TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 27/12/2024

Quản lý xã hội và những nguyên tắc đặt ra trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp

19:02 13/05/2021
Logo header Hoạt động quản lý xã hội đóng vai trò quan trọng trong vận hành xã hội. Quản lý nói chung và quản lý xã hội nói riêng là sự tác động liên tục, có hướng đích, theo một quy trình nhất định, của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu, trong môi trường luôn biến đổi

1. Khái quát chung về quản lý xã hội

Hoạt động quản lý xã hội đóng vai trò quan trọng trong vận hành xã hội. Quản lý nói chung và quản lý xã hội nói riêng là sự tác động liên tục, có hướng đích, theo một quy trình nhất định, của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu, trong môi trường luôn biến đổi. Cấu trúc của hoạt động quản lý xã hội bao gồm các thành tố chính đó là: Chủ thể quản lý; Đối tượng quản lý; Quan hệ quản lý; Mục tiêu quản lý; Nguyên tắc, công cụ và phương pháp quản lý; Môi trường quản lý.

Chủ thể quản lý xã hội là cá nhân, tổ chức có quyền lực điều hành, định hướng các đối tượng quản lý. Chủ thể quan trọng nhất trong quản lý xã hội đó là Nhà nước. Chủ thể quản lý xã hội có chức năng cơ bản là: Dự báo và lập kế hoạch phát triển xã hội; Tổ chức thực hiện kế hoạch; Điều chỉnh và phối hợp các nguồn lực, các hoạt động; Kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện các kế hoạch. Hoạt động của chủ thể quản lý xã hội vừa tuân theo những quy định vừa tuân thủ các quy luật khách quan của hệ thống xã hội.

Đối tượng quản lý xã hội là con người, các hệ thống xã hội, các quá trình xã hội và các vấn đề xã hội. Đối tượng quản lý xã hội rất đa dạng, nhiều tầng nấc và có nhiều vị thế, vai trò, tính chất khác nhau. Vì thế, căn cứ vào đặc điểm của đối tượng quản lý để chủ thể quản lý xã hội đưa ra những tác động phù hợp.

Quan hệ quản lý xã hội phản ánh mối quan hệ về lợi ích, vị trí, vai trò của chủ thể quản lý xã hội với đối tượng quản lý xã hội trong một hệ thống xã hội xác định. Đặc điểm, tính chất của mối quan hệ quản lý có tác động đến hiệu quả quản lý xã hội.

Mục tiêu quản lý xã hội là giá trị cốt lõi nhất một xã hội muốn đạt được trong từng giai đoạn phát triển. Mục tiêu quản lý xã hội thể hiện tầm nhìn của chủ thể quản lý trong hoạch định sự phát triển xã hội. Ở mỗi giai đoạn, mỗi xã hội sẽ xác định những mục tiêu khác nhau và chúng là cơ sở để xây dựng kịch bản đầu tư, điều hành xã hội.

Nguyên tắc quản lý, công cụ và phương pháp quản lý xã hội là những thành tố giúp cho chủ thể quản lý có thể thực hiện các chức năng của mình một cách chủ động và đúng đắn. Công cụ quản lý xã hội rất đa dạng: Quyền lực, kinh tế, hành chính, tâm lý - dư luận xã hội, giáo dục thuyết phục. Mỗi công cụ quản lý lại được chủ thể quản lý sử dụng hết sức linh hoạt, theo nhiều phương pháp khác nhau. Để đạt được mục tiêu, chủ thể quản lý sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Điều này cho thấy phương pháp quản lý xã hội rất đa dạng và linh hoạt.

Môi trường quản lý xã hội là những yếu tố bên trong - bên ngoài hệ thống quản lý và có tác động đến hiệu quả quản lý. Môi trường quản lý luôn biến đổi. Nhiệm vụ của các nhà quản lý là phải nắm bắt và điều chỉnh hệ thống quản lý cho phù hợp với môi trường để giảm thiểu những rủi ro và tác động tiêu cực. Vì thế, đi liền với quản lý xã hội luôn phải có hoạt động quản lý rủi ro, quản lý biến đổi xã hội.

Đặc điểm bao trùm của quản lý xã hội hiện nay là rất khó khăn và phức tạp. Nguyên nhân là do đối tượng quản lý ngày càng có quy mô lớn hơn, tính phụ thuộc giữa các đối tượng ngày càng lớn hơn và tác động của môi trường quản lý ngày càng nhanh và trực tiếp hơn. Trong điều kiện hiện nay, để quản lý xã hội đòi hỏi phải có hoạt động liên tục; vừa có sự kế thừa, vừa có sự đổi mới; vừa thẩm thấu, vừa lan tỏa; vừa có tính quy trình, vừa có tính nghệ thuật; vừa có tính hệ thống, vừa có tính đột phá, v.v.

Quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay gắn liền với phát triển xã hội, biến đổi xã hội, tăng trưởng xã hội và hài hòa xã hội.

2. Một số nguyên tắc trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Nguyên tắc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nói chung và ở các lĩnh vực chuyên ngành nói riêng. Nguyên tắc là kết quả của nhận thức và vận dụng các quy luật khách quan trong hoạt động thực tiễn quản lý. Nguyên tắc là các quy định có tính chuẩn mực, phản ánh quy luật khách quan trong thực tiễn quản lý, chỉ đạo hành vi của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau trong quá trình thực hiện chức trách, đảm bảo đạt được các mục tiêu một cách hiệu lực và hiệu quả. Nguyên tắc thể hiện giá trị cốt lõi mà một hệ thống, chính sách quản lý theo đuổi nhằm đạt được các mục tiêu mong đợi.

Về nhận thức, quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN không phải đặt trong trạng thái tĩnh, mà phải đặt trong trạng thái động để thúc đẩy sự vận động, biến đổi xã hội theo hướng tiến bộ. Chỉ khi nắm bắt được sự chuyển biến của các vấn đề xã hội và xu hướng biến đổi của chúng, trên cơ sở đó mới can thiệp chính sách phù hợp để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực. Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu của quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN còn hướng đến việc đảm bảo an ninh phi truyền thống như: an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh sản xuất, v.v. Quản lý các vấn đề xã hội ở các KCN hiện nay là một hoạt động quản lý xã hội phức tạp về mặt quy mô, đối tượng và nội dung và có sự tham gia của nhiều chủ thể, ở nhiều cấp như: chính quyền nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, v.v. Để hoạt động quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN đạt được hiệu lực và hiệu quả, quá trình hoạch định chính sách, pháp lý, thực thi và đánh giá cần tuân thủ một số nguyên tắc sau.

Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN phải phù hợp với các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược phát triển vùng, lãnh thổ, chiến lược phát triển công nghiệp, chiến lược địa phương để xây dựng quy hoạch, chính sách quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Điều đó có nghĩa là, khi xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN phải nghiên cứu tổng hợp các điều kiện tự nhiên và xã hội trong chiến phát triển kinh tế chung. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN phải tạo được bước đi phù hợp với khả năng của vùng về tài chính, thu hút đầu tư của từng thời kỳ. Đồng thời phải tính đến sự phân bố lực lượng sản xuất nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất, đảm bảo tính cân đối trong phát triển khu vực, lãnh thổ và phát triển bền vững. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN cũng cần phải tính đến sự phát triển hài hòa giữa các vùng, lãnh thổ, tận dụng được lợi thế so sánh giữa các vùng, lãnh thổ để đảm bảo sự phát triển cân đối hợp lý chung của cả nước.

Đồng thời công tác quản lý cũng cần tuân thủ nguyên tắc về tính tổng thể trong quy hoạch hạ tầng xã hội với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tại các KCN. Bởi lẽ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh, nguồn lực để vừa phát triển kinh tế - xã hội là một đòi hỏi khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để giảm thiểu, hạn chế và phòng ngừa các rủi ro xã hội do quá trình phát triển công nghiệp gây ra đòi hỏi phải tính đến sự hài hòa giữa hạ tầng xã hội với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà đầu tư và lợi ích của xã hội.

Cần có khung khổ pháp lý đủ mạnh để xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội tại các KCN

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà sự phát triển của công nghiệp luôn nảy sinh những vấn đề xã hội bức xúc thì việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy định của pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý các vấn đề xã hội là rất cần thiết. Đồng thời cần tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những rào cản, những quy phạm chồng chéo mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở quá trình phát triển của các KCN và khả năng giải quyết các vấn đề xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật phải bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, không chồng chéo, mâu thuẫn và sát với thực tiễn phát triển các KCN hiện nay và ở từng địa phương.

Cần tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ đầu tư, tổ chức xúc tiến, vận động các nhà đầu tư phát triển KCN, quy chế hoạt động của các KCN, các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như các văn bản pháp quy có liên quan và hoàn thiện chúng qua từng thời kỳ nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ và điều chỉnh có hiệu quả hoạt động của KCN cũng như của từng doanh nghiệp trong KCN.

Cùng với việc ban hành chính sách, pháp luật thì cũng cần phải đề cao công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trong thực tế. Mục đích thanh tra, kiểm tra và giám sát là nhằm định hướng hoạt động của các KCN theo quy định của pháp luật và giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, kiểm soát và xử lý các vi phạm của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của pháp luật của Nhà nước và quy chế KCN.

Đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Nguyên tắc hiệu lực quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN nhằm đưa ra kết luận về các kết quả của từng nội dung của chính sách có giá trị hay không? Hiệu lực quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN phản ánh tác động của chính sách quản lý trong quá trình thực thi, khả năng duy trì hay biến đổi trên thực tế so với mong muốn của nhà nước.

Hiệu quả quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN thường được xác định từ hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế và xã hội. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN vừa phải góp phần thúc đẩy sự thỏa mãn nhu cầu của con người, vừa phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, để giải quyết các vấn đề xã hội tại các KCN phải dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, nhưng cũng không vì thế mà giải quyết các xã hội luôn phải đi sau kinh tế. Thực tế quản lý phát triển hiện nay, do áp lực của kinh tế thị trường, các yếu tố kinh tế, vật chất thường được chú trọng, ưu tiên hơn các yếu tố xã hội. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ “tăng trưởng xấu” hay phát triển không bền vững nói chung.

Cần xử lý hài hòa các mối quan hệ trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Đó là mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Người dân trong giải quyết các vấn đề xã hội tại các KCN.Trong đó, cần phải đa dạng hóa các chủ thể tham gia quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Bởi lẽ, quản lý các vấn đề xã hội tại KCN là lĩnh vực quản lý liên ngành, rất rộng lớn và phức tạp. Do vậy cần có những cách tiếp cận, cơ chế, thể chế đặc thù để đi đến xây dựng một mô hình quản lý hiệu quả ở cấp quốc gia. Với đòi hỏi như vậy, để xây dựng một mô hình quản lý các vấn đề xã hội tại KCN phù hợp và hiệu quả, nguyên tắc lồng ghép chủ thể để tích hợp nhiều hơn các yếu tố xã hội vào trong các chính sách, chương trình, dự án phát triển KCN là vô cùng quan trọng.

Đó là sự kết hợp giữa mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN.Sự kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội để bảo đảm tính đồng bộ, công bằng và bình đẳng cho cộng đồng, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại các KCN. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi phải kết hợp hài hòa các lợi ích, giữa mục tiêu quản lý xã hội dài hạn và ngắn hạn; giữa địa phương và doanh nghiệp; giữa người dân tại chỗ và những người nhập cư, giữa khu vực công và khu vực tư, v.v trong giải quyết, quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN.

Nguyên tắc dự báo, nắm bắt tình hình và xây dựng tầm nhìn chiến lược quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN rõ ràng

Chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương, doanh nghiệp... đều tác động đến mục tiêu, nội dung và phương thức quản lý xã hội của Nhà nước đối với các KCN. Tầm nhìn, chế độ, chính sách chung của Nhà nước rõ ràng, minh bạch có độ nhất quán và ổn định cao sẽ tạo cơ sở pháp lý cho quản lý hiệu quả các vấn đề xã hội tại các KCN. Ngược lại, tầm nhìn, chế độ, chính sách chung của Nhà nước thiếu minh bạch, không rõ ràng, thiếu tính nhất quán có thể cản trở, tạo ra những rào cản trong giải quyết các vấn đề xã hội tại các KCN. Thậm chí, nếu chính sách phát triển của Nhà nước có sai lầm thì còn làm phát sinh, gia tăng thêm các vấn đề xã hội tại các KCN hơn nữa.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần phải dự báo được các yếu tố có nguy cơ gây nên xung đột xã hội để phòng ngừa, hạn chế và hóa giải, triệt tiêu ngay từ các mầm mống, không để tạo thành các “điểm nóng” chính trị - xã hội, không cho phép chuyển hóa tính chất từ mâu thuẫn kinh tế, xã hội thành mâu thuẫn chính trị. Tại các KCN, nếu các khủng hoảng về môi trường, mâu thuẫn trong quan hệ chủ - thợ, cùng nhiều bất công xã hội khác nếu chưa hoặc không kịp thời xử lý hoặc xử lý thiếu khôn khéo đều có nguy cơ chuyển thành xung đột xã hội. Do đó, quản trị xung đột xã hội tại các KCN là một vấn đề mới và cần định hình phương pháp khoa học trong điều kiện hiện nay.

Thực tiễn phát triển các KCN hiện nay cho thấy, để quản trị xung đột xã hội tại các KCN cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, cần thúc đẩy việc chuyển đổi và xây dựng KCN sinh thái để hạn chế những tác động tiêu cực về mặt xã hội. KCN sinh thái là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm trong cùng một địa điểm. Tại đó, các doanh nghiệp thành viên nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý môi trường và tài nguyên đối với địa phương.

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

ThS. Nguyễn Thị Linh - Trường ĐH Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 - 21

Bình luận: 0