TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 05/05/2024

Sự thú vị của tiếng Việt

15:42 20/08/2020
Logo header Tiếng Việt thật phong phú và thú vị. Cho nên dịch từ tiếng Việt ra các tiếng nước ngoài là một việc vô cùng khó khăn, dẫu có là người rất giỏi ngoại ngữ. Ngược lại, ai giỏi tiếng Việt thì sẽ giúp cho người đọc tác phẩm nước ngoài qua bản dịch của mình cảm nhận được nhiều hơn về giá trị của tác phẩm đó.

Ảnh minh họa

Các nước khác thường chỉ có một đại từ nhân xưng ở các ngôi (Ngôi thứ nhất: mình; Ngôi thứ hai: Người đối diện với mình và Ngôi thứ ba: người mình nhắc đến). Vậy mà tiếng Việt thì có rất nhiều từ. Ví dụ xưng ở ngôi thứ nhất: Tôi, tao, con, em, cháu (anh, chị, ông, bà, chú, bác, cô, gì...). Lại có khi để xưng, đã lấy từ chỉ ngôi thứ ba: “Đợi người ta, đừng đi trước đấy nhé”. Hoặc dùng từ chỉ phương hướng: “Đằng này không cần”.

Tiếng Việt có rất nhiều từ để chỉ các màu sắc khác nhau (xanh, đỏ, trắng, đen, tím, vàng, nâu, hồng...). Mỗi màu lại có rất nhiều từ đi kèm để chỉ sự khác biệt. Ví như: màu xanh có xanh nhạt, xanh thắm, xanh biếc, xanh lơ, xanh ngát, xanh ngăn ngắt, xanh da trời, xanh nước biển. Cũng như vây, màu đỏ thì đỏ lự, đỏ ngầu, đỏ loét, đỏ chóe, đỏ au, đỏ nhờ... Hãy thử dịch từ “đỏ lự” sang ngoại ngữ khác. Quả là rất khó vậy. Có rất nhiều từ chỉ cái chết. Thông thường là “chết, mất”. Trân trọng hơn là qua đời, từ trần, tạ thế. Văn vẻ thì nhắm mắt xuôi tay, về cõi vĩnh hằng, ngủ giấc ngàn thu, lên Niết Bàn, về Trời, về suối vàng, đến miền cực lạc. Khinh bỉ, miệt thị thì ngoẻo, toi, tỏi... Không nói một vị lãnh tụ, một người ta tôn kính, nể trọng đã chết, càng không thể nói đã ngoẻo mà phải nói tạ thế, từ trần, hoặc ít nhất là mất, qua đời hoặc đi xa...

Đối với loài vật dù có gắn bó với ta đến đâu, khi nó mất có khiến ta tiếc, thương đến đâu (ví như một chú chó hay mèo chẳng hạn) cũng không thể nói đã mất, đã qua đời, càng không từ trần, tạ thể mà chỉ có thể nói chết hoặc ngoẻo. 

Gửi xe và trông xe là hai việc khác hẳn, ngược nhau. Trông xe cùng nghĩa với giữ xe. Vậy nên nói “Ở đây nhận giữ xe” hoặc “Ở đây nhận trông xe” đều được. Hoặc vẫn nói: “Ở đây nhận gửi xe”. Có nghĩa thông báo nhận làm hai việc ngược nhau vẫn có nghĩa khiến ai cũng hiểu. Nhưng hai việc ngược nhau khác là thuê và cho thuê nhà thì người cho thuê không thể thông báo giống như trường hợp giữ xe là “ở đây nhận thuê nhà”. Nói vậy người ta sẽ hiểu là có nhu cầu thuê nhà chứ không phải là cho thuê. Trong trường hợp này chỉ có thể nói “Ở đây cho thuê nhà”. Nói chuyện với ai, người vợ có nhiều từ để nói đến chồng mình: Chồng em, ông xã em, anh ấy, anh nhà em, nhà em. Người đàn ông tiếp chuyện người phụ nữ trên cũng có thể nói: vợ anh, bà xã anh, chị ấy. Nhưng không thể nói “nhà anh”. Thế là sao? Người nữ vẫn nói “nhà em” để nhắc đến chồng mình trong khi người đàn ông thì không nói vậy để nhắc đến vợ. Thú vị không?

