Tiêm vaccine phòng dịch COVID - 19 trên diện rộng là bước đi đột phá của Ngành Y
Theo số liệu báo cáo của WHO, đại dịch COVID - 19 cuối tháng 2 vừa qua đã lây nhiễm cho hơn 110 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người, trong khi đẩy hàng triệu người vào tình cảnh mất kế sinh nhai, nhiều trường học phải đóng cửa, và khiến kinh tế thế giới chao đảo. Khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận số ca mắc mới tăng 7% so với trước. Theo trang mạng worldometers.info, trong vòng 24 giờ, thế giới đã ghi nhận trên 354.000 ca bệnh COVID - 19 và trên 5.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 117,4 triệu ca, trong đó trên 2,6 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong ngày 8/3 cao nhất thế giới là Brazil (80.024 ca), Mỹ (trên 35.100 ca) và Pháp (21.825 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong cũng trong thời gian này cao nhất thế giới là Brazil với 965 ca, tiếp đến là Mexico 779 ca và Mỹ 662 ca. Brazil là quốc gia đứng đầu về số ca mắc và tử vong vì COVID - 19. Tình hình dịch ở Brazil là lời cảnh báo cho toàn thế giới. Sau hơn một năm chống chọi với đại dịch, trong khi các nước khác đã dần kiểm soát được các đợt bùng phát thì Brazil vẫn chật vật. Tại Nga hiện cũng vẫn được ghi nhận là điểm nóng dịch COVID - 19 lớn thứ tư thế giới với trên 4,3 triệu ca mắc và hơn 89.000 người tử vong. Trong bối cảnh đại dịch lây lan mạnh mẽ thì vaccine được coi là công cụ chống dịch hiệu quả hàng đầu. Cuộc đua phát triển, tìm mua vaccine giữa các nước trên thế giới đã bắt đầu nóng lên từ đầu năm nay khi nhiều nghiên cứu vaccine đã công bố thành công và đưa vào sản xuất. Tính đến nay, đã có gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID - 19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới. Ngay từ đầu tháng 12/2020, Anh chính là nước đầu tiên bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cho người dân, đánh dấu bước quan trọng trên con đường chấm dứt đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Tiếp sau đó vào ngày 20/12/2020, Israel đã tiêm 1 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech cho 4,25 triệu người trong tổng dân số 9 triệu người của Israel. Tại Nga, vaccine Sputnik V của nước này cũng được sử dụng để đửa vào chương trình tiêm chủng trên diện rộng sau khi kết quả các cuộc thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine này đạt hiệu quả tới 91,4%...
Tại Việt Nam, ngay từ đầu tháng 02/2021, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt vaccine phòng Covid - 19 vaccine AstraZeneca của Anh lưu hành tại Việt Nam do nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID - 19. Đây là vaccine COVID - 19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vaccine phòng COVID - 19 của AstraZeneca là loại vaccine phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới - AstraZeneca (Vương quốc Anh). COVID - 19 Vaccine Astrazeneca là một loại vaccine được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chống lại COVID - 19. Vaccine giúp cho hệ miễn dịch của người được tiêm chủng có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus corona (SARS-CoV-2). Vaccine chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen. Công nghệ “virus biến đổi” được sử dụng để tạo ra loại vaccine này đã từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra vaccine cho các bệnh lý khác. Vaccine phòng COVID - 19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID - 19 từ 62% đến 90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Đây là một con số vượt quá sự kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi WHO công bố hiệu lực bảo vệ trước COVID - 19 của vắc xin chỉ cần đạt trên 50% là đã có thể được sản xuất rộng rãi phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân. Tính đến sáng 24/02, 117.000 liều vaccine COVID - 19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Vaccine COVID - 19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước. Số lượng vaccine này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điêuều trị bệnh nhân COVID - 19, tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID - 19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại 13 tỉnh/thành phố đang là “điểm nóng” về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TPHCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm COVID - 19.
Đến sáng 8/3/2021 vừa qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia phối hợp với Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID - 19 đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID - 19 và Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID - 19 giai đoạn 2021-2022. Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID - 19 tại cả 4 điểm tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều diễn ra an toàn với tổng cộng 377 người tiêm. Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 66 người, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người, tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 207 người. 100% số người được tiêm chưa ghi nhận phản ứng sau tiêm. Trong ngày 9/3, các điểm tiêm chủng tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ươg tiếp tục tiêm vaccine phòng COVID - 19 theo kế hoạch, đồng thời mở rộng triển khai tiêm tại Hà Nội và tỉnh Gia Lai. Trong đợt tổ chức triển khai tiêm vaccine trong cả nước lần này Bộ Y tế đã phân cho tỉnh Hải Dương 33.000 liều vaccine COVID - 19, cao nhất trong 13 tỉnh, thành phố. Đồng thời cũng lựa chọn Hải Dương làm điểm phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID - 19, thực hiện triển khai tiêm đầu tiên.
Đợt tiêm vaccine phòng COVID - 19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước. Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm vaccine phòng COVID - 19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 52 - 21