TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 27/12/2024

Pháp luật và dịch vụ pháp luật về quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

18:39 15/10/2020
Logo header

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Pháp luật về quản lý các vấn đề xã hội trong các Khu công nghiệp (KCN)

Nhận diện vấn đề xã hội và quản lý các vấn đề xã hội trong các khu công nghiệp

Từ điển Wikipedia có đưa ra định nghĩa: “Vấn đề xã hội (hay các vấn đề xã hội) là tất cả những gì liên quan đến con người, các nhóm người, các cộng đồng người đến sự tồn tại, phát triển của con người trong một hoàn cảnh xã hội nhất định, được nhận thức như một vấn nạn của xã hội, đụng chạm đến lợi ích của một cộng đồng. Đó là sản phẩm của con người có ảnh hưởng đến một nhóm người nhất định và chỉ có thể được khắc phục thông qua hành động xã hội”. 

Theo đó, có thể hiểu các vấn đề xã hội là những vấn đề phát sinh trong các quan hệ xã hội, có tác động, ảnh hưởng hoặc đe dọa đến sự phát triển của cộng đồng cũng như chất lượng cuộc sống xung quanh đòi hỏi phải có những biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực và phát huy những yếu tố tích cực nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của cộng đồng. Các vấn đề xã hội nảy sinh trong các KCN khá đa dạng do phát sinh từ nhiều khía cạnh từ các vấn đề về việc làm, thu nhập, hôn nhân gia đình, nhập cư, xuất cư, dân tộc, tôn giáo, đình công, biểu tình, cho tới các hoạt động văn hóa, giải trí, các vấn đề về y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và môi trường làm việc,…

Như vậy, các vấn đề xã hội tựu chung gồm: Môi trường; Y tế - sức khỏe; giáo dục (hay an sinh xã hội); trợ cấp xã hội; hỗ trợ người khuyết tật; giao thông; cơ sở hạ tầng; tình người trong xã hội (ủng hộ và giúp đỡ gia đình neo đơn, gia đình chính sách); bảo vệ động vật; quyền của người lao động; văn hóa.

Các vấn đề xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, do vị trí của con người trong xã hội quy định. Tuy nhiên, do địa vị của con người ở mỗi chế độ xã hội khác nhau là không giống nhau, cho nên vai trò, bản chất của các vấn đề xã hội cũng khác nhau. Nhà nước Việt Nam từ khi thành lập cho tới nay luôn tạo ra những khả năng khách quan giảm thiểu tình trạng đói nghèo, mâu thuẫn xã hội và phân chia giàu, nghèo đã không ngừng cải thiện các điều kiện sống, tạo ra các tiền đề pháp lý, cơ sở vật chất cho sự phát triển của cá nhân, của người lao động để họ tự giác tham gia có hiệu quả các hoạt động xã hội, cũng như xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Quản lí theo từ điển tiếng Việt được hiểu là: “Trông coi và giữ gìn hoặc tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu nhất định”. Vì thế, quản lý là hoạt động một cách có tổ chức và định hướng của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý để điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của con người nhằm duy trì tính ổn định và phát triển của đối tượng quản lý theo những mục tiêu đã định. Như vậy, quản lí các vấn đề xã hội trong các KCN là quá trình tác động một cách có tổ chức của chủ thể quản lý (Ban quản lý KCN) lên đối tượng quản lý (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong KCN) để điều chỉnh các hành vi của con người đối với các vấn đề xã hội phát sinh trong các KCN nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, đảm bảo duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.

Pháp luật về các vấn đề xã hội trong các khu công nghiệp
Để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp ngày càng hiện đại, trong đó đời sống của người lao động trong các KCN ngày càng được tăng cường, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện mục tiêu của việc phát triển các KCN. Trong đó phải kể tới: Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 28/01/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 11/NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm tổ chức Công đoàn Việt Nam thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 28/01/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Báo cáo 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Báo cáo của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn năm 2017). Theo đó, những nội dung cơ bản liên quan đến quản lý các vấn đề xã hội trong các khu công nghiệp được thể hiện trong các Văn bản chỉ đạo trên như sau: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”; “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”; “Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động”; “Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ”,… Nhìn chung, các văn bản định hướng của Đảng và cơ quan Trung ương đều hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống và các vấn đề xã hội khác cho người lao động nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung. Đặc biệt nhấn mạnh phát triển công nghiệp đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, chính sách an sinh xã hội cho người lao động trong các Khu công nghiệp.

Hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng và cơ quan Trung ương, cơ quan Chính phủ và các Bộ ban ngành đã có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước như: Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT là văn bản pháp quy quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế, chính sách, quy hoạch, phát triển và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX, KKT trên địa bàn cả nước; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT; Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT. Bên cạnh những văn bản pháp luật cũ, thời gian qua, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị định nói trên như Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03/9/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý (BQL) các KCN, KKT; Thông tư số 32/2014/TT/BLĐTBXH ngày 01/12/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về ủy quyền trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về lao động trong KCN, KKT (gọi chung là các KCN);... Và văn bản mới nhất là Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về KCN và KKT, có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2018 thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về KCN, KCX và KKT, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP. 

Theo đó, sự ra đời của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN, KKT đã xác định và điều cụ thể những nội dung các vấn đề xã hội phát sinh trong KCN như: hoạt động văn hóa, thể thao, nhà ở, các dịch vụ về y tế, giáo dục, môi trường, việc làm… cho người lao động nhằm hướng tới mục tiêu: “Giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển theo hướng bền vững”; “Góp phần phân bổ dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều khu công nghiệp, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ”; “Hình thành khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, tiện ích cho người dân, người lao động; hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”;…

Như vậy, về cơ bản pháp luật về KCN đã điều chỉnh khá đầy đủ các vấn đề xã hội và những dịch vụ phát sinh trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, những vấn đề được đề cập mới chỉ là những vấn đề chung mang tính nguyên tắc mà chưa được xác định cụ thể khi đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành như: Luật nhà ở, Luật Y tế; Luật Giáo dục; Luật Môi trường; Luật Cư trú; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Luật Lao động; Pháp lệnh về tôn giáo… Bên cạnh việc chưa đề cập cụ thể những vấn đề xã hội cần được điều chỉnh cụ thể trong các KCN, nghị định cũng chưa đề cập đến khía cạnh tôn giáo, các hoạt động xã hội được thực hiện như thế nào, cách thức và phương pháp tiến hành ra sao nhằm cải thiện đời sống tinh thần của người lao động, mà nghị định mới nhấn mạnh vấn đề phát triển nhà ở, công trình thể thao, văn hóa cho người lao động trong các KCN, KKT nhằm đảm bảo phát triển KCN gắn với sự phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, các công trình phúc lợi cho người lao động KCN là chính. Ngoài ra, nghị định cũng đã quy định về xây dựng và phát triển các công trình thiết chế văn hóa, thể thao và phúc lợi công cộng cho người lao động như đầu tư xây nhà ở chung cư và kết cấu hạ tầng cho người lao động thuê sử dụng hoặc để ở hoặc để phục vụ công nhân làm việc tại các KCN, KKT và chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan. Về vấn đề lưu trú, tạm trú trong KCN, KKT cũng đã được quy định cụ thể như ngoài các quy định về lưu trú, tạm trú cho chuyên gia làm việc tại KCN, KKT, thì nghị định cũng quy định về nơi ở cho chuyên gia nước ngoài được bố trí riêng biệt với KCX, KKT, văn phòng và theo tiêu chuẩn của pháp luật xây dựng nhằm hạn chế tác động của việc lưu trú, sinh sống của chuyên gia đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Như vậy, có thể thấy trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về chính sách, pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện, cơ sở vững chắc cho hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ xã hội trong các KCN được thuận lợi hơn, với mong muốn đưa các KCN trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao đời sống và ý thức trách nhiệm của người lao động trong KCN, KKT trong sự phát triển chung. 

