TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 19/04/2024

Phát triển du lịch Yên Bái gắn liền với bảo tồn và phát huy các di sản

17:45 02/04/2021
Logo header Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch. Để khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy được giá trị di sản cho thế hệ tương lai là bài toán không hề đơn giản.

Lúa chín chuẩn bị thu hoạch của bà con dân tộc Mông ở Mù Cang Chả

Yên Bái là một trong những địa phương điển hình của cả nước trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 9/3/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó tỉnh Yên Bái cũng có một “Lễ mừng cơm mới của người Mông” (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Lễ mừng cơm mới của người Mong được tổ chức với quy mô gia đình, dòng họ nên không phụ thuộc vào ngày nào nhất định trong năm. Việc cúng lễ cũng không có quy định riêng mà tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Tuy là lễ mang tính gia đình nhưng có sự tham gia của họ hàng, đại diện các gia đình trong bản, trong xã cùng tham dự vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến đâu thì mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng sắp xếp để về sum vầy ăn cơm mới cùng gia đình để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và trời đất. Lễ vật cúng thường là các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt gà và đặc biệt phải có cơm gạo mới thu hoạch, rượu nấu từ lúa mới. Sau khi làm lễ cúng thì gia đình mới chính thức được ăn cơm mới, nhất là chủ nhà (người đàn ông là chủ trong gia đình) sau lễ này mới chính thức được ăn cơm mới và uống rượu mới.

Người Mông giê lúa trước gió để thổi hạt lép và bụi

Với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng, có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Để có được thành tích như ngày hôm nay UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo và ban hành các văn bản thực hiện chính sách dân tộc; chỉ đạo ngành chức năng tham mưu ban hành kế hoạch đẩy mạnh giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc các dân tộc, thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ. cùng với đó là những chủ trương, chính sách, quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch như: Nghị quyết 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025, Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND trong đó có một số chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn và gần đây nhất UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch và quảng bá du lịch Yên Bái giai đoạn 2020 - 2030”.  Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; động viên khích lệ các DTTS giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, ngành văn hóa đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh bảo tồn, phát triển và khôi phục nhiều nghề truyền thống như: nghề làm giấy dó của dân tộc Dao; nghề rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải của người Mông; dệt thổ cẩm của người Thái. Trung bình mỗi năm trong tỉnh diễn ra trên 40 lễ hội tín ngưỡng dân gian và lễ hội tại các di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2 lễ hội có quy mô lớn ở khu di tích cấp quốc gia đó là lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên và lễ hội đền Đại Cại, huyện Lục Yên. Đặc biệt, đến nay, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc còn được gắn liền với việc phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ các dân tộc và tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch như: Tuần Văn hóa, Du lịch Mường Lò; Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên; Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng” ở Mù Cang Chải…, góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Yên Bái. Hiện tại Yên Bái có 4 di sản văn hóa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là Lễ Cấp sắc của người Dao quần trắng, xã Ngòi A, huyện Văn Yên; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, Hạn khuống của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ và Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải. Nghệ thuật xòe Thái đang được tỉnh Yên Bái triển khai xây dựng hồ sơ trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ cúng mừng cơm mới của người Mông

Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển du lịch với phương châm bảo tồn văn hóa các dân tộc làm nền tảng để phát triển du lịch, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng tài liệu “Tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái” để đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Trước những vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc, trong điều kiện còn hết sức khó khăn, song với sự quyết tâm, ngành VH-TT&DL tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn kịp thời và phát huy, phổ biến các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, hướng tới xây dựng và hoàn thiện con người Yên Bái trong xu thế phát triển mới. Qua đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0