Tất cả những từ ghép có âm “eo” đều diễn tả sự nghèo nàn, ít ỏi. “Lèo tèo mấy quán cóc bên đường”, “bà ấy cứ kèo nhèo mãi” : bà ấy không phản ứng dữ dội mà chỉ phàn nàn tuy mức độ không lớn nhưng dai dẳng. “Họ trả tiền công bèo lắm”: rẻ mạt, ít ỏi. “Hồi này, cơ thể cô ta tong teo rồi”: Gầy, yếu, tọp đi, sút nhiều cân. Cô ta rất eo: Có dáng đẹp, eo thon, nhỏ, gọn. “Chúng” và “các” là những từ chỉ số nhiều. Nhưng không thể thay thế được cho nhau. Ta vẫn nói: chúng ta, chúng tôi, chúng tao, chúng con, chúng em, chúng cháu, chúng tớ, chúng mình mà không thể nói chúng anh, chúng chị, chúng bác, chúng bà. Không thể xưng các ta, các tao mà phải nói chúng ta, chúng tao trong khi không thể hỏi “Chúng anh đi đâu đấy”? “Chúng cô đang làm gì vậy?” Nhưng lại có thể nói chúng ông. ( “Chúng ông không để yên việc này đâu”) và “chúng mày”, “chúng bay”. Giáo viên nói với học sinh: “Các thày, cô sẽ cố gắng giúp các em vượt qua khó khăn, thử thách này” mà không thể nói: “Chúng thày cô sẽ...”, Nhưng ngược lại, học sinh lại nói được: “Chúng em xin hứa với các thày, cô....” mà không thể : “Chúng em xin hứa với chúng thày cô”...

“Không” và “chẳng” đồng nghĩa. Thường thì có thể thay thế cho nhau. Đó là khi hai từ này mang nghĩa phủ định. Ví dụ: Chẳng những = không những, không đi đâu hết = chẳng đi đâu hết, không có ai = chẳng có ai... Nhưng khi không mang nghĩa phủ định thì không thể thay thế. Câu hỏi : “Ở đó có ai không?” là bình thường. Nhưng không thể hỏi: “Ở đó có ai chẳng?”. Tuy nhiên, cũng là phủ định nhưng sẽ không bao giờ có thể trả lời “Chẳng chẳng!” khi có ai đó hỏi bạn: “Bạn vừa nói xấu anh ta đúng không?”. Lúc này bạn chỉ có thể trả lời “Không, không!” “Biết không” và “biết chăng” cũng đồng nghĩa. Hoàn toàn có thể nói như nhau: “Quê mình đẹp lắm, anh có biết không?” ( hoặc “có biết chăng”), “Hôm nay anh buồn lắm, em có biết không”? (cũng thay được bằng “biết chăng?”. Nhưng người mẹ hỏi con: “Con có biết mẹ để chùm chìa khóa ở đâu không?” thì không thể thay: “Con có biết mẹ để chùm chìa khóa ở đâu chăng?”. Hoặc một người hỏi đường: “Anh cho hỏi đường về... còn xa không?” thì không thể thay bằng : “Anh cho hỏi đường về...còn xa chăng?”. Ai hỏi điều gì, ta trả lời : “Tôi không biết” chứ không thể : “Tôi chẳng biết”. 2 hơn 1 chứ gì? Vậy mà có những thứ ngược lại: 2 kém 1. Cô gái ”xinh xinh” có nhan sắc không bằng cô gái “xinh”. Cô chỉ có một từ “xinh” sẽ là hoa hậu, còn cô có 2 từ “xinh” sẽ chỉ là Á hậu. Người hát “hay” hát hay hơn người hát “hay hay”. Người trước nếu đi thi hát sẽ được huy chương vàng trong khi người sau chỉ được bạc hoặc đồng.