Dịch vụ pháp luật trong việc quản lý các vấn đề xã hội ở Việt Nam
“Dịch vụ pháp luật” là thuật ngữ được gắn với các cụm từ khác và được nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học Pháp lý thì dịch vụ pháp luật (DVPL) là: “Loại hình dịch vụ do tổ chức, cá nhân có hiểu biết, có kiến thức và chuyên môn pháp luật được Nhà nước tổ chức hoặc cho phép hành nghề thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc được giúp đỡ về mặt pháp lý của các tổ chức cá nhân trong xã hội”. Như vậy, có thể hiểu dịch vụ pháp lý là ngành nghề cung cấp về các dịch vụ pháp lý, pháp luật, nhằm cung cấp các giải pháp về vấn đề pháp lý liên quan và phát sinh từ các hoạt động của đời sống cá nhân, tổ chức trong xã hội. 

Dịch vụ pháp lý trong các KCN, KKT là những dịch vụ do tổ chức, cá nhân thực hiện trên cơ sở Nhà nước cấp phép đăng ký thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu được biết, được tư vấn hoặc được giúp đỡ về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề xã hội trong đời sống của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong KCN. Về cơ bản, dịch vụ pháp lý được thể hiện qua 4 khía cạnh nói chung cũng như trong đời sống người lao động trong các KCN, đó là: 

Một là: Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh như: soạn thảo hợp đồng, công chứng, chứng thực và tư vấn cho các hoạt động giao, cho thuế đất, hạ tầng kinh tế- kỹ thuật, hoạt động trao đổi mua bán, thương mại, sản xuất kinh doanh của chủ thể kinh doanh trong các KCN, KKT

Hai là: Dịch vụ pháp lý đối với các nhu cầu dân sự gồm: tư vấn về hôn nhân và gia đình, tư vấn và soạn thảo hợp đồng giao dịch dân sự về tài sản (nhà ở, đất ở, đất) ; tư vấn, soạn thảo, công chứng chứng thực các giao dịch hợp đồng dân sự về thuê mướn đất đai hạ tầng trong KCN, KKT..; về giải quyết tranh chấp dân sự.

Ba là: Dịch vụ pháp lý về Quản lý trật tự Hành chính trong các KCN như: dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục hành chính của chính quyền và công dân trong thực hiện các quyền về kinh tế, chính trị, về dân sự và văn hóa- xã hội (thủ tục cấp phép, thủ tục đăng ký nhà ở trong KCN, thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân cho công nhân, thủ tục khai sinh khai tử…)
Bốn là: Dịch vụ pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp về dân sự, hành chính, kinh doanh: tư vấn và soạn thảo đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, khởi kiện, đại diện cho người bị hại trước tòa (Luật sư, người làm chứng, người tư vấn).

Qua các đề tài nghiên cứu, khảo sát, báo cáo của các ban quản lý KCN, KKT, KCX, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn về đời sống, việc làm của người lao động cho thấy thực trạng tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý đáp ứng yêu cầu về đời sống xã hội của người lao động trong các KCN hiện nay như sau:

Thứ nhất: Về việc làm, thu nhập và các dịch vụ về hôn nhân gia đình. Hiện nay, theo thống kê, nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp ở KCN như dệt - may, chế biến lương thực - thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… thường có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Vì vậy, những dịch vụ đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động chưa xuất hiện trong các doanh nghiệp trong KCN thường đầu tư công nghệ trung bình nên không đòi hỏi tay nghề cao, không có sự phân biệt lớn về kỹ năng giữa công nhân lâu năm và công nhân mới vào nghề. Vì vậy, tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp còn ở mức thấp, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động (năm 2015 mới chỉ đạt từ 78 - 83%). Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2017: tiền lương cơ bản trung bình (làm việc đủ giờ theo quy định) của người lao động là 4.480.000 đồng/tháng; thu nhập trung bình (không kể ăn ca) là 5.453.000 đồng/tháng. Tiền lương hàng tháng của người lao động làm việc trong các KCN thường chiếm khoảng từ 70 - 74% trong tổng thu nhập (tùy từng nhóm lao động), số còn lại 26 đến 30% là các khoản thu nhập khác ngoài tiền lương như: tiền hỗ trợ nhà ở, tiền ăn ca, tiền đi lại, tiền chuyên cần, tiền thưởng tháng, tiền hỗ trợ nuôi con dưới 36 tháng tuổi… 

