu từ sự hài lòng của doanh nghiệp (kỳ 1)

22:20 02/09/2021
Logo header Lĩnh vực thủ tục hành chính xuất nhập khẩu trong 10 năm qua đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận, đã có nhiều cải cách được thực hiện để tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Thông qua phản hồi của 3.657 doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan, VCCI đã công bố báo cáo phản ánh tình hình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) xuất nhập khẩu nói  chung; đánh giá hiệu quả thực hiện thủ tục hải quan của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nói riêng; đồng thời đem lại góc nhìn của doanh nghiệp về những khía cạnh khác nhau liên quan đến TTHC xuất nhập khẩu. Dưới đây là một số kết quả chính của báo cáo này.

1. Tiếp cận thông tin về TTHC xuất nhập khẩu

Doanh nghiệp đang sử dụng ngày một đa dạng các phương thức tiếp cận thông tin TTHC xuất nhập khẩu. Cổng thông tin điện từ của Tổng cục Hải quan, trang thông tin điện tử của Cục Hải quan các tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia là ba kênh thông tin được doanh nghiệp sử dụng thường xuyên nhất.

Gần 80% doanh nghiệp hài lòng với thông tin cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan. Các kênh thông tin Cổng thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh/thành phố và Cổng thông tin thương mại quốc gia cũng đạt được tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp trên 70%. Doanh nghiệp ít hài lòng hơn với các phương thức cung cấp thông tin truyền thống như gọi điện, gửi công văn, tập huấn/đào tạo hay cung cấp thông tin qua ấn phẩm, tờ rơi. Trong đó, 55,6% doanh nghiệp hài lòng với hình thức tiếp cận thông tin qua tờ rơi, ấn phẩm - thấp nhất trong số các phương thức tiếp cận thông tin được khảo sát.

Khoảng 11% doanh nghiệp cho rằng thông tin TTHC còn chưa dễ hiểu, và khá đáng chú ý là các doanh nghiệp FDI, hoạt động lâu năm, có giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cao lại bày tỏ quan ngại về vấn đề này nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp khác. Dù vậy, điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp nhìn chung đồng tình rằng so với những năm trước đây, thông tin đã sẵn có, dễ tìm hơn, được cung cấp thống nhất hơn, nhanh hơn và các biểu mẫu TTHC dễ khai báo hơn.

Khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin TTHC xuất nhập khẩu, giảm mạnh so với tỷ lệ 54% của năm 2015. Khi gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp thường tìm sự trợ giúp trước tiên từ các Chi cục Hải quan, sau đó là Cục Hải quan tỉnh/thành phố, Tổng cục Hải quan và các đơn vị khác. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với việc giải đáp vướng mắc tại các Chi Cục và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố lần lượt là 74% và 72%, tiếp đến là của Tổng cục Hải quan (63%). Tỷ lệ hài lòng với những đơn vị còn lại không có khác biệt nhiều, với tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng ở khoảng 62%. Các giá trị này đều có sự cải thiện so với kết quả khảo sát của năm 2018.

2. Thực hiện TTHC hải quan

Tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thường xuyên thay đổi gây nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC thông quan. Cụ thể, 24,2% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục kiểm tra hồ sơ và 10,3% doanh nghiệp thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa cho biết gặp tình trạng này.

Các khó khăn phổ biến khác khi doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa là “phải in và nộp tờ khai, giấy tờ khác thuộc hồ sơ hải quan,” “sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan liên quan,” và “thời gian xử lý hồ sơ lâu hơn quy định.” Dù vậy, điểm rất tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp gặp các khó khăn kể trên đều giảm đáng kể trong khảo sát năm 2020 so với kết quả khảo sát năm 2018.

Cũng như với các thủ tục thông quan, doanh nghiệp tiếp tục phản ánh tình trạng các quy định hay thay đổi là trở ngại khi tuân thủ các quy định về quản lý thuế. 9,8% doanh nghiệp phản ánh vấn đề này với các quy định về nộp thuế và 12,4% doanh nghiệp đề cập tới khi xem xét thủ tục hoàn thuế.

Tình trạng “phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan khác có liên quan,” và “công chức Hải quan không hướng dẫn đầy đủ, tận tình” cũng được đề cập nhưng với tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải thấp hơn. Xu hướng thay đổi tích cực theo thời gian vẫn tiếp tục được duy trì khi tỷ lệ doanh nghiệp gặp các khó khăn trên đều giảm so với năm 2018.

Đối với thủ tục kiểm tra sau thông quan, một doanh nghiệp điển hình tuân thủ khoảng 1 lần thủ tục này trong năm vừa qua và trở ngại điển hình họ gặp phải là vấn đề thời gian kiểm tra bị kéo dài hơn quy định hoặc các lô hàng bị kiểm tra trùng lặp. Tình trạng “thời gian kiểm tra bị kéo dài hơn so với quy định” xảy ra nhiều nhất với nhóm doanh nghiệp dịch vụ logistics và đại lý hải quan. Trong khi đó, tình trạng “chi cục kiểm tra sau thông quan kiểm tra cả những lô hàng đã được kiểm tra bởi Chi cục Hải quan cửa khẩu” xảy ra nhiều hơn với các doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cũng là nhóm hay gặp tình trạng “bị yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ ngoài quy định,” và “nội dung kiểm tra chồng chéo, trùng lặp.”

3. Thực hiện TTHC hải quan

Đối với thủ tục kiểm tra, xác định mã số HS, doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn ở giai đoạn trước khi khai hải quan. Khác với các giai đoạn khai hải quan, trong thông quan và sau thông quan, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn ở giai đoạn trước khi khai hải quan để xác định mã số HS không những không giảm so với kết quả năm 2018 mà còn tăng lên trong năm 2020. Trong khi đó, đối với thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan, giai đoạn khai hải quan và trong thông quan lại thường phát sinh khó khăn đối với doanh nghiệp. Ở các giai đoạn này của thủ tục tham vấn xác định trị giá hải quan, kết quả khảo sát năm 2020 không cho thấy sự cải thiện đáng kể nào so với năm 2018. Dù vậy, dấu hiệu thay đổi tích cực theo thời gian có thể quan sát được đối với thủ tục ở giai đoạn sau thông quan.

Khảo sát năm 2020 cũng dành một phần tìm hiểu về các thủ tục liên quan đến kiểm tra cơ sở gia công, cơ sở sản xuất xuất khẩu. Đa số doanh nghiệp cho rằng việc tuân thủ thủ tục kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất xuất khẩu không quá khó khăn, và sự thuận lợi ở mức bình thường. Các doanh nghiệp cũng đã cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị và nộp Báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL. Đa số doanh nghiệp đánh giá mức độ thuận lợi là “bình thường” (69,7%) nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn (14,2%) gần tương đương với tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục dễ dàng (16,1%). Thời gian định kỳ phù hợp để thực hiện báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL được đa số doanh nghiệp đề xuất là 1 lần/năm để giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tương tự, 72,4% doanh nghiệp đánh giá việc thủ tục kiểm tra báo cáo quyết toán, tồn kho nguyên liệu, vật tư và hàng hóa xuất khẩu ở mức bình thường và 13,7% doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết không phải thực hiện quá 1 lượt kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu qua máy soi container mỗi tháng và việc tuân thủ thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa qua máy soi container nhìn chung không quá khó khăn. 62,9% doanh nghiệp cho rằng việc tuân thủ là “bình thường,” và chỉ 4,3% doanh nghiệp từng gặp khó khăn trên thực tế.

Liên quan đến các TTHC hải quan kể trên, 87,2% doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan có tính hiệu quả, trong khi khoảng 85,3% đánh giá cơ quan Hải quan đã hỗ trợ kịp thời.

4. Thủ tục giám sát hàng hoá

56% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động trong năm 2020, tăng đáng kể từ con số 43% của năm 2018.

Doanh nghiệp cũng phản ánh một số nhóm vấn đề khó khăn gặp phải khi sử dụng hệ thống VASSCM. Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp là “hệ thống công nghệ thông tin hay báo lỗi” (25,5% doanh nghiệp gặp phải), “sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan khác” (10,8%) và vấn đề “không công khai thông tin, quy trình thực hiện” (5,7%).

Các doanh nghiệp cũng đã cung cấp đánh giá chi tiết hơn về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục giám sát liên quan đến “vận chuyển độc lập, quá cảnh, chuyển tải, tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập”. Kết quả, vận chuyển độc lập được đánh giá có mức độ thuận lợi cao nhất (21,7% đánh giá dễ/rất dễ), kế đến là khâu tạm nhập - tái xuất (15,8%), chuyển tải (15,7%), quá cảnh (15%) và tạm xuất - tái nhập (14,7%). Khó khăn chính tồn tại ở khâu vận chuyển độc lập là tình trạng hệ thống công nghệ thông tin hay báo lỗi. Trong khi đó, khó khăn chủ yếu ở cả 4 khâu quá cảnh, chuyển tải, tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập đều là về sự phối hợp chưa đồng bộ giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan khác.

Thiên Ân

(Bài viết được tổng hợp từ Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020”)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 77 - 21

Bình luận: 0