Có rất nhiều mùi vị: thơm, thối, hôi, hắc, ôi, thiu... Sau một đêm, để món ăn nào đó ở ngoài tủ lạnh, ta ngửi để xem có bị sao không rồi nói: “Có mùi rồi”. Có nghĩa đã ôi thiu, phải bỏ, không thể ăn. Trong trường hợp này, không cần nói rõ có mùi ôi thiu mà chỉ cần nói “Có mùi” thì trẻ con cũng hiểu là phải bỏ chứ không thể hỏi lại: “Mùi gì”?. Nhưng nếu nói “ngậy mùi rồi đấy” thì chỉ có thể là mùi thơm chứ không thể là mùi nào đó khó ngửi (nồi canh riêu đã ngậy mùi rồi đấy). Cũng như thế, từ “ấn tượng” chỉ cảm giác đặc biệt của ta về một ai, sự việc nào đó. Như vậy, có thể là tốt, hay, có thể là xấu, dở. Nhưng khi nói: “Tôi rất có ấn tượng về bạn” thì phải hiểu đó là ấn tượng tốt, hay. Còn nếu ngược lại, muốn nói bạn không hay mà dở thì phải nói rõ: “Bạn để lại cho tôi ấn tượng quá dở”. Nếu xét về lô-gic hình thức, “lầm đường, lạc lối” là thành ngữ chỉ việc ai đó đã đi nhầm đường. Có thể đường đó hay, có thể dở. Nhưng khi ta nói: “Anh ta đã lầm đường, lạc lối” tức là muốn nói đi vào đường xấu, sai lầm, nguy hại chứ không bao giờ có nghĩa là đi nhầm vào đường tốt.

Cũng như vậy, trong cuộc sống có biết bao vấn đề từ đơn giản đến phức tạp, từ hay đến dở, khó khăn hoặc thuận lợi... Nhưng khi có người nói: “Anh ta có vấn đề” thì phải hiểu là điều dở, không thể là tốt đẹp. Ngủ ngược lại với thức - là một trạng thái hoạt động sinh học của muôn loài động vật. Nhưng khi ta nói : “Họ đã ngủ với nhau rồi” thì phải hiểu là cặp nam nữ nào đó đã có hoạt động tình dục chứ không ai hiểu chỉ là chuyện nhắm mắt ngủ như nói ở trên. Ngủ trong câu nói trên thực chất là thức, lại còn rất tỉnh táo chứ không buồn ngủ chút nào. Để chỉ cái sinh hoạt trên, người Việt ta còn nói: “Họ đã ăn nằm với nhau rồi”. Mặc dù có thể từ phút gặp gỡ đến phút rời xa, hai người không hề ăn gì, thậm chí không cả nằm (nếu sinh hoạt tình dục không ở tư thế nằm). Đi lại với nghĩa bình thường chỉ là việc con người di chuyển từ nơi này đến nơi khác (“con đường này đi lại khó khăn, trở ngại quá”). Nhưng nếu nói: “Họ đã đi lại với nhau rồi” thì phải hiểu đôi nam nữ đã bắt đầu có mối quan hệ tình ái chứ không chỉ là bạn bè bình thường.

Trước khi muốn ngắt điện thoại để kết thúc cuộc trò chuyện, người tế nhị, tình cảm sẽ nói: “Thế nhé” thay vì : “Thôi nhé”. Chỉ khác một tiếng mà cung bậc tình cảm khác hẳn. “Thế nhé” có cái gì đó như là hò hẹn, nhắn gửi, như là sẽ còn gặp lại nhau và mong cuộc gặp lại đó. Còn “Thôi nhé” chỉ đơn thuần là sự đề nghị chấm dứt cuộc điện thoại. 

Còn có thể kể ra rất nhiều trường hợp khác về sự phong phú, thú vị của tiếng Việt. Hãy biết vận dụng để đạt được mức độ thông tin nhiều, hiệu quả và tinh tế nhất trong việc nói và viết tiếng Việt.

TS. Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 24 - 20

Bình luận: 0