Thứ hai: Về điều kiện lao động, về chế độ, chính sách đối với người lao động. Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động mặc dù đã được các BQL các KCN quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhiều hệ thống an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ cho thấy ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động được nâng lên, giảm thiểu tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, do các chính sách về điều kiện lao động, chế độ làm việc còn được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, mỗi KCN, KKT trong khi chưa có những cơ sở đào tạo ngành nghề cơ bản trong các KCN, các tổ chức y tế tư nhân chưa được cấp phép hành nghề cùng với các tổ chức vận động, công đoàn chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những hậu quả đối với việc việc bảo hộ vệ sinh, môi trường an toàn trong lao động, nhất là trong các khu vực lao động nặng nhọc, nên người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia lao động như tình trạng nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế kéo dài gây ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản cho công nhân cùng với việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thực sự chưa có chất lượng, thực hiện chưa nghiêm túc; nhiều KCN thì có những doanh nghiệp chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm chăm lo đến đời sống của công nhân lao động, như hỗ trợ chi phí cho việc gửi trẻ, mẫu giáo đến trường… Điều này cho thấy tính hiệu quả, tính thiết thực, tính bền vững của chính sách việc làm của Nhà nước. Vì vậy, những vấn đề này cần được tiếp tục quan tâm và mở rộng bằng việc cho các hoạt động dịch vụ pháp lý tương ứng thành lập nhằm đáp ứng các yêu cầu của người lao động.

Thứ ba: Về dịch vụ nhà ở, các công trình văn hóa, thể thao dành cho người lao động. Hiện nay, Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp như: Luật Nhà ở, Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ Tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP cho phép dành một phần quỹ đất đã giải phóng mặt bằng trong KCN để xây dựng nhà ở cho công nhân KCN; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các chính sách về dịch vụ nhà ở, cơ sở hạ tầng kinh tế- kỹ thuật, vui chơi, giải trí cho người lao động trong các KCN, KKT đến nay vẫn chưa được thực hiện và chưa thực sự trở thành một xu hướng được quan tâm chung nên những vấn đề này còn hết sức khó khăn. Theo thống kê, tình trạng nhà ở chật chội, mất vệ sinh, thiếu an toàn chưa được khắc phục vì cho đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể về quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở cho người lao động mua, thuê mà các chính sách mới chỉ dừng lại ở các nghị định nêu trên. Hiện có khoảng 55% công nhân trong các KCN tập trung phải thuê nhà trọ bên ngoài các KCN, KCX, KKT và việc thuê chủ yếu theo hình thức thuê của tư nhân hoặc ở nhà thuê của doanh nghiệp. Do thu nhập thấp nên đa số thuê nhà giá rẻ, hoặc thuê chung, ở ghép, chất lượng nhà cho thuê kém, vệ sinh môi trường, điện, nước không đảm bảo an toàn; điều kiện nghỉ ngơi không được đáp ứng để tái tạo sức lao động trong khi các quy định thuê nhà chặt chẽ về đi lại, giao thông không phù hợp làm cho tình trạng không thu hút người lao động đến sinh sống ngày càng giảm. Ngoài ra, các dịch vụ về hoạt động vui chơi, giải trí trong các KCN cũng không có xu hướng trở thành một phần của đời sống tinh thần do các doanh nghiệp chỉ chú trọng tập trung cho sản xuất, rất ít quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho người lao động, việc cải thiện điều kiện việc làm, chăm sóc sức khoẻ và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho công nhân chưa được khuyến khích đầu tư. Nhiều KCN gần như không có khu vui chơi giải trí, hoặc nếu có thì chủ yếu phục vụ cho đối tượng có thu nhập cao khiến cho người lao động có thu nhập thấp không thể trả phí cho các dịch vụ giải trí này.

Thứ tư: Về giáo dục, hôn nhân gia đình trong các KCN. Theo các báo cáo, tại các KCN nhu cầu về dịch vụ chăm nuôi, giáo dục cho trẻ em các cấp học từ mầm non trở lên đều gia tăng. Riêng năm 2017, có khoảng 52,6% lao động nữ tại các KCN có con nhỏ dưới 6 tuổi và có nhu cầu gửi trẻ. Chỉ có khoảng 19% gia đình công nhân tại các KCN và lân cận gửi con vào các cơ sở mầm non công lập còn lại phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục. Công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập. Hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động. trong khi mức thu học phí cao, lương công nhân thấp, không đủ chi trả học phí cho con ngoài các trường công lập. Điều này đã làm cho các gia đình trong các KCN gặp rất nhiều rủi ro khi quyết định cho trẻ tới trường. gây tâm lý bất an cho các gia đình phụ huynh. Về dịch vụ hỗ trợ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ trong các KCN hiện tại cũng đang được quan tâm giữa các tổ chức như công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp và BQL KCN, KKT như thường xuyên tổ chức khám sức khỏe tình trạng sinh sản cho người lao động nữ; quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tổ chức các diễn đàn, tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức đám cưới tập thể, hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho gia đình công nhân ngày lễ, ngày Tết cổ truyền, tổ chức trại hè, biểu dương, khen thưởng cho con công nhân lao động... Tuy nhiên, thực tiễn các hoạt động này còn rất rời rạc, không thường xuyên nên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động do tính chất lao động là sống xa trung tâm, làm thêm giờ, làm ca nên với công nhân lao động đã có gia đình thì gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nuôi dạy con, nên dễ dẫn đến tình trạng sống chung, sống thử, nạo phá thai không an toàn... trong khi các dịch vụ tư vấn về sức khỏe sinh sản, y tế chưa thành lập và hoạt động, nên vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động vô cùng khó khăn, đặc biệt là lao động nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 

Tóm lại, theo nghiên cứu và tìm hiểu thì hiện nay trong tất cả các KCN, KKT đều chưa có văn bản pháp luật nào cho phép thành lập các tổ chức hành nghề cung cấp các loại dịch vụ pháp lý liên quan đến các vấn đề xã hội phát sinh trong các KCN nêu trên. Bởi bản chất, các tổ chức hoạt động trong các KCN đều là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, trong khi việc hình thành các tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý trong các KCN có vẻ như đi trái lại với các doanh nghiệp hoạt động trong KCN và mục đích hình thành các KCN. Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế mới đã chỉ rõ Ban quản lý Khu công nghiệp là đơn vị quản lý chung tại Khu công nghiệp có chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN, KKT. Tuy là đơn vị quản lý chung nhưng BQL KCN lại mang chức năng quản lý hành chính, đối tượng quản lý là các doanh nghiệp trong các KCN, KKT chứ chưa hướng đến đối tượng trực tiếp là người lao động và các vấn đề xã hội phát sinh trong khu công nghiệp như hôn nhân gia đình, văn hóa, giáo dục và tôn giáo. Vì thế, trong các khu công nghiệp thực chất chưa tồn tại một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, hỗ trợ người lao động giải đáp những khúc mắc về mặt pháp luật liên quan trực tiếp đến các vấn đề xã hội phát sinh trong KCN, KKT một cách đúng nghĩa. Người lao động thắc mắc và bảo vệ lợi ích của mình thông qua Công đoàn của doanh nghiệp và Công đoàn của KCN, KKT, nhưng những tổ chức này lại không phải là những tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý do không có mục đích thu phí của người lao động từ việc giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề xã hội phát sinh trong khu công nghiệp. Hơn nữa, phạm vi hoạt động của công đoàn cũng chỉ xoay quanh vấn đề lao động, tiền lương, chăm sóc sức khỏe của người lao động chứ chưa bao hàm phạm vi giáo dục, hôn nhân gia đình, văn hóa, giáo dục hay tôn giáo, … của người lao động.

Tựu chung lại, hoạt động cung cấp dịch vụ pháp luật trong các KCN, KKT trong tương lai gần cần được Nhà nước quan tâm và quy định cụ thể để hình thành nên các trung tâm tư vấn, cung ứng dịch vụ pháp lý về các vấn đề xã hội thiết yếu cho người lao động khi Nhà nước không thể bảo đảm hoặc bảo đảm không thường xuyên, không hiệu quả và cũng nhằm bảo đảm cho hệ thống pháp luật và thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật về những vấn đề xã hội nói riêng đối với người lao động trong các KCN đồng bộ hoàn chỉnh và thống nhất.

PGS.TS Nguyễn Thị Phượng - Học viện Hành chính Quốc gia